Tại tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc vừa qua, một Ngoại trưởng cho rằng: “… hành tinh của chúng ta đang có những biến đổi không thể đảo ngược được và một trật tự thế giới mới đang được sản sinh trước mắt chúng ta”. Vị Ngoại trưởng còn nói thêm hình hài của tương lai đang hình thành thông qua cuộc đấu tranh giữa bên đa số là những nước chủ trương phân chia đồng đều của cải của trái đất và tính đa dạng của các nền văn minh và số rất ít nước sử dụng các biện pháp chèn ép thực dân mới để duy trì ách thống trị độc quyền của mình”.

Tất cả những gì xảy ra trong thời gian vừa qua đã chứng minh tuyên bố này không sai. Tuy nhiên, thế giới ở thời điểm hiện tại lại đang ở trong tình trạng hỗn loạn với hậu quả chúng ta không thể đoán trước được.

Quan hệ giữa các nước lớn, đặc biệt là quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang rất tồi tệ mặc dù hai nước gần đây đã có những trao đổi ngoại giao hướng tới cải thiện tình hình. Mỹ mong muốn thiết lập lại cơ sở cho quan hệ song phương. Tuy nhiên, với nghi ngờ lẫn nhau, cùng lắm thì hai nước cũng chỉ có thể tránh được khủng hoảng có thể xảy ra. Ngay cả điều này cũng rất khó vì cho đến nay hai bên vẫn chưa nối lại liên lạc giữa hai quân đội với nhau và thiết lập kênh liên lạc để giải quyết khủng hoảng. Tuy hai bên đã có những tiếp xúc liên quan đến biến đổi khí hậu hay những vấn đề khu vực và toàn cầu khác, ít ai dám cho rằng hai nước sẽ hợp tác với nhau về những vấn đề này trong tương lai gần.

Mỹ và Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh chiến lược (Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2017), đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chíp bán dẫn. Trung Quốc đã vượt Mỹ về số bằng sáng chế và số bài báo được trích dẫn, con số được coi là số đo tiến bộ khoa học. Đây là điều dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cấm xuất khẩu bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo. Trung Quốc hiện là nước có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới. Trung Quốc cũng đang tận dụng mọi cơ hội để mở rộng các thể chế do mình lập ra như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), khối BRICS… và đưa ra những sáng kiến như “cộng đồng cùng vận mệnh”, “thịnh vượng chia sẻ”…

Trên thực tế, với Trung Quốc, chính quyền Biden hầu như không có nhiều thay đổi chính sách so với chính quyền Trump trước đây, vẫn duy trì hầu hết thuế quan do chính quyền Trump áp đặt. Cả chính quyền D. Trump và J. Biden đều cho rằng cạnh tranh chiến lược là mục tiêu theo đuổi không phải là điều phải chú ý, quản lý và ổn định. Tuy đây là chính sách trọng tâm của cả hai chính quyền, nhưng không chính quyền nào xác định mục tiêu, phương tiện và hạn chế của chính sách. Vì lý do này, quan hệ hai bên đã chìm sâu vào vòng xoáy ngày càng căng thẳng hơn.

Mỹ và Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chíp bán dẫn. Ảnh minh họa

Về phần mình, Trung Quốc cũng đang gặp những thách thức lớn về kinh tế. Đây là tác động của chính sách không Covid được thực hiện quá dài, bong bóng bất động sản có thể nổ bất kỳ lúc nào, quá ưu tiên xí nghiệp nhà nước trong khi coi nhẹ xí nghiệp tư nhân. Hầu hết những thách thức này là khiếm khuyết về mặt chính sách. Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm và điều này chí ít cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Tồi tệ hơn là Trung Quốc có thể sẽ có hành động mạnh bạo hơn ở nước ngoài nhằm đánh lạc hướng dư luận.

Một vấn đề nữa liên quan đến cạnh tranh giữa các nước lớn là xung đột Nga-Ukraine và cuộc phản công của Ukraine chống Nga được phát động cách đây bốn tháng. Nga kiên quyết chống lại sức ép của Mỹ và phương Tây trong xung đột đồng thời tìm cách mở rộng phạm vị ảnh hưởng trong không gian của Nga và Liên Xô trước đây. Lực lượng Nga vẫn tiếp tục kiểm soát các vùng đất đã sáp nhập ở phía đông và phía nam Ukraine. Tình thế hiện tại giữa hai bên, khả năng tăng cường sản xuất vũ khí của Nga, nhập vũ khí của Iran và rất có thể của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng như quyết tâm của hai bên xung đột làm chúng ta tin rằng cuộc chiến kéo dài từ 22/4/2022 đến nay sẽ tiếp tục trong những năm tới.

Ukraine chưa muốn nhượng bộ mục tiêu của mình là giành lại lãnh thổ đã mất. Ukraine vẫn tin rằng có thể xoay chuyển tình hình có lợi cho mình nếu Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí tối tân, đặc biệt là máy bay F16 và tên lửa tầm xa. Trong khi đó, Putin lại tin rằng Nga có thể chịu được chi phí cho cuộc chiến cũng như những biện pháp trừng phạt, Putin còn cảnh báo Ukraine là sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây sẽ giảm dần và vấn đề chỉ là khi nào mà thôi. Với niềm tin như vậy, không thể có đàm phán hoà bình giữa hai bên.

Trong diễn văn của mình tại Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov đã không giấu diếm gì khi nói Nga coi Mỹ, Anh và các nước khác “trực tiếp tham chiến” với Nga. Mỹ và phương Tây đã vượt hết ranh giới này đến ranh giới khác trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống Nga, cung cấp xe tăng, bom chùm, bom “bẩn” và tên lửa tầm xa, đẩy cuộc chiến lên cao hơn nữa.

Tháng Ba vừa qua, Nga đã thông báo “Khái niệm chính sách đối ngoại năm 2023”, công khai thế giới quan của Nga. Bốn khái niệm đã được đưa ra: (1) Nga là một nước lớn; (2) Thế giới đang hướng đến quan hệ nước lớn khu vực; (3) Mỹ (và sau này là phương Tây) là thách thức đối với dịch chuyển đến đa cực; (4) Liên hợp quốc, dựa trên Hiến chương và “chuẩn khác trong luật quốc tế” cần đóng vai trò quyết định trong quan hệ giữa các quốc gia. Điều này có nghĩa là Nga cho rằng thế giới đang trong giai đoạn cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng và là một thách thức với Mỹ. Những gì đã xảy ra cho chúng ta thấy một nước Nga đang cố khôi phục “không gian hậu Xô Viết cũ trải dài từ vùng Ban-tích đến Trung Á như là khu vực có tầm ảnh hưởng hợp pháp của Nga” như trong “Học thuyết ngoại giao của Nga” ban hành tháng 9/2022.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Biden nỗ lực phát triển kinh tế trong nước, tăng cường vai trò “lãnh đạo thế giới” của mình, Sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Mỹ đã tập hợp đồng minh và dư luận nhằm cô lập và trừng phạt Nga; ủng hộ chính trị và tham gia huấn luyện, vạch kế hoạch tác chiến và cung cấp vũ khí cho Ukraine tuy chưa tham chiến trực tiếp.

Tất cả những diễn biến này tác động đến thái độ các nước châu Âu. Liên minh châu Âu đi cùng với Mỹ trừng phạt Nga, Phần Lan gia nhập NATO ngày 4/4/2023 và Thuỵ Điển sẽ sớm gia nhập tổ chức này. Đức thay đổi chính sách từ “biến đổi qua thương mại” sang gia tăng chi tiêu quốc phòng và cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Do đều chịu sức ép của Mỹ, Nga và Trung Quốc thắt chặt quan hệ song phương, tuy nhiên cả hai bên đều không muốn thành lập liên minh chính thức. Trung Quốc vừa không tán thành việc sử dụng vũ lực xâm phạm chủ quyền của nước khác vừa chỉ trích Mỹ không tính đến quan tâm an ninh của Nga. Tại nhiều diễn đàn, Trung Quốc kêu gọi chấm dứt xung đột, giải quyết các vấn đề nhân đạo.

Cạnh tranh giữa các nước lớn hiện nay bao trùm nhiều lĩnh vực hơn thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nó diễn ra trên mọi lĩnh vực không chỉ chính trị an ninh mà còn lĩnh vực kinh tế, tài chính – tiền tệ và khoa học-công nghệ. Nó cũng diễn ra ở khắp châu lục châu Âu và châu Á, ở khắp nơi, đại dương, không gian vũ trụ và Bắc Cực lẫn Nam Cực. Có nhiều hiện tượng chứng tỏ sự phân mảnh trong trật tự thế giới.

Một ví dụ cụ thể là châu Phi. Trung Quốc có quan hệ nghị viện với 35 nước châu Phi và quan hệ với 110 đảng ở 51 nước châu Phi. Tuy báo chí vẫn nói về “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc, Angola, Ai Cập, Kenya, Zambia là những nước vay nợ lớn nhất. Quan hệ quân sự giữa Trung Quốc với một số nước châu Phi đang được tăng cường. Trong khi, tuy không trực tiếp, Nga đã giành được ảnh hưởng ở Cộng hoà Trung Phi, các nước vùng Sahel như Mali và Burkina Fasso với sự có mặt của Tổ hợp quân sự Wagner. Điều đáng chú ý là trong cuộc đảo chính gần đây tại Niger, nhiều người ủng hộ phe đảo chính đã gương cao cờ Nga và có tin tức cho rằng phe đảo chính đã liên hệ với Tổ hợp quân sự Wagner. Trong khi đó, ảnh hưởng của Pháp và Mỹ ở các nước này lại suy giảm.

Nga và Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn ở châu Phi. Ảnh minh họa: Hadama Diakite/EPA

Vai trò và ảnh hưởng của Mỹ đang suy giảm. Về kinh tế không thôi, Mỹ trong những năm 1950 chiếm 50% GDP toàn thế giới nay tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 24,7%. Nợ công của Mỹ là 30.000 tỷ đô la, bằng 150% GDP của chính mình. Trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chip, trong những năm 1990, Mỹ chiếm 37% sản lượng nhưng đến này chỉ còn chiếm khoảng 12%. Trong khi đó sức mạnh kinh tế của Trung Quốc lại đang tăng lên. Trung Quốc hiện là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới chiếm 17,4% giá trị GDP toàn cầu. Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất thế giới, lớn hơn cả Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và tổng nợ của 22 nước thành viên Câu lạc bộ Paris.

Liên minh châu Âu đang có nhiều xộc xệch do đi cùng với Mỹ chống Nga. Nhiều nước đã chứng kiến những biến động chính trị và kinh tế hiện ở mức tồi tệ.

Cạnh tranh giữa các nước lớn đã làm thay đổi các thể chế đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc; nhiều tổ chức quốc tế sẽ mất dần sức sống hay được tái cấu trúc. Một số sẽ có thể bị thay thế. Một tập hợp lực lượng mới đang hình thành và luật chơi cũng sẽ được điều chỉnh để phù hợp với tập hợp lực lượng này.

Trên thực tế, Mỹ và phương Tây đang ráo riết tập hợp lực lượng trong các thể chế mình nắm quyền lãnh đạo như NATO, EU, G7, G20. Trung Quốc và Nga đang ra sức mở rộng, củng cố thể chế do mình tạo ra, thậm chí còn mở rộng thể chế mình lãnh đạo đang tồn tại như BRICS, SCO. Mỹ gắng sức tập hợp những nước láng giềng của Trung Quốc như Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua các thoả thuận, tổ chức như AUKUS, Bộ tứ kim cương (Quad), hay hội nghị cấp cao Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 18/8/2023. Không để mình thiệt thòi, ngày 26 tháng Chín, Trung Quốc cũng đã thông báo sẽ cùng Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức hội nghị cấp cao trong thời gian sớm nhất.

Thế giới đang phân hoá, buộc các quốc gia phải điều chỉnh chính sách và phải chọn bên.

Thế giới chắc khó đi vào thế “hai cực” hay “ba cực” như trước đây, nhưng đang tiến nhanh đến xu thế đa cực. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta là giai đoạn hết sức bất an và bất định. Trong bối cảnh này, con thuyền Việt Nam đã đi đúng hướng. Dù sóng to, bão táp, con thuyền này vẫn vững vàng trên biển khơi. Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy rằng Việt Nam vẫn kiến trì với nguyên tắc bốn không, giữ vững độc lập, thân thiện với các nước, cân bằng với các nước lớn, duy trì môi trường hoà bình để phát triển.

Cơn bão nào cũng tạo ra sóng lớn, người lái thuyền phải vững tay lái để vượt qua tất cả, đưa con thuyền Việt Nam tới đích đã định.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC