Năm 2020 đi qua đã để lại trong lòng mỗi người dân Việt Nam nhiều cung bậc cảm xúc. Trong nhiều năm gần đây, chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn thử thách đến như vây, nhưng cũng chưa bao giờ những giá trị của đất nước và con người Việt Nam lại được phát huy cao độ đến như thế để vượt qua muôn trùng gian khó, định vị rõ nét hình ảnh đất nước trên bản đồ thế giới, để mỗi người dân Việt Nam tự hào và tin yêu hơn về Tổ quốc của mình. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và hiệu quả của Đảng và Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự năng động sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và sự hưởng ứng của nhân nhân, với phương châm vừa phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội, Việt Nam đã đạt được những thành quả rất quan trọng để chuẩn bị bước vào thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Tạp chí Phương Đông xin điểm lại những dấu ấn nổi bật của đất nước năm 2020 và những khó khăn thách thức đặt ra cần phải vượt qua trong những năm tiếp theo.

Những dấu ấn nổi bật

1. Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện sớm khôi phục kinh tế. 3 đợt bùng phát dịch COVID-19 (tháng 3, tháng 7 và tháng 11/2020) đã ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế xã hội trong nước. Tuy vậy, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ, đồng lòng, chấp hành nghiêm túc của người dân, 3 đợt dịch bệnh đã nhanh chóng được kiểm soát. Đóng góp vào thành công này không thể không nói đến những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ và những người phục vụ của ngành y tế, cán bộ chiến sĩ quân đội, cộng an và chính quyền địa phương các cấp trong công tác phòng chống, khoanh vùng, truy vết, chữa trị, cách ly cũng như tham mưu cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thành công của Việt Nam trong phòng chống Covit 19 được quốc tế đánh giá cao và trở thành điểm sáng trong bức tranh xám màu ở nhiều nơi trên thế giới.

2. Ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP 2,5%, duy trì lạm phát ở mức thấp, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được tăng trưởng dương năm 2020. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đưa ra nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam hậu Covid-19, trong đó nhấn mạnh, dù trong thời điểm khó khăn hiện nay, nền kinh tế vẫn có sức bật tương đối tốt. Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia với 336,3 tỷ USD. GDP của Việt Nam sẽ vượt qua Philipin ngay trong một vài năm tới và chỉ đứng sau Indonesia va Thái Lan.

3. Xuất nhập khẩu vẫn duy trì được tăng trưởng, xuất siêu kỉ lục. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2020 vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 73 tỷ USD, tăng 1,6%; có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Đây là mức xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay của việt Nam.

4. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng chung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Mặc dù chịu tác động kép (xuất khẩu nông – thủy sản khó khăn đầu ra – nhất là sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU và thiên tai khắc nghiệt, hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL) song ngành nông nghiệp đã có sự phục hồi tích cực, tăng 1,84% trong 11 tháng đầu năm. Tuy thấp hơn mức tăng 2,02% của cùng kỳ năm 2019 song cải thiện so với mức tăng 1,19% của 6 tháng đầu năm. Trong bối cảnh các động lực chính của nền kinh tế là công nghiệp – xây dựng, dịch vụ chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, khu vực nông nghiệp là bệ đỡ vững chắc cho tăng trưởng nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

5. Năm 2020, trong bối cảnh Covit 19, lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số đã được thúc đẩy mạnh mẽ, làm thay đổi cách thức làm việc, mua bán, giáo dục, giao tiếp…, c huyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, tạo ra thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, người dân, mọi lĩnh vực và mang đến cơ hội cho những nước đi sau như Việt Nam. Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G. Hai doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước là Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Vingroup, sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở (Open RAN). Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã trở thành động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, đánh dấu sự chuyển đổi từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số. Chuyển đổi số quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là phương thức để nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, cải cách hành chính, đổi mới thể chế chính sách, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ công, nâng cao chất lượng cuộc sống.

6. Hoạt động đối ngoại đạt được những thành tựu nổi bật khi Việt Nam thể hiện vai trò kép của mình trên bình diện ngoại giao đa phương cả trong khu vực và trên thế giới. Trong vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã có đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hòa bình an ninh; mong muốn đóng góp vào các nỗ lực như giải quyết vấn đề sau xung đột, vấn đề phụ nữ trẻ em trong xung đột hay xử lý bom mìn…, dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Với thông điệp “Gắn kết và chủ động thích ứng” Việt Nam đã làm tốt vai trò Chủ tịch trong việc củng cố khối đoàn kết và nâng cao năng lực của ASEAN để thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh Covit 19, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…, đồng thời nâng cao khả năng tận dụng các cơ hội và hạn chế những thách thức do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

7. Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng và đạt được những thành tựu thực chất hơn. Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU bắt đầu có hiệu lực đã được Việt Nam tận dụng có hiệu quả với một loạt mặt hàng, nhất là nông sản, dệt may, đồ gỗ đã gia tăng số lượng xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Năm 2020, trong vai trò Chủ tịch Asean, Việt Nam đã chủ trì việc kí kết Hiệp định Thương mại RCEP giữa 10 nước Asean với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Newzeland. Đây là Hiệp định thương mại tư do có qui mô lớn nhất thế giới cho đến nay. Cùng với nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện đã giúp Việt Nam tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Cùng với những sự kiện trên, Việt Nam cũng trở thành điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong dòng chảy chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Bất chấp đại dịch Covid 19, số dự án FDI vào việt Nam vẫn đạt gần 25 tỉ USD.

8. Công tác phòng chống, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lụt đã thể hiện trách nhiệm, ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó và tình yêu thương đoàn kết của con người Việt Nam hơn bao giờ hết. Năm 2020, Việt Nam phải hứng chịu hàng loạt cơn bão lớn gây lũ lụt kéo dài, sạt lở đất ở nhiều địa phương gây nên những thiệt hại nặng nề về người và tài sản chưa từng có. Trước những khó khăn mất mát đó, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp đã quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, không để người dân bị cô lập đói khát, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, toàn dân cùng chung tay chia sẻ hỗ trợ đồng bào khó khăn với tinh thần “Thương người như thể thương thân”. Các chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ và Công an nhân nhân đã thể hiện tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” quên mình để cứu nạn, giúp đỡ đồng bào trong hoạn nạn, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tính mạng trên đường thực hiện nhiệm vụ. Trong thiên tai bão lũ, đã sáng lên những giá trị văn hóa và tinh thần Việt Nam, thể hiện bản lĩnh, sức mạnh của tình yêu thương, sự đoàn kết, chia sẻ, cùng nhau vượt lên trong gian khó.

9. Công tác phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy đạt được nhiều kết quả tích cực, triệt phá được nhiều băng những giá trị và của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chủ động phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn; hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet, tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, qua đó, đã bảo đảm an ninh quốc gia, ổn định chính trị, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước.

10. Việt Nam nhận được nhiều Giải thưởng quốc tế có uy tín, nhiều thương hiệu quốc gia được tôn vinh. Ngay trong giai đoạn đầy khó khăn thách thức bởi thiên tai dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn có sự phát triển bứt phá, gia tăng giá trị và khẳng đinh thương hiệu trong nước và quốc tế, trong đó 10 thương hiệu doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã được tôn vinh gồm: Viettel, Vinamilk, VNPT, Sabeco, Vinhomes, Mobifone, Masan Consumer, Vietcombank, FPT, Vincom Retail. Nhiều sản phẩm, thương hiệu của Việt Nam được quốc tế tôn vinh: Vượt qua nhiều giống gạo của Thái Lan, Campuchia, gạo ST25 của Việt Nam tiếp tục đoạt được giải thưởng “Á quân Gạo ngon nhất thế giới”; Việt Nam được bầu chọn là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Việt Nam giành giải thưởng ở những hạng mục điểm đến văn hóa, di sản, ẩm thực. Về giáo dục, Ngày 28/10, tại chí THE đã công bố có 3 trường Đại học ở Việt Nam có ngành lọt top thế giới là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam cũng là quốc gia có số người thuộc tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ, xuất hiện thêm nhiều tỉ phú Đô la, họ đang có những cống hiến và đóng góp to lớn cho đất nước trên hành trình trở thành quốc gia hùng cường.

Những khó khăn, thách thức

Thành quả và những dấu ấn đạt được năm 2020 có vai trò vô cùng quan trọng và là nền tảng để Việt Nam bước vào năm 2021, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 – 2030.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, năm 2021 và những năm tiếp theo, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi chúng ta cần nhận diện rõ và có cái nhìn thực tế, có phương châm và hành động phù hợp để khắc phục và vượt qua. Những khó khăn thách thức đó là:

1. Đại dịch Covit 19 vẫn đang hoành hành khắp nơi trên thế giới. Việt Nam đã tạm thời khống chế được dịch bệnh nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, với đường biên giới rất dài có nhiều cửa khẩu, các hoạt giao lưu kinh tế xã hội vẫn duy trì thường xuyên, nếu chủ quan lơ là mất cảnh giác thì dịch bệnh lập tức tái bùng phát gây đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, trong thời gian thế giới chưa kiểm soát được Covit 19 thì chuỗi cung ứng đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu ra cho sản phẩm vẫn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn rủi ro đòi hỏi chúng ta phải lường trước và có giải pháp xử lý chủ động, linh hoạt.

2. Biển Đông tiếp tục là điểm nóng trong khu vực, còn nhiều thách thức khó lường, tác động đến hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực, trong đó có các vấn đề nổi cộm như việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, cạnh tranh địa chính trị nước lớn và quân sự hóa Biển Đông làm tình hình thực địa tiếp tục diễn biến phức tạp, cản trở các tiến trình ngoại giao nhằm nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột giữa các nước, đe dọa chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia của Việt Nam. Chúng ta không thể lựa chọn đi với nước này hay nước kia, không để bị lôi kéo vào vòng xoáy xung đột mà phải kiên định tinh thần độc lập tự chủ, kiên quyết và mềm dẻo để bảo vệ chủ quyền và duy trì các hoạt động kinh tế xã hội trên vùng biển của Việt Nam.

3. Cùng với Biển Đông, vấn đề nguồn nước sông Mê Kông ngày càng trở nên phức tạp. Việt Nam là một trong những khu vực dễ “bị tổn thương” nhất trên thế giới, có nguy cơ cao nhất đối với các nguy cơ khí hậu như sự gia tăng nhiệt độ, hạn hán khắc nghiệt, nhất là sự khan hiếm nước ngọt và xâm nhập mặn. Thách thức lớn hơn mà Việt Nam đang đối mặt là việc xây dựng đập thủy điện và các dự án dẫn dòng nước đã gây ra thiệt hại nặng nề và không thể khắc phục được đối với Đồng bằng sông Cửu Long, tác động mạnh đến môi trường sống và nền nông nghiệp nước ta trước mắt cũng như lâu dài.

4. Thiên tai, biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực và ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của đất nước. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) do có bờ biển dài. Bởi vậy, đánh giá biến đổi khí hậu, và xây dựng các kế hoạch, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng thời của tất cả các cấp, các ngành, từ cấp quốc gia đến các thôn bản.

5. Ô nhiễm môi trường ở nước ta ngày càng trầm trọng đang đe dọa đến chất lượng sống của người dân cũng như những hoạt động kinh tế xã hội. Ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng về rác thải, nhất là chất thải nhựa, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất và ô nhiễm không khí. Nếu chúng ta không có chiến lược và các giải pháp đồng bộ với đầu tư cần thiết thì ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng trở thành nguy cơ thách thức đối với sự phát triển của đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

6. Các hiệp định thương mại tự do và dòng chảy vốn đầu tư FDI vào Việt Nam mang đến cho chúng ta những cơ hội lớn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên nếu không có chiến lược và chính sách, giải pháp phù hợp thì mặt trái của dòng chảy này sẽ tác động tiêu cực gây nên nhiều khó khăn cho chúng ta, nhất là việc lợi dụng Việt Nam làm cứ điểm để xuất khẩu sang các thị trường lớn; Việt Nam trở thành nơi tiếp nhận các dự án công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, giá trị gia tăng ít, không mang lại lợi ích. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua các yêu cầu bắt buộc về rào cản kỹ thuật như an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường,.. của EU. Các quy định này rất chặt chẽ, yêu cầu cao, do vậy, hàng hóa của Việt Nam phải duy trì chất lượng ổn định và hoàn thiện về qui cách để có thể vượt qua các rào cản này.

7. Tình hình tội phạm, nhất là tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo, nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích. Tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, “tín dụng đen”, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê, gắn với hành vi bắt giữ người trái pháp luật, tội phạm vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xu hướng lợi dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn ra nghiêm trọng. Tình trạng trên nếu không được ngăn chặn và xử lý kịp thời sẽ gây mất ổn định xã hội, gây nên tâm trạng lo lắng bất an cho người dân, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, an ninh quốc gia.

8. Công nghệ đã trở thành xu hướng, là phương tiện để phát triển kinh tế và mang lại sự thuận lợi trong giao tiếp xã hội nhưng cũng tạo ra mặt trái của nó. Sự xuất hiện ngày càng những nhiều hành vi trái với pháp luật, đạo lý và giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội như lừa đảo qua mạng xã hội; sống ảo, lấy mạng xã hội làm phương tiện khoe khoang, câu view bằng những lời nói, hành động giật gân để được nổi tiếng; cho vay nặng lãi qua mạng rồi siết nợ….Những hành vi trên không chỉ gây bất bình trong nhân dân mà còn làm xói mòn niềm tin vào sự tiến bộ của xã hội.

Có thể nói năm 2020 là năm thể hiện bản lĩnh, tinh thần và văn hóa Việt Nam, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những khó khăn thách thức nêu trên cũng rất cần được xem xét, xử lý một cách hiệu quả cùng với các chính sách và giải pháp phát triển kinh tế thì mới đảm bảo được sự phát triển cân bằng hài hòa, tiến bộ xã hội mới có thực chất.

Với những nền tảng và thành quả của hơn 30 năm Đổi mới, nhất là kết quả và kinh nghiệm có được trong năm 2020, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự năng động sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp cùng với tình yêu đất nước, sự đoàn kết chung tay của các tầng lớp nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng trên hành trình trở thành quốc gia hùng cường, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức./.

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC