Từ ngày 30/11/2023 đến 12/12/2023, thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã chứng kiến sự hội tụ của 70.000 người tham dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) để thảo luận những biện pháp giảm thiểu hiện tượng trái đất ấm dần lên. Đó là 134 vị đứng đầu nhà nước hay chính phủ và 22 lãnh đạo các tổ chức quốc tế, đại biểu đại diện cho 197 nước, các nhà khoa học, đại diện cho các tổ chức quốc tế, nhóm người thiểu số, nhà báo. Tuy nhiên, “đội quân” hùng hậu như vậy đã không có những biện pháp đột phá trong việc thực hiện mục tiêu đã đề ra tại COP21 năm 2015 ở Paris là duy trì tăng nhiệt độ của trái đất ở mức dưới 2,0 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Điều đầu tiên COP28 đạt được là thành lập Quỹ Mất mát và Tổn thất cho các nước bị tổn thương nhất trong biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy các nước và các cộng đồng tạo ra ít nhất khí nhà kính gây ra hiện tượng trái đất ấm dần lên lại là những nước chịu tác động lớn nhất và ít có nguồn lực để đối phó với chết chóc và tàn phá do hiện tượng này gây ra. Quỹ này độc lập với quỹ giúp đỡ các nước đang phát triển giảm nhẹ và thich ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng là yêu cầu của nhiều nước trong những năm qua và được nêu ra tại COP27. Yêu cầu này đồng nghĩa với sự cần thiết phải có những biện pháp để giải quyết bất bình đẳng giữa các nước phát triển và các nước chậm phát triển nhất.
Do áp lực của nhóm G77, Quỹ Mất mát và Tổn thất đã được thành lập, nhưng việc thành lập chỉ là bước đầu. Phần đóng góp của các nước sẽ là phần khó. Từ COP27 đến nay, các nước phát triển luôn muốn hạn chế đóng góp của mình nhưng muốn kiểm soát nước nào được hưởng thụ. Do vậy để đi vào hoạt động các nhóm nước cần phải có nhân nhượng với nhau. Các nước đã thoả thuận đặt Quỹ ở Ngân hàng Thế giới theo ý của các nước phát triển. Tuy nhiên các nước đang phát triển lại không muốn. Cuối cùng các nước đang phát triển đã phải nhân nhượng sau khi các nước phát triển đồng ý các nước thành viên, các cộng đồng và dân bản xứ được trực tiếp tiếp cận quỹ và quỹ phải rất minh bạch, điều mà Ngân hàng Thế giới không quen làm.
Một vấn đề gay cấn nữa là nước đủ điều kiện thụ hưởng quỹ. Ban đầu, các nước phát triển cho rằng các nước đủ điều kiện thụ hưởng là các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các nước nằm trong danh sách các nước chậm phát triển nhất của Liên hợp quốc. Điều này đã không được các nước đang phát triển chấp nhận vì loại bỏ các nước đang phát triển bị tác động mạnh nhất như Pakistan, Columbia và Philippines.
Một câu hỏi đặt ra nhưng hiện nay chưa có câu trả lời cụ thể là văn kiện thành lập không đề cập đến quy mô cũng như đóng góp của các nước tuy quỹ sẽ bổ sung cho viện trợ nhân đạo. Tiền quỹ cung cấp là viện trợ không hoàn lại. Những thắc mắc đã được giải đáp phần nào khi 18 nước đã cam kết 725 triệu đô la Mỹ cho quỹ tại hội nghị, tuy số tiền này chỉ tương đương với 0,2% số tiền cần thiết. Mất mát và thiệt hại của các nước bị tổn thương nhiều nhất do hiện tượng trái đất ấm dần lên được ước tính là 400 tỷ đô la. Con số này sẽ tăng lên cùng thời gian.
Ngày thứ hai của COP28, 134 nước đã thông báo đạt được thoả thuận đưa sản xuất lương thực và nông nghiệp vào kế hoạch khí hậu. Các nước đã cam kết “đưa hành động khí hậu vào toàn bộ chương trình nghị sự chính sách và những biện pháp liên quan về nông nghiệp và hệ thống sản xuất lương thực” vào năm 2025. Cuối hội nghị sẽ có thêm nhiều nước ký Tuyên bố COP28-UAE về Nông nghiệp bền vững, Hệ thống sản xuất lương thực và Biến đổi khí hậu. Đây là bước đầu suôn sẻ cho hội nghị và cũng là lần đầu tiên COP công nhận sự liên quan giữa biến đổi khí hậu và sản xuất lương thực.
134 nước ký tuyên bố có tổng số dân là 5,7 tỷ và sản xuất ra 70% sản lượng lương thực toàn cầu. Hệ thống sản xuất lương thực kế cả công đoạn sản xuất, tàng trữ, tiêu thụ và xử lý thức ăn thải ra 1/3 khí thải nhà kính trên thế giới và hàng năm sử dụng 15% tổng nhiên liệu hoá thạch trên thế giới.
Để thực hiện cam kết trong tuyên bố, Quỹ Bill và Melinda Gates và UAE đã thông báo dành một khoản 200 triệu đô la để tiến hành nghiên cứu nông nghiệp, tăng cường đổi mới sáng tạo và viện trợ kỹ thuật. Các nước như Anh, I-ta-lia, Mỹ và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, Quỹ quốc tế vì Phát triển nông nghiệp… cũng cam kết thêm 400 triệu đô la nữa. Tuy vậy, nhiều nhà hoạt động môi trường cho rằng tuyên bố chỉ là điểm xuất phát vì họ cho rằng tuyên bố không mang tính ràng buộc và không đề cập đến việc giảm ngay việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong hệ thống sản xuất lương thực.
Theo sáng kiến của Liên minh châu Âu, 119 nước tham gia hội nghị đã thông qua cam kết về sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo toàn cầu. Theo đó, các nước cam kết tăng gấp ba sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi sử dụng có hiệu quả năng lượng cho đến năm 2030. Điều này có nghĩa là tăng năng lực sản xuất năng lượng tái tạo lên đến 11 tetrawatt (11.000.000.000.000 watt) và đưa tỷ lệ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng toàn cầu từ 2%/năm lên 4%/năm. Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết “trong hai năm tới, Ủy ban châu Âu sẽ đầu tư 2,3 tỷ euro từ ngân sách của Liên minh để hỗ trợ công cuộc chuyển đổi cho các nước láng giềng cũng như toàn cầu”. Cam kết của các nước và khoản đầu tư 2,3 tỷ euro sẽ tạo ra việc làm xanh và tăng trưởng bền vững.
Cam kết của 119 nước sẽ giúp tiến đến mục tiêu hoàn toàn không sử dụng nhiêu liệu hoá thạch vào năm 2050. Tuy nhiên, đây là điều khó vì hai nước Trung Quốc và Ấn Độ không ủng hộ cam kết này vì theo cam kết thì các nước phải tăng lượng điện sạch đồng thời với việc giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Với Trung Quốc, lượng khí phát thải từ nhiên liệu hoá thạch trong năm 2023 tăng 4% so với năm 2022 và với Ấn Độ con số này là 8,2%.
Về phần mình, Việt Nam – thông qua hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khác – đã tích cực tham gia các sáng kiến về biến đổi khí hậu được thảo luận và nhất trí tại COP 28. Tại Hội nghị, Việt Nam thông báo đã có kế hoạch huy động nguồn lực để sử dụng số tiền viện trợ giúp Viêt Nam giảm việc sử dụng than. Năm 2022, nhiều nước, đặc biệt là các nước G7 đã cam kết giúp Việt Nam 15,5 tỷ đô la, chủ yếu là vay thương mại với lãi suất thị trường trong ba đến năm năm để tăng sản lượng năng lượng tái tạo và giảm sử dụng than.
Trong diễn văn của Thủ tướng cũng như các hoạt động trong và ngoài hội nghị, Việt Nam đã thể hiện mong muốn các nước (1) có hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, tiến hành chuyển đổi năng lượng một cách bền vững và công bằng; (2) thực hiện cam kết của mình, đặc biệt trong cung cấp tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển; (3) quan tâm thích đáng đến hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa ra khung mục tiêu thích ứng toàn cầu rõ ràng và khả thi; (4) sớm đưa Quỹ tổn thất và thiệt hại đi vào vận hành để có nguồn tài chính mới lớn hơn để hỗ trợ cho các nước đang phát triển và những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh phương châm “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” là chìa khoá để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu. Thủ tướng nêu rõ Việt Nam (1) đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện như ban hành Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch điện VIII, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo; (2) thực hiện nghiêm chỉnh đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), thành lập Ban Thư ký và công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; (3) về xây dựng thể chế, như việc xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo, cũng như đang xây dựng, hoàn thiện nghị định mua bán điện trực tiếp, xử lý các dự án điện tái tạo và các vấn đề tồn đọng, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tham gia và đóng góp của đoàn Việt Nam cho thấy trách nhiệm to lớn và cam kết sâu rộng của Việt Nam trong tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu. Rõ ràng trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng là đối tác tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trên thực tế, lượng khí thải toàn cầu năm 2023 tăng 1,4% so với năm 2019 sau khi giảm đi trong những năm đại dịch Covid-19 như thông báo tại Hội nghị. Lượng khí thải đạt đến mức kỷ lục ngay cả khi các đại biểu đang thảo luận về mối nguy của khí thải. Các nước giàu cam kết giúp các nước ít nguồn lực chuyển đổi giảm dùng than, dầu và khí đốt, nhưng phần lớn lại không thực hiện lời hứa hỗ trợ tài chính. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập khó giải quyết. Các cuộc đàm phán để giảm việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch lại được tổ chức ở nước đang tăng cường khai thác và bán dầu, do vậy đã có những cáo buộc UAE lợi dụng vị trí của mình để đạt được những thoả thuận dầu khí bên lề hội nghị…
Trong bối cảnh này, ông al-Jaber, Chủ tịch hội nghị đã tóm tắt: “Chúng ta đang đạt được những tiến triển nhưng chưa đủ nhanh, chưa đủ đáp ứng yêu cầu. Thông điệp mà tôi muốn đưa ra… rất đơn giản. Hãy làm việc nhanh hơn, thông minh hơn và chăm chỉ hơn. Bây giờ là lúc phải gác lại lợi ích cá nhân vì lợi ích chung”. Sau 27 năm và 28 hội nghị COP, các nước trên thế giới vẫn loay hoay với ngừng đốt nhiên liệu hoá thạch, điều mà các nhà khoa học cho rằng là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu. Những gì các nước đã thoả thuận được tại COP28 rõ ràng là quá ít và quá muộn, không đủ để trái đất chúng ta tránh được thảm hoạ đang cận kề.■