Mục tiêu vì nước Mỹ, nước Mỹ trên hết được Trump cổ vũ ngay từ khi tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ (2016), sau khi ngồi ghế Tổng thống Hoa Kỳ sau hơn hai năm đã lộ rõ những “phương tiện” Trump sử dụng để đạt được mục tiêu đó. Các phương tiện của ông Trump được lồng quyện vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ một cách mau lẹ, hướng vào các đối tượng rất cụ thể, nằm ở ngoài nước Mỹ, một cách vỗ mặt, trực diện, đầy thách thức theo đúng phong cách, nhân cách của ông Trump, và ê kíp làm việc trong chính phủ Hoa Kỳ do ông lập ra.

Biện pháp đầu tiên của Hoa Kỳ dưới thời ông Trump nắm quyền Nhà Trắng là đưa ra ngay các quyết định rút khỏi các Hiệp định quốc tế mà các đời Tổng thống trước đây đã khởi sự và tham gia. Trước tiên là Hiệp định hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, tiếp theo là Hiệp định chống biến đổi khí hậu toàn cầu, rút khỏi Hiệp định vũ khí hạt nhân với Iran, Hiệp định kiểm soát tên lửa tầm trung với Liên Xô (Nga) và đang xem xét Hiệp định thương mại quốc tế WTO và phàn nàn về toàn cầu hóa đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ hoặc hoạt động kém hiệu quả của Liên hợp quốc.

Tháng 6/2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Biện pháp thứ hai là dùng phương tiện về kinh tế. Ông Trump áp dụng chính sách tăng và giãn thuế xuất nhập khẩu vào Hoa Kỳ, trước hết nhắm vào Trung Quốc, EU, Bắc Mỹ và Nhật Bản; kết hợp với các biện pháp ngoại giao gây áp lực với các nước nói trên dỡ bỏ các cam kết được cho là gây thiệt hại cho Hoa Kỳ, để rồi ngồi lại đàm pháp các hiệp định kinh tế thương mại mới và phải chấp nhận những điều kiện Hoa Kỳ nêu ra. Điều này đã gây căng thẳng và đẩy tới cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – trung diễn ra gần một năm nay (6/2018 – 5/2019) và vẫn chưa biết khi nào chấm dứt. Cuộc chiến tranh được gọi là thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không chỉ ở phạm vi kinh tế, mục đích chính trị của vấn đề đã được hiện hình ở dạng xung đột địa chính trị và an ninh Trung – Mỹ. Các quốc gia Châu Âu, Mexico, Canada, Nhật Bản phải gồng mình để tìm cách thoát khỏi áp đặt của Mỹ và tìm hướng đi mới cho mình, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Khuynh hướng đối đầu với Mỹ ngày càng phát triển.

Biện pháp thứ ba ông Trump tiếp tục sử dụng món đòn cũ của các đời Tổng thống tiền nhiệm là trừng phạt, cấm vận về kinh tế và ngoại giao. Trong khi vẫn duy trì cấm vận đối với Nga, Mỹ tăng cường lệnh cấm vận với Venezuela về dầu hỏa, tài chính, ủng hộ lực lượng đối lập đảo chính ở Venezuela. Hoa Kỳ quay trở lại chính sách đối đầu với Cuba, hạ cấp ngoại giao, ngăn cấm công dân Mỹ đầu tư vào Cuba, và đe dọa trừng phạt đối với các thực thể kinh tế và các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào các tài sản bị nhà nước Cuba quốc hữu hóa trước đây. Điều này đang gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nước EU. Sau khi rút khỏi Hiệp ước về hạt nhân với Iran, Hoa Kỳ theo đó đã ban hành lệnh cấm vận về tài chính, đầu tư và bán dầu của Iran, đã và đang tác động không nhỏ tới các nước EU, Trung Quốc và Nga, gây ra phản ứng gay gắt, căng thẳng với Hoa Kỳ.

Biện pháp thứ tư Hoa Kỳ sử dụng là siết chặt chính sách nhập cư và các biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn để ngăn chặn người nhập cư vào Hoa Kỳ qua Mexico. Bức tường ông Trump xây dựng ở biên giới Mexico không chỉ gây phản đối mạnh mẽ trong dư luận quốc tế mà còn khiến cho mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Quốc hội Hoa Kỳ ngày càng căng thẳng, có lúc phải đóng cửa chính phủ Hoa Kỳ vì Quốc hội không cấp kinh phí, do sự tốn phí và vô nhân đạo của biện pháp này đi ngược lại nhân quyền truyền thống của nước Mỹ.

Ngoài ra, ông Trump đã có những quyết định mà trước đây các đời Tổng thống Hoa Kỳ không dám làm để ủng hộ Israel như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và rời sứ quán Mỹ về đó. Mới đây, ông Trump lại có một quyết định bất chấp luật pháp quốc tế là công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Syria là đất của Israel. Với những quyết định nói trên và việc áp dụng các chính sách đối đầu với Iran, Syria, đã đẩy khu vực này vào nguy cơ xung đột vũ trang mới có thể xảy ra bất cứ lúc nào giữa các nước trong khối Ả Rập với Israel và Hoa Kỳ.

Những biện pháp chính quyền của ông Trump áp dụng với các nước nêu trên là thể hiện chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump để mang lại mục tiêu thịnh vượng cho nước Mỹ.

Hậu quả của chính sách ông Trump đang thực hiện với thế giới đã nhìn thấy rõ. Sự phản ứng yếu ớt của các nước đang tạo cho Hoa Kỳ có lợi thế lớn, nhìn chung đang có sự thỏa hiệp song phương mang tính tiêu cực có lợi cho Hoa Kỳ; điển hình là Hiệp định thương mại NAFTA giữa Mỹ, Mexico và Canada đã xem xét lại với sự nhượng bộ Mỹ. Trung Quốc cũng có dấu hiệu lùi, thể hiện trong các cuộc đàm phán về thương mại với Mỹ. Các nước khác cũng đang tìm cách thỏa hiệp với Mỹ về nông sản và ô tô, trong đó có Nhật và EU. Mới đây, EU đã chấp nhận mua khí đốt của Mỹ để mặc cả Mỹ về giảm thuế nhập khẩu hàng của EU vào Mỹ.

Các nước Trung Đông, Nga, kể cả Liên hợp quốc cũng lên tiếng phản đối các quyết định của ông Trump, nhưng cam chịu sự trừng phạt kinh tế và cấm vận của Mỹ mà chưa có biện pháp đáp trả nào khiến cho Mỹ phải đối phó. Mới đây, Nga lại ngỏ ý nối lại quan hệ với Hoa Kỳ. Nhìn vào diễn biến trên đây cảnh báo một điều: chính sách đối ngoại của Mỹ đang phát huy hiệu quả, trật tự thế giới đang bị Mỹ xới lại để rồi thiết lập một trật tự thế giới mới ra đời do Mỹ xếp đặt. Như vậy, Mỹ là bên thắng trận. Nếu Mỹ thắng, nước Mỹ sẽ đạt được mục đích của Trump: “Nước Mỹ trên hết – Nước Mỹ đứng đầu và lãnh đạo thế giới”. Nhưng còn thế giới thì sẽ ra sao? Câu hỏi này sẽ phải đợi một thời gian nữa để có câu trả lời, nhưng có thể nhìn thấy trước một số tác động theo chiều hướng tiêu cực sau:

Một là: Trật tự thế giới bị đe dọa do các cam kết quốc tế bị phá vỡ, các nước phải tự lo lấy để bảo vệ được lợi ích của mình; điều đó sẽ kéo theo sự cạnh tranh và xung đột, chiến tranh có thể xảy ra nếu thiếu sự kiềm chế, sẽ đẩy người dân tới chỗ chết chóc do đói nghèo hoặc bom đạn. Là một nước có khối lượng khí thải carbon được coi là lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước Chống biến đổi khí hậu toàn cầu, đó là hành vi thiếu trách nhiệm và vô đạo đức, sẽ đẩy loài người phải đối mặt với các nguy cơ trái đất nóng lên, nước biển dâng. Thiên tai, bão lụt, bệnh dịch… sẽ còn khủng khiếp hơn, kéo theo giết chết hàng triệu người mỗi năm trên toàn cầu, trong đó có người dân của Hoa Kỳ, các nước ở vùng nhiệt đới đã và đang phải gánh chịu và đang sống trong lo sợ do thiên tai tàn phá hàng ngày.

Hai là: Chính sách thương mại mới của Mỹ đã gây cho nhiều nước những thiệt nặng nề do trật tự thương mại bị phá vỡ. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung không chỉ gây tổn thất cho nền kinh tế của hai quốc gia này, mà còn làm cho toàn bộ nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực, đặc biệt gây thiệt hại nghiêm trọng cho những nước nhỏ, nền kinh tế thấp. Sự nghèo đói toàn cầu có thể sẽ tiếp tục tăng lên do kinh tế sụt giảm, kích thích các cuộc di dân của những người nghèo tiếp tục gia tăng vào Mỹ và Châu Âu  và họ đang phải chịu cảnh đói khát, bệnh tật trên đường di tản trước khi họ tới đích.

Người tỵ nạn Trung Mỹ trên đường tới biên giới Hoa Kỳ.

Ba là: Chính sách bao vây, cấm vận về kinh tế của Hoa Kỳ đối với những nước Hoa Kỳ xác định là thù địch, là một chính sách vô nhân đạo. Nó không chỉ trừng phạt chính phủ mà cuối cùng nó nhằm hủy diệt nền kinh tế quốc gia, người dân của quốc gia đó sống trong khó khăn cùng cực do sự cấm vận của Hoa Kỳ. Dư luận thế giới đặt câu hỏi: Tại sao Mỹ lại phải dùng biện pháp cấm vận nước khác, phần lớn lại là những nước yếu hơn Mỹ rất nhiều xét trên nhiều phương diện? Là vì Mỹ thua về đạo lý và đạo đức, nên mới áp dụng biện pháp “lấy thịt đè người” để mong cầu ở người dân nước này muốn thoát được cảnh khốn khổ do chính sách cấm vận thì phải vùng lên lật đổ chế độ hiện hành tại nước đó, như Mỹ đang tiến hành ở Venezuela, Cuba và đối với Việt Nam trong quá khứ. Đến nay nhân dân thế giới đều phản đối chính sách này của Hoa Kỳ và phương tây, một loại chính sách áp đặt và phi nghĩa, vì họ quá mạnh nên họ chưa phải lãnh chịu sức phản kháng của các quốc gia khác, trừ nước Nga.

Ta có thể xét thêm chính sách siết chặt nhập cư của Hoa Kỳ do Tổng thống Trump khởi xướng từ khi cầm quyền. Theo đuổi chính sách dân túy và dân tộc chủ nghĩa và lo sợ trả thù, ông Trump đã phải ký rất nhiều sắc lệnh phủ quyết các chính sách nhập cư của các đời tổng thống trước đây dựa theo nền dân chủ, nhân quyền của nước Mỹ. Theo chính sách siết chặt nhập cư của Tổng thống Trump, nhiều gia đình đã có một thời gian sinh sống tại Mỹ khá dài nay phải ly tán, đẩy bao đứa trẻ vào cảnh xa rời cha mẹ, thiếu người thân chăm sóc. Việc thúc đẩy xây dựng bức tường ngăn cách biên giới với Mexico đã đẩy hàng vạn người từ các nước tìm chọn vào nước Mỹ sống trong cảnh màn trời chiếu đất, đói khát, chết chóc không thương tiếc. Những từ như: “tự do làm ăn”, “tự do lựa chọn cuộc sống”, “tự do cư trú” thuộc về giá trị căn bản của nước Mỹ lâu nay được tôn sùng đã bị ông Trump hủy hoại đến mức nội bộ nước Mỹ đã phân hóa cao độ về chính sách này.

Chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump về mục đích không khác với các đời tổng thống tiền nhiệm của Hoa Kỳ là ‘vì nước Mỹ, nước Mỹ phải đứng đầu thế giới’, nhưng khác là đời tổng thống đương nhiệm sử dụng đòn trừng phạt về kinh tế, gây áp lực về ngoại giao để khuất phục các đối thủ; trong khi các đời tổng thống tiền nhiệm sử dụng can thiệp trực tiếp quân sự kết hợp bao vây cấm vận, cô lập ngoại giao.

Như vậy, có thể nói trong hơn hai năm cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã tích cực xoay chuyển để có lợi cho nước Mỹ, nhưng chính sách của ông không phù hợp với chuẩn mực đạo đức của nhân loại ngày nay. Mục đích và phương tiện thực hiện mục đích là hai vấn đề trong việc hình thành chính sách của mỗi quốc gia. Đạt mục đích bằng những phương tiện, biện pháp tự nó gây ra sự thù hận, sự tàn phá, hủy hoại mội trường sống, gây ra chiến tranh, đói khổ và chết choc sẽ bị loài người lên án – đó là một chính sách sai lầm, thiếu đạo đức. Do đó, một chính sách đối ngoại đúng, hợp lý là một chính sách đối ngoại có đạo đức. Đó phải là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để xây dựng chính sách của mỗi quốc gia. 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC