Cùng với lúa gạo, rau quả – chủ yếu là trái cây, là một trong những mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, đơn hàng sụt giảm, rau quả là một trong số ít mặt hàng nông sản chính có sự tăng trưởng ngay từ đầu năm, khi hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác đều sụt giảm. Hiện có khoảng 40 loại trái cây trồng ở Việt Nam với gần 6.500 vùng trồng rau quả tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu, trong đó có 27 loại có giá trị thương mại, sản lượng xuất khẩu trong tốp đầu thế giới như vải, thanh long, nhãn, dừa, chanh leo, dưa hấu…

6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng thiết lập kỷ lục khoảng 850 – 876 triệu USD, tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh họa

Việt Nam hiện xuất khẩu trái cây đến hơn 40 thị trường, trong đó Trung Quốc là đối tác lớn nhất (hơn 70%) tiếp đến là EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỉ USD vào năm 2025, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, đã đạt tới 2,75 tỷ USD, bằng 81,8% của cả năm 2022 và hơn 50% chỉ tiêu đề ra đến năm 2025; kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta tăng tới 64% so với cùng kỳ năm 2022, với những mặt hàng chính: Thanh long, sầu riêng, vải, nhãn, chôm chôm. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng thiết lập kỷ lục khoảng 850 – 876 triệu USD, tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2022, đứng trên thanh long (trên 310 triệu USD), sau đến chuối, mít… Đây đều là nhóm các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỉ dân.

Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu trái cây Việt Nam đang hướng rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam có nhiều nét thăng trầm, lúc được mùa thì rớt giá do các thương lái ép giá thu mua, lúc xuất khẩu được thì lại khan hiếm hàng. Tình cảnh người nông dân nay chặt cây này, mai trồng cây khác luôn thường gặp; người dân thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận các cửa khẩu biên giới phía Bắc luôn phải chứng kiến các đợt “hàng giải cứu” với rất nhiều lý do từ phía Trung Quốc không cho thông quan. Hàng hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là qua đường tiểu ngạch. Trong đại dịch Covid-19 và đến nửa đầu năm 2022, do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-Covid đã làm gián đoạn, đình trệ cơ bản hoạt động xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường này.

Trước tình trạng đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi tư duy, đẩy mạnh việc trao đổi, phối hợp, đàm phán, ký kết với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc theo hình thức chính ngạch: Đến nay, thị trường này mới chỉ cấp phép nhập khẩu chính ngạch cho 11 loại quả từ Việt Nam bao gồm: xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh leo và sầu riêng. Các cơ quan hữu quan của Việt nam đang tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc cấp phép cho bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa… nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu rau quả sang thị trường tỷ dân này. Đồng thời Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành nhiều biện pháp để đa dạng hóa thị trường, nhất là với các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… mở ra một tương lai tươi sáng và bền vững cho hàng nông sản Việt Nam. Mỹ đã lần lượt cấp phép nhập khẩu cho 6 loại trái cây của Việt Nam bao gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa, gần đây sẽ có thêm bưởi da xanh và sau khi bưởi được “thông qua”, phía Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xúc tiến mở cửa thị trường Mỹ cho trái dừa, bơ.

Với thị trường Nhật Bản, do nước này có những quy định rất chặt chẽ đối với nhập khẩu rau quả tươi với lý do “lo ngại sự lây lan dịch bệnh và sâu hại từ nước xuất khẩu”, nên hiện nay, Nhật mới chỉ cho phép nhập khẩu một số loại quả tươi có hạt của Việt Nam như nhãn, vải, xoài do đã đáp ứng được các yêu cầu trong Luật Kiểm dịch thực vật của Nhật.

Việc bảo đảm việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam được phát triển ổn định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gợi ý, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người nông dân cần chú ý một số vấn đề then chốt sau đây:

1. Trước hết phải đa dạng hóa thị trường và mở rộng chủng loại hoa quả xuất khẩu. ngoài thị trường Trung Quốc cần có giải pháp phát triển và gia tăng xuất khẩu sang những thị trường khác, trong đó EU là thị trường tiềm năng. Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu hàng rau, củ, quả của Liên minh châu Âu (EU) tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,9%/năm, riêng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 112,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2021. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới chỉ đứng thứ 50 trong số các thị trường cung cấp rau quả cho EU. Theo đó, nhập khẩu từ Việt Nam năm 2022 chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu trái cây của EU. Có thể thấy, hiện vẫn còn nhiều dư địa cho trái cây và rau củ Việt Nam thâm nhập thị trường EU vì quy mô của thị trường này chiếm tới 43% giá trị thương mại rau quả toàn cầu. Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), theo EVFTA thì Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10 – 20%), tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia xuất khẩu khác.

Thị trường Mỹ cũng có nhiều tiềm năng, hàng năm người tiêu dùng Mỹ tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn trái cây, tuy nhiên, nguồn cung nội địa hiện chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do đó, nhu cầu về trái cây nhập khẩu của nước này là tương đối cao, là thị trường tiềm năng hướng tới của ngành trái cây Việt Nam.

Cùng với đa dạng, mở rộng thị trường là phải mở rộng, đa dạng hàng hóa rau quả xuất khẩu. Ngoài các loại củ quả truyền thống, thế mạnh như xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt, Việt Nam hiện còn có cơ hội thúc đẩy phát triển một số mặt hàng tiềm năng khác theo nhu cầu của các nước, cụ thể như, khoai lang sang Trung Quốc; trái bơ sang EU và Trung Đông; dừa tươi sang Mỹ; xoài, thanh long, ớt tươi sang Nhật… Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), xuất khẩu bơ toàn cầu được dự báo đạt 3,9 triệu tấn, trị giá 8,3 tỷ USD vào năm 2030, đưa bơ trở thành mặt hàng trái cây nhiệt đới có giá trị nhất. Mỹ và Liên minh châu Âu được dự báo là những thị trường nhập khẩu bơ chính vào năm 2030, với lượng bơ nhập khẩu chiếm hơn 70% tổng lượng bơ nhập khẩu toàn cầu. Các nước Trung Đông cũng sẽ có thể là một trong những “cánh cửa” mới mà Việt Nam có thể tính đến để phát triển sản xuất và xuất khẩu trái bơ.

Hiện hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là rau quả tươi, nên các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân cũng cần nâng cao tăng tỷ trọng rau quả chế biến để đa dạng hóa sản phẩm. Điều này không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên cao hơn so với mặt hàng tươi. Đặc biệt hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung hàng tươi.

Trái vải được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn VietGAP ở Bắc Giang. Ảnh: Nông nghiệp

2. Rau quả Việt Nam muốn xuất khẩu vào các thị trường lớn và đảm bảo tính ổn định, phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng thị trường. Đây là yếu tố then chốt, quan trọng nhất, phải đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về chất lượng thương mại, các quy định về nhãn mác; về truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đặc biệt phải đảm bảo quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, và khai báo hải quan của nước nhập khẩu, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn được áp dụng chung, phù hợp với nguyên tắc của WTO, tức là không mang tính phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và nhập khẩu, còn phải đáp ứng theo hệ tiêu chuẩn riêng và hàng rào kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu của từng thị trường, nhất là với các thị trường có yêu cầu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản. Tổ chức thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Từng bước xây dựng các thương hiệu hàng hóa rau quả của Việt Nam cùng với các hệ thống tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm trên thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp hàng rau quả của Việt Nam cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng trong việc thu mua, kiểm tra tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến và bảo quản sản phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu của đối tác, hết sức tránh tình trạng bị phía đối tác kiểm tra, trả hàng, làm mất uy tín thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

3. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Công thương căn cứ vào nhu cầu, kế hoạch hợp tác xuất khẩu rau quả với các nước, nghiên cứu thông tin, nhu cầu của thị trường, để phối hợp với chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng quy hoạch cụ thể cho các vùng trồng chuyên canh từng loại rau quả cho địa phương, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng… kết hợp với trồng trọt các loại rau quả gối vụ trong năm để chỉ đạo, hướng dẫn người nông dân phối hợp thực hiện trồng trọt. Đồng thời có những chính sách hỗ trợ người nông dân về cây giống mới có năng xuất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, phân bón và ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật hiện đại, tân tiến về chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, chế biến. Tiến hành đàm phán, ký kết với các cơ quan chức năng của nước ngoài hữu quan cấp mã vùng trồng cho từng loại rau quả để truy xuất nguồn gốc, xuất sứ phục vụ yêu cầu xuất khẩu.

4. Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước như cơ quan thuế, hải quan, vận tải… cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các biện pháp chiến lược về kinh tế số, ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi sản xuất các khâu liên quan: Cấp giấy chứng nhận hàng hóa qua internet, mã số vùng trồng, xuất sứ hàng hóa, cấp C/O, thủ tục hải quan… nhằm tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, giảm chi phí logistic sau thu hoạch cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là trong tình hình, đặc điểm hàng xuất khẩu là loại hàng rau quả tươi. Phải xác định cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu như một gói hỗ trợ hiệu quả nhất và công bằng nhất cho các doanh nghiệp hiện nay, như một cú hích cho hoạt động xuất khẩu rau quả tăng trưởng cao.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC