Liên Xô tan rã năm 1991, kéo theo sự tan rã chế độ ưu việt của Chủ nghĩa Xã hội. 30 năm qua Mỹ tung hoành ngang dọc, thích gì thì lấy, ghét ai thì đánh, không thế lực nào cản được. Có thể nói đó là khoảng thời gian Mỹ là “Ngọc hoàng” của thế giới.

V. Putin nắm quyền nước Nga, kế thừa sự suy tàn do Yeltsin để lại. Nga có chủ quyền về lãnh thổ, quân sự, nhưng trong một thế giới toàn cầu hóa về kinh tế và chủ nghĩa tự do do phương Tây tạo ra, việc giành được chủ quyền về kinh tế là rất khó khăn phức tạp. Toàn cầu hóa kinh tế áp đặt với Nga từ đầu những năm 1990. Với niềm tin mù quáng vào thế giới phương Tây của Yeltsin, nước Nga đã chui vào thòng lọng của Mỹ và phương Tây. Họ đã thâu tóm tài nguyên của nước Nga; phần còn lại do nhóm tài phiệt Nga nắm giữ tạo nên chuỗi vững chắc khóa chặt nền kinh tế Nga, việc loại bỏ nó không thể diễn ra một sớm một chiều. Phải đến năm 2020, Putin nhiều lần sửa luật mới có được một Hiến pháp mới thay Hiến pháp lệ thuộc năm 1993.

Lục địa già châu Âu sống giàu có là nhờ nguồn năng lượng và tài nguyên rẻ mạt của nước Nga. Có thể nói Yeltsin đã “đẻ” ra nhiều thỏa thuận với EU rất bất lợi cho Nga, EU tha hồ khai thác tài nguyên của nước Nga. Từ đó đến nay, trong con mắt của Mỹ và phương Tây, Nga được ví như một trạm xăng cho EU và Mỹ. Họ cho rằng nước Nga tồn tại là nhờ vào tiền mua khí đốt của các nước EU, nếu không có ai mua nó thì nước Nga sẽ không tồn tại do nền kinh tế sụp đổ. Suốt từ năm 1990 đến 2015, EU là người đi mua năng lượng của Nga nhưng EU cực kỳ cao ngạo, chèn ép Nga đủ mọi phương diện, sử dụng Tòa án trọng tài Stockholm để xử có lợi cho EU ở gói năng lượng thứ ba, thậm chí xử đến mức hủy bỏ hợp đồng dài hạn khi giá giao ngay rẻ hơn giá trong hợp đồng.

Do mưu đồ làm suy yếu, tan rã nước Nga nên tẩy chay năng lượng của Nga được coi là đòn “knock-out” đối với Nga; EU tin là như vậy, mặc sức đe dọa Nga công khai, không cần giấu giếm che đậy trước dư luận, ngay cả khi họ phụ thuộc vào nguồn năng lượng, tài nguyên của Nga và biết rõ nếu không có nó thì nền kinh tế của các nước EU sẽ khủng hoảng, EU sẽ sụp đổ. Vì sao EU lại giành cho mình quyền đó? Phải chăng họ coi thường sức mạnh của Nga, hay họ đã nắm được điểm yếu của Nga? Cả hai vấn đề đều đúng. Sức mạnh của nước Nga có được là từ nguồn ngoại tệ thu được nhờ bán dầu và khí đốt cho Mỹ và EU. Nga cần có ngoại tệ và cần các thứ khác để tái khôi phục kinh tế và quân sự, ổn định chính trị xã hội, đều bắt nguồn từ thị trường này. Putin rất hiểu điều đó nên âm thầm, kiên nhẫn bán năng lượng cho EU, vừa tạo ra thòng lọng dần thắt vào cổ EU.

Biểu đồ cho thấy tỉ lệ nhập khẩu khí đốt từ Nga của một số quốc gia châu Âu (số liệu năm 2020 hoặc mới nhất sẵn có).

Mỹ và EU biết rõ điều đó, muốn làm nước Nga điêu đứng chỉ có cách phong tỏa được việc bán năng lượng của Nga sang thị trường châu Âu. Mỹ và EU “đi đêm” với Ả Rập Xê-út thỏa thuận hạ giá dầu kỷ lục vào năm 2015 – 2019 cùng với lệnh trừng phạt Nga sau vụ chiếm Crimea, với tính toán sẽ hủy hoại nền kinh tế của Nga. Nhưng giá dầu thấp chẳng những không làm cho Nga sụp đổ, mà trái lại, ngành công nghiệp Mỹ khủng hoảng và nền kinh tế của Ả Rập Xê-út cũng sụp đổ theo, vì họ vốn là nước nhờ vào xuất khẩu dầu 100%. Kết cục, Ả Rập Xê-út đã không theo Mỹ, giá dầu tăng trở lại, nước Nga có vai trò cao trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Gần đây, Putin nói công khai rằng dù Nga có mở chiến dịch quân sự đặc biệt hay không thì các gói trừng phạt “địa ngục” của phương Tây vẫn xảy ra, không sớm thì muộn mà thôi. Đòn trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga kể từ sau chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine là đòn trừng phạt triệt để nhất của Mỹ và phương Tây nhằm vào lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự của Nga, được coi là đỉnh cao nhất mang tính hủy diệt. Có thể coi Mỹ và EU chơi “tất tay” với Nga, coi đây là cơ hội có một không hai khi Mỹ tin rằng Nga đã bị cô lập với châu Âu và thế giới qua sự kiện Ukraine. Giờ đây, Mỹ và phương Tây còn con bài duy nhất chưa đưa vào gói trừng phạt, đó là tài nguyên quý hiếm của Nga.

Mỹ và EU cho rằng với đòn trừng phạt về năng lượng, Nga sẽ phải quy phục đầu hàng. Nhưng thực tế dường như đang cho thấy điều ngược lại. Nếu như EU chấm dứt mua năng lượng của Nga, họ tìm đâu ra nguồn thay thế. Hậu quả là các nhà máy điện phải đóng cửa, dân các nước châu Âu sẽ không có điện sưởi ấm mùa đông. EU đã nhận thức được điều đó nên gói trừng phạt thứ 6 về năng lượng đã không triển khai được do bất đồng giữa các thành viên của khối. Tổng thống Hungary ví lệnh trừng phạt năng lượng đối với Nga như quả bom nguyên tử đối với Hungary.

Về phía Nga đã biết rất rõ hố đen này của Mỹ và EU. Ngày 23/3/2022, Putin đã ra lệnh thu tiền bán khí đốt của Nga cho các quốc gia không thân thiện (bao gồm những nước tham gia trừng phạt Nga) bằng đồng rúp thay vì đồng đô la hoặc euro. Vậy EU, Nhật Bản chọn cách thanh toán nào? Nếu không trả bằng đồng rúp cho Nga thì Nga sẽ khóa van khí đốt. Nếu chấp nhận lệnh của Putin thì phải có dự trữ ngoại hối bằng đồng rúp; nhưng muốn có nó thì chỉ còn cách mang vàng đến Nga để bán lấy đồng rúp theo giá Nga công bố: 1 carat đổi 1.000 rúp. Cách thứ hai là phải mua đồng rúp trong Ngân hàng Trung ương Nga vì số lượng đồng rúp lưu hành trên thị trường không đủ sử dụng. Cách thứ ba là phải bán các loại hàng hóa theo yêu cầu của Nga. Theo lý thuyết, cách thứ hai và thứ ba dễ dàng thực hiện nhưng lại nằm trong gói trừng phạt nên chỉ dùng một đòn, đó là các nước EU mua dầu và khí đốt của Nga phải thanh toán cho Nga bằng đồng rúp. Putin dùng cách này để trừng phạt Mỹ và các nước EU, khiến cho lệnh trừng phạt sẽ chết yểu.

Nếu các nước tham gia lệnh trừng phạt đối với Nga không trả Nga bằng đồng rúp, thì đương nhiên Nga sẽ đóng van, ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt, hậu quả là nền công nghiệp của những nước này sụp đổ, nền kinh tế khủng hoảng, thất nghiệp và giá cả hàng hóa tăng cao, chính quyền các nước này đối mặt với các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Có thể nhận xét: Các biện pháp chống trừng phạt của Putin vào thời điểm này đã đẩy Mỹ và EU vào thế bị động, lúng túng. Mỹ sẽ không thể cứu, và không kịp cứu mặc dù Mỹ nói có 15 tỉ mét khối khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cung cấp cho EU. Để tiêu thụ được khí lỏng của Mỹ, EU phải thay thế cơ sở hạ tầng, điều này sẽ phải mất nhiều năm. EU sẽ không chịu nổi khi thiếu khí đốt và dầu. Vậy Mỹ không thể thay thế khí đốt của Nga cho EU. Họ sẽ không biết cách nào để bù đủ sự thiếu hụt nếu bị Nga trừng phạt ngược lại. Ba Lan, Bungaria là hai nước đầu tiên chịu trận khi Nga khóa van, không cung cấp khí đốt cho hai nước này. Một số nước khác cũng chung hoàn cảnh nếu không chấp nhận lệnh của Putin.

Đến nay, tình hình cho thấy Nga vẫn giữ trong tay con át chủ bài là chưa yêu cầu Mỹ và EU trả tiền rúp cho dầu mỏ và các kim loại quý hiếm như Titan, Neon, Uranium. Với khí đốt, Nga thu tiền rúp, nhưng các mặt hàng khác có thể đòn đánh của Nga sẽ không lặp lại. Nga có thể cấm vận hoàn toàn (không bán), khi đó có đồng rúp hay vàng cũng không mua được. Nga sẽ có yêu cầu cao hơn, mục tiêu khác hơn.

Mỹ và EU đã mạnh tay trừng phạt Nga, tẩy chay hoàn toàn năng lượng của Nga, hướng tới mục tiêu là bóp chết Nga, nhưng đến giờ Nga đã có những gì mình muốn. Mỹ và EU đem dây đi “thắt cổ” Nga, nhưng giờ đây EU bị chính sợi dây đó tròng vào cổ mình. Mấy ngày vừa qua cho thấy EU đã tỉnh táo hơn để chui ra khỏi chiếc thòng lọng của Nga. Ngày 3/6/2022, EU đã dàn xếp được bất đồng, ra quyết định thực hiện lệnh trừng phạt thứ 6 đối với Nga, bao gồm cấm vận dầu mỏ và các hạn chế về tài chính, truyền thông. Về dầu mỏ, các nước EU có 6 tháng để ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga và 8 tháng để chấm dứt nhập các “sản phẩm xăng dầu tinh chế khác”. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ cho một số quốc gia thành viên mà “vì đặc điểm địa lý, đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga và không có phương án thay thế đáng kể khác”. Trước đó đã có 11 nước trả tiền khí đốt cho Nga bằng đồng rúp. Nga đáp lại bằng tuyên bố của Putin: Nga vẫn thực hiện các hợp đồng bán khí đốt cho các nước trong khối EU.

Ngày 27/5/2022, trong bài phát biểu tại Hội đồng Tối cao Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan), Tổng thống Nga Putin thông báo Mát-xcơ-va sẽ ký kết thỏa thuận thương mại với bốn nền kinh tế lớn là Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Indonesia và Iran (các quốc gia Hồi giáo). Điều này cho thấy một số nền kinh tế lớn sẵn sàng quan hệ kinh tế với Nga khi Nga đã nắm được phần huyết mạch kinh tế của Ukraine. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã không thể tàn phá nền kinh tế Nga, ngược lại Nga đã khiến cho các nền kinh tế khác thấy rằng nền kinh tế Nga vẫn tồn tại lâu dài và hấp dẫn trong việc hợp tác. Một số quốc gia rất thận trọng. Họ đã từ chối áp lực của phương Tây trong việc cô lập Nga, như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và thế giới Ả Rập, Nam Phi, Mexico, Brazil… vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với Nga. Thông báo của Tổng thống Putin còn tác động tới phương Tây: Các lệnh trừng phạt đối với Nga đã thất bại.

Phương Tây đang sống trong ảo tưởng với những nỗ lực và hợp tác của toàn khối để hủy hoại nước Nga. EU và NATO kiểm duyệt mọi tin tức tới mức bất kể vấn đề gì đề cập tới Nga đều bị phong tỏa. Tuy nhiên, sau khi Nga giành được huyết mạch của Ukraine và có những bước tiến đáng kể trong giai đoạn 2 ở chiến trường, cùng với sự phát triển với các nền kinh tế lớn cho thấy việc cô lập Nga, khiến cho nước này sụp đổ là khó xảy ra. Nga đã chứng minh cho thế giới thấy rằng họ là một cường quốc, là một phần tất yếu của nền kinh tế toàn cầu; loại bỏ và cô lập Nga là sự mất mát lớn, đẩy nền kinh tế thế giới vào khủng hoảng; cho nên thay vì phá hủy hãy hợp tác cùng phát triển, tôn trọng và xây dựng niềm tin. Đây là vấn đề kinh tế, xung đột Nga với Ukraine không hàm chứa Nga có bá mộng toàn cầu; Nga cần sự tôn trọng của phương Tây, đó là vấn đề căn bản.

Thế giới một lần nữa lại diễn ra cuộc đối đầu chính trị giữa các nước lớn, trong đó các cường quốc đối đầu với nhau rất ác liệt, cả bằng súng đạn và trừng phạt. Giờ đây, các nước như Mỹ – Nga – Trung Quốc – EU phải hiểu cái giá phải trả cho cách ứng xử tàn bạo, phi đạo đức, chèn ép nhau thì hậu quả sẽ như thế nào?

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC