Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2/2022 đến tháng 2/2023, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra 6 nghị quyết xung quanh chiến sự Ukraine.

Nghị quyết Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 6 vào tháng 2/2023 có 141 nước ủng hộ Mỹ, phương Tây lên án Nga xâm lược Ukraine, 7 nước bỏ phiếu chống và 32 nước bỏ phiếu trắng. Nghị quyết này đòi Nga phải rút quân, vãn hồi hòa bình ở Ukraine. 7 nước bỏ phiếu chống là Nga, Belarus, Bắc Triều Tiên, Mali, Nicaragua, Syria và Eritrea.

Kết quả các lần bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc khiến cho các nhà quan sát tình hình quốc tế và các chính trị gia phương Tây bất ngờ trước sự thờ ơ xung quanh vấn đề Ukraine.

Ở Nghị quyết đầu tiên (ngày 2/3/2022) hướng vào lên án Nga đưa lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu, có 141 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ, 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và 5 bỏ phiếu chống.

Nghị quyết thứ 2 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ngày 24/3/2022) kêu gọi bảo vệ cứu trợ nhân đạo cho người dân Ukraine có 140 nước bỏ phiếu ủng hộ.

Nghị quyết thứ 3 của Đại hội đồng (tháng 4/2022) hướng tới việc trục xuất Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có 93 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ, 58 quốc gia bỏ phiếu trắng và 24 quốc gia bỏ phiếu chống.

Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga – Ukraine ở New York (Mỹ) ngày 23/2/2023. Ảnh: Reuters

Nghị quyết lần thứ 4 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (tháng 10/2022) lên án Nga xâm lược lãnh thổ và sáp nhập 4 tỉnh Ukraine có 143 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng.

Nghị quyết thứ 5 của Đại hội đồng (tháng 11/2022) hướng vào buộc Nga chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine, kêu gọi Nga trả tiền bồi thường chiến tranh cho Ukraine bằng cách tạo ra một cơ chế bồi thường quốc tế có 94 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ.

Kết quả lá phiếu ở các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc cho thấy thế giới đã hình thành sự phân tuyến rõ rệt xung quanh cuộc chiến ở Ukraine. Sự phân tuyến ít thay đổi sau 6 lần bỏ phiếu ở Đại hội đồng.

Nét đặc trưng của sự phân tuyến này là phe đối địch với Nga giành được sự ủng hộ cao về các nội dung chung chung, nhưng lại thấp ở các yêu cầu, đòi hỏi cụ thể. Tất cả 6 Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc đều không bao hàm bất kể ý tưởng hoặc nội dung cho một giải pháp nào cho vấn đề Ukraine. Đại đa số các thành viên Liên hợp quốc đều không muốn để phe nào hoặc quốc gia nào lợi dụng Liên hợp quốc phục vụ lợi ích cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres chỉ trích chiến lược quân sự của Nga. Ông cũng khẳng định các vấn đề Hiến chương Liên hợp quốc không mơ hồ, tất cả các thành viên Liên hợp quốc phải kiềm chế trong quan hệ quốc tế, không đe dọa hay sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất kỳ nhà nước nào. Ông Tổng Thư ký Liên hợp quốc công bố: Ukraine và các đồng minh hy vọng khiến Nga bị cô lập hơn nữa, Liên hợp quốc sẽ bằng cách tìm lá phiếu của một phần ba số thành viên Liên hợp quốc ủng hộ việc chống Nga, ủng hộ Ukraine vì họ cho rằng chiến dịch quân sự của Nga là trường hợp điển hình khi một quốc gia không bị khiêu khích lại xâm lược trái phép một quốc gia khác. Còn Nga cho rằng họ đang phải chống lại một đại diện của khối phương Tây, khi phương Tây đã và đang vũ trang cho Ukraine để chống Nga và áp một loạt lệnh trừng phạt với Nga. Phương Tây cũng đã phớt lờ những mối quan ngại của Nga và trực tiếp đưa hạ tầng quân sự của NATO đến gần biên giới của Nga. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc phát biểu: Một cuộc khảo sát mới cho thấy mặc dù cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến phương Tây đoàn kết hơn nhưng cũng bộc lộ sự phân mảnh của trật tự toàn cầu.

Cuộc thăm dò do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) tiến hành đã khảo sát ý kiến của nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Anh, Ba Lan, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… Phần lớn những người được khảo sát ở Anh (77%), Mỹ (71%), các quốc gia thành viên EU (65%) coi Nga là đối thủ; 94% ở Mỹ, 15% ở 9 quốc gia EU, 8% ở Anh coi Nga là đồng minh, chia sẻ lợi ích hoặc là đối tác cần thiết; trung bình 55% số người được hỏi ở 9 quốc gia thành viên EU ủng hộ tiếp tục trừng phạt Nga. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Nga là đối tác và đồng minh mặc dù chính thức công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ví dụ 76% người dân được hỏi ở Trung Quốc, 77% ở Ấn Độ, 73% ở Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận Nga ngày nay đã mạnh hơn so với trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine một năm trước. Họ coi Nga là đồng minh chiến lược và là đối tác cần thiết đối với đất nước họ.

Nhiều người phương Tây coi trật tự sắp tới là sự trở lại của thế lực lưỡng cực kiểu Chiến tranh lạnh phương Tây – phương Đông. Các tác giả nghiên cứu tình hình quốc tế cũng đưa ra đánh giá rằng: người dân ở các quốc gia nhìn nhận bản thân họ rất khác. Theo họ, phương Tây sẽ phải sống chung với các chế độ là đối thủ như Trung Quốc và Nga cùng với các cường quốc độc lập như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… Các nhà nghiên cứu quốc tế đưa ra kết luận: thay vì mong đợi họ ủng hộ nỗ lực của phương Tây nhằm bảo vệ trật tự thế giới đang suy yếu dần sau Chiến tranh lạnh, phương Tây cần sẵn sàng hợp tác với họ trong một trật tự quốc tế mới.

Hội nghị An ninh Munich vừa qua với trọng tâm là vấn đề Ukraine đã chỉ ra một thực tế là có sự chia rẽ sâu sắc trên thế giới xung quanh cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Một bên là liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu thống nhất trong việc phản đối Nga, can thiệp vào cuộc xung đột thông qua viện trợ tài chính, khí tài cho Ukraine, cô lập về ngoại giao, trừng phạt kinh tế đối với Nga. Trong khi đó, nhóm các quốc gia khác ở Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á thái độ lại thờ ơ trước sự kêu gọi trừng phạt Nga của Mỹ – EU.

Vậy nguyên nhân nào dẫn tới việc thế giới phân mảnh như vậy?

Thứ nhất, nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại sẽ mất các lợi ích từ quan hệ với Nga, đặc biệt là vấn đề năng lượng và lương thực. Nga là cường quốc về dầu mỏ, là thành viên quan trọng trong Tổ chức OPEC+. Điều đó có nghĩa là Nga vẫn giữ một vị trí quan trọng đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Các nước châu Âu tẩy chay, không mua khí đốt và dầu của Nga nhưng nước này sớm tìm được các khách hàng lớn ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ. Năm 2021 dầu mỏ của Nga chỉ chiếm 2% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Sang đầu năm 2023 Ấn Độ đã nhập dầu của Nga từ 1-2 triệu thùng/ngày; con số này cao gấp 33 lần so với một năm trước đó. Ấn Độ đã được hưởng lợi khoảng 36 tỉ đô la nhờ được chiết khấu cao giá dầu từ Nga. Trung Quốc và nhiều nước khác cũng hưởng nhiều lợi ích tương tự. Điều này lý giải vì sao với những lời kêu gọi của Mỹ, Ấn Độ và nhiều nước lại không tham gia vào các lệnh trừng phạt Nga. Các quan chức Ấn Độ nói rằng các hợp đồng năng lượng của nước này là sự hợp tác nằm ngoài vấn đề chính trị.

Thứ hai, các quốc gia có nhiều vấn đề nội tại đáng lo ngại hơn so với cuộc chiến tranh ở xa xôi sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Họ nhìn nhận Nga khác với nhiều nước, Nga có sự độc lập đối với nền kinh tế thế giới. Sau một thời gian dài hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, Nga vẫn đứng vững, nhưng giá năng lượng toàn cầu tăng phi mã, lương thực trở thành mối lo ngại trên khắp toàn cầu. Nhiều quốc gia đang phát triển ở Mỹ Latinh, châu Phi hay châu Á phải tìm kiếm quan hệ, hợp tác với Nga để khắc phục nền kinh tế đang đứng trên bờ vực. Các nhà quan sát tình hình nhận xét: Mỹ và châu Âu đang quá thỏa mãn và tự tin rằng mối quan tâm của họ xung quanh cuộc chiến ở Ukraine là chủ đề chính trị hàng đầu ở các quốc gia khác trên thế giới, và họ đã sai lầm. Các cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng Liên hợp quốc xung quanh vấn đề Ukraine đã chỉ ra rằng hầu hết thế giới không liên kết vẫn nghiêng về phía Nga, không có đồng thuận tầm quốc tế chống lại Nga, chỉ có phương Tây đồng thuận chống Nga.

Thứ ba, do tương quan lực lượng trong cuộc chiến Ukraine, các quốc gia còn lại nằm ngoài châu Âu, phần lớn là các nước nhỏ, nhận thức rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là do Mỹ và NATO – EU tiếp tay. Họ đã có bài học từ nhiều quốc gia khác như Nam Tư, Iraq, Syria, Afghanistan… Mỹ không là đối tác đáng tin cậy, ngay cả nhiều nước châu Âu cũng đã có xung đột quyền lợi với Mỹ trong cuộc chiến ở Ukraine. Vì vậy, xu hướng chung của các nước này là: giữ quan điểm trung lập là biện pháp tốt nhất để bảo vệ lợi ích của mình.

Có thể thấy rằng chính quyền của ông Biden và các nước EU đã không hài lòng trước phản ứng của thế giới trước cuộc xung đột nóng bỏng đang diễn ra ở Ukraine. Kết cục của cuộc xung đột này còn chưa ngã ngũ và tiềm ẩn nhiều bất ngờ như hiện nay thì sự phân tuyến thế giới sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian khó định.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC