Cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra quyết liệt. Sau 6 tháng, Nga đã chiếm 1/5 lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky nói rằng Nga đã chiếm được hơn 2.600 thành phố, thị trấn và làng mạc của Ukraine. Theo các nhà quan sát thì vùng đất Nga chiếm và đang kiểm soát kéo dài từ phía Đông xuống phía Nam của Ukraine, nối liền với bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga năm 2014, đó là các tỉnh Luhansk, Donetsk, Kherson, Melitopol, Zaporizhzhia. Việc Nga kiểm soát được các tỉnh này mang ý nghĩa chiến lược, mở ra vùng đệm an ninh của nước Nga, đẩy Ukraine và EU ra xa biên giới của Nga.
Với ý nghĩa chiến lược của nó, các nhà quan sát cho rằng Nga sẽ chiếm lâu dài miền đất này, chia cắt Ukraine. Điều này trái ngược những điều Nga đã tuyên bố mở đầu chiến dịch quân sự vào Ukraine với mục tiêu phi quân sự hóa, phi phát xít hóa; đến nay không còn tin vào điều đó nữa. Thực tế Nga đã chiếm đất của Ukraine. Sau khi chiếm được dải đất này, các biện pháp an ninh được tăng cường chống các cuộc phản công của Ukraine. Nga đã có những bước đi rất chiến lược, tạo ra hành lang pháp lý về chủ quyền lãnh thổ, về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và truyền thông đối với những tỉnh do Nga kiểm soát. Các nhà quan sát cho rằng Nga đang từng bước “Nga hóa” Ukraine. Nhận xét này chưa hẳn là đúng, nhưng cũng không thể bác bỏ hoàn toàn khi các thông tin nhận được do các hãng truyền thông quốc tế đưa ra về những hoạt động của Nga:
Một là, Nga ủng hộ các tỉnh phía Đông và Đông Nam tuyên bố độc lập, tách khỏi Ukraine, ngoài Crimea, sau đó Luhansk, Donetsk, Kherson Nga đã ủng hộ độc lập. Nga hỗ trợ lập bộ máy chính quyền mới ở các tỉnh Nga mới kiểm soát, gồm những người thân Nga. Những người đứng đầu các tỉnh này có ý định tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9/2022 để tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga. Những người lãnh đạo thân Nga đã phá bỏ các biển báo của các thành phố, thay thế bằng các biển báo của Nga. Nga cũng thiết lập hệ thống truyền hình, truyền thông, điện thoại di động ở các tỉnh do Nga kiểm soát để phát nội dung tuyên truyền của Nhà nước Nga.
Hai là, Nga đã nhanh chóng công bố sắc lệnh cho người dân trên khắp đất nước Ukraine được đăng ký hộ chiếu Nga với thủ tục đơn giản và được đến Nga cư trú. Nga hỗ trợ hai tỉnh Kherson, Melitopol thành lập các văn phòng đăng ký dân sự; người của các tỉnh này có thể đăng ký trẻ sơ sinh “theo luật Nga”, lấy các giấy tờ khai sinh của Nga và nộp đơn xin trợ cấp.
Ba là về kinh tế: Quân đội Nga hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống người dân. Nga viện trợ tài chính, lương thực, thực phẩm và khôi phục điện nước cho các thành phố, mở lại các hoạt động dịch vụ, thương mại, y tế. Nga cho phát hành tiền Rúp của Nga thay cho đồng hryvnia của Ukraine. Ngân sách của các tỉnh do Nga kiểm soát, sử dụng đồng Rúp là chính, và mọi thanh toán giao dịch đều sử dụng đồng Rúp của Nga.
Vấn đề thứ tư là giáo dục: Song song với lĩnh vực thông tin truyền thông, Nga triển khai mạnh mẽ lĩnh vực giáo dục ở các tỉnh, thành phố do Nga kiểm soát. Nỗ lực này được vạch ra hướng tới làm thay đổi ý thức của người Ukraine về lịch sử quốc gia, thậm chí cả ngôn ngữ; theo phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục Nga Sergei Kravtsov: “Giáo dục của Ukraine bắt buộc phải được chỉnh sửa lại nhắm vào lớp trẻ em”.
Nga đưa ra thông báo tuyển giáo viên sang dạy học ở Ukraine vào ngày 6/7/2022. Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục Nga, ông Kravtsov đã bay đến Melitopol để đưa thông điệp về mở các trường giáo dục của Nga ở Ukraine. Ông nói với các nhà báo Nga: “Nhiệm vụ quan trọng là nói cho học sinh toàn trường về sự thật, sự thật về các dân tộc anh em của chúng ta”. Ông cũng nói về quyết tâm của Nga trong việc dạy cho trẻ em Ukraine về lịch sử của các quốc gia theo góc nhìn của người Nga. Nga sẽ ở lại khu vực này mãi mãi.
Sự thúc đẩy này diễn ra trong bối cảnh hệ thống giáo dục Nga đang tiến hành một cuộc đại tu lớn, phần lớn xuất phát từ các quan chức an ninh hàng đầu trong chính quyền ông Putin. Họ kêu gọi các trường học Nga cần xây dựng một thế hệ “yêu nước” mới. Sách giáo khoa lịch sử đang được sửa đổi để phản ánh quan điểm của ông Putin rằng Ukraine chưa bao giờ là một nhà nước thực sự.
Dự án giáo dục của Nga đang kết nối các thành phố của Nga với các thành phố, thị trấn Nga chiếm đóng ở Ukraine. Tháng 6/2022, Thống đốc St. Petersburg Alexander Beglov đã bay đến Mariupol, thành phố cảng của Ukraine để ký một thỏa thuận “thành phố sinh đôi” với các cơ quan chính quyền của tỉnh này. Ông này tuyên bố sẽ ghép các trường học của St. Petersburg với các trường ở Mariupol và khẳng định sẽ cử đội ngũ giáo viên và quan chức Chính phủ đến hỗ trợ.
Theo nguồn tin của Nga, gần 250 giáo viên, trong đó có 57 giáo viên đến từ nước Cộng hòa Dagestan ở miền Nam nước Nga đã đăng ký tới Ukraine. Các điểm đến của họ bao gồm các khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn như Luhansk, Donetsk, Zaporizhia và Kherson. Ông Kravtsov, Bộ trưởng Giáo dục Nga, nói rằng một “lữ đoàn” giáo viên thực tập đã đến Ukraine. Ông cũng nói các lô sách giáo khoa tiếng Nga, bao gồm cả sách ngôn ngữ và lịch sử, đã được chuyển đến Ukraine.
Theo nguồn tin từ Bộ Giáo dục Nga, bắt đầu từ tháng 9, các giáo viên Nga sẽ tổ chức các buổi học mới với tiêu đề “Cuộc trò chuyện về những điều quan trọng”. Những buổi học này phải tuân theo hướng dẫn của Chính phủ về những gì trẻ em nên học về cuộc chiến ở Ukraine và các sự kiện hiện tại – một cách tiếp cận gợi nhớ đến “thông tin chính trị” được tổ chức vào thời Liên Xô. Nếu theo hướng này, trẻ em Ukraine sẽ tin rằng Chính phủ Ukraine hiện nay được lập ra từ các thành viên phát xít để tấn công nước Nga.
Trong khi đang tiến hành cuộc chiến tranh ác liệt ở Ukraine, Nga cũng đang lặng lẽ triển khai kế hoạch phi chiến tranh để “Nga hóa Ukraine”, đó là bước đi rất chiến lược để chia cắt Ukraine.
Về phía Ukraine, ông Zelensky đã có những phản ứng gay gắt trước việc Nga công bố cấp hộ chiếu Nga cho công dân Ukraine. Để đáp lại hành động này của Nga, Ukraine sẽ cấp quy chế pháp lý đặc biệt cho công dân Ba Lan – ông Zelensky đã công bố ngày 22/5/2022 khi tiếp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Kiev. Ông Zelensky nói trước Quốc hội Ukraine “không nên có biên giới hay rào cản nào giữa chúng ta về mặt tinh thần; dân tộc Ukraine và Ba Lan đã không tách rời nhau từ lâu, do đó chúng tôi đã đồng ý biến điều này thành một thỏa thuận song phương thích hợp trong tương lai gần”. Trước đó, phát biểu tại Warsaw ngày 3/5/2022, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã bày tỏ hy vọng sẽ không có biên giới giữa Ba Lan và Ukraine trong tương lai. Hai quốc gia sẽ “sống cùng nhau trên mảnh đất này”. Đến nay vẫn chưa rõ về thỏa thuận giữa Ba Lan và Ukraine, về những đặc quyền công dân Ba Lan sẽ nhận được. Theo Sergey Nikiforov, Trợ lý của ông Zelensky, luật của Ba Lan sắp được thông qua sẽ hỗ trợ người dân tị nạn Ukraine; Luật này tạo ra sự bình đẳng giữa công dân Ukraine và công dân Ba Lan. Công dân Ukraine có thể ở lại Ba Lan tối đa 18 tháng và có đủ điều kiện làm việc ở Ba Lan khi đăng ký và xác nhận danh tính (Ba Lan đã chấp nhận 3,5 triệu người tị nạn Ukraine kể từ khi cuộc xung đột nổ ra ngày 24/2/2022).
Tình báo Nga đưa tin Ba Lan có kế hoạch giành quyền kiểm soát miền Tây Ukraine. Theo ông Sergey Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, cơ quan này đã thu được nội dung Ba Lan và Mỹ đang có kế hoạch giành quyền kiểm soát các khu vực thuộc Ukraine mà Warsaw coi là “thuộc Ba Lan theo lịch sử”. Hoạt động này sẽ được thực hiện mà không có sự ủy quyền của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chỉ có các quốc gia tình nguyện. Phát biểu ngày 28/4, ông Naryshkin cho biết, kế hoạch giai đoạn đầu của chiến dịch thống nhất sẽ chứng kiến “lực lượng gìn giữ hòa bình Ba Lan” được triển khai ở miền Tây Ukraine với lý do bảo vệ khu vực này khỏi quân đội Nga. Quân đội Ba Lan sẽ được triển khai ở các vùng của Ukraine nơi họ hầu như không có cơ hội giao tranh với lực lượng Nga. Quan chức Nga chỉ ra rằng kế hoạch này dường như là một nỗ lực nhằm lập lại thỏa thuận lịch sử được ký kết sau Thế chiến thứ nhất, trong đó các nước phương Tây chấp nhận quyền kiểm soát của Warsaw đối với một phần của Ukraine để bảo vệ người dân khỏi mối đe dọa, sau đó sáp nhập những khu vực này vào Ba Lan. Biên giới phía Tây Ukraine được vẽ lại lần cuối sau Thế chiến thứ 2 khi Ba Lan đồng ý chia khu vực Đông Galicia và phần lớn Volhynia nhập vào Ukraine, trong khi Ba Lan được bồi thường phần đất trước đó Đức chiếm vào tháng 8/1939.
Ba Lan, nước láng giềng ở phía Tây của Ukraine, là nước dẫn đầu những lời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Nga và kêu gọi NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại chiến dịch quân sự của Nga. Ba Lan được Mỹ và NATO lựa chọn là địa điểm tiếp nhận vũ khí của NATO để gửi vào Ukraine, và là địa điểm huấn luyện quân Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây sản xuất. Riêng Ba Lan công bố sẽ bán cho Ukraine lượng vũ khí trị giá 630 triệu USD để chống Nga. Đây được coi là thỏa thuận xuất khẩu trang bị quân sự lớn nhất của Warsaw trong 30 năm qua.
Trước những thông tin tình báo Nga đưa ra, phát ngôn viên của Cơ quan an ninh Ba Lan cáo buộc Nga đang tiến hành chiến dịch tung tin sai lệch chống lại Warsaw và gây ngờ vực mối quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine.
Đến nay, Nga chiếm được vùng đất phía Đông của Ukraine, cuộc chiến ở Ukraine đang ở thế giằng co, song đằng sau nó đã hé lộ những toan tính nhằm chia nát Ukraine của một số nước, trong đó một bên là Nga, một bên là Mỹ – Ba Lan và Ukraine. Nga thúc đẩy hành động “Nga hóa” ở phía Đông và Nam Ukraine, Mỹ và Ba Lan kiểm soát vùng phía Tây của Ukraine. Các nhà quan sát tình hình quốc tế cho rằng toan tính nói trên của hai phía dẫn đến kịch bản kết thúc cuộc chiến ở Ukraine và cũng là nội dung mặc cả của các nước lớn. Rất có thể kịch bản phân rã Nam Tư của thập kỷ 90 sẽ tái diễn ở Ukraine ngày nay. Gần đây, ông Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, đăng trên trang tin cá nhân cảnh báo biên giới của Ukraine sẽ chỉ là Kiev và vùng xung quanh, 7 tỉnh phía Tây do Ba Lan kiểm soát, 3 tỉnh phía Bắc do Hungary và Rumani kiểm soát. Tuy nhiên, điều đó có thể xảy ra hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó sự phân định thắng thua về quân sự ở cuộc chiến này sẽ là yếu tố quyết định. Thông tin này rất đáng chú ý vì nó phát ra từ Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga.
Các nhà quan sát cho rằng ông Zelensky với tư tưởng dân tộc cực đoan đã không ngăn được chiến tranh vào đất nước mình và rồi đây biên giới của Ukraine có còn như trước ngày 24/2 nữa không? Hãy chờ xem những diễn biến tiếp theo.■