Cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc do Hoa Kỳ khởi xướng năm 2018 đang đi đến giai đoạn căng thẳng. Mối quan hệ Mỹ – Trung kể từ đây đã xấu đi nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, ngoại giao và quân sự. Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang lan ra nhiều khu vực từ thương mại tới công nghệ cao, có nguy cơ đẩy hai quốc gia này tới đối đầu trực tiếp về quân sự ở khu vực địa chính trị nhạy cảm như lịch sử đã từng diễn ra.

Căn nguyên nào dẫn hai siêu cường này dẫn tới thế đối đầu căng thẳng như hiện nay? Mọi vấn đề đều nằm trong nhận thức. Chính nhận thức sai lầm của các nước lớn đã làm cho tình hình trở nên phức tạp, tạo mầm mống xung đột tiềm tàng.

Trước hết là Mỹ. Trong quá khứ, trong tham vọng thống trị thế giới. Mỹ đã có nhiều nhận thức sai lầm về mặt chiến lược chính trị. Đơn cử như trong chiến tranh lạnh, nước Mỹ đã bị ám ảnh về chủ nghĩa cộng sản và cường điệu hoá nguy cơ đe doạ an ninh nước Mỹ từ khối Cộng sản do Liên Xô đứng đầu. Từ nhận thức sai lầm này, Mỹ đã can thiệp bí mật làm sụp đổ nhiều chế độ thân Liên Xô và tiến hành nhiều cuộc chiến tranh ở nhiều khu vực như chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam và Đông Dương, khiến hàng triệu người thiệt mạng, gây thiệt hại vô cùng to lớn. Sau chiến tranh lạnh, Mỹ cũng nhìn nhận một số quốc gia Bắc Phi và Trung Đông như Afgannistan, Iraq… như mối đe doạ an ninh nước Mỹ. Mỹ đã phát động chiến tranh đa dạng ở nhiều quốc gia này với cái cớ tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, xô đẩy khu vực này vào hỗn loạn hơn.

Một trong những sai lầm cần đặc biệt lưu ý là Mỹ vào thập kỷ 70 của thế kỷ 20 đã hi vọng một nước Trung Quốc được sự hỗ trợ của Mỹ sẽ chuyển đổi thành một quốc gia có chế độ dân chủ và đi theo các giá trị Mỹ. Với quan điểm này, Mỹ đã hỗ trợ tích cực cho Trung Quốc từ năm 1972 nhằm làm suy yếu Liên Xô cũng như chuyển hoá Trung Quốc. Mỹ đã mở cửa thương mại thương mại và chuyển giao cho Trung Quốc công nghệ, kỹ thuật, quân sự cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho Trung Quốc. Với sự hỗ trợ từ Mỹ, sau 40 năm, Trung Quốc đã từng bước mạnh lên và nổi lên như một siêu cường chỉ đứng sau Hoa Kỳ, và có tiềm lực quân sự hùng mạnh vươn sức ảnh hưởng ra toàn cầu.

Tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế số 2 thế giới và được nhận định sẽ vượt Mỹ. Quân sự Trung Quốc phát triển nhanh về cả hải quân và không quân, không chỉ ở ven bờ như trước đây mà vươn ra cả các đại dương, từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương, với tham vọng trở thành cường quốc thế giới. Trung Quốc cũng thành công về công nghệ, kỹ thuật để hiện đại hoá nền công nghiệp của họ. Trung Quốc đã thu hút nhiều lợi ích từ việc thu thập thông tin tình báo công nghệ từ các nước, đặc biệt từ Mỹ. Giờ đây, Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu hàng hoá lớn nhất thế giới, trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc với biểu thuế quan rất thấp. Sức mạnh mềm của Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng, nhiều nước coi Trung Quốc là thị trường quan trọng, là đối tác đầu tư và hợp tác, là nguồn cung cấp vốn để cứu họ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhiều nước trở thành con nợ của Trung Quốc trong đó có Mỹ.

Sự vươn lên của Trung Quốc đánh thức các nhà chính trị Mỹ. Giờ đây, họ coi sự trỗi dậy của Trung Quốc đang thách thức Hoa Kỳ trên nhiều phương diện. Những người lãnh đạo Hoa Kỳ lại nhận ra rằng sự hỗ trợ đối với Trung Quốc trước đây là sai lầm lịch sử của họ. Chính nước Mỹ đã tạo ra một Trung Quốc hùng mạnh và đang là mối đe doạ sống còn của Mỹ. Một cố vấn của Trump đã từng viết nếu tiếp tục như hiện nay thì nước Mỹ sẽ “chết dưới bàn tay” Trung Quốc.

Người Mỹ cũng nhận thức rằng Trung Quốc đang đe doạ vị trí lãnh đạo địa chính trị của Mỹ trên toàn cầu. Những tuyên bố của Trung Quốc về đường lưỡi bò ở biển Đông và chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc thách thức trực tiếp quyền lợi và ảnh hưởng của Hoa Kỳ khu vực Châu Á Thái Bình Dương Ấn Độ Dương và Mỹ không thể chấp nhận sự thua kém Trung Quốc. Chiến lược kìm chế Trung Quốc giờ đây là ưu tiên hàng đầu nhằm làm suy yếu Trung Quốc. Quan điểm này đã đưa Trump làm tổng thống nước Mỹ, quan hệ Mỹ – Trung cũng đổi chiều từ đây.

Thực tế trong năm 2018, các bước đi của tổng thống Donald Trump đã thể hiện rõ chiến lược này. Cuộc chiến tranh thương mại chỉ là khởi đầu của cuộc xung đột Mỹ Trung. Rõ ràng đến nay nếu Mỹ không đạt được một thoả thuận với Trung Quốc thì tình hình sẽ căng thẳng hơn rất nhiều, kéo theo nhiều vấn đề khác, phân hoá thế giới theo nhiều phe, nguy cơ xung đột quân sự tăng lên.

Song song với chính sách thương mại, chính sách bao vây Trung Quốc thể hiện rõ trong ý đồ của Trump. Sáng kiến “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và thành lập liên minh 4 nước (Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Úc) là nhằm kiềm chế ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc. Mỹ cũng coi Thái Bình Dương là vùng sống còn, việc đưa tàu quân sự tới khu vực này và tuyên bố lập căn cứ quân sự ở Papua New Guinea trước thềm Hội nghị APEC của Mỹ Úc tháng 12 năm 2018 là nhằm gây sức ép đối với Trung Quốc… Mỹ cũng thay đổi chính sách với Đài Loan, tăng cường hợp tác quân sự, kinh tế, khuyến khích Đài Loan độc lập với Trung Quốc, nhanh chóng hạ nhiệt đối đầu với Bắc Triều Tiên, kích động vấn đề Tây Tạng, rút quân khỏi Afganistan và Syria với mục đích đẩy Nga và Trung Quốc vào thế chân Mỹ để rồi sa lầy như Mỹ đã làm. Cuộc chiến thương mại công nghệ do Mỹ khởi xướng với Trung Quốc nhằm đánh mạnh vào nền công nghệ và phá vỡ năng lực công nghệ của Trung Quốc, để buộc Trung Quốc phải cơ chế lại hoạt động của các tập đoàn công nghệ cao của họ, như ZTE và Huawei, theo thiết chế của Mỹ. Điều đó cũng có nghĩa là làm suy yếu công nghệ quốc phòng của Trung Quốc.

Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng và không có lối thoát, Trung Quốc không chấp nhận các yêu cầu của Mỹ, tình hình có thể cực kỳ phức tạp. Khả năng đối đầu trực tiếp, toàn diện là rất cao. Hiện nay, trong khi Hoa Kỳ tỏ thái độ cứng rắn thì Trung Quốc vẫn giữ thái độ kiềm chế, luôn nhấn mạnh về sự trỗi dậy hoà bình và các sáng kiến địa chính trị như “Một vành đai, một con đường” là để đôi bên cùng thắng. Cho dù đã đáp trả lại về thương mại, nhưng Trung Quốc vẫn tìm cách thương lượng và có xu hướng mềm dẻo để tìm giải pháp. Trung Quốc hợp tác với Hoa Kỳ giải quyết vấn đề Triều Tiên, đề xuất giải pháp 90 ngày để thỏa thuận về thương mại. Trung Quốc đã cố gắng không làm tình hình căng thẳng thêm với Mỹ, không gay gắt trước các tuyên bố của Mỹ lập thêm căn cứ quân sự ở Papua New Guinea… Tuy nhiên, thái độ của Trump chưa có biểu hiện gì xuống thang, vẫn dồn ép Trung Quốc thay đổi luật chơi của hai nước đã được thỏa thuận từ các đời tổng thống Mỹ trước đây để “giành lại sự công bằng cho Mỹ”.

Các nhà nghiên cứu cho rằng xung đột của Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ở thời kỳ rất dễ lan rộng ra cả thế giới. Và cuộc xung đột giữa hai quốc gia có hạt nhân là cực kỳ nguy hiểm, và đưa ra dự báo có thể có 5 ngòi nổ để có thể dẫn đến cuộc chiến tranh Mỹ – Trung: (1) va chạm không chủ ý giữa lực lượng Trung Quốc và một tàu chiến Mỹ đang thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông; (2) Lãnh đạo Đài Loan muốn tuyên bố độc lập; (3) xung đột quân sự giữa Trung Quốc và một đồng minh của Mỹ; (4) chính quyền Bắc Triều Tiên sụp đổ; (5) chiến tranh thương mại lan thành xung đột quân sự.

Nguy cơ đụng độ quân sự giữa hai cường quốc đang gia tăng

Để giảm thiểu được nguy cơ chiến tranh, nhà nghiên cứu nổi tiếng Graham Allison kiến nghị một số nguyên tắc và lựa chọn chiến lược để tránh chiến tranh:

Thứ nhất, Mỹ phải chấp nhận thực tế rằng Trung Quốc đã có sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự vượt trội và về nhiều mặt còn hơn Mỹ nên trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo khó có thể được duy trì. Mỹ phải thích nghi với một cân bằng quyền lực mới với Trung Quốc. Lựa chọn này sẽ buộc Mỹ phải nhượng bộ Trung Quốc trên nhiều vấn đề như Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, hoặc có thể chấp nhận Trung Quốc xác lập vùng ảnh hưởng ở nhiều khu vực.

Thứ hai, Mỹ phải tìm cách đàm phán một thoả thuận hoà bình dài hạn với Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc có thể ký một thỏa ước 25 năm hạn chế một số vấn đề để tập trung phát triển một số lợi thế khác. Ví dụ, cam kết không xung đột ở biển Đông, đảm bảo tự do đi lại trên vùng biển quốc tế, hạn chế tấn công mạng, không can thiệp nội bộ của nhau, hạn chế chỉ trích nhân quyền… giúp cả hai tập trung xử lý các vấn đề nội bộ đang nổi cộm.

Thứ ba, Mỹ Trung cần xác định lại lợi ích của mối quan hệ song phương. Cả hai nước hiểu cần hiểu rất nhiều những thách thức chung lớn đang chờ. 4 thách thức toàn cầu là: thách thức về việc phổ biến vũ khí hạt nhân, thách thức về khủng bố, thách thức các công nghệ sinh hóa hiện đại bị sử dụng sai mục đích, và thách thức về biến đổi khí hậu. Những thách thức chung khiến hai bên sẽ phải hợp tác thay vì đối đầu nhau.

Hoa Kỳ và Trung Quốc cần sớm tiến tới một thỏa thuận để tránh đẩy căng thẳng tới đụng độ quân sự

Tuy nhiên, hiện có vẻ như chính quyền Mỹ hiện thời chưa hiểu rõ nguy cơ và chưa quan tâm tới các giải pháp nhằm xây dựng quan hệ lâu dài với Trung Quốc như vậy. Việc phát động tấn công toàn diện vào Trung Quốc trên nhiều mặt trận cũng như sự cố tình phá vỡ cốt lõi của trật tự thế giới do chính Mỹ từng xây dựng  đang đi ngược lại với xu thế hợp tác và hoà bình, rất dễ đẩy thế giới đối đầu hơn là đối thoại. Để tránh được cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc, Mỹ không nên gây lo ngại cho Trung Quốc và không làm cho Trung Quốc thấy bị đe doạ thêm nữa. Mỹ và cả Trung Quốc đều cần điều chỉnh nhận thức để giúp thế giới thoát khỏi nguy cơ rơi vào một cuộc chiến tàn khốc.

N.V.H.

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC