Những chiến công mang dấu ấn lịch sử của Lực lượng An ninh Việt Nam

Ngày 12/7/1946, lực lượng An ninh Việt Nam đã phá vụ án phản động ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đập tan âm mưu bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng mới được thành lập. Đây là một mốc son sáng chói, ghi nhận chiến công hiển hách của lực lượng An ninh Việt Nam. Chính vì vậy, ngày 12/7 hàng năm đã được chọn là Ngày truyền thống của Lực lượng An ninh Nhân dân.

Nhân dịp kỉ niệm ngày lễ đặc biệt này trong tháng 7, Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới bạn đọc về cuộc đấu tranh chống gián điệp biệt kích của lực lượng An ninh và nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ, để mỗi người chúng ta biết thêm về những chiến công và tự hào về Lực lượng An ninh Việt Nam.

***

Trong giai đoạn Mỹ sử dụng tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc là lúc chúng ta vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Hiệp định Genève năm 1954 đã chia Việt Nam làm hai miền, miền Bắc là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, miền Nam là Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Đây cũng là một thời điểm thay đổi đối tượng xâm lược Việt Nam, chuyển từ đế quốc Pháp sang đế quốc Mỹ. Mỹ dựng chính quyền Bảo Đại và Ngô Đình Diệm để chiếm miền Nam, Mỹ hất cẳng Pháp cũng trong giai đoạn này, cho nên biệt kích hoạt động giai đoạn này gọi là gián điệp biệt kích Mỹ. Khi chúng ta nghiên cứu về biệt kích, là nghiên cứu chủ trương của nhà nước Mỹ và Tổng thống Mỹ trong kế hoạch chống phá ngầm. Kế hoạch này không phải chỉ hoạt động đối với Việt Nam, mà với nhiều nước trên thế giới. Sau Chiến tranh thế giới Thứ hai, các đời Tổng thống Mỹ đều có kế hoạch bí mật chống phá những nước mà Mỹ cho là thù địch. Cho nên việc tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc là chủ trương của Tổng thống Hoa Kỳ, quân đội Mỹ và CIA chỉ là lực lượng thực hiện. Đầu tiên là Tổng thống Eisenhower, sau đó là Tổng thống Kennedy đã có chủ trương tung gián điệp biệt kích vào miền Bắc Việt Nam, kế hoạch này không chỉ của Diệm và CIA – đây chỉ là đơn vị thực hiện.

Nói về biệt kích, trước hết cần phải biết biệt kích có từ bao giờ? Qua các vụ án gián điệp, chúng ta thấy những tính toán của Mỹ là nhanh chóng cài được lực lượng ngầm ở miền Bắc để chống phá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà nước do Đảng Cộng sản và Bác Hồ lãnh đạo. Họ muốn biến Việt Nam thành nước đệm, hoặc một nhà nước Cộng hòa hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, hay nói cách khác là nhà nước này phải do Mỹ lãnh đạo. Cho nên một trong những mục tiêu chống phá là làm thay đổi hoặc làm sụp đổ chế độ ở miền Bắc. Cách làm của Mỹ là hoạt động ngầm đi trước một bước. Trong khi chưa đổ quân vào miền Nam, thì lực lượng biệt kích được tiến hành trước một bước. Ngay khi Hiệp định Genève được thi hành ở Việt Nam, thì Tổng thống Mỹ Kennedy điều Edward Lansdale, một sĩ quan cao cấp của CIA cùng với Lucien Conein, một điệp viên chuyên làm nhiệm vụ huấn luyện gián điệp biệt kích của Mỹ thực hiện kế hoạch xâm nhập vào các nước Trung Đông, Đông Âu sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, để thực hiện kế hoạch chống phá ngầm, hoặc lật đổ chính phủ của các nước không thân thiện với Chính phủ Mỹ. Như vậy, nhóm chỉ huy tình báo Mỹ đến Việt Nam để tiếp tục thực hiện âm mưu đó. Họ đã sớm có mặt tại Hà Nội, nằm ở đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ để tiến hành các hoạt động gián điệp.

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tại một cuộc họp báo vào tháng 3/1961. Ảnh: AP

Năm 1954 thi hành hiệp định Genève có giai đoạn tập kết 300 ngày để hai bên chuyển quân. Phía cách mạng chuyển từ miền Nam ra miền Bắc và đồng thời quân Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa chuyển từ miền Bắc vào miền Nam. Tận dụng độ trễ về thời gian giao thời này, CIA thực hiện cài điệp viên hoạt động ở miền Bắc trong suốt thời gian như thế từ năm 1954 đến năm 1964. CIA tiến hành kế hoạch cài điệp viên ở lại miền Bắc Việt Nam trước khi quân Pháp rút vào Nam, song phần lớn đã di cư vào miền Nam được CIA tuyển dụng để đánh ra miền Bắc. CIA tuyển điệp viên hướng vào hai đảng, một là đảng Đại Việt, số người của đảng này còn ở miền Bắc, trong đó có Trần Minh Châu (tức Cập) và cùng 12 người khác. CIA đưa số điệp viên này sang đảo Saipan (Nhật Bản) để huấn luyện. Cuối năm 1954, CIA đã đưa nhóm điệp viên này về bố trí nằm vùng ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng.

Ở miền Nam, nhóm quân sự Mỹ và CIA đã tuyển những người là đảng viên Quốc dân Đảng, đứng đầu nhóm này tên là Hào và cùng với 18 người nữa và cũng được CIA đưa sang đảo Saipan huấn luận như số điệp viên đảng Đại Việt. Như vậy là trong thời gian tập kết 300 ngày, tình báo và nhóm quân đội Mỹ đã tuyển chọn 2 nhóm điệp viên là đảng viên Quốc dân Đảng và Đại Việt để huấn luyện, bí mật cài lại ở miền Bắc nước ta. CIA đã trang bị cho các nhóm điệp viên này nhiều loại vũ khí gọn nhẹ và điện đài, sau này phá án ta thu được trên 7 tấn vũ khí, chất nổ, điện đài. Số vũ khí này được CIA vận chuyển bằng máy bay của CIA và tàu thủy đến sân bay Cát Bi và cảng Hải Phòng. Nhóm điệp viên Quốc dân Đảng CIA bố trí ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Phòng.

Như thế, ngay từ khi bắt đầu thi hành hiệp định Genève, chúng ta đã phải đối phó với hoạt động gián điệp của CIA, ta gọi là gián điệp cài lại, nhiệm vụ của các điệp viên này là phá hoại hậu phương chúng ta. Theo tài liệu được lưu trữ lại thì năm 1955, cơ quan An ninh đã lập án nhóm điệp viên Đại Việt, đến 1958 đã phá án, nhóm điệp viên Đại Việt đã bị vô hiệu hóa, bị bắt gọn. Cơ quan phản gián đã thu toàn bộ các vũ khí, điện đài chúng chôn giấu ở nhà các điệp viên. Do còn giữ được bí mật nên cơ quan phản gián đã sử dụng một số trường hợp đánh trả lại CIA. Như vậy, ngay từ năm 1958 chúng ta đã dùng địch để đánh lại địch. Tất nhiên câu chuyện này diễn biến hết sức sinh động, nhưng ta nói gọn lại như vậy, sự việc vẫn còn lưu ở hồ sơ. Đến năm 1964, cơ quan phản gián lại phá án nhóm điệp viên Quốc dân Đảng ở địa bàn Hà Nội, Hải Phòng… do tên Hào cầm đầu, thu toàn bộ vũ khí chúng chôn giấu dưới nhà điệp viên và ở một nghĩa địa Hải Phòng. Thời điểm đó đã đưa xử một số tên để lên án âm mưu và hoạt động của Mỹ, một số trường hợp còn giữ được bí mật thì cơ quan an ninh sử dụng vào công tác nghiên cứu về địch, làm rõ những tính toán của Mỹ đối với miền Bắc nước ta.

Như vậy qua phá các vụ án gián điệp, chúng ta đã có kiến thức về CIA và đã hiểu rõ mưu đồ cùng những phương thức hoạt động phá hoại của gián điệp Mỹ. Sau năm 1954, chính quyền Diệm cai trị ở miền Nam cũng là lúc cố vấn quân sự và tình báo Mỹ tăng cường hoạt động ở miền Nam Việt Nam. Ngoài hoạt động cố vấn cho chính quyền Diệm tiêu diệt lực lượng cách mạng, các nhóm cố vấn Mỹ đã lập ra các tổ chức an ninh tình báo chuyên nghiên cứu kế hoạch tung lực lượng biệt kích ra miền Bắc. Có thể kết luận từ năm 1961 đến 1964 là thời kỳ cao điểm đối phó chống gián điệp biệt kích ở miền Bắc.

Theo Bộ Công an tổng kết có khoảng gần 20 toán biệt kích tung ra miền Bắc vào thời kỳ đó và mỗi toán từ 5 đến 10 biệt kích. CIA đã tuyển biệt kích từ những nhóm người nào? Ngoài các thành viên của các tổ chức phản động, các nhóm biệt kích tuyển dụng vào năm 1961 – 1964 đều hướng vào những người theo đạo Thiên Chúa ở miền Bắc di cư vào Nam hoặc những người dân tộc thiểu số gồm người Thái, Mông ở Tây Bắc đã hoạt động phỉ thời Pháp ở Đồng Văn, người Nùng ở vùng Lạng Sơn và Quảng Ninh. Một vài trường hợp CIA tuyển số cán bộ cách mạng phản bội chạy vào Nam qua giới tuyến 17 (như ông Chuyên ở Quảng Ninh). Mục tiêu của CIA là tung biệt kích vào các vùng hậu phương của ta để tiến hành các hoạt động phá hoại, với nhiệm vụ cụ thể là thu thập tin tức quân sự, ám sát cán bộ, đặt mìn phá hoại các cây cầu, phá hoại các công trình kinh tế. Mục tiêu của CIA là rất rõ như vậy.

Địa điểm xâm nhập của các nhóm gián điệp biệt kích do CIA đưa ra miền Bắc năm 1961 (ghi chữ DIDO, CASTOR, ECHO trên bản đồ)

Theo trao đổi của các cán bộ an ninh đi trước và các tài liệu còn ghi lại (như phần trên đã nói), qua trò chơi nghiệp vụ, chúng ta đã nắm rất rõ mưu đồ, tính toán của CIA. Khi toán thứ nhất xâm nhập, qua vĩ tuyến 17 và đường biển, chúng ta đã phát hiện và bắt được một số nhóm biệt kích, từ đó khai thác và biết được phương thức và mưu đồ tính toán của CIA và biết được chúng xuất phát từ đâu, hướng vào những vùng nào, những địa điểm nào và bằng phương thức nào. Ta rút ra có ba phương thức xâm nhập, một là xâm nhập qua giới tuyến, hai là xâm nhập đường biển, ba là đường hàng không. Qua thông tin khai thác biệt kích, lực lượng an ninh đã lập phương án để đón bắt và tiêu diệt bọn biệt kích. Khó khăn nhất đối với các nhóm biệt kích là xâm nhập bằng máy bay, lại vào sâu trong nội địa, và vào những vùng đất mà họ không có cơ sở sẵn. Trong khi hệ thống an ninh đối phó với gián điệp biệt kích đã được giăng sẵn, bao gồm các đơn vị công an vũ trang thuộc Bộ Công an, lực lượng dân quân ở tại chỗ và huy động lực lượng quần chúng dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công an các tỉnh. Toàn bộ chiến dịch chống biệt kích đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và các Thứ trưởng Bộ Công an. Tác chiến cụ thể là các cán bộ chỉ huy Cục phản gián ở Bộ và địa phương. Vì vậy, ta đã biết trước được địch qua nguồn tin khai thác những toán biệt kích đã bị khống chế nhưng vẫn giữ được bí mật với đối phương, cụ thể là Trung tâm Chỉ huy biệt kích mang tên Văn phòng 45 trực thuộc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn. Trung tâm này vẫn tin rằng số biệt kích tung ra Bắc vẫn đang hoạt động, nhưng họ đâu biết mọi hoạt động của các nhóm biệt kích đã bị cơ quan an ninh của ta điều khiển. Để củng cố niềm tin cho trung tâm, cơ quan phản gián của ta đã tạo ra vụ nổ cầu Tà Vài nằm trên quốc lộ 6, thông tin này được báo về cho Văn phòng 45 ở Sài Gòn, khiến cho những người chỉ huy của CIA rất tin vào các nhóm biệt kích ở miền Bắc. Từ đó, CIA tiếp tục tung biệt kích ra Bắc theo kế hoạch giăng bẫy của ta. Có nhóm vừa chạm dù xuống đất đã bị bắt, ta đã cài địch vào thế trận mà phản gián đã bày sẵn, nên không tên nào thoát được. Có một số toán bị truy đuổi đã chạy sang Lào nhưng rồi cũng phải quay lại đầu thú. Cho nên toàn bộ các toán biệt kích xâm nhập vào miền Bắc trong suốt từ năm 1961 đến năm 1964 kể cả một số chuyến tiếp tế bằng thả dù đều nằm trong kế hoạch của ta, nghĩa là do các cán bộ an ninh ở Bộ Công an lúc ấy tạo dựng được thế trận phản gián rất có hiệu quả. Hồ sơ vụ ông Chuyên ở Quảng Ninh thể hiện rất rõ điều này. Ông Chuyên là một trong số điệp viên CIA cho xâm nhập ở Quảng Ninh từ năm 1961, mà mãi sau này giải phóng miền Nam, CIA mới biết rằng ông ta bị cơ quan phản gián khống chế đưa trung tâm chỉ huy của CIA vào bẫy của an ninh.

Phạm Chuyên (trái), một trong số các điệp viên CIA cho xâm nhập ở Quảng Ninh năm 1961 nhưng đã bị cơ quan phản gián của ta khống chế, trong một phiên liên lạc với “Tổng bộ” tại Sài Gòn. Ảnh: báo CAND

Từ đây, chúng ta thấy rằng các toán biệt kích xâm nhập vào Miền Bắc thực hiện mưu đồ phá hoại là nằm trong tính toán của Tổng thống Mỹ, của CIA, nhưng đã vấp phải sự tính toán đáp trả của cơ quan phản gián Việt Nam. Duy nhất có một vụ một toán biệt kích xâm nhập vào sông Gianh, đặt được mìn và gây nổ, gây thiệt hại nhẹ một tàu của hải quân của ta và sau đó đã trốn thoát vào Nam, còn nói chung đều thất bại.

Như vậy, vì sao kế hoạch biệt kích bị thất bại? Thứ nhất, ta đã hoàn toàn chủ động, do cơ quan phản gián đã nắm chắc được mưu đồ, kế hoạch của địch. Thứ hai phải nói rằng, chúng ta có được lực lượng nòng cốt là An ninh, Công an vũ trang. Một lực lượng rất quan trọng là có nhân dân tham gia, tất cả những nơi truy bắt biệt kích đều có dân tham gia, dân đã được phổ biến của Bộ Công an về các tín hiệu của máy bay, các địa điểm, các khu vực thả biệt kích. Thậm chí còn cụ thể biệt kích xâm nhập vào giờ nào, nên dân rất chú ý nghe tiếng máy bay lạ. Khi phát hiện điều này, chính quyền xã, thôn đã huy động lực lượng đón bắt biệt kích. Vấn đề thứ ba là nghệ thuật đánh địch của cơ quan phản gián, việc trò chơi nghiệp vụ chỉ được thực hiện ở những cơ quan phản gián quốc gia mạnh, đây là cuộc đối đầu mang tính chất quốc tế, chỉ khi đạt đến trình độ cao mới tạo ra các tình huống đưa đối phương vào bẫy. Đây là điều khiến chúng ta lấy làm tự hào và chính đó là bài học về sau này cơ quan an ninh của ta vẫn áp dụng cách sử dụng trò chơi nghiệp vụ với tình báo đối phương ở các tình huống nghiệp vụ khác rất có kết quả.

Đánh giá thắng lợi thế nào? Trước hết phải nói rằng hầu hết các toán biệt kích tung ra miền Bắc đều bị sa lưới của cơ quan phản gián Việt Nam. Thứ hai là phá được âm mưu của Tổng thống Kennedy và cơ quan tình báo Mỹ, của chính quyền Sài Gòn về chiến dịch chống phá hậu phương chúng ta. Họ đã hoàn toàn bị thất bại, không gây ra một thiệt hại gì đáng kể. Thắng lợi đó đã góp phần giữ vững an ninh ở miền Bắc. Mưu đồ của CIA trong âm mưu tung biệt kích là rất lớn, định gây bạo loạn vùng Tây Bắc, nhưng tất cả âm mưu đó đều thất bại. Và sau này nếu chúng ta đọc tập hồi ký của Frank Snepp, nhân viên CIA, viết về gián điệp biệt kích thì đó là một sự cay đắng đối với Mỹ. Điều lý thú hơn là CIA phải tự giấu mình – không phải do họ không biết hoàn toàn về cơ quan phản gián và khống chế điệp viên. Họ biết, nhưng vì thành tích cho nên không dám nói sự thật, vì nếu giữ được như thế họ vẫn được cung cấp tiền, vẫn được lương bổng, vẫn được thưởng. Qua bài tự thuật của các tác giả Mỹ, CIA đã phân tích, họ đã biết nhiều điệp viên đã bị an ninh khống chế rồi, mãi sau này họ mới nói điều đó.

Đây là một chiến công rất to lớn, phải nói là trong giai đoạn đầu của cách mạng chuyển từ chống Pháp sang chống Mỹ thì đây là thắng lợi to lớn đầu tiên của lực lượng công an nói chung và lực lượng an ninh nói riêng, trong đó có công an nhân dân vũ trang. Thế hệ công an ngày nay cần phải ghi vào lịch sử của đất nước. Như vậy là ngay từ khi Mỹ vào Việt Nam, Mỹ đã không chấp nhận Hiệp định Genève nhưng Mỹ tận dụng thời gian tập kết 300 ngày để cài cắm điệp viên, thường gọi là gián điệp ẩn nấp. Đây là vụ gián điệp rất lớn. Đối phó thắng lợi với các vụ biệt kích do tình báo Mỹ chỉ huy mà giành được thắng lợi là đạt được đến đỉnh cao của trình độ của lực lượng an ninh Việt Nam.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN