Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 đang sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính nửa đầu năm 2021 đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu vừa công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam thu hút được 19,12 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá dòng vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam có thể đang chậm lại. FDI giảm tại Việt Nam cũng là xu hướng chung đang diễn ra ở các quốc gia có dịch bệnh trên toàn cầu. Tuy vậy, đây cũng là dấu hiệu đáng lo ngại.

Một số tờ báo lớn trên thế giới đã có bài viết đặt câu hỏi về vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch. Ngày 31/08, tờ Financial Times của Anh nhận định làn sóng Covid thứ 4 đang ảnh hưởng nhất định đến vị thế của Việt Nam, vốn được xem là một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu của châu Á. Tờ Nikkei Asia của Nhật xếp Việt Nam ở thứ hạng cuối cùng về chỉ số Hồi phục Covid-19 trong tháng 9, khiến không ít nhà đầu tư quốc tế lo ngại.

Đối với các nhà đầu tư hiện đang hoạt động tại Việt Nam, họ phải áp dụng mô hình “3 tại chỗ” (công nhân làm việc, ăn, ngủ ngay tại nơi sản xuất), mô hình này rất tốn kém cho các doanh nghiệp. Một số công ty đa quốc gia phải thuê phòng khách sạn dài hạn cho các lãnh đạo và nhân viên của họ ở gần trụ sở công ty và lo chi phí ăn ở hoàn toàn cho công nhân.

Nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ là Intel và nhiều công ty nước ngoài đã bày tỏ lo ngại về về việc này trong cuộc gặp với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8. Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại của Intel tại Việt Nam và Malaysia cho biết gánh nặng tài chính cho việc thuê nhà ở cho công nhân là một trong những thách thức quan trọng.  Intel Việt Nam hiện vận hành một nhà máy lắp ráp tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn nhưng việc 1.870 công nhân phải ở tại các khách sạn gần cơ sở của hãng làm phát sinh 140 tỷ đồng (6,1 triệu USD) trong một tháng.

Ngay cả các công ty lớn cũng không dễ chịu được các chi phí về khách sạn như vậy lâu dài, đặc biệt là các công ty sản xuất giá trị gia tăng thấp như giày da, may mặc. Quỹ đầu tư VinaCapital ghi nhận xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam đã sụt giảm trong tháng 8 và sự sụt giảm này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Các biện pháp phong toả và giãn cách chắc chắn đã và đang kìm hãm nặng nề khả năng sản xuất của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp FDI không dám nhận đơn đặt hàng mới nữa vì sợ không thể đáp ứng được do thiếu nhân công và chi phí sản xuất tăng.

Các doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn hơn cả do giãn cách xã hội và thiếu thốn nguồn cung. Dự báo ngành khó có thể đạt con số xuất khẩu năm 2021 như dự kiến là 39 tỷ đôla. Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài thêm nữa sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty dệt may với khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam. Tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35% do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ”.

Đây là vấn đề không chỉ của Việt Nam. Theo tờ Financial Times, các nhà máy của những thương hiệu quốc tế lớn như Nike và Adidas đã ngưng hoạt động, gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Không chỉ ngành may mặc bị ảnh hưởng, ngành ô tô cũng lao đao. Hãng Toyota cũng đã đình chỉ sản xuất 27 dây chuyền tại 14 nhà máy của họ ở Nhật Bản, do khan hiếm các phụ tùng sản xuất tại Đông Nam Á, phần lớn là ở Việt Nam. Hãng sản xuất máy tính Datalogic của Ý cũng cho lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh biết công ty đã chứng kiến ​​sự sụt giảm doanh thu trong một tháng từ 18,5 triệu USD trong tháng 6 xuống 11 triệu USD trong tháng 7. Công ty này cũng mất khoảng 40% lực lượng lao động với 502 người rời công ty vào tháng 8 do Covid.

Ngành hải sản của Việt Nam cũng đang liêu xiêu vì đợt dịch Covid-19 lần này. Trong số hơn nửa triệu bị nhiễm virus corona từ cuối tháng 4, đa số sống ở miền nam, nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản. Các biện pháp giãn cách xã hội ở hàng chục tỉnh thành đã hạn chế hoạt động của doanh nghiệp, khiến sản lượng thủy sản của Việt Nam giảm mạnh. Theo Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á -Thái Bình Dương của IHS Markit, trên 100 nhà máy chế biến hải sản đã đóng cửa ở miền nam Việt Nam trong tháng 8. Khả năng xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ nay tới cuối năm nếu không có sự nới lỏng.

Một công ty tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, thực hiện mô hình “3 tại chỗ” cho công nhân

Nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ cũng đối mặt với thách thức lớn. Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết nhà bán lẻ Nhật Bản không dễ duy trì hoạt động tại Việt Nam do chi phí xét nghiệm Covid-19 bắt buộc với nhân viên của họ khi tới nơi làm việc.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện chiếm 22,3% GDP cả nước và đóng góp 27,5% vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2019. GDP của Thành phố Hồ Chí Minh có khả năng bị tăng trưởng âm năm nay, theo Tổng cục Thống kê. Khả năng là hàng chục nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và hàng trăm nghìn công nhân bị mất việc làm. Trước triển vọng u ám như vậy, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất là rất lớn và FDI sẽ suy giảm nếu không có giải pháp kịp thời

Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào trung tuần tháng 7/2021 cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã bị suy giảm mạnh do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4: 45,8 điểm phần trăm (so với mức 73,9 điểm phần trăm của quý I/2021). Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi có dịch.

Sự sụt giảm năng lực sản xuất, đặc biệt ở Việt Nam, đã ảnh hưởng đến chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều công ty tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ khu vực khác cho biết họ đã phải đối mặt với sự gián đoạn chưa từng có trong năm nay do các đợt bùng dịch Covid-19 và tình trạng thiếu container. Thực tế là nhiều đối tác kinh doanh của các nhà sản xuất tại Việt Nam đã chuyển đơn đặt hàng sang các nước khác như Trung Quốc và Singapore do chi phí phát sinh từ việc thực hiện các biện pháp giãn cách ở Việt Nam. Đó là vấn đề ngắn hạn. Về dài hạn, vấn đề đặt ra là các nhà đầu tư nước ngoài có rút khỏi Việt Nam hay không nếu đại dịch tiếp tục tàn phá miền nam Việt Nam như thế này? Và liệu có hay không việc các nhà sản xuất lại quay về Trung Quốc bởi thương chiến Mỹ – Trung có vẻ như đang có dấu hiệu hạ nhiệt dưới chính quyền Biden.

Trong những năm gần đây, nhiều nhà bán lẻ và nhà cung cấp đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á để đa dạng hóa nguồn cung. Các thương hiệu lớn như Nike, Lululemon, Gap cho biết một số lượng đáng kể, nếu không muốn nói là đa số, các sản phẩm của họ nay được sản xuất từ Việt Nam. Nhưng đại dịch đang khiến cho việc dịch chuyển này chậm lại.

Thực tế là làn sóng dịch bệnh do biến thể mới của Covid-19 khiến các ông lớn sản xuất như Apple, Google đã phải hoãn kế hoạch sản xuất và tạm thời vẫn duy trì chuỗi cung ứng phụ thuộc Trung Quốc. Apple đã có kế hoạch di dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị trì hoãn bởi tác động của Covid-19. Tờ Nikkei Asia cho biết kế hoạch của Apple trong việc sản xuất AirPods và AirPods Pro ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Hãng tiếp tục sản xuất tai nghe này ở Trung Quốc, mặc dù một nguồn tin giấu tên nói với Nikkei rằng Apple vẫn đặt mục tiêu chuyển 20% sản lượng AirPods đến Việt Nam vào một thời điểm nào đó.

May mắn là theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang có một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Đây là một xu hướng. Và Trung Quốc không dễ lấy lại vị thế công xưởng thế giới như ngày xưa do nước này cũng không nằm ngoài đại dịch Covid. Dù kiểm soát tốt hơn các nước khác, Covid đã làm cho chi phí vận chuyển từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Los Angeles (Mỹ) tăng hơn sáu lần. Gần đây, cảng Meishan thuộc tỉnh Ninh Ba (Trung Quốc) – cảng vận chuyển lớn thứ 3 thế giới đã phải ngừng hoạt động trong 2 tuần khi phát hiện có một công nhân nhiễm Covid-19. Tình trạng tắc nghẽn tại cảng và thiếu container có thể kéo dài sang suốt năm nay hoặc thậm chí tới giữa năm 2022, Trung Quốc không thể nằm ngoài những khó khăn này được.

Việc thu hút FDI trong ngắn hạn, ít nhất nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022 có thể bị ảnh hưởng, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.  Dù bị Covid tấn công nặng nề, Việt Nam vẫn là thị trường lao động dồi dào, nền kinh tế đang phát triển nhanh, nền chính trị ổn định và các chính sách thu hút đầu tư thuận lợi. Đó là những yếu tố đã hấp dẫn những công ty hàng đầu thế giới như Samsung, Foxconn, Nike, Adidas, Gap và Levis tới Việt Nam. Theo hầu hết các chuyên gia, sự ngưng trệ sản xuất có thể chỉ là một vấn đề ngắn hạn. Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn so với nhiều nước khác ở châu Á, kể cả Trung Quốc.

Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội, ông Adam Sitkoff, mới đây, đã khẳng định rõ ràng điều này: Covid-19 đã gây gián đoạn nhưng không làm chệch hướng vai trò ngày càng gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngân hàng ANZ cũng đưa ra quan điểm tương tự, cho rằng triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam vẫn khả quan, rằng “đại dịch chưa hề làm thay đổi sức hút của Việt Nam với tư cách một trung tâm sản xuất. Vẫn có nhiều dư địa cho sự hỗ trợ chính sách nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phục hồi kinh tế.”

Như vậy, chính phủ Việt Nam sẽ phải nỗ lực sớm kiểm soát dịch bệnh, từng bước phục hồi nền kinh tế, củng cố sức mạnh nội tại, để tiếp tục là địa chỉ của các nhà đầu tư quốc tế. Việc cần làm ngay là tiếp tục cho phép các nhà máy hoạt động với điều kiện áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, chính quyền cũng có thể đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp nhằm giúp nhà đầu tư vượt khó, như kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thuế giá trị gia tăng và bảo hiểm y tế, hoặc miễn giảm các khoản bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách. Thêm nhiều chính sách cho thấy sự hỗ trợ và thiện chí của chính phủ sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm ở lại Việt Nam tiếp tục sản xuất trong và sau đại dịch.

Giữ vững được vị thế trung tâm sản xuất mới ở châu Á là rất quan trọng trong lộ trình phát triển trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 của Việt Nam.

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC