Bán đảo Đài Loan nói riêng và khu vực biển Đông nói chung đang là điểm nóng trong mối quan hệ Mỹ – Trung và là điểm nóng quốc tế hiện nay.

Đài Loan và Biển Đông có vai trò quan trọng đặc biệt về địa chính trị ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nói cách khác, cuộc cạnh tranh địa chính trị ở khu vực này không thể không nhắc tới hai thực thể nói trên. Rộng hơn, toàn thể khu vực Đông Á nằm ở một vị trí tối quan trọng trong chiến lược phát triển của Mỹ và Trung Quốc. Trong chiến tranh lạnh, Mỹ đã kiên quyết giữ bằng được Hàn Quốc và lôi kéo Nhật Bản để tạo ra một vành đai liên minh mạnh ở khu vực này, trong đó Biển Đông của Việt Nam và bán đảo Đài Loan là hai khu vực nằm trong tính toán địa chiến lược sống còn của Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng coi đây là khu vực có lợi ích cốt lõi, sống còn của Trung Quốc. Điều này đã tạo ra cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới này.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày càng tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trước sự hậu thuẫn của Mỹ

Trước hết, nói về vai trò đặc biệt của Đài Loan, Mỹ cho rằng phải giữ bằng được Đài Loan, vì muốn nắm châu Á để cạnh tranh với Trung Quốc thì Đài Loan là căn cứ đặc biệt, nằm ngay sát đại lục. Từ Đài Loan có thể triển khai nhiều kế hoạch và quan sát được lãnh thổ Trung Quốc cũng như vùng biển Đông Bắc Á. Vị trí của Đài Loan có thể nối thông sang Nhật Bản và Hàn Quốc, từ đó nối tiếp sang chuỗi đảo Guam và Hawaii. Đài Loan cũng có thể nối thông ra Biển Đông, tạo thành một vành đai hàng hải quan trọng. Đây là vị trí tối quan yếu mà Mỹ không thể bỏ qua được. Biến Đài Loan thành hệ thống mang giá trị Mỹ, để tạo thế cân bằng chiến lược và kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên chính Mỹ đã tạo ra tình trạng Đài Loan như hiện nay. Từ năm 1972, để đổi lấy việc Trung Quốc cùng Mỹ chống Liên Xô, Mỹ đã chấp nhận chính sách một quốc gia, hai chế độ, trong đó coi Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc. Kể từ khi thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1979, Washington đã chỉ duy trì quan hệ “không chính thức” với Chính phủ Đài Loan. Mỹ thừa nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Nhưng thực tế Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ liên tục với Đài Loan, thông qua Học viện Mỹ ở Đài Loan, một cơ quan giống như sứ quán được thành lập theo Đạo luật quan hệ với Đài Loan vào năm 1979. Đạo luật này tuyên bố rằng quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc của Washington dựa trên sự mong đợi rằng tương lai của Đài Loan sẽ được định rõ bằng các biện pháp hòa bình. Đạo luật này tuy không phải là một hiệp ước an ninh chính thức, nhưng vẫn đủ cơ sở để Washington tiến hành can thiệp quân sự để hỗ trợ Đài Bắc trước các cuộc xung đột với Bắc Kinh. Trên thực tế, hàng thập kỷ vừa qua, qua nhiều đời Tổng thống Hoa Kỳ, cho dù chỉ có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, Mỹ vẫn duy trì quan hệ bán chính thức như một quốc gia với Đài Loan và thực hiện sự cam kết bán vũ khí mang tính chất phòng thủ cho Đài Loan, duy trì khả năng quân sự để chống lại nếu Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm Đài Loan.

Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hoa Kỳ có xu hướng thách thức chính sách “một Trung Quốc” và đã nâng cấp quan hệ chiến lược với Đài Loan. Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành Đạo luật đi lại Đài Loan, một đạo luật mang lại cho Tổng thống vỏ bọc chính trị nhằm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Đài Loan khiến Trung Quốc vô cùng tức giận. Luật này cho phép các quan chức Mỹ ở mọi cấp có thể tới Đài Loan để gặp những người đồng cấp Đài Loan và các quan chức cấp cao Đài Loan tới Mỹ để “gặp các quan chức Mỹ, bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng”. Bằng việc ký dự luật này, Trump đã phát đi tín hiệu tới Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ đang cân nhắc cho phép các cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ – Đài Loan theo kiểu thường dành cho các nước có quan hệ ngoại giao chính thức. Tháng 6/2020, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chúc mừng bà Thái Anh Văn được tái cử Tổng thống Đài Loan là một cử chỉ chưa có tiền lệ.

Mới nhất, vào cuối tháng 8/2020, Mỹ đã thiết lập cơ chế đối thoại kinh tế song phương mới với Đài Loan, đồng thời giải mật tài liệu liên quan đến “Sáu bảo đảm” từ thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan với nội dung sẽ bảo vệ lãnh thổ này. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương David Stilwell khẳng định các động thái của Mỹ không phải là sự thay đổi chính sách, nhưng là một phần của “chuỗi thay đổi đáng kể” trong chính sách “một Trung Quốc” của chính quyền Washington. Theo nhà ngoại giao này, chính quyền Mỹ cảm thấy cần phải đưa các điều chỉnh trong bối cảnh “các mối đe dọa ngày càng gia tăng đến từ Bắc Kinh đối với hòa bình và ổn định” tại khu vực trọng yếu này của thế giới. Mỹ cam đoan sẽ tiếp tục giúp đỡ Đài Loan trước chiến dịch của Trung Quốc nhằm “gây sức ép, hăm dọa và cô lập Đài Loan”.

Tàu chiến Mỹ định kỳ tuần tiễu qua eo biển Đài Loan

Vào ngày 23/11/2020, chuẩn Đô đốc Michael Studeman, Giám đốc tình báo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, đã có chuyến đi bí mật tới Đài Loan. Trước đó hai ngày, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry của Hải quân Mỹ cũng di chuyển qua eo biển Đài Loan và đây là lần thứ 12 trong năm nay một tàu chiến Mỹ có hoạt động như vậy. Trung bình cứ mỗi tháng một lần tàu chiến Mỹ di chuyển qua eo biển Đài Loan trong năm nay. Như vậy, những chuyến thăm cấp cao, các tàu tuần tiễu và những thương vụ bán vũ khí trị giá hàng tỉ đô la cho Đài Loan là những điểm nổi bật trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan dưới thời ông Trump.

Theo các bài bình luận quốc tế thì dưới thời chính quyền ông Biden, chính sách của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan cũng tương tự chính sách của Donald Trump. Ông Biden từ trước tới nay vẫn được cho là luôn ủng hộ Đài Loan, cả trong lúc làm Thượng nghị sĩ Mỹ và khi làm Phó Tổng thống. Ông Biden từng viết trên Twitter: “Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Đài Loan vẫn phải mạnh mẽ, theo nguyên tắc và từ lưỡng đảng”. Chính nội bộ Trung Quốc cũng cảnh báo vấn đề Đài Loan sẽ tiếp tục “nóng” giữa vòng xoáy căng thẳng Mỹ – Trung ngay cả khi Tổng thống Biden lên nắm quyền.

Đài Loan là “mắt thần” của Mỹ

Biển Đông liên quan chặt chẽ tới Đài Loan bởi trên đỉnh núi Lạc Sơn cao 2.500 mét ở phía Bắc Đài Loan, có công trình của Lực lượng Không quân Đài Loan. Đây là hệ thống radar phát hiện cảnh báo sớm hàng đầu thế giới, nằm trong hệ thống radar chiến lược cảnh báo sớm đã được Mỹ chấp thuận chuyển giao cho Đài Loan vào năm 2000. Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, hệ thống này giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa và quan trọng hơn, chia sẻ thông tin tình báo giữa Đài Loan và Hoa Kỳ thông qua hệ thống này.

Hệ thống radar biến Đài Loan trở thành con mắt của Mỹ để kìm chế hoạt động quân sự của Trung Quốc

Radar ở Đài Loan có thể phát hiện tên lửa phóng đi từ cách đó 5.000 km, có thể phát hiện và theo dõi chi tiết hành trình các tên lửa đang di chuyển ngay từ khoảng cách 2.000 km. Chu vi 2.000 km quanh núi Lạc Sơn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Vì có thể bắt tín hiệu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm tại Biển Đông nhắm vào Mỹ, hệ thống này sẽ cho phép Hoa Kỳ cơ hội đánh chặn tên lửa và phản công bằng kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mình.

Nếu hệ thống radar khổng lồ của Đài Loan không hoạt động, hoặc nếu dữ liệu không được chia sẻ kịp thời cho quân đội Mỹ, khả năng đánh chặn hoặc phản công của phía Mỹ có thể bị suy giảm đáng kể. Vì vậy, đối với Hoa Kỳ, hệ thống radar cảnh báo sớm của Đài Loan có thể trở thành con mắt của họ trên Biển Đông, và Hoa Kỳ sẽ tìm mọi cách bảo vệ con mắt này. Không có Đài Loan, Mỹ sẽ không đủ khả năng ngăn chặn hiệu quả các đợt tấn công của Trung Quốc, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc quá xa Biển Đông và quan hệ giữa Mỹ và Phillippines đang nguội dần. Điều này cũng lý giải tại sao Trung Quốc không từ bỏ Đài Loan và không thể chấp nhận bên cạnh Trung Quốc có một hệ thống như vậy của Mỹ.

Tại sao Mỹ lại lo ngại tiềm lực quân sự Trung Quốc ở Biển Đông?

Mỹ nhận rõ vai trò của Đài Loan cực kỳ quan trọng liên quan trực tiếp tới chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Đài Loan như là lá chắn tầm ảnh hưởng của Nhật, Hàn Quốc và Mỹ xuống phía Nam và Biển Đông. Mỹ nhìn nhận Trung Quốc trỗi dậy đang là mối đe dọa lớn của Mỹ, đặc biệt khi Trung Quốc công bố “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, lấn chiếm, cải tạo và quân sự hoá các đảo mà Trung Quốc chiếm trái phép. Mỹ đã thấy rõ tính toán chiến lược để tạo thế chủ động trong vùng biển này của Trung Quốc, biến các đảo thành pháo đài uy hiếp lực lượng Mỹ cũng như khống chế đường vận tải quốc tế. Đặc biệt nguy hiểm khi vào ngày 26/8/2020, Trung Quốc phóng bốn quả tên lửa đạn đạo về phía Biển Đông. Cả hai tên lửa DF-26B và DF-21D mà Trung Quốc sử dụng đều có bệ phóng di động. DF-26B có tầm bắn 4.000 km, có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền với đầu đạn hạt nhân hoặc phi hạt nhân. Nó được đặt cho cái tên “Sát thủ đảo Guam” vì tầm bắn có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam. DF-21D là tên lửa tầm trung với tầm bắn 1.800 km. Nó được gọi là “Sát thủ tàu sân bay” vì có khả năng đánh trúng các mục tiêu trên biển và tấn công hệ thống phòng vệ được trang bị cho các tàu chiến của Mỹ.

Tên lửa đạn đạo là có đầu đạn được trang bị cảm biến truy tìm các ​​mục tiêu là những vũ khí tối tân của Trung Quốc, thậm chí chưa có cường quốc phương Tây nào sở hữu thứ vũ khí này. Với việc Trung Quốc triển khai các loại tên lửa đạn đạo mới hơn, hiện đại hơn, có tầm bắn xa hơn, Hải quân Trung Quốc sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu của Hoa Kỳ từ các khu vực biển mà Trung Quốc nắm giữ. Tất cả các diễn biến này đặt nguy cơ lớn vào Mỹ.

Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 8/2020 cũng vừa công bố báo cáo “Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong đó nhấn mạnh: “Các căn cứ của Trung Quốc tại Biển Đông cùng lực lượng đồn trú hoạt động tại đó có thể giúp tạo ra pháo đài phòng ngự ở Biển Đông, phục vụ cho lực lượng tàu ngầm chiến lược mang đầu đạn hạt nhân đang nổi lên của nước này”.

Việc báo cáo của Quốc hội Mỹ nhấn mạnh đến hoạt động phát triển các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc vì nó đóng vai trò quan trọng trong vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân ở Biển Đông. Tàu ngầm với trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có thể thoát khỏi đòn tấn công phủ đầu của đối phương bằng cách lặn sâu dưới biển, và từ đó đảm bảo khả năng phản công. Thông tin cho biết Trung Quốc hiện đang vận hành sáu tàu ngầm như vậy ở các vùng biển mà Trung Quốc đang kiểm soát.

Các vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc có thể được chia thành ba khu vực: Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Độ sâu trung bình của Biển Hoàng Hải chỉ vào khoảng 50 mét. Biển Hoa Đông gần như sâu chưa tới 200 mét. Cả Biển Hoàng Hải lẫn Biển Hoa Đông đều không thích hợp để Trung Quốc triển khai các tàu ngầm trang bị tên lửa của mình.

Biển Đông có nhiều vùng có mực nước sâu 2.000 – 4.000 mét. Chính vì thế, Trung Quốc xây dựng căn cứ cho các tàu ngầm trang bị tên lửa tại vịnh Du Lâm trên đảo Hải Nam. Biển Đông trở thành nơi lý tưởng cho các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Đó là lý do Trung Quốc ráo riết xây dựng đường băng, hệ thống radar, thiết bị phòng không, bến cảng, cùng các trang thiết bị khác trên các đảo và đảo nhân tạo ở Biển Đông, những bước đi liên tục với mục tiêu biến vùng biển này thành ao nhà cho các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.

Việc triển khai tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo tầm bắn xa như vậy trên Biển Đông rõ ràng tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Hoa Kỳ, và Trung Quốc đang sở hữu con bài có sức mạnh răn đe, có khả năng tấn công lục địa nước Mỹ. Như vậy, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông sẽ ngày càng khốc liệt vì nó liên quan đặt chẽ tới an ninh quốc gia Mỹ. Đây là điểm cốt yếu khiến Mỹ không dễ lùi bước thỏa hiệp và Trung Quốc cũng kiên quyết thực hiện cho bằng được.

Như vậy, có thể thấy mối liên quan chặt chẽ giữa hai vấn đề tưởng như độc lập là Biển Đông và Đài Loan. Điều này lý giải cho những động thái liên tục gần đây của chính quyền Mỹ để củng cố sức mạnh tại hai khu vực này. Các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Hoa Kỳ rất quan ngại nên từ khi Trump lên cầm quyền đã áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn hơn nữa. Về mặt ngoại giao và pháp lý, Mỹ ủng hộ chủ quyền các nước, cùng các nước phản đối các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, ủng hộ kết luận của Toà án Trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Phillippines. Về mặt quân sự, chính quyền Trump đẩy mạnh tăng cường lực lượng quân sự ở vùng này, nhiều lần điều tàu chiến và các hạm đội tới Biển Đông, tiến hành rất nhiều các cuộc tập trận ở khu vực này. Về mặt kinh tế, Trump ra lệnh trừng phạt những công ty, doanh nghiệp của Trung Quốc tham gia vào việc san lấp, bồi đắp các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa chiếm của các nước trong đó có Việt Nam. Mỹ công khai đưa tàu chiến tới thăm các nước trong vùng, kêu gọi và nhanh chóng lập nhóm tình báo Năm Mắt Thần để giám sát các hoạt động Biển Đông. Chính sách xoay trục Ấn Độ – Thái Bình Dương, với cốt lõi là tăng cường lực lượng phối hợp quân sự giữa các nước cũng như việc vận động lập ra Bộ tứ Kim Cương cũng nhằm lên án, bao vây, kìm chế hoạt động quân sự Trung Quốc ở Biển Đông vì lợi ích của Mỹ. Các nước EU gần đây cũng tích cực ủng hộ quan điểm của Mỹ, phản đối Trung Quốc độc chiếm biển Đông và xác định quyền lợi của EU ở vùng địa chiến lược này.

Chỉ trong 4 năm, chính quyền Tổng thống Trump đã thúc đẩy và quan tâm ưu tiên đặc biệt tới vấn đề Biển Đông và Đài Loan. Cả hai vấn đề này như đã giải thích không thể tách rời nhau. Bán vũ khí Đài Loan và gia tăng sức mạnh ở Biển Đông sẽ tiếp tục vấn đề còn lâu dài, là xương sống trong quan hệ đối ngoại của Mỹ, dù chính quyền nào của Hoa Kỳ thì đây cũng là hai vấn đề trọng tâm trong chính sách của Hoa Kỳ.

Tất cả căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây đã đẩy tình hình tới mức nghiêm trọng. Nguy cơ xảy ra xung đột ngày càng tăng. Vấn đề Đài Loan nổi lên như một tiêu điểm. Trung Quốc tăng cường lực lượng quân sự công khai tuyên truyền gây áp lực và đe doạ sẽ giải quyết Đài Loan bằng quân sự. Về phía Đài Loan, bà Thái Anh Văn tuyên bố chủ quyền độc lập của Đài Loan, bác bỏ chủ trương “một nước, hai chế độ”, gia cường năng lực quốc phòng và tuyên bố sẵn sàng đánh trả nếu bị Trung Quốc tấn công. Mỹ cũng tuyên bố thách thức Trung Quốc và sẵn sàng đối đầu nếu Trung Quốc tấn công vào Đài Loan.

Trước tình hình căng thẳng đang diễn ra, vấn đề Đài Loan ngày càng leo thang. Để thể hiện quyết tâm của mình, Trung Quốc có thể sẽ dùng sức mạnh quân sự để chứng tỏ cho Đài Loan và Mỹ biết rằng Trung Quốc nói là làm. Với việc triển khai lực lượng quân sự của Trung Quốc hiện nay, rất có thể Trung Quốc sẽ tấn chiếm một hòn đảo nhỏ của Đài Loan như một phép thử với Đài Loan và Mỹ vào thời điểm Mỹ đang chuyển giao quyền lãnh đạo từ ông Trump sang ông Biden. Trong trường hợp này xảy ra, có thể Đài Loan chỉ đánh trả yếu ớt rồi rút lui để bảo toàn lực lượng và không để Trung Quốc tạo cớ đánh chiếm Đài Loan. Trong trường hợp này, Mỹ có thể chưa phát động cuộc chiến với Trung Quốc, có chăng lực lượng quân sự Mỹ chỉ hỗ trợ cho Đài Loan rút quân và kiềm chế chưa đến lúc tấn công Trung Quốc, không để xảy ra chiến tranh lớn. Đó là giải pháp khôn ngoan nhất tuy bề ngoài có vẻ yếu thế hơn. Tình huống trên đây chỉ là sự phỏng đoán có thể xảy ra còn thực tế rất phụ thuộc và sự tính toán của hai bên. Nếu Đài Loan lùi một bước để đẩy lùi chiến tranh lớn bảo toàn được lãnh thổ và lực lượng thì Đài Loan sẽ chịu một áp lực lớn từ trong nước cũng như ngoài nước, vai trò của Mỹ sẽ bị chỉ trích. Từ sau sự kiện này, đồng minh sẽ nghi ngờ vai trò của Mỹ còn Trung Quốc sẽ giành được lợi thế lớn về quân sự và chính trị. Trung Quốc sẽ tiếp tục có những tuyên bố và biện pháp mạnh mẽ hơn để gây áp lực đối với Đài Loan. Tuy nhiên mọi khả năng đều tuỳ thuộc vào sự tính toán của hai bên giải quyết vấn đề bằng bạo lực hay đàm phán hoà bình. Chúng ta cần theo dõi sát tình hình này và có phương án đối phó nếu có đụng độ về quân sự.■

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC