Thời gian gần đây, một chàng trai trẻ tuổi người Nghệ An rất được mến mộ trên nền tảng YouTube nhờ câu chuyện xây dựng trang trại ở châu Phi của mình. Quang Linh đi xuất khẩu lao động tại Angola. Tại đây, anh cùng nhóm bạn dùng kiến thức của mình hỗ trợ người dân làm nông nghiệp. Anh mở trang trại 14ha ở huyện miền núi Angola, đồng hành cùng người dân địa phương trồng các loại rau củ nông nghiệp. Ngoài ra, Quang Linh còn xây dựng chuồng nuôi dê với quy mô lên tới hàng trăm con. Anh cũng phát gạo từ thiện, xây nhà tình thương, xây trường học… giúp người dân châu Phi cải thiện cuộc sống.

Kênh YouTube “Quang Linh Vlogs – Cuộc sống ở châu Phi” của anh ngày càng được nhiều người xem. Câu chuyện của Quang Linh gợi mở nhiều suy nghĩ về cơ hội cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam tại châu lục còn nhiều tiềm năng này.

“Quang Linh Vlogs” làm đèn ông sao cho trẻ em châu Phi vui Tết Trung thu. Ảnh: Thanhnien.vn

Hiện nay, hợp tác Việt Nam và châu Phi còn rất khiêm tốn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam năm 2022, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đạt 5,5 tỷ USD, trong số đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,8 tỷ USD, nhập khẩu trên 2,6 tỷ USD. Các đối tác thương mại chính là Ai Cập, Nam Phi, Côte d’Ivoire, Ghana…

Về hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và châu Phi, năm 2022, Việt Nam đã thu hút đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD từ các nước châu Phi. Theo chiều ngược lại, tính đến tháng 2 năm 2022, nước ta đã đầu tư tại 17 quốc gia của châu lục này, với tổng số vốn đầu tư chỉ khoảng 2,4 tỷ USD, chủ yếu vào Algeria, Mozambique, Tanzania, Burundi. Đa phần đầu tư tập trung vào thăm dò khai thác dầu khí và viễn thông.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng Trung Quốc đang là nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho hơn 30 quốc gia châu Phi. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Trong hai thập kỷ qua, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước châu Phi đã tăng từ 5 tỷ USD lên 110 tỷ USD. Trung Quốc còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở châu Phi. Vốn FDI của Trung Quốc ở châu Phi đã tăng vọt một trăm lần, từ 490 triệu USD năm 2003 lên 43,4 tỷ USD vào năm 2020. Trung Quốc đã thành lập 25 khu hợp tác kinh tế và thương mại tại 16 quốc gia châu Phi. Trong lĩnh vực sản xuất, công ty tư vấn kinh doanh quốc tế McKinsey ước tính rằng 12% sản lượng công nghiệp của châu Phi với tổng trị giá khoảng 500 tỷ USD/năm đã được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc. Về cơ sở hạ tầng, các công ty Trung Quốc chiếm gần 50% thị trường xây dựng theo hợp đồng quốc tế của châu Phi.

Đầu tư của Trung Quốc trên khắp châu Phi nhắm vào tiếp cận nguyên liệu thô trong đó có dầu thô và các loại khoáng sản khác nhau, bao gồm cả nguồn tài nguyên chiến lược như coban, lithium và đất hiếm. Đây đều là đầu vào quan trọng để sản xuất pin và chip.

Hiện tại, hơn 10.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động trên khắp lục địa châu Phi. Châu Phi đã vượt qua châu Á để trở thành thị trường lớn nhất cho các dự án xây dựng ở nước ngoài của Trung Quốc. Đầu tư vào châu Phi cũng để mở đường cho hàng hóa Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc giành được phần lớn thị phần trong nhiều ngành hàng ở châu Phi trong một thập kỷ qua.

Từ câu chuyện của một cá nhân tới chiến lược bài bản của quốc gia láng giềng Trung Quốc, chúng ta thấy tiềm năng hợp tác kinh doanh hướng về châu Phi đang rất rộng mở. Việt Nam có thể thúc đẩy “Hợp tác Nam – Nam” với châu Phi. Việt Nam có thể đóng vai trò là bên chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kiến thức, đặc biệt là thông qua hình thức cử chuyên gia đi đào tạo và chuyển giao công nghệ. Thực tế, Việt Nam cũng có các hoạt động hợp tác song phương với nhiều nước như Angola, Mozambique, Ai Cập, Libia… trong các lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo, phát triển cây cao su, cà phê, điều, rau quả, nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, các hợp tác này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu và thực tiễn.

Kim ngạch thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng (đơn vị: tỉ USD). Đồ họa: NikkeiAsia.Việt Nam có cơ sở mở rộng mạnh hơn sang châu Phi dựa trên một số lý do cơ bản.

Thứ nhất, Việt Nam và các nước châu Phi vốn có quan hệ hữu nghị đặc biệt, được hình thành trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng yêu nước châu Phi đặt nền móng từ những năm đầu thế kỷ XX. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, nhân dân châu Phi luôn đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam, nhiệt thành ủng hộ sự nghiệp của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ tạo động lực giúp nhân dân các nước châu Phi đứng lên giành độc lập. Việt Nam là sự khích lệ to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc, chấm dứt chế độ thực dân cũ của Anh, Pháp ở châu Phi trong quá khứ. Đây chính là nền tảng để Việt Nam tiếp tục thể hiện là quốc gia đi đầu trong hợp tác hỗ trợ châu Phi phát triển kinh tế hiện nay.

Thứ hai, châu Phi đang rất khó khăn, đặc biệt về lương thực thực phẩm, và rất cần đầu tư nước ngoài. Theo ước tính của Liên hợp quốc, hơn 20% số dân châu Phi, tương đương 278 triệu người, đang đối mặt với nạn đói gây ra bởi dư âm của đại dịch Covid-19 và đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraine đẩy giá nhiên liệu, ngũ cốc và dầu ăn leo thang. Trong bối cảnh Lục địa đen đối mặt với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, Việt Nam có thể đóng vai trò như một đối tác hỗ trợ quan trọng.

Thứ ba, Việt Nam và châu Phi có điểm tương đồng về khí hậu, cùng mang khí hậu nhiệt đới gió mùa hay còn gọi là khí hậu nhiệt đới ẩm. Khí hậu nhiệt đới gió mùa có nhiệt độ trung bình tháng trên 18 độ C trong mỗi tháng và có mùa ẩm, khô đặc trưng, lượng mưa trung bình năm khoảng 1.000 – 1.500mm. Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi đặc biệt là Tây và Trung Phi có khí hậu này.

Thứ tư, tiềm năng hợp tác đặc biệt trong nông nghiệp giữa hai bên cực lớn. Tại Đại hội Lúa gạo quốc tế (IRC 2023) diễn ra tháng 10/2023, nhiều đại biểu đến từ châu Phi thể hiện mong muốn được trao đổi kinh nghiệm, kiến thức với Việt Nam, qua đó chuyển đổi hệ thống lương thực. Đối với ngành lúa gạo châu Phi, sự chuyển đổi của Việt Nam từ quốc gia nhập khẩu gạo thành tự chủ, xuất khẩu gạo chủ lực của thế giới là một điều đáng ngưỡng mộ. Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế – khu vực châu Phi (IRRI-Africa) bày tỏ mong muốn Việt Nam hỗ trợ đào tạo nhân lực nông nghiệp châu Phi. Qua đây, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh ở châu Phi trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, nhập khẩu máy móc, thiết bị kỹ thuật, nguyên liệu thô và cây trồng vào lục địa này. Các nước châu Phi cũng có khả năng xuất khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao, tiếp cận thị trường Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã lập nghiệp thành công tại châu Phi về công nghệ thông tin và nông nghiệp, đó là tấm gương để Việt Nam tiếp tục đi theo con đường này. Hiện tại, sự hiểu biết và nghiên cứu bài bản về châu Phi chưa được quan tâm đúng mức, hợp tác đầu tư ở châu Phi vẫn ở quy mô nhỏ về thương mại, chưa có chiến lược cụ thể bao gồm định hướng và các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn, nhất là vấn đề vốn và thanh toán tài chính… Việt Nam phải làm được điều này và có chính sách khích lệ cá nhân, doanh nghiệp mở rộng vào lục địa đầy tiềm năng này. Với các cơ sở như đã trình bày ở trên, Việt Nam hoàn toàn có thể suy nghĩ về một hướng đi mạnh mẽ hơn, mở rộng về phía lục địa đen để nâng cao hơn nữa vị trí của mình trên trường quốc tế, đóng góp vào sự nghiệp chung cùng hợp tác hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trên thế giới.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC