Cuộc xung đột Nga – Ukraina diễn ra từ tháng 2 năm ngoái đã phần nào làm tê liệt hai vựa lương thực của nhân loại. Chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3/2022. Sau đó, mức giá đã giảm nhưng việc Nga tuyên bố rút khỏi “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen” khiến xu hướng này bị đảo ngược. Sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc có nguy cơ đẩy giá lương thực tăng cao với người tiêu dùng trên khắp thế giới và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh đói ăn.

Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể khiến giá lương thực toàn cầu tăng 15%. Cộng thêm ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết El Nino đã bắt đầu xuất hiện trong năm nay, các chuyên gia đều nhận định giá lương thực thế giới có thể sẽ tăng vọt trong nửa cuối năm 2023.

Một số chuyên gia lo ngại trước viễn cảnh cơn sốt lúa mì lây sang thị trường gạo của thế giới. Lo ngại trước thực tế giá gạo tăng cao, để đảm bảo an ninh lương thực, Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vừa tuyên bố cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo. Động thái này của Ấn Độ tiếp tục kéo giá lương thực toàn cầu lên cao. Ấn Độ hiện đóng góp khoảng 40% hoạt động kinh doanh gạo trên toàn cầu, cung cấp gạo cho hơn 100 quốc gia.

Mặc dù bối cảnh toàn cầu phưc tạp như vậy, ngành gạo Việt Nam lại đang là một điểm sáng trong nửa đầu năm 2023. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam nửa đầu năm nay đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ.

Việt Nam đã hưởng lợi từ việc giá lương thực tăng lên. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất trong nửa đầu năm nay với khối lượng nhập từ Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 772 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng tới 31% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với khối lượng nhập hơn 632.000 tấn (tăng 63%), trị giá 364 triệu USD (tăng 79%).

Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam – chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh minh họa

Bối cảnh lương thực khó khăn của thế giới đã góp phần tạo đà cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng rất mạnh, theo số liệu 5 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, Đài Loan tăng 142%, Senegal tăng 1.147%, Chile tăng 4.120%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15.972%… Xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU cũng tăng trưởng ở mức ba con số, như Ba Lan tăng 117%, Bỉ tăng 165%, Tây Ban Nha tăng 308%…  Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang Indonesia đã tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái, khiến nước này trở thành nhà nhập khẩu gạo thứ ba của Việt Nam.

Dù đang là điểm sáng, có một số điểm chính cần lưu ý để gạo Việt Nam giữ vững được đà tăng trưởng như hiện nay.

Thứ nhất, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng việc tăng trưởng sản lượng để tăng cường cho xuất khẩu. Năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,13 triệu tấn. Năm 2023, cùng với nhu cầu tăng cao của thế giới, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 1 triệu tấn so với năm ngoái. Câu hỏi là Việt Nam có đủ nguồn cung gạo để xuất khẩu hay không trong khi vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với tổng diện tích sản xuất lúa gạo là 7,1 triệu ha, Việt Nam đạt sản lượng dao động từ 43 – 43,5 triệu tấn lúa. Tiêu thụ trong nước vào khoảng 30 triệu tấn, trong đó, gồm khoảng 15 triệu tấn phục vụ cho tiêu dùng cho gần 100 triệu dân; 9,5 triệu tấn phục vụ cho chế biến; 1 triệu tấn phục vụ cho làm giống; 2,5 triệu tấn phục vụ cho dự trữ quốc gia. Sau khi cân đối, Việt Nam chỉ còn 14 – 15 triệu tấn lúa, tức là khoảng 7 – 7,5 triệu tấn gạo để phục vụ cho xuất khẩu.

Làm thế nào để có thêm gạo cho xuất khẩu là bài toán đặt ra. Chính phủ đã có chỉ đạo rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành để tổ chức sản xuất của các địa phương. Việc tổ chức sản xuất tốt là điều kiện tiên quyết để gia tăng sản lượng. Chính phủ và Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo: (1) bám sát tình hình thực tế, đặc biệt là tình hình thời tiết gắn chặt với thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn về mưa, hạn, mặn để có điều chỉnh khung thời vụ, cơ cấu giống phù hợp. (2) chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra giám sát bảo đảm lúa không bị dịch bệnh, không để giảm sản lượng do dịch bệnh gây ra. (3) Cơ quan chức năng kiểm tra thực tế, làm việc với các địa phương nhằm tăng thêm diện tích của vụ Thu Đông. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp, nếu chúng ta đạt được thêm diện tích 50 nghìn ha lúa Thu Đông thì chúng ta còn thu thêm được 100 triệu USD xuất khẩu gạo. Đây là nguồn thu quan trọng, vừa góp phần cung ứng lương thực ra cho khu vực, thế giới, vừa mang lại thu nhập cho người dân.

Thứ hai, không chỉ tăng xuất khẩu về lượng, Việt Nam rất cần tăng chất lượng gạo xuất khẩu để có thể bán với giá cao hơn, mang lại doanh thu lớn hơn. Chính phủ và Bộ Nông nghiệp đang điều hành theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao. Việt Nam đã có đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam phải chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo hướng giữ tỷ trọng gạo trắng, hạt dài phẩm cấp cao ở mức từ 15-20%, giảm tỷ trọng gạo phẩm cấp trung bình và thấp, tăng tỷ trọng gạo thơm, gạo đồ, gạo japonica, gạo hữu cơ; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo, gạo có vi chất dinh dưỡng, bột gạo, mỹ phẩm từ gạo… Đây là những phương hướng đúng đắn để nâng cao chất lượng gạo Việt Nam xuất khẩu, thay chạy theo số lượng thuần túy.

Thứ ba, nương theo phương hướng này, Việt Nam phải chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng cao và các sản phẩm chế biến sâu từ gạo. song song với việc thỏa mãn nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống như trước đây.

Thực tế đang diễn ra theo hướng này khi trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo phẩm cao. Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính. Xuất khẩu nửa đầu năm 2023 cũng ghi nhận gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo cao cấp như gạo thơm, gạo nếp, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, giảm tỉ trong xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp.

Việt Nam đang chú trọng sản xuất gạo chất lượng cao để tăng xuất khẩu vào các thị trường mới. Ảnh minh họa

Thứ tư, để thúc đẩy xuất khẩu, Chính phủ phải tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhất là vấn đề vốn, tín dụng. Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ, mở cơ hội cho doanh nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp. Các chuyên gia kinh tế còn gợi ý nhà nước mở rộng chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo, chỉ cần áp dụng trong thời điểm thu hoạch, mùa vụ cao điểm và dựa trên kết quả thẩm định, lịch sử kinh doanh của từng doanh nghiệp. Xuất khẩu tốt được hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội đang rất tốt từ thị trường hiện nay.

Thứ năm, ngành gạo phải đi tiên phong trong đối phó và giải quyết vấn đề khí hậu và môi trường. Tình hình biến đổi khí đang diễn ra hết sức phức tạp, có thể ảnh hưởng lớn đến sản lượng lúa gạo, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài việc chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị tốt nhất để đối phó với hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, và những nhiều điều kiện thời tiết bất lợi khác, ngành nông nghiệp phải  cố gắng nghiên cứu cho ra những giống lúa có khả năng thích ứng với những điều kiện bất lợi, để bảo đảm Việt Nam phải duy trì được diện tích và sản lượng. Hiện nay Việt Nam đang hoàn thiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính. Lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải là xu thế tất yếu, mang lại giá thành tốt hơn, hiệu quả hơn, vừa góp phần giúp Việt Nam thực hiện đúng cam kết của COP26, cũng như bảo đảm những sản phẩm lúa gạo ra các thị trường đạt chất lượng xuất khẩu.

Thứ sáu, vấn đề logistics cho xuất khẩu gạo vẫn cần được giải quyết triệt để. Theo thống kê, chi phí logistics chiếm 16,8% giá trị hàng hoá Việt, trong khi với thế giới chỉ là 10,6%. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, chi phí logistics chiếm đến 30% giá thành nông sản. Đây là mức rất cao so với thế giới, khiến giá thành bị đội lên, làm cho hàng nông sản nước ta khó cạnh tranh hơn. Hơn thế, mùa cao điểm xuất khẩu gạo, nhu cầu vận chuyển vượt quá cung, khiến gạo sẵn nhưng thiếu chỗ trên tàu để xuất đi, thiếu container rỗng để đưa hàng đi. Hiện tỉ lệ lớn gạo xuất khẩu của nước ta từ Đồng bằng sông Cửu Long, được xuất khẩu qua các cảng ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tại phía Nam, tỷ lệ đường cao tốc thấp, chưa có quy hoạch hệ thống trung tâm logistics trọng điểm nên con đường đi của gạo từ cánh đồng tới bến tàu còn khó khăn. Chính phủ đã ưu tiên hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, gồm hoàn thiện các tuyến cao tốc đường bộ như Bến Lức – TP HCM – Long Thành; Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Với đường thuỷ, Chính phủ cũng cần giải quyết các điểm thắt, xây dựng cảng feeder cho tàu quốc tế vào Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những vấn đề nếu được giải quyết tổng thể sẽ giảm thiểu chi phí logistics và mở đường cho gạo Việt Nam tiến ra quốc tế.

Tóm lại, từ việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và Ấn Độ đã có điều chỉnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của các nước châu Á đồng loạt tăng, giá gạo Việt Nam mới đây đã được chào bán lên tới 510 USD/tấn – mức cao nhất trong hơn 2 năm trở lại đây. Điều này sẽ tạo điều kiện bứt phá cho ngành gạo Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính xuất khẩu gạo cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn, thu về 4 tỉ USD. Đây là mục tiêu lớn, nếu chớp được cơ hội này, Việt Nam sẽ mở rộng được thị phần gạo trên thế giới, góp phần mang lại thu nhập cho bà con nông dân và doanh nghiệp, đồng thời chung tay giúp các nước nghèo giải quyết bài toán thiếu lương thực do chiến tranh và biến đổi khí hậu đem lại.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC