Nguyên Mi

Ngày 28 tháng hai năm 2020, khi bắt đầu nâng cảnh báo về Covid-19 lên mức cao nhất, ông Michael Ryan, Phụ trách các chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO đã phát biểu với nội dung “Đây là phép thử đối với chính phủ của tất cả các nước. Hãy tỉnh táo, Virus có thể đang tấn công và tất cả cần sẵn sàng. Các chính phủ có nghĩa vụ đối với công dân mình, nghĩa vụ với toàn thế giới. Phải sẵn sàng. Nghĩ rằng nước mình sẽ không có người mắc bệnh là một sai lầm chết người”!

Cho đến ngày hôm nay 10/3/2020 trên thế giới đã có 111.582 ca nhiễm bệnh và 3.892 ca tử vong bên cạnh 62.681 ca phục hồi, những con số này sẽ vẫn tiếp tục gia tăng. Tuy Tổ chức y tế thế giới WHO chưa tuyên bố đây là đại dịch nhưng đã cảnh báo rằng nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu là “rất thật”. Trong khi đó đài CNN của Mỹ tuyên bố họ sẽ dùng từ Đại dịch để nói về COVID-19 bởi theo CNN dịch bệnh đã có 3 tiêu chí chung là có loại virút gây bệnh hoặc gây tử vong; lây nhiễm từ người sang người; và lây lan khắp thế giới.Chưa khi nào, thế giới lại phải trải qua thời kỳ kinh hoàng như thời gian hiện nay, bởi theo dự đoán cơn dịch bệnh COVID-19 này sẽ vẫn còn tiếp diễn bởi nó đã “tạo được chỗ bám vững chắc tại nhiều quốc gia” như tuyên bố của ông Tổng giám đốc WHO ngày 9/3/2020. Diễn biến dịch bệnh phát triển ngoài Trung Quốc đại lục và con số các bệnh nhân tử vong đang có nguy cơ tăng rất cao ở nhiều nước phát triển như Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản,Đức,Pháp vv Iran càng làm chúng ta cảm nhận rõ một điều rằng: Một thái độ không minh bạch trong xử lý thông tin,thiếu kiên quyết, tự mãn, chủ quan hoặc hoảng sợ đối diện với dịch Covid-19 đều đã và đang gây ra những hậu quả khủng khiếp cho chính đất nước đó..Ngày 20/2/2020, hơn hai tháng sau khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phải tuyên bố “Xét đến tính cấp bách và nhận thấy chúng ta đang đối mặt với “kẻ thù” vô cùng nguy hiểm, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi các phản ứng của các quốc gia không thực sự như kỳ vọng”. WHO đã bày tỏ sự thất vọng của mình đối với sự thờ ơ ( hay lúng túng??)của nhiều nước trước sự đe doạ của Covid-19.

Với Việt Nam, Dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp diễn, cam go và vất vả, sự hy sinh mất mát về con người và vật chất cũng có thể xảy ra trong thời gian tới.Cho dù cho đến ngày hôm nay 10/3/2020, sau gần một tháng không có ca nhiễm mới, thì chúng ta lại phải tiếp nhận những thông tin không lấy làm vui là số ca nhiễm bệnh đã tăng lên 31,trong đó có 16 ca đã được phục hồi, tuy nhiên chưa có bệnh nhân tử vong và mọi việc vẫn trong phạm vi được kiểm soát. Chính vì thế, trong bài viết này, chúng tôi mong muốn góp một tiếng nói nhỏ, phân tích những nguyên nhân đã giúp Việt Nam vượt qua thử thách này trong giai đoạn đầu của dịch bệnh.

1- Trước hết và quan trọng nhất phải kể đến thái độ ứng xử của chính phủ và người đứng đầu chính phủ trước nguy cơ của dịch bệnh. Đó là sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, lấy con người làm trung tâm, đưa ra các biện pháp mạnh bạo và kịp thời, huy động được cả bộ máy chính trị vào cuộc.Quyết tâm của chính phủ đã được thể hiện trong tinh thần chủ đạo “ chống dịch như chống giặc”.Chính tinh thần này đã xuyên suốt quá trình điều hành, lãnh đạo của chính phủ, tạo hiệu ứng mạnh mẽ cho các cấp, các ngành thực hiện và triển khai chống dịch.Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp đã ngay lập tức được thành lập từ ngày 30/1/2020. Khác với nước láng giềng của chúng ta, chính phủ Việt Nam đã rất minh bạch trong cung cấp thông tin cho người dân và thế giới. Ngay từ ngày 01, ngày đầu tiên của Tháng 2 năm 2020, khi được thông tin về những trường hợp nhiễm bệnh , chính phủ Việt Nam đã quyết định công bố công khai dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virut Corona gây ra,công khai công bố các trường hợp nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh, khoanh vùng , cách ly, kiểm soát. Chỉ một ngày sau đó 2/2/20 chính phủ đã yêu cầu hạn chế tập trung đông người, các tỉnh có dịch dừng tổ chức lễ hội và quyết định cho học sinh tất cả các cấp nghỉ học. Tiếp đó ngày 3/2/20, trước diễn biến phức tạp của tình hình,Thủ tướng chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo yêu cầu cách ly tuyệt đối những người nhiễm bệnh và kể cả những người đến, đi qua , trở về từ những vùng có dịch. Từ những quyết định trên, chúng ta đã bước đầu làm chủ tình hình, kiểm soát chặt chẽ từng khu phố, thôn, xóm, khu chung cư, v.v. và không để cho dịch bệnh có điều kiện lây lan trong cộng đồng. Tuy trong mấy ngày đầu tháng 3, do sự bất cẩn của một phụ nữ, đã phát sinh ra một vài ca nhiễm mới tại Hà Nội và một số tình khác, nhưng cách xử lý thật quyết liệt, sít sao của Hà Nội đã đem lại cho nhân dân lòng tin rằng dịch sẽ sớm được kiểm soát. Có thể nói rằng trong suốt cả tháng hai vừa qua, gần như không một ngày nào chúng ta không được thông tin về một văn bản, một Quyết định đúng đắn, thể hiện sự chỉ đạo điều hành sát sao của người đứng đầu chính phủ.

2- Điểm thứ hai là sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của tất cả các lực lượng ,các Bộ, các cấp, các ngành từ trung ương cho đến địa phương, các nhà khoa học và toàn thể người dân và lực lượng truyền thông. Chính sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc đồng bộ này mà cho đến nay, cho dù phải chấp nhận và có những thiệt hại về kinh tế nhưng tính mạng người dân được bảo toàn..Những biện pháp cụ thể để bảo đảm trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid19, bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm chống dịch bệnh, hoặc tạo điều kiện thuận lợi nhanh nhất về thủ tục thông quan cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã ngay lập tức được triển khai. Ngân hàng sẵn sàng giãn nợ, giảm lãi xuất giúp doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Các thầy cô giáo sẵn sàng tiếp cận phương pháp giáo dục mới: dạy học trực tuyến để giúp đỡ học sinh.

3- Các quyết sách và biện pháp kịp thời của chính phủ đã được nhân dân đồng tình bởi nó đã khơi dậy được ý thức của người dân, những chủ thể thực hiện các quyết sách này. Người dân tin tưởng nên đã chủ động giúp đỡ, phối hợp cung cấp thông tin, và tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền trong việc triển khai các biện pháp phù hợp. Tuyệt đại đa số người dân (trừ một số rất nhỏ vô ý thức) đều tự giác trong việc tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và cộng đồng, sẵn sàng cách ly nếu cảm thấy cần thiết… Chính sự đồng lòng, tự giác của người dân đã góp phần giảm thiểu ở mức thấp nhất lây lan dịch bệnh. Những hành động vô ý thức, vô trách nhiệm của một số cá nhân như trường hợp bệnh nhân NTHN ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nôi, bệnh nhân Covid-19, thứ 17, không khai báo trung thực đã gây ra biết bao hậu quả nặng nề và cực kỳ nghiêm trọng cho cả đất nước.Đây là những hành động cần phải bị lên án mạnh mẽ.

4- Kết quả ban đầu vừa qua là minh chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đã duy trì một hệ thống y tế,vệ sinh dịch tễ tốt,nhanh nhậy và có rất nhiều kinh nghiệm chống dịch và đặc biệt có đội ngũ bác sỹ có trình độ cao.Chưa có trường hợp nào tử vong, số ca nhiễm mới rất ít và đều từ nước ngoài trở về.Các nhà khoa học Việt Nam đã Nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona mới tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm; chế tạo thành công bộ công cụ phát hiện nhanh chủng virus Corona mới cho kết quả trong vòng 70 phút và đặc biệt đã chế tạo bộ kít phát hiện Sars- Cov-2 công suất 10.000 bộ ngày. WHO,tổ chức y tế thế giới đã đánh giá rất cao năng lực của Việt Nam khởi động, ứng phó, kiểm soát quản lý các ca bệnh. WHO đã đề nghị Việt Nam chia sẻ nghiên cứu tới các phòng thí nghiệm khác trên thé giới. Đây là kết quả của nhiều năm dòng dã Việt Nam xây dựng một hệ thống y tế cơ sở từ trung ương xuống các vùng sâu xa, của việc dầy công đào tạo và tạo điều kiện cho các y bác sỹ, các nhà khoa học trong lĩnh vực vệ sinh dịch tễ nghiên cứu phát huy.
5- Cũng không thể không kể đến sự phối hợp chặt chẽ của Việt Nam vớiquốc tế và đặc biệt là Tổ chức y tế thế giới cũng như với các Trung tâm nghiên cứu vệ sinh dịch tễ trên thế giới trong việc trao đổi thông tin, cung cấp thông tin về dịch bệnh và nghiên cứu hướng xử lý.Có thể nói uy tín của các nhà khoa học Việt Nam, của Việt Nam đã được nâng cao rất nhiều qua thử thách này.

Dịch Covid19 sẽ còn diễn biến hết sức nguy hiểm, khó lường. Từ một tâm dich là Vũ Hán – Trung Quốc thì nay đã xuất hiện nhiều tâm dịch như Hàn Quốc, Iran, Italia, v.v. và đang lây lan rộng ra nhiều quốc gia với con số hàng nghìn người nhiễm bệnh. Chưa có nhà khoa học nào trên thế giới, dù giỏi đến mấy, dám tiên lượng là khi nào dịch bệnh sẽ chấm dứt… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: “Chúng ta phải lường trước, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu có thể xuất hiện thêm ca nhiễm Covid-19 mới tại Việt Nam có thể ngay trong giờ tới, ngày tới!”

Nhiều nhà nghiên cứu có chung nhận định rằng dịch Covid 19 đang khiến nền kinh tế thế giới ảm đạm tương tự cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.Không quốc gia nào sẽ không bị ảnh hưởng.Phải chăng, điều cần thiết nhất hiện nay với Việt Nam là:

-Cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh,nâng cao năng lực phát hiện,cách ly ngay từ cơ sở với sự hỗ trợ của các bác sỹ chuyên gia giỏi thông qua các ửng dụng công nghệ thông tin..Bình tĩnh và chủ động xây dựng các kịch bản mới tùy theo diễn biến dịch bệnh.Việt Nam đang ngăn chặn,kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng rất cần tiếp tục các biện pháp phát hiện sớm các ca nhiễm mới tại cơ sở, cộng đồng để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.

– Về kinh tế, linh hoạt và chủ động xây dựng các kịch bản phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, chủ động ứng phó hiệu quả với diễn biến tình hình của dịch bệnh,Xác định rõ các mức phấn đấu cụ thể để có thể giảm thiểu thiệt hại.Cần phân tích, dự kiến các kịch bản liên quan đến những xáo trộn do Covid19 có thể gây ra về kinh tế, sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu

– Biến thách thức khó khăn thành cơ hội, các ngành cần tái cơ cấu và có kế hoạch ứng phó nhằm đảo bảm chỉ tiêu tăng trưởng, xác định rõ mức phấn đấu cụ thể. Các ngành sản cuất và xuất nhập khẩu cần tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại thị trường, tận dụng các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do. Vừa qua chúng ta đã chủ động cử các đoàn đi sang các nước như Mỹ.. để tìm kiếm thị trường mới và đa dạng hóa thị trường, tránh tình trạng bỏ trứng vào một giỏ.Đây thực sự là cách làm chủ động và hiệu quả.Mặt khác.Không bỏ rơi thị trường nội địa.

Những gì chúng ta đã làm được trong thời gian vừa qua là kết quả của sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết và thông minh của chính phủ và đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân cả nước. Tuy những kết quả đó mới chỉ là bước mở đầu,nhưng chúng ta tin là Việt Nam sẽ thành công bởi cho đến nay thế giới vẫn đánh giá rất cao Việt Nam .

Theo tài liệu mới đây của Tổ chức y tế thế giới WHO “Dịch Covid-19: NHững gì chúng ta biết đến nay” tổ chức này đã đánh giá cao “năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể.” Và để kết luận, chúng tôi xin đưa lại những ý kiến rất gần đây của hai nhân vật là bà Erika Elvander và ông Mitchel Wolfe, chuyên gia y tế trưởng, Văn phòng kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) trong buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Họ cho biết Mỹ đã đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam nói chung và đặc biệt trong công tác kiểm soát dịch COVID-19 nói riêng khi Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh. Bộ y tế Mỹ đã nhận định các cấp chính quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã kịp thời chỉ đạo và có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với dịch viêm phổi cấp corona virus chủng mới gây ra, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng. Ngoài ra hệ thống cơ sở y tế Việt Nam về cơ bản hoạt động tốt, đã triển khai xuyên suốt, rộng khắp công tác tiêm chủng, phòng bệnh từ lâu nay. Mỹ tin rằng Việt Nam sẽ làm tốt , hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đây thực sự không phải là những lời nhận xét chỉ thuần túy mang tính chất động viên mà chính là thể hiện một quan điểm chính thức của một cường quốc có nền y tế phát triển.Chúng ta có quyền tự hào và thêm tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam.

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC