Từ 12-13/12/2023, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ ba trên cương vị này, không chỉ là chuyến thăm đáp lễ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022) mà còn để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt – Trung.

Bối cảnh chuyến đi

–   Chuyến đi đúng vào dịp Việt – Trung kỉ niệm 15 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” (2008-2023); sau chuyến thăm Trung Quốc lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022), quan hệ hai nước khởi sắc, tấp nập qua lại: Phía Việt Nam: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, nhiều Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam thăm Trung Quốc; Phía Trung Quốc: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào và nhiều quan chức cao cấp khác đã thăm Việt Nam. Về kinh tế đã có những bước phát triển mang tính đột phá: 10 tháng đầu năm 2023, số dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam vượt lên hàng đầu (555 dự án còn hiệu lực), kim ngạch đầu tư tăng 98% (đạt 2,5 tỉ USD); Lũy kế đến 20/10/2023, Trung Quốc giữ vị trí thứ 6 trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 4.105 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 26,5 tỷ USD; 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hoa quả Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đạt 2,75 tỉ USD, tăng 160%.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023 đã để lại dấu ấn lịch sử trong quan hệ hai nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

– Trung Quốc vừa tổng kết việc thực hiện chính sách Ngoại giao láng giềng, chủ trương tiếp tục tăng cường quan hệ thân thiện với láng giềng. Năm 2023 cũng là 10 năm Trung Quốc đề xướng “Vành đai Con đường” (BRI), Trung Quốc đã họp Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về BRI lần thứ ba; Trung Quốc đã thành lập các điểm thu hút đầu tư liên quan đến BRI trị giá 780 tỉ NDT, các công ty Trung Quốc đã ký với các công ty nước ngoài trong khuôn khổ BRI các hiệp định hợp tác trị giá 97,2 tỉ USD.

– Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ (tháng 9/2023) và với Nhật (tháng 11/2023).

– Tập Cận Bình – Biden gặp nhau 17/11/2023, quan hệ Trung – Mỹ có dấu hiệu hòa dịu hơn, hi vọng tạo ra “khởi điểm mới” cho quan hệ hai nước.

–  Tình hình Biển Đông phức tạp, quan hệ Trung Quốc – Philippines căng thẳng lên.

Ông Tập Cận Bình đã thăm Việt Nam 3 lần trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (2015, 2017 và 2023), trước đó đã thăm Việt Nam trên cương vị Phó Chủ tịch nước (2011). Đây là chuyến công du nước ngoài cuối cùng trong năm 2023 của ông Tập và Trung Quốc đã dành hoạt động ngoại giao nguyên thủ cuối cùng trong năm này cho Việt Nam.

Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự gặp mặt đại biểu nhân sĩ và thanh niên Việt – Trung…

         Một số nét nổi bật của chuyến thăm

Hai bên đã ra Tuyên bố chung về “tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc mang ý nghĩa chiến lược”.

Có thể nói đây là “Tuyên bố chung” phản ánh mối quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung” một cách sâu sắc, toàn diện và tình nghĩa nhất kể từ sau bình thường hóa quan hệ hai nước (1991).

Hai bên chúc mừng những thành tựu mà hai Đảng, hai nước đã giành được trong một thế giới đầy biến động khó lường và tỏ ý tin tưởng về tiền đồ phát triển của nhau cũng như về tầm cao mới của quan hệ hai nước.

Việt Nam ủng hộ việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại (Trung Quốc vẫn sử dụng cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”), ủng hộ sáng kiến “Phát triển toàn cầu”, sáng kiến “An ninh toàn cầu”, sáng kiến “Văn minh toàn cầu” của Trung Quốc.

Hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược quan trọng, phản ánh nỗ lực chung vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình. Tuy trong văn bản chính thức và trong truyền thông Trung Quốc vẫn sử dụng cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” nhưng hai bên vẫn thống nhất về nội hàm trên đây của “Cộng đồng chia sẻ tương lai”. Ông Tập Cận Bình đã đề xuất “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” từ 2011, và từ đó Trung Quốc luôn thúc đẩy và thuyết phục các đối tác xây dựng các “cộng đồng chung vận mệnh” khu vực, cộng đồng chung vận mệnh quốc gia – quốc gia và coi đây là tiêu chí đánh giá “thân-sơ” giữa đối tác với Trung Quốc. Trung Quốc đã “nhắc nhở” Việt Nam nhiều lần và tỏ mong muốn Việt Nam tham gia tích cực “Cộng đồng” này, trở thành một điểm “kẹt” của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc. Nay “Tuyên bố chung” đã khẳng định “Cộng đồng chia sẻ tương lai” Việt – Trung, đây vừa là một thành công của ngoại giao Trung Quốc, vừa gỡ bỏ được điểm “kẹt” trong quan hệ Việt – Trung.

Hai bên nhất trí cho rằng tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” là tài sản quý báu của nhân dân hai nước, cần phải kế thừa tốt, bảo vệ tốt và phát huy tốt. Trong suốt chuyến thăm, ông Tập cũng đã nhiều lần nhắc tới tình hữu nghị “vừa là đồng chí vừa là anh em” Trung – Việt. Phía Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Phía Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa của Việt Nam. Cả hai bên đều coi đây là sự lựa chọn chiến lược của mình.

Hai bên đồng ý kiên trì định hướng chính trị của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, nhìn nhận và phát triển quan hệ Việt Nam – Trung Quốc từ tầm cao chiến lược, tầm nhìn lâu dài, tuân theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”. Định rõ hơn phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong tình hình mới, với 6 phương hướng lớn:

– Tin cậy chính trị cao hơn: tăng cường trao đổi chiến lược, kiên trì đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị.

– Hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn: Hai bên nhất trí tăng cường các cơ chế hợp tác về quốc phòng, công an, an ninh, tòa án tối cao, viện kiểm sát tối cao, nghiên cứu xây dựng cơ chế giao lưu giữa các cơ quan tư pháp tương ứng của hai nước.

– Hợp tác thực chất sâu sắc hơn: tăng cường các cơ chế hợp tác tương ứng trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đầu tư ngành nghề, thương mại, nông nghiệp, tài chính tiền tệ; nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, cơ quan giao thông vận tải…

– Xây dựng nền tảng xã hội của quan hệ hai nước vững chắc hơn: tăng cường các cơ chế giao lưu giữa cơ quan tuyên giáo/tuyên truyền của hai Đảng, các nhà xuất bản, giữa các cơ quan văn hóa, du lịch, thanh niên và địa phương; nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác giữa các cơ quan giáo dục, y tế, y học cổ truyền, hàng không dân dụng…

– Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn: hai bên nhất trí kiên trì phát huy chủ nghĩa đa phương, tăng cường phối hợp và hợp tác đa phương, cùng nhau bảo vệ hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm hạt nhân và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.

– Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn: Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Hai bên nhất trí chung tay thúc đẩy sự nghiệp XHCN thế giới phát triển, đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Trong chuyến đi này, hai bên đã ký 36 văn bản hợp tác trên nhiều mặt, bao gồm 4 văn bản về lĩnh vực chính trị – đối ngoại được ký giữa các ban Đảng và Bộ Ngoại giao hai nước, 4 văn bản hợp tác an ninh – quốc phòng về phòng chống tội phạm, hợp tác trên biển và lĩnh vực tư pháp; 24 văn bản về hợp tác trên các lĩnh vực thực chất cấp Chính phủ, cấp Bộ và cơ quan ngang Bộ, cùng 4 văn bản hợp tác giữa các địa phương hai nước.

Bộ Quốc phòng hai nước ký bản ghi nhớ về Tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, trong khi Bộ Công an hai bên ký hiệp định về phòng, chống tội phạm và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Hai nước cũng ký hiệp định về việc cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng, về tăng cường hợp tác đường sắt, bao gồm tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới. Hai bên còn ký thỏa thuận thiết lập đường dây nóng thông tin về các sự việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.

36 văn bản hợp tác này đã phản ánh tính thực chất cao hơn của quan hệ Việt – Trung trong thời kỳ mới.

Phản ứng của Trung Quốc và quốc tế về chuyến đi

(i) Phản ứng của phía Trung Quốc

Kể từ sau bình thường hóa quan hệ hai nước, truyền thông Trung Quốc chưa bao giờ đưa tin và bình luận sôi nổi, tích cực về quan hệ Trung – Việt như trong dịp chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình lần này, kể cả truyền thông trung ương lẫn truyền thông địa phương, xuống tận cơ quan tuyên huấn cấp huyện. Các hãng tin đều đánh giá cao tầm quan trọng của quan hệ Trung – Việt trong thời đại mới, đều cho rằng chuyến đi đã đưa quan hệ hai nước vào một định vị mới, một khởi điểm mới, một đỉnh cao mới. Đặc biệt truyền thông Trung Quốc đều tập trung ca ngợi việc hai bên ký Tuyên bố chung trong đó xác nhận hai nước cùng xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, coi đó là một “quyết định lịch sử quan trọng”. Truyền thông Trung Quốc cũng đặc biệt nhấn mạnh đến “tầm cao mới” và sự tin cậy lẫn nhau sâu sắc hơn trong quan hệ hai nước; đơn cử việc Việt Nam “phá lệ” cuộc đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình bằng việc “Thủ tướng đón, Chủ tịch quốc hội tiễn” và “tất cả 16 Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam đều dự chiêu đãi tối 12/12”…

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, sau chuyến đi, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ “trở lại Hà Nội sau 6 năm, tôi đã cảm nhận được tình hữu nghị sâu sắc của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam”, Chủ tịch cho biết, “Đây là chuyến công du nước ngoài cuối cùng trong năm nay của tôi. Điều đó thể hiện đầy đủ vị thế đặc biệt của quan hệ Trung Quốc – Việt Nam trong bức tranh ngoại giao tổng thể của Trung Quốc”. Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng các hiệp định mới được ký kết trong chuyến thăm sẽ “mở ra những chương mới trong mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam.”

Nhiều cơ quan truyền thông trung ương và địa phương Trung Quốc đã đăng tải đầy đủ phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong đó ông Vương Nghị nhận định, chuyến thăm là sự kiện chính trị quan trọng nhất trong quan hệ Trung – Việt năm 2023. Chuyến thăm đã thành công to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng, trở thành dấu mốc mới của quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Vương Nghị khái quát các kết quả của chuyến thăm bằng “ba mới”: tầm cao mới của quan hệ Trung – Việt; thành quả mới trong hợp tác thiết thực và chương mới của tình hữu nghị truyền thống hai nước. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đặc biệt nhấn mạnh đến việc hai nước thỏa thuận cùng xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, ông cho rằng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa Trung Quốc và Việt Nam “có ý nghĩa chiến lược, là một quyết định lịch sử quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; là “thời khắc rực rỡ” của chuyến thăm lần này; là đỉnh cao và là lựa chọn tất yếu sau 15 năm quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Vương Nghị còn đánh giá “chuyến thăm thể hiện sự coi trọng Việt Nam, đồng thời sẽ có những “ảnh hưởng quan trọng và sâu rộng đối với tình hình khu vực và thế giới”.

“Nhân dân Nhật báo” ngày 14/12 đăng bài bình luận có tiêu đề “Cùng nhau xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược”. Bài viết khẳng định, định vị mới trong quan hệ hai Đảng, hai nước là cùng nhau xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai trên cơ sở tăng cường quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Bài viết cho rằng, mặc dù tình hình quốc tế có nhiều biến động, nhưng hai Đảng, hai nước đều duy trì hòa bình và an ninh, cùng hợp tác và phát triển, cùng phát triển giàu mạnh và thịnh vượng, cùng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai của nhân loại.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, quan hệ Trung – Việt đã bước vào giai đoạn mới thực chất, sự trao đổi về chính sách chính trị giữa hai nước sau này sẽ thông suốt hơn, hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, kinh tế – thương mại sẽ hiệu quả hơn, sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước sẽ được tăng cường hơn, đồng thời thể hiện sự đóng góp tích cực của việc phát triển quan hệ song phương đối với ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bà Phan Kim Nga, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam cho rằng quan hệ hai nước sau chuyến thăm sẽ “đột phá trên tất cả các lĩnh vực”, trong đó chính trị, hợp tác thiết thực và nền tảng xã hội là 3 lĩnh vực có nhiều khả năng đột phá nhất sau chuyến thăm.

Ông Su Xiaohui, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, Việc hai nước cùng xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” là tín hiệu tích cực thể hiện việc hai Đảng, hai nước đoàn kết hữu nghị, cùng nhau kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng hướng tới hiện đại hóa.

Chuyên gia Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc – ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Đây không chỉ là sự kiện trọng đại trong quan hệ hai nước, mà còn thu hút sự quan tâm, chú ý của cả khu vực và cộng đồng quốc tế. Thông qua chuyến thăm, những định hướng lớn trong hợp tác song phương trong các lĩnh vực quản trị đất nước và xã hội, hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân văn, đặc biệt là hợp tác kinh tế – thương mại sẽ được thể hiện rõ nét.

Ông Yang Ruofei, Giám đốc Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) chi nhánh tại Hà Nội nhận định: Chuyến thăm lần này sẽ đem đến nhiều cơ hội hợp tác song phương, đồng thời tạo động lực mới để hai nước cùng phát triển, cùng thắng.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin đậm nét về chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nguồn: VOV

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ láng giềng thuộc Đại học Phục Đán Zhao Weihua cho biết, hiện nay Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, 33% sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc tiêu thụ gần 1/3 hàng nông sản của Việt Nam. Trung Quốc – Việt Nam đồng ý đẩy nhanh hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học – công nghệ, có kinh nghiệm quản lý hiện đại đầu tư sang Việt Nam, do đó, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có thêm nhiều cơ hội.

(ii) Phản ứng của Quốc tế

Nhiều chuyên gia, học giả quốc tế đều nhận định, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, thúc đẩy hòa bình và ổn định của ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương, đóng góp cho ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực và của toàn thế giới.

Báo chí Thái Lan đưa tin đầy đủ về chuyến thăm và bình luận rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam có mục tiêu nâng tầm mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thắt chặt mối quan hệ song phương hơn nữa với Việt Nam, đặc biệt sau khi Việt Nam với đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam” đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ trong thời gian gần đây.

Ông Sithixay Xayavong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học quốc gia Lào nhận định, chuyến thăm lần này đã truyền tải thông điệp Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao láng giềng, cùng với các nước trong khu vực xây dựng ngôi nhà chung châu Á hòa bình, an toàn, thịnh vượng, giàu đẹp, hữu nghị, đồng thời cùng nhau đẩy mạnh quyết tâm và niềm tin về xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai châu Á.

Ông Chea Munyrith, thành viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Campuchia – Trung Quốc cho biết, quan hệ Trung Quốc – Việt Nam bước lên tầm cao mới là tín hiệu tích cực đối với ASEAN, có lợi cho việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực.

Ông Chen Gang, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học quốc gia Singapore cho rằng, chuyến thăm lần này đưa quan hệ Trung Quốc – Việt Nam lên tầm cao mới, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực ASEAN.

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã cùng xem 36 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được hai bên ký kết. Hai bên cùng thống nhất làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương thông qua tuyên bố chung về xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” Việt Nam – Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.

Hãng tin Reuters nhận định, chuyến thăm sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.  Tờ Time cho rằng, chuyến thăm hai ngày lần này – chuyến thăm duy nhất của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới một quốc gia châu Á trong năm 2023, cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh; đồng thời nhận định, chuyến thăm sẽ là cơ hội để nuôi dưỡng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước láng giềng.

Đặc biệt đáng chú ý là truyền thông quốc tế, thông qua chuyến đi của ông Tập Cận Bình, đã ca ngợi vị thế mới và thành công của chính sách ngoại giao của Việt Nam:

Hãng Nikkei Nhật Bản bình luận, với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới đón cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc cùng thăm trong năm nay, cho thấy tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam, một trung tâm sản xuất quan trọng của châu Á.

Bloomberg cũng đánh giá, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa cho thấy năng lực đối ngoại của Việt Nam trong việc đưa các cường quốc xích lại gần nhau hơn, cũng như giải quyết các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu…

Financial Times cho rằng, chuyến công du thứ ba của Chủ tịch Trung Quốc tới Việt Nam có ý nghĩa lớn về hợp tác kinh tế khu vực, không chỉ bởi Việt Nam giờ đây đã thể hiện rõ vai trò là một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ với các nước phương Tây, mà còn với chính các doanh nghiệp Trung Quốc.

         Qua chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể thấy:

– Về quan hệ hai nước: Nhận thức về quan hệ hai nước của hai bên được nâng cao hơn, sâu sắc thiết thực hơn và tôn trọng lẫn nhau hơn. Đã tạo ra “một cú hích mới” sau cú hích chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 – 1/1/2022), tạo động lực mới cho quan hệ Việt – Trung phát triển ở tầm cao hơn, tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” có thể được thể hiện cụ thể hơn.

– Xác định rõ hơn con đường phát triển quan hệ hai nước với 6 phương hướng lớn; Phạm vi hợp tác hai bên được mở rộng hơn, thực chất hơn: song phương, đa phương, trên các diễn đàn, các vấn đề quốc tế; cấp trung ương, cấp địa phương; bao gồm tất cả các lĩnh vực, đặc biệt nhấn mạnh đến việc nâng cao lòng tin chính trị, chất lượng hợp tác kinh tế, xây dựng vững chắc cơ sở xã hội làm nền cho phát triển quan hệ hai nước.

– Chuyến thăm là nhu cầu của cả hai bên trong tình hình mới; nhìn chung cả hai bên đều đạt yêu cầu bao trùm là củng cố, tăng cường quan hệ hai nước và nâng cao vị thế của mỗi nước trên trường quốc tế. Với Trung Quốc, đạt hai mục tiêu thiết thực nhất là thúc đẩy kết nối BRI với “Hai hành lang một vành đai” của Việt Nam và thỏa thuận “Xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai” (Với Trung Quốc đó là “Cộng đồng chung vận mệnh”), thông qua thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ có được nhiều thiện cảm hơn của dư luận quốc tế); Với Việt Nam là mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác với Trung Quốc, góp phần làm cho Việt Nam yên tâm hơn trong quan hệ với một đối tác quan trọng bậc nhất của mình trong hệ thống quan hệ quốc tế. Đáng chú ý là với sự thành công của cả hai bên qua chuyến thăm, một lần nữa thể hiện sự thành công của chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam (mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng tầm thành “Trường phái Ngoại giao Cây tre Việt Nam” tại Hội nghị Ngoại giao Việt Nam lần thứ 32, ngày 19/12/2023); Việt Nam đã khai thông môi trường đối ngoại của mình về mọi phía, tạo cơ hội chưa từng có cho ưu thế của Ngoại giao Việt Nam và cho con đường phát triển của Việt Nam.

– Tuy nhiên chuyến đi cũng cho thấy những tồn tại trong quan hệ hai nước, trong đó tồn tại lớn nhất vẫn là tranh chấp Biển Đông, chưa bên nào thay đổi lập trường, chỉ nhấn mạnh tăng cường quản lý bất đồng, giữ ổn định Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình. Cuộc gặp Tập Cận Bình – Biden 17/11 thỏa thuận khôi phục tiếp xúc quân sự cấp cao, kể cả các vấn đề trên biển Trung – Mỹ, có thể sẽ tạo ra những phức tạp mới trên Biển Đông từ sự thỏa hiệp Trung – Mỹ, “quản lý bất đồng” trên Biển Đông cần có các biện pháp tích cực, hữu hiệu hơn để bảo đảm cho một Biển Đông hòa bình, ổn định và hợp tác. Ngoài ra, dư luận quốc tế còn  nhiều nghi ngại về khả năng hiện thực hóa các văn bản hợp tác kinh tế đã ký giữa hai nước, chưa hoàn toàn tin cậy vào sự nhất trí giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc.

Nhìn chung, trên cơ sở Trung Quốc đã nhiều năm là đối tác thương mại lớn  nhất của Việt Nam, Việt Nam đã vươn lên là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên toàn cầu, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần này lại đem đến những nhận thức mới về quan hệ hai nước, với phương hướng lớn 6 điểm về phát triển tương lai của quan hệ hai nước, với 36 văn bản hợp tác mới bao quát mọi lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, quan hệ Việt – Trung chắc chắn sẽ phát triển với khí thế mới, hành động mới, niềm tin mới và sẽ đi lên tầm cao mới, đem lại hạnh phúc cho nhân dân hai nước, đóng góp lớn hơn cho hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực và thế giới.

Sau chuyến đi, hai bên cần bàn bạc cụ thể các biện pháp và lộ trình thực hiện cụ thể 6 phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong tương lai, bảo đảm chất lượng của phát triển quan hệ, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Đặc biệt cần tập trung vào ba lĩnh vực: tăng cường tin cậy chính trị; hợp tác thực chất và xây dựng nền tảng xã hội vững chắc cho củng cố và phát triển quan hệ hai nước.

Trong hoạt động thực tiễn với Trung Quốc, cần tăng cường giao lưu cấp cao, phối hợp hiệu quả phương thức “ngoại giao nguyên thủ”, thiết lập cơ chế giao lưu Văn phòng hai Tổng Bí thư, làm đầu mối tập trung chỉ đạo xử lý các vấn đề đột xuất trong quan hệ hai nước; đồng thời thúc đẩy các phương thức Ngoại giao Đảng, Nhà nước và nhân dân, tạo các cơ chế vững chắc, hiệu quả, thiết thực cho việc đưa quan hệ Việt – Trung lên tầm cao mới.

Đồng thời phát huy hiệu quả ưu thế mới của Ngoại giao Việt Nam, biến các ưu thế mới này thành các sản phẩm cụ thể của Ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn mới. Tận dụng những phát triển mới trong quan hệ Việt – Trung, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với ASEAN; với Mỹ, Nhật sau nâng cấp “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, với Ấn Độ, Hàn Quốc; với EU, Australia và các đối tác khác.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC