Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine do Mỹ và NATO hậu thuẫn vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Từ tháng 2/2022 tới nay, cuộc chiến đã kéo dài gần một năm rưỡi với những tổn thất lớn về người và trang thiết bị của cả hai bên. Nga đã chiếm được khoảng 18% lãnh thổ của Ukraine và đang nỗ lực giữ những vùng đất đã tuyên bố sáp nhập vào Nga này. Từ tháng 8/2022, giao tranh tập trung tại thành phố Bakhmut. Tới cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua, Nga về cơ bản đã chiếm toàn bộ thành phố này.

Ukraine không chấp nhận thực tế mất lãnh thổ và khẳng định sẽ lấy lại tất cả các vùng đất đã mất bao gồm cả bán đảo Crimea. Tổng thống Ukraine Zelensky tiếp tục công du nhiều nước châu Âu như Đức, Pháp, Anh trong tháng 5 để vận động viện trợ và tài trợ vũ khí, với mục tiêu tuyên bố là tiến hành tổng phản công giành lại lãnh thổ. Đáp lại, Mỹ và NATO tiếp tục khẳng định lại rằng sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng nước này còn cần, khẳng định Nga không thể thắng được bởi nếu điều đó xảy ra thì nền dân chủ châu Âu sụp đổ. Điều này được đích thân Tổng thống Mỹ Biden khẳng định: “Nga sẽ không bao giờ thắng ở Ukraine. Không bao giờ”. Tổng thư ký NATO cũng nói: Nga “không được phép thắng” ở Ukraine.

Chính vì thế, Mỹ và EU tiếp tục cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí hiện đại gồm cả các tên lửa tầm xa, xe tăng chiến đấu tiên tiến nhất. Tổng thư ký NATO tuyên bố đến tháng 5 đã viện trợ 98% yêu cầu của Ukraine. Tất cả để chuẩn bị nguồn lực đủ cho Ukraine phản công Nga. Ukraine chưa dừng lại, vẫn tiếp tục yêu cầu thêm máy bay chiến đấu bởi chưa thể kiểm soát bầu trời so với Nga. Nước này đang kêu gọi Mỹ và NATO cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất F-16. Đầu tháng 6, sau hội nghị G7, các nước NATO đã quyết định sẽ cung cấp F-16 cho Ukriane, và hiện đang giúp đào tạo phi công cho nước này, một bước leo thang tiếp nữa củng cố mạnh mẽ khả năng phản công Nga của Ukraine như đã tuyên bố.

Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Rumani tham gia hoạt động Cảnh sát Không phận Baltic của NATO tại Litva, tháng 5/2023. Ảnh: AP/Mindaugas Kulbis

Về bản chất, cuộc chiến tranh này là Mỹ và NATO dùng Ukraine như lực lượng đánh thuê để tiêu hao Nga, làm suy yếu Nga bằng mọi cách. Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc chiến sẽ kéo dài cho tới khi một trong hai bên thắng thua rõ ràng thì cuộc thương lượng mới bắt đầu. Từ cuối tháng 5 cho tới đầu tháng 6, Ukraine dù mất thành phố Bakhmut đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, dùng vũ khí phương Tây viện trợ như các loại máy bay không người lái UAV để phá cơ sở hạ tầng, kho đạn, nhà máy sản xuất vũ khí, thậm chí tấn công cả vào điện Kremlin. Nguy hiểm hơn, hai nhóm dân quân vũ trang Nga ủng hộ Ukraine gồm Binh đoàn Tình nguyện Nga (RVC) và Quân đoàn Tự do nước Nga (FRL) đã tiến sâu vào lãnh thổ tỉnh Belgorod, giao tranh với lực lượng Nga. Đây là vụ tấn công trực diện nhất và quy mô lớn nhất bằng lực lượng bộ binh được tiến hành từ lãnh thổ Ukraine qua biên giới Nga, gây ra nhiều xáo trộn nhất với dân thường ở Belgorod. Dù đã bị Nga tiêu diệt không ít, các cuộc giao tranh quy mô vẫn đang diễn ra và những hành động này đều được Nga liệt vào hoạt động khủng bố.

Đầu tháng 6, cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau phá hủy đập thủy điện Kakhovka, gây ngập lụt ở hạ lưu thành phố Kherson, khiến cho giao tranh ở khu vực này bị ngưng trệ bởi ngập lụt. Trong bối cảnh đó, Ukraine đã chính thức tiến hành đợt phản công quy mô lớn như đã tuyên bố lâu nay với nhiều lữ đoàn mạnh được phương Tây đào tạo cùng với trang bị, vũ khí phương Tây. Thực tế, tới giữa tháng 6, Ukraine nói rằng lực lượng nước này đã giành lại 7 làng với tổng diện tích hơn 100 km2 lãnh thổ trong chiến dịch phản công. Ukraine mất nhiều binh sĩ và vũ khí, trong đó có xe tăng chủ lực Leopard 2 và thiết giáp M2 Bradley. Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/6 cho biết khoảng 7.500 binh sĩ Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương trên tiền tuyến sau hơn một tuần phản công.

Nhìn vào tất cả những sự kiện đã diễn ra trong tháng 5 và tháng 6, các nhà quan sát đưa ra nhiều đánh giá và nhận định quan trọng.

Thứ nhất, Ukraine đã thực sự đã mở đợt phản công quy mô lớn và phạm vi toàn diện nhắm vào Nga. Ukraine đã nhận viện trợ Mỹ và phương Tây và không thể làm khác được là thực hiện lời hứa phải tấn công Nga để giành lãnh thổ. Dù biết tuyến phòng thủ của Nga ở những khu vực tạm chiếm rất dày đặc và chặt chẽ, Tổng thống Zelensky không thể không tiến hành tổng phản công với cái giá phải chấp nhận là thương vong không nhỏ. Điều này cũng đã nằm trong tính toán của phương Tây phải đánh cho Nga thất bại với bất kể giá nào. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 14 tháng 6 một lần nữa kêu gọi thành viên NATO đảm bảo Ukraine đủ vũ khí để tiếp tục chiến đấu trong bối cảnh nước này chịu thiệt hại không nhỏ về trang thiết bị trong những tuần đầu phản công.

Từ trái sang: Tổng thư ký NATO Stoltenberg, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov trong một cuộc họp tại trụ sở chính của NATO ở Brussels, Bỉ, tháng 6/2023. Ảnh: AP

Thứ hai, NATO đang có những động thái leo thang chiến tranh nghiêm trọng. Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Anh, Tiệp Khắc có nhiều tuyên bố rất cứng rắn khẳng định sẽ phải chiến đấu với Nga tới cùng và làm cho chiến dịch quân sự của Nga thất bại bằng mọi giá.

Nga đã đề ra các lằn ranh đỏ mà phương Tây không nên vượt qua nhưng NATO đã hết lần này tới lần khác vượt qua các lằn ranh này trong những tháng gần đây. Kể từ ngày đầu xảy ra chiến dịch quân sự đặc biệt, các lằn ranh đỏ như NATO không được ủng hộ Ukraine vào tổ chức này, không được viện trợ vũ khí tấn công hiện đại như tên lửa tầm xa và xe tăng, không viện trợ máy bay chiến đấu, không dùng vũ khí phương Tây tấn công vào nước Nga, đều đã bị vượt qua hết lần này tới lần khác. Nga mới trả đũa bằng tấn công tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Ukraine nhưng chưa làm gì với NATO. Mevedev mới tuyên bố rằng nước Anh sẽ phải trả giá khi đứng đầu nỗ lực viện trợ vũ khí tiên tiến cho Ukraine và Nga đang triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chiến lược vào Belarus, tuy vậy, Nga đang được cho là kiềm chề trước sự lấn lướt của phương Tây. Với đà leo thang như vũ bão của cuộc chiến này, những cuộc tấn công vào đất Nga bằng vũ khí NATO sẽ diễn ra mạnh hơn và Nga sẽ không thể ngồi yên mãi. Như thế, một cuộc chiến tranh tổng lực bùng phát với NATO hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu vậy, bạo lực sẽ leo thang không chỉ ở Ukraine mà còn lan sang những nước chống Nga quyết liệt khác.

Thứ ba, các quan chức NATO đều đang nỗ lực chuẩn bị đối phó với Nga. Cựu tổng thư ký NATO Anders Rasmussen nói một số nước thành viên như Ba Lan có thể tham chiến ở Ukraina nếu thượng đỉnh khối NATO tại Vilnius vào đầu tháng 7 không đưa ra những bảo đảm an ninh cho quốc gia đang bị Nga xâm lược. Nga đã cảnh báo Ba Lan tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine đồng nghĩa với việc NATO tham chiến, tất sẽ bùng nổ Thế chiến III. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga D. Medvedev cảnh báo: “Ba Lan có nguy cơ biến mất nếu xảy ra xung đột giữa NATO và Nga”. Tuy vậy, NATO và các quốc gia thành viên đang thể hiện sự sẵn sàng tham chiến và tỏ thái độ đánh giá rất thấp sức mạnh của Nga. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đầu tháng 6 nói: Nga từng tuyên bố quân đội của họ mạnh thứ hai thế giới, nhưng hiện nay họ “chỉ mạnh thứ hai ở Ukraine”. Các quan chức Mỹ cho rằng quân đội Nga đang ở mức tệ hơn đáng kể so với trước khi mở chiến dịch ở Ukraine hồi tháng 2/2022 và cho rằng nếu NATO tham chiến thì họ cầm chắc phần thắng.

Thứ tư, NATO không chỉ tuyên bố mà đã triển khai quân số và lực lượng mình ở các quốc gia gần biên giới Nga để sẵn sàng tham chiến. Giữa tháng 6, NATO tổ chức diễn tập không quân lớn chưa từng thấy, kéo dài nửa tháng với sự tham dự của 10.000 binh sĩ và 250 máy bay từ 25 quốc gia. Lực lượng tham gia diễn tập thực hành kịch bản đáp trả cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên NATO. Các hoạt động diễn ra trên bầu trời châu Âu dưới sự điều phối của không quân Đức. Quân đội các quốc gia NATO cũng đã tiến hành một cuộc tập trận lớn tại Phần Lan, như một phần trong cam kết bảo vệ quốc gia Bắc Âu sau khi gia nhập liên minh quân sự. Gần 1.000 binh sĩ tới từ Mỹ, Anh, Na Uy và Thụy Điển đã có mặt tại Phần Lan để tập trận với 6.500 binh sĩ Phần Lan và khoảng 1.000 phương tiện quân sự.

Tất cả các động thái nói trên của Mỹ và NATO đều là những bước nghiêm trọng, tiếp tục vượt qua các lằn ranh đỏ, coi thường Nga và công khai thách thức Nga. Nga cũng đã nhận thấy vấn đề này và tích cực chuẩn bị, đưa nhiều loại vũ khí hiện đại vào biên chế quân đội, đặc biệt đã triển khai hạt nhân chiến thuật tới Belarus. Nhiều nhà quan sát quốc tế không khỏi lo lắng khi nhìn vào tình hình triển khai quân sự của cả hai bên. Bất kỳ một quốc gia NATO nào tham chiến trực tiếp cũng là ngòi nổ dẫn tới Thế chiến thứ ba III. Không loại trừ khả năng đây sẽ là hiện thực. Mỹ nói không tham chiến trực tiếp và không cho phép sử dụng vũ khí của mình tấn công vào Nga, nhưng thực tế vẫn bật đèn xanh để điều này xảy ra. Cuộc tấn công mở rộng bên ngoài lãnh thổ Ukraine sẽ rất nguy hiểm, không chỉ giới hạn ở bộ binh mà sẽ là cuộc chiến tranh kỹ thuật cao với tên lửa tầm xa, chiến tranh mạng, máy bay không người lái, chiến tranh trí tuệ nhân tạo. Các nhà quan sát đang tiếp tục theo dõi nhưng đều đặc biệt quan ngại trước sự chuẩn bị ráo riết của NATO nhằm đối phó Nga. Nhiều quốc gia đã nói tới đàm phán hoà bình nhưng cả Mỹ và EU đều không có dấu hiệu gì cho thấy họ muốn có một cuộc đàm phán. Nếu hai bên không kiềm chế và tôn trọng những lằn ranh đỏ thì nguy cơ chiến tranh mở rộng ở châu Âu theo dạng thức chiến tranh công nghệ cao đang hiện hữu hơn bao giờ hết. Cuộc chiến có thể không dừng lại ở chiến tranh tiêu hao mà trở thành cuộc chiến tranh toàn diện dưới các hình thức công nghệ cao, gây tổn thất to lớn về nhân lực, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tại châu Âu.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC