Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 16 và Hội nghị mở rộng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tổ chức tại thành phố Kazan, Liên Bang Nga được coi là một trong những sự kiện đối ngoại lớn nhất của năm 2024. Đây là Thượng đỉnh đầu tiên của BRICS sau khi mở rộng, từ 5 thành viên lên 9 thành viên bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Hơn 20.000 đại biểu của 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có mặt tại Kazan để tham dự Hội nghị. Trong số 22 nguyên thủ quốc gia của các cường quốc và nước lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ còn có Thủ tướng chính phủ Việt Nam. Lãnh đạo của 6 tổ chức quốc tế trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã tham dự Hội nghị.
BRICS hiện chiếm gần 46% dân số thế giới, 36% GDP toàn cầu và 25% thương mại thế giới tính theo kim ngạch xuất khẩu. Hơn thế nữa, khối nước này còn quy tụ các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ và kiểm soát khoảng 42% lượng sản xuất dầu toàn cầu.
Thời gian qua thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ và gia tăng nhanh chóng số lượng các quốc gia bày tỏ nguyện vọng xin gia nhập hoặc tham gia vào các cơ chế của BRICS ở các mức độ khác nhau. Theo Tổng thống Nga Putin, con số đó là khoảng 34 quốc gia. Hàng chục quốc gia, trong đó có Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ (Thành viên NATO), Thái Lan, Azerbaijan, Serbia, Syria, Zimbabue, Burkina Faso… đã chính thức xin gia nhập BRICS.
Với sự tham gia của nhiều quốc gia từ châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, BRICS ngày càng trở thành một khối quyền lực đa cực thách thức sự kiểm soát và ảnh hưởng lâu dài của các cường quốc phương Tây.
Tập trung vào các mục tiêu dài hạn
Tại Thượng đỉnh lần thứ 16, các quốc gia thành viên đã thảo luận rất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc củng cố, tăng cường sức mạnh và sự phát triển của BRICS cũng như vai trò và sự quan tâm của BRICS đối với những vấn đề toàn cầu.
Tuyên bố chung Thượng đỉnh 2024 cho thấy tầm nhìn của BRICS là tập trung vào việc thúc đẩy và thực hiện các mục tiêu dài hạn nhằm “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng”:
– Trước hết, BRICS yêu cầu trao vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu cho các quốc gia đang phát triển cũng như kêu gọi sự tham gia tích cực và có ý nghĩa hơn của các nền kinh tế mới nổi cũng như các nước đang phát triển và kém phát triển, đặc biệt từ châu Phi, châu Mỹ Latinh và Caribe.
– Thứ hai, về lĩnh vực tài chính: Bên cạnh việc yêu cầu đổi mới cấu trúc tài chính quốc tế, BRICS đặc biệt nhấn mạnh đến việc sẽ tạo ra “cơ chế hợp tác liên ngân hàng BRICS (ICM), tập trung vào việc tạo điều kiện và mở rộng các phương thức, cách tiếp cận tài chính sáng tạo”. BRICS đã “thảo luận và nghiên cứu tính khả thi của việc thành lập một cơ sở hạ tầng thanh toán và lưu ký xuyên biên giới độc lập “BRICS Clear” với chi phí thấp hơn, hiệu quả, minh bạch, an toàn, tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch tài chính giữa các quốc gia BRICS và đối tác thương mại.
Trên thực tế, trong suốt hơn một thập kỷ qua, BRICS nuôi dưỡng ý tưởng về một giỏ đồng tiền chung của BRICS, tuy nhiên cho đến nay, chưa hình thành những bước đi cụ thể. Các quốc gia thành viên cũng xác định rằng đây là điều khó khả thi trong tương lai gần. Trong khi đó, đối diện với lệnh trừng phạt của Mỹ, nhu cầu về một hệ thống thanh toán tài chính riêng, phi đô hóa trong trao đổi nội khối BRICS càng trở nên cấp thiết khi các giao dịch về năng lượng tăng vượt bậc.
Như vậy, BRICS đang xây dựng một cơ chế tài chính hoàn chỉnh, tạo ra công cụ riêng cho một hệ thống tài chính độc lập, giúp “cải thiện hệ thống thanh toán, đưa thị trường tài chính của các quốc gia thành viên BRICS lại gần nhau hơn và tăng kim ngạch thương mại trong khối. Điều quan trọng nhất là hệ thống này thuận tiện, đơn giản, làm tăng giá trị đồng nội tệ và có thể tiết kiệm hàng triệu đô la theo tỷ giá hối đoái.
Thời gian qua hơn 90% khối lượng thanh toán của Nga và các đối tác trong khối Liên minh kinh tế Á – Âu (EEU) đã được giao dịch bằng đồng nội tệ. Kim ngạch thương mại Nga – Trung Quốc đã đạt 240 tỉ USD và 92% các giao dịch thanh toán được thực hiện bằng đồng Ruble và Nhân dân tệ.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán trong khối BRICS nằm trong quá trình phi đô la hóa và sự chuyển dịch phương thức thanh toán trên toàn thế giới, là một diễn biến cực kỳ quan trọng trong Hội nghị BRICS lần này.
Thứ ba là, đối với mục tiêu tăng cường củng cố, phát triển và mở rộng thể chế BRICS, Tuyên bố của Thượng đỉnh đã khẳng định sẽ xác định rõ các tiêu chí và quy định liên quan đến danh sách các quốc gia đối tác. Bên cạnh đó cũng hoan nghênh việc các nước tiếp tục quan tâm, xin gia nhập BRICS.
Tháng 6 vừa qua, BRICS tuyên bố tạm ngừng kết nạp thành viên mới để tạo điều kiện cho bốn thành viên mới hội nhập đầy đủ hơn. Tuy nhiên sẽ xem xét quy chế đối tác như một bước đệm cho việc trở thành thành viên chính thức.
Thứ tư là, về thương mại, lãnh đạo các nước BRICS đã đạt được đồng thuận về việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa các quốc gia thành viên. Tuyên bố khẳng định vai trò của các công cụ tiêu chuẩn hóa trong việc thúc đẩy thương mại và nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thuế để xây dựng một hệ thống thuế quốc tế tiên tiến, ổn định và hiệu quả hơn.
Trên thực tế, trao đổi thương mại nội khối giữa 5 thành viên trong giai đoạn 2017-2022 đã đạt 422 tỉ USD, tăng 56%. Thương mại giữa Nga – Trung Quốc, Nga – Ấn Độ và Nga – Brazil đã tăng đáng kể và đều được thanh toán bằng đồng nội tệ. Tổng kim ngạch thương mại song phương Nga – Ấn Độ đạt 66 tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử và cao gấp 5 lần so với thời kỳ trước khi Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine.
Ngoài ra, các nước BRICS cũng ủng hộ và nhất trí đối với sáng kiến “Sàn Giao dịch Ngũ cốc BRICS” do Nga đề xướng “như một nền tảng giao dịch ngũ cốc (hàng hóa) trong BRICS” và sẽ phát triển thêm, mở rộng sang các lĩnh vực nông nghiệp khác.
Với các cuộc xung đột hiện nay, BRICS kêu gọi ngừng bắn tại Gaza, yêu cầu Israel chấm dứt chiến dịch quân sự tại miền Nam Lebanon; ghi nhận các đề xuất về trung gian hòa giải nhằm đạt được giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và ngoại giao cho xung đột Nga – Ukraine.
Đối với việc phòng ngừa đại dịch trong tương lai, các nhà lãnh đạo ủng hộ các sáng kiến của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vaccine BRICS phát triển Hệ thống cảnh báo sớm tích hợp của BRICS để phòng ngừa các rủi ro về bệnh truyền nhiễm.
Lãnh đạo các nước BRICS cam kết tăng cường hợp tác để giảm khí thải nhà kính. Song, họ cũng cho rằng, các biện pháp khí hậu mà một số quốc gia áp đặt đơn phương lên các nước khác có thể gây bất lợi cho các nước thành viên.
Đặt nền tảng cho chiến lược và hợp tác toàn diện
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng với Thượng đỉnh 2024, BRICS đã đặt nền tảng cho những thảo luận chiến lược và hợp tác toàn diện giữa các quốc gia thành viên và mở ra những cơ hội mới, không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị và an ninh.
Thượng đỉnh 2024 tập trung nhiều vào vấn đề thanh toán nội khối và thành lập cơ chế thanh toán riêng. Có thể thấy rằng năm 2024, dưới sự thúc đẩy của Nga, Trung Quốc, BRICS đã rất nỗ lực, hình thành những bước đi tương đối cụ thể để thực hiện tham vọng phi đô la hóa và cải thiện hệ thống tiền tệ toàn cầu. Bản thân các thành viên đã đạt được nhiều thỏa thuận tiền tệ địa phương để đạt được quyền tự chủ tài chính lớn hơn, ví dụ giữa Nga và Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, hoặc với một số nước ASEAN.
Vấn đề mở rộng chưa đề cập cụ thể tuy đã thống nhất được tiêu chí cho các quốc gia “đối tác”, đại diện cho một cấp độ thấp hơn của các thành viên chính thức. Điều này cho thấy sự chưa đồng nhất về quan điểm giữa các quốc gia sáng lập. Ấn Độ, Brazil và Nam Phi không ủng hộ quan điểm coi BRICS là đối trọng của G7 và là mô hình chống phương Tây cũng như không ủng hộ mở rộng ồ ạt. Nga và Trung Quốc cũng có quan điểm khác nhau về việc kết nạp thành viên mới.
BRICS là một xu thế không thể đảo ngược
Trong bối cảnh thế giới bị chia rẽ nghiêm trọng và thay đổi nhanh chóng do các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông thì mức độ tham gia cao với đại diện từ bốn châu lục tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 đã phản ánh tầm quan trọng và ảnh hưởng toàn cầu, sức hấp dẫn và sự năng động ngày càng cao của BRICS trên trường quốc tế. Điều đó cho thấy:
1. Sự ra đời và phát triển của BRICS là một hình thái và một xu thế tất yếu, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của nhiều quốc gia bị Mỹ và phương Tây chèn ép, đặc biệt về kinh tế và thương mại. Các quốc gia đã từng là nạn nhân của những đòn trừng phạt của Mỹ đã nhận thức sâu sắc rằng không thể dựa hoàn toàn vào Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh đồng đô la đang bị cạnh tranh gay gắt. Việc lựa chọn tham gia vào hệ sinh thái của BRICS đồng nghĩa với việc sẽ tham gia vào một hình thái kinh tế mới, một xu thế mới, có khả năng giúp họ giải quyết các vấn đề của mình.
2. BRICS đang thực sự trở thành đối trọng mạnh mẽ, thách thức phương Tây. Đã có nhiều chỉ dấu cho thấy động cơ chính trị của khối nước này khi BRICS không chỉ tập trung vào lĩnh vực thương mại, kinh tế đơn thuần. BRICS đang tiến hành từng bước đi bài bản để thực hiện chiến lược “hạ bệ” siêu cường Mỹ, trước hết và bắt đầu, bằng tiến trình phi đô la hóa. Đây cũng chính là gót chân Asin của Mỹ và cũng là một nhân tố rất quan trọng giúp BRICS tập hợp được các nước đang phát triển xung quanh mình.
Cạnh tranh địa chính trị trên toàn cầu sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Thế giới sẽ chia thành hai phe và nhiều cực, dẫn đến tình trạng không ít quốc gia sẽ phải đứng trước sự lựa chọn phe hoặc chí ít cũng tách dần khỏi phương Tây:
Về mặt chính trị, BRICS sẽ có vai trò lớn hơn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu khi không dừng ở Nam Bán cầu mà có thể sẽ mở rộng sang cả EU hoặc NATO (Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO), châu Á (Thái Lan và Mã Lai, còn có thể thêm Indonesia) và sẽ có thêm nhiều thành viên ở châu Phi.
BRICS sẽ đại diện cho hơn 6 tỷ người sống trên thế giới mà không phải thành viên G7.
Về kinh tế, BRICS có thể làm suy yếu vị thế lãnh đạo của phương Tây khi trở thành một khối tập hợp các nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới, mang đến những lựa chọn kinh tế mới cho các nước Nam Bán cầu. Việc BRICS tạo ra cơ chế thanh toán riêng đã đánh dấu một sự xoay chuyển, một xu thế mới trong các giao dịch, đặc biệt trong thị trường năng lượng toàn cầu mà từ nhiều thập kỷ chỉ có đồng đô la thống trị.
Điều này sẽ đặt ra thách thức cho trật tự kinh tế thế giới. Với viễn cảnh đó, có thể thế giới sẽ hình thành hai khối kinh tế rõ rệt, cạnh tranh nhau. Sự phân chia này tất yếu sẽ tạo ra nhiều rào cản thương mại hơn, đồng thời làm gia tăng căng thẳng địa chính trị.
3. Hội nghị Thượng đỉnh 2024 đã khẳng định vai trò đầu tàu của nước Nga trong việc thúc đẩy sự kết nối giữa các nước thành viên cũ và mới cũng như những nỗ lực chủ động của Nga trong việc đề ra những sáng kiến và chiến lược dài hạn, phù hợp với sự phát triển của BRICS, đáp ứng lợi ích của các nước thành viên cũng như các nước đang phát triển.
Uy tín của Tổng thống Putin cũng như của nước Nga được nâng lên đáng kể trên trường quốc tế. Mặt khác, sự kiện này cũng chứng tỏ rằng chính sách chống Nga, bao vây và cô lập Nga của Mỹ và phương Tây là sai lầm và không được sự ủng hộ của nhiều nước đang phát triển.
4. Tuy nhiên những khó khăn mà BRICS sẽ phải đối diện và vượt qua cũng không hề nhỏ.
Một khi BRICS đã mở rộng tầm ảnh hưởng và sức hấp dẫn, có vai trò dẫn dắt và tập hợp quan trọng về mặt địa kinh tế, địa chiến lược và địa chính trị thì BRICS cũng sẽ trở thành “đối thủ” của Mỹ. Bản thân BRICS càng mạnh cũng sẽ chịu nhiều áp lực, phản đối và cả sự chống phá hơn.
Nhiều nhận xét cho rằng Mỹ và phương Tây đang bị đặt vào thế “không thể không có phản ứng”. Đặc biệt nếu cuộc chiến tại Ukraine thất bại thì BRICS thực sự sẽ là một đòn giáng vào Mỹ và phương Tây. Mỹ sẽ tăng cường củng cố hơn nữa các liên minh với nhiều quốc gia, như Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ và EU sẽ điều chỉnh chính sách, vươn mình sang châu Phi. Bên cạnh đó họ sẽ ra sức lôi kéo, tập hợp lực lượng, khai thác điểm yếu của BRICS hoặc tiến hành các cuộc chiến tranh kinh tế, thương mại, công nghệ cao chống lại BRICS.
Một thực tế nữa không thể phủ nhận đó là việc nhiều quốc gia xin gia nhập BRICS không phải với mục tiêu chống Mỹ và phương Tây, mà với họ, BRICS là một lựa chọn để đa dạng hóa đối tác, tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.
Đối với những thách thức đến từ nội tại BRICS có thể thấy rõ là bên cạnh sự phát triển kinh tế không đồng đều, sự quá khác biệt về mặt thể chế chính trị, sự bất đồng quan điểm trong quan hệ với Mỹ và phương Tây cũng như việc mở rộng ồ ạt thành viên, cơ chế kết nạp có phần lỏng lẻo, dễ vào thì cũng dễ tan cũng chính là những điểm trừ của BRICS.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đánh giá rằng bức tranh địa chính trị trong thời gian tới sẽ rất phức tạp bởi các cường quốc đều đang tìm cách tái định hình quyền lực toàn cầu.
Tuy nhiên cho dù có khó khăn, thách thức, thì chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng sự tập hợp lực lượng và phát triển không ngừng trong thời gian qua của BRICS báo trước sự xuất hiện và hình thành của một xu thế mới trong tất cả các lĩnh vực như kinh tế, tiền tệ, chính trị và xã hội. Nó chứng tỏ rằng BRICS là một xu thế không thể đảo ngược được của thế giới đa cực, hướng tới một trật tự toàn cầu mới, công bằng và tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Cùng với việc tham gia vào Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng, Việt Nam sẽ nghiên cứu các thông tin về quy chế nước đối tác của BRICS trên cơ sở phù hợp với lợi ích, điều kiện và khả năng của Việt Nam, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.■