Thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10. Từ quan sát những hoạt động của Hà Nội và người dân các tỉnh về Hà Nội ngày Quốc khánh 2-9 vừa qua, chúng ta thấy tinh thần phấn chấn trước sự phát triển mới của Thủ đô. Điều đó ghi nhận Hà Nội đang có chuyển mình thực sự để vươn lên trong bối cảnh mới.
Thực tế này xuất phát từ đâu? Đó trước nhất là sự chuyển mình của Hà Nội về kinh tế. Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội trong 8 tháng đầu năm năm 2024 ước thực hiện 343,6 nghìn tỷ đồng, đạt 84,1% dự toán pháp lệnh năm và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Thủ đô Hà Nội đã là địa phương vượt qua thành phố Hồ Chí Minh để dẫn đầu cả nước về số thu ngân sách Nhà nước trong 7 tháng đầu năm. Bộ Tài chính công bố tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện trong tháng 7 ước đạt gần 150.000 tỷ đồng. Việc Hà Nội đã vượt TP. HCM để dẫn đầu danh sách thu ngân sách là tín hiệu mới cho thấy Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực để thực sự trở thành một đầu tầu kinh tế của cả nước.
Phân tích Báo cáo ngân sách nộp về 337.200 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm của Hà Nội cho thấy một bức tranh tổng quát để nhìn nhận các động lực của kinh tế Thủ đô. Chiếm phần lớn trong số thu này là các khoản thu nội địa 320.500 tỷ đồng, tăng 26% so với năm ngoái. Trong đó, một số lĩnh vực thu chủ yếu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 54.200 tỷ đồng, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21.300 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân đạt 32.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản thu từ tiền sử dụng đất tại Thủ đô đã tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái đạt 16.800 tỷ đồng, thu lệ phí trước bạ đạt 4.400 tỷ đồng (tăng 20%); thu phí và lệ phí đạt 14.200 tỷ đồng (tăng 24%).
Tất cả số liệu trên đều cho thấy Hà Nội đã chuyển mình thoát khỏi thảm hoạ của những năm Covid-19 và sẵn sàng tiến vào kỷ nguyên mới. Hà Nội đang phát triển mạnh để xứng đáng là trung tâm kinh tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Thực tế, Hà Nội đang có nền tảng lớn, hiện đã là thành phố lớn thứ 17 trên thế giới. Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn 1,2 – 1,5 lần mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước. Riêng khối ngành công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm, cao hơn bình quân chung 6,67%. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của Hà Nội đang ngày một tăng. Tốc độ tăng năng suất trung bình giai đoạn 2012 – 2022 đạt 5,24%. Quan trọng không kém, mức lạm phát của Hà Nội giữ thấp. Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 2,04% năm 2023, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân cũng như tình hình kinh tế vĩ mô cả nước.
Xuất, nhập khẩu của Thủ đô duy trì tăng trưởng ổn định. Trong giai đoạn 2011 – 2023, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 4,57%, nhập khẩu tăng 3,28%. Ngành du lịch phát triển mạnh. Năm 2019 (trước dịch Covid-19), ngành du lịch Thủ đô Hà Nội đón 21,92 triệu lượt khách nội địa và 7,02 triệu lượt khách quốc tế, chiếm trên 37% lượng khách quốc tế của cả nước. Đến năm 2023, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ. Khách nội địa đạt 20 triệu lượt và khách quốc tế đạt 4,72 triệu lượt, giúp Thủ đô trở thành trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, kinh tế Thủ đô đã phát triển bền vững. Tinh thần kinh doanh của thành phố giữ vững với 24,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%. Thành phố thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023.
Trên đà phát triển như hiện nay, thành phố có thể ưu tiên một số lĩnh vực để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
Thứ nhất, thành phố cần hướng tới trở thành một trung tâm công nghệ cao của đất nước. Hiện Hà Nội đã có bước phát triển khá với nhiều nhà máy sản xuất thiết bị kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Ưu tiên phát triển theo hướng này giúp Hà Nội thực sự trở thành đầu tầu trong nền kinh tế tri thức của đất nước. Mỗi năm, dân số Thủ đô tăng từ 50.000 – 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 – 40 trường học.
Thứ hai, thành phố phải tiếp tục cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thương mại nội địa như trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… Hà Nội đang xây dựng trung tâm triển lãm lớn nhất Đông Nam Á ở Cổ Loa. Sự phát triển trong tương lai đòi hỏi thành phố phải có một nền tảng thương mại vững chắc và đa dạng hơn nữa.
Thứ ba, giáo dục chính là yếu tố nền tảng mà Hà Nội cần tiếp tục đầu tư trong thời gian tới. Thống kê cuối năm 2023 cho thấy Hà Nội đang thiếu trường trầm trọng, riêng 8 quận nội thành đã thiếu 49 trường. Thành phố phải tiếp tục triển khai mở rộng trường sở và thực hiện các dự án giáo dục bằng những cơ chế thông thoáng để đào tạo đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển.
Như vậy, chúng ta đã trả lời được câu hỏi vì sao nhân dân phấn khởi và tin tưởng. Tin tưởng với những nền móng hiện có, Hà Nội sẽ trở thành trái tim của cả nước không chỉ trong lĩnh vực chính trị, văn hoá, ngoại giao mà còn là trung tâm kinh tế đầu tầu của cả nước trong kỷ nguyên mới.■