Diễn tiến của đại dịch Covid-19 đang đi theo những chiều hướng bất ngờ đối với ngay cả những nước phát triển mạnh nhất. Biến chủng Delta khiến số ca mắc mới tăng cao chóng mặt ở hầu khắp các quốc gia, ngay cả những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao. Mới đây WHO cảnh báo các nước sẽ phải đối mặt với một biến thể Lambda mới có tốc độ lây lan rất nhanh và có thể còn nguy hiểm hơn nhiều Delta.

Điển hình là Mỹ. Nước này hiện tiêm vaccine Covid-19 cho khoảng 58,7% dân số, trong đó 49,9% được tiêm đầy đủ hai mũi.  Nhưng biến chủng Delta khiến ca nhiễm mới ở Mỹ liên tục vượt mức 100.000 ca trên ngày vào giữa tháng 8, trong khi ca nhập viện cũng tăng nhanh. Số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện đang ở mức cao nhất trong 6 tháng qua và trung bình vẫn có 600 người chết mỗi ngày vì COVID-19. Đại dịch có vẻ như đang quay trở lại nước Mỹ như thời cao điểm vào tháng 1 năm 2021.

Điểm khác là đại dịch bây giờ nhắm vào người trẻ, đặc biệt là những đối tượng chưa tiêm vắc xin. Theo số liệu của CDC Mỹ, số ca nhập viện ở người trên 70 tuổi hiện chỉ bằng 1/4 so với đỉnh dịch hồi tháng 1 vừa qua. Nhưng tỉ lệ nhập viện ở nhóm từ 30-39 tuổi hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay. Số người dưới 18 tuổi cần nhập viện cũng tăng mạnh so với đỉnh dịch hồi tháng 1. Số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em tăng nhanh so với trước và hiện chiếm khoảng 15% số ca mắc mới.

Nguyên nhân là do biến thể Delta có mức lây nhiễm cao. Trong khi đó, những người trẻ ở Mỹ lại ngại tiêm chủng và trẻ em không nằm trong đối tượng tiêm, nên đại dịch đã quay trở lại hoành hành một lần nữa.

Một điển hình khác là Israel, quốc gia tiêm chủng mạnh nhất thế giới với 60% trong tổng số 9 triệu dân Israel đã được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ người trưởng thành được tiêm hai mũi là khoảng 80%. Israel đã chủ quan dõ bỏ hầu hết biện pháp chống Covid-19. Nhưng tình hình phức tạp hiện nay khiến Chính phủ nước này  đang tính áp đặt trở lại việc phong  toả, do chủng Delta lây lan mạnh ngay cả đối với những người đã tiêm.

Israel hiện đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm liều vaccine Covid-19 liều thứ ba cho nhóm từ 60 tuổi trở lên bất chấp khuyến cáo hãy dành vắc xin cho nước nghèo hơn của WHO. Quyết định được đưa ra sau khi giới chuyên gia báo cáo với Bộ Y tế Israel rằng hiệu quả ngăn ngừa triệu chứng nặng của vaccine Covid-19 đối với những người trên 60 tuổi đã suy giảm, từ mức 97% vào tháng 1 năm 2021 xuống 81% vào giữa tháng 4. Các chuyên gia Israel cho rằng cần tiêm tăng liều để đảm bảo kháng thể giữ được trong cơ thể người dân đủ mạnh để chống Covid.

Các nước láng giềng Đông Nam Á cũng đang trở thành tâm dịch của khu vực. Indonesia đã chứng kiến thảm hoạ hơn 100.000 người tử vong vì dịch bệnh và Phillippines có gần 30.000 người chết.

Từ các trường hợp nêu trên, có thể thấy đại dịch Covid-19 chưa dễ dàng kết thúc như nhiều dự báo trước đây, ngay cả ở những nước đã tiêm chủng mạnh. Khả năng đạt miễn dịch cộng đồng để thế giới hoàn toàn trở lại như trước còn xa vời. Nhiều khả năng đại dịch sẽ kéo dài và loài người phải sống chung với virus này như một thực tế tất yếu.

Với bối cảnh như vậy, Việt Nam vẫn phải chuẩn bị tâm thế “trường kỳ kháng chiến” với Covid-19. Dù các biện pháp như phong toả và cách ly ở nhiều tỉnh thành như hiện nay vẫn có hiệu quả trong việc ngăn chặn không cho số lượng ca nhiễm tăng quá cao, nhưng phải thừa nhận rằng không thể cứ phong toả lâu dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Giải pháp tốt hiện nay vẫn là đẩy nhanh tiêm chủng, dùng thời gian phong toả ngắn trước mắt để chạy đua tiêm chủng càng nhiều càng tốt, nhằm giảm thiểu tối đa các ca nhập viện và tử vong.

Thực tế cho thấy chiến dịch tiêm chủng chưa thể đẩy nhanh như mong muốn bởi nguồn vắc xin không về kịp. Thành phố Hồ Chí Minh đang tiêm chủng với tốc độ rất nhanh, cho tới tháng 8 đã trải qua 6 đợt tiêm chủng lớn, với trung bình hơn 200.000 mũi tiêm một ngày ở 600 điểm tiêm. Tiêm chủng sẽ còn là chiến dịch dài hơi, trong năm tới và có thể nhiều năm nữa. Vì thế không thể phụ thuộc vào vắc xin ngoại nhập mãi. Việc số lượng vắc xin này về chậm ảnh hưởng lớn tới khống chế dịch bệnh của Việt Nam, cũng như vắc xin ngoại đắt đỏ tạo áp lực lên ngân sách đang gặp nhiều khó khăn do kinh tế đình trệ bởi Covid.

Thực tế cho thấy Việt Nam phải tìm mọi cách tự chủ về vắc xin Covid như Trung Quốc đã làm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến riêng về việc sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19 trong nước vào cuối tháng 7 năm 2021.  Tại cuộc họp này, lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo không phụ thuộc mãi nguồn vắc xin bên ngoài và cần phải có vắc xin tự sản xuất để đạt miễn dịch cộng đồng, với tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường.

Việt Nam đang có những tín hiệu mừng trên con đường tự chủ vắc xin này nhờ nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế cũng như nhiều doanh nghiệp lớn.

Về vắc xin nghiên cứu trong nước, Bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện đang nghiên cứu, hoàn thiện 2 vắc xin là Nanocovax do Công ty Nanogen phát triển và Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang nghiên cứu. Nanocovax sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp, đang thử nghiệm giai đoạn 3. Vắc xin Covivac sử dụng công nghệ vector virus, chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 2.

Theo báo cáo, vắc xin Nanocovax là khả quan nhất và đã được Bộ Y tế cử chuyên gia trong nước cùng chuyên gia WHO hỗ trợ các thủ tục thẩm định. Hiện vắc xin này đã chuyển sang giai đoạn 2 và đang xem xét triển khai giai đoạn 3 vào tháng 9 năm 2021 nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất.

Theo báo cáo của công ty Nanogen, kết quả ngày thứ 42 sau khi tiêm mũi thứ nhất của 1.000 người cho thấy 100% người được tiêm Nano Covax có kháng thể trung hòa. Trên kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn hai của Viện Pasteur TP HCM, Nanogen ước lượng hiệu quả bảo vệ của vaccine là 90%. Tháng 8 năm 2021, Công ty Nanogen đã ký thỏa thuận bảo mật về chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vaccine Nanocovax với một công ty của Ấn Độ. Công suất sản xuất của nhà máy Nanogen ước tính đạt 8-12 triệu liều một tháng. Công ty đang nâng cấp dây chuyền lên 30-50 triệu liều một tháng sau tháng 10 năm 2021, dự kiến cung cấp đủ 50 triệu liều đến tháng 12 và 100 triệu liều vào năm 2022.

Vắc-xin Nanocovax tại nhà máy của Công ty Nanogen tại TP HCM, ngày 23/6. Ảnh: VnExpress

Về hướng sản xuất vắc xin trong nước dựa trên chuyển giao công nghệ, Việt Nam đã triển khai thành công với Công ty Acturus (Mỹ), Công ty Shionogi (Nhật Bản), sản xuất vắc xin Sputnik-V theo công nghệ Nga. Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng, thẩm định đánh giá toàn diện các loại vắc xin này.

Điển hình nhất theo mô hình này là việc Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty CP công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19. Theo đạo của Chính phủ về tự chủ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, dịch bệnh bùng phát, Vingroup đã nỗ lực hết sức để tìm kiếm các đối tác quốc tế uy tín và triển khai khẩn cấp việc mua sắm thiết bị, xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin. Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vắc xin đầu tiên vào đầu năm 2022.

Theo thỏa thuận, Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền cho Vingroup để sản xuất vắc xin phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154.  Với việc tự chủ được sản xuất trong nước, giá vắc xin do Vin sản xuất dự kiến sẽ rẻ hơn so với các sản phẩm cùng phân khúc đang được chào bán trên thị trường. Đặc biệt, Vin sẽ cung cấp vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam với giá chỉ có chi phí, không tính lợi nhuận trong suốt thời gian chống dịch.

Trước đó, Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 đã thảo luận với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc hợp tác gia công, đóng ống, đóng gói và tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 Sputnik V tại Việt Nam. Hiện tại, 3 lô vắc xin Sputnik đầu tiên được gia công tại Việt Nam đã được chuyển sang Nga để kiểm định và đánh giá chất lượng…

VABIOTECH sẽ đóng ống vắc xin Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7 năm 2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm. Vắc xin Sputnik V do VABIOTECH sản xuất sẽ được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng quốc gia, sau khi hoàn thành việc chuyển giao công nghệ và đạt các kết quả kiểm định chất lượng tại Viện Gamalaya của Liên bang Nga.

Ngoài ra, Công ty Nhật Bản Shionogi cũng đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vac-xin Covid-19 với hai công ty của Việt Nam là Vabiotech và công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Đây là hợp đồng chuyển giao công nghệ thứ ba mà Việt Nam ký được với các doanh nghiệp nước ngoài. Công nghệ được phía Nhật chuyển giao là sản xuất vắc xin tái tổ hợp (Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein). Dự kiến đến tháng 06 năm 2022,  loại vắc xin này sẽ được đưa thị trường.

Như vậy, tính cho đến nay, Việt Nam đã có 3 dự án chuyển giao sản xuất vắc xin Covid-19 từ nước ngoài và thử nghiệm hai loại vắc xin nghiên cứu trong nước. Với tình hình Covid còn kéo dài như thế này và nhiều khả năng sẽ phải tiêm vắc xin liên tục hàng năm như đối với vắc xin cúm mùa, Nhà nước và Chính phủ đã đúng khi dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để sản xuất bằng được vắc xin trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng vẫn bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân trên cơ sở thẩm định chính xác về mặt khoa học.

Chính phủ cũng đang yêu cầu các cơ quan cần khẩn trương hoàn chỉnh các nội dung, thủ tục cần thiết để trình Quốc hội xem xét, quyết định, giải quyết những vấn đề pháp lý còn đang là rào cản để vắc xin sản xuất trong nước chính thức được thông qua. Bộ Y tế cũng ban hành ngay các quy định, hướng dẫn quy trình, thủ tục, chuẩn bị phục vụ việc sản xuất vắc xin trong nước, tham khảo quy định các nước. Việc hỗ trợ tối đa cho các nhà sản xuất đánh giá hiệu quả của vắc xin trên cơ sở khoa học, thực tiễn và pháp lý là những việc cần làm ngay. Chính sách hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin cần công bằng, minh bạch. Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hiện phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia WHO trong việc đánh giá thử nghiệm lâm sàng những vắc xin của Việt Nam sản xuất, đảm bảo những vắc xin này đạt tiêu chuẩn của WHO.

Tạo thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho quá trình sản xuất vắc xin nội chính là lời giải lâu dài cho bài toán chiến đấu với Covid, vẫn sẽ còn rất dài và phức tạp trong phần còn lại của năm 2021 và những năm tiếp tới.

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC