Cuộc đối đầu Mỹ – Trung sẽ đưa thế giới đi đến đâu?
Cả thế giới đều biết Mỹ đã tận dụng Trung Quốc như một đối tác để làm sụp đổ Liên Xô trong Chiến tranh lạnh. Sau khi Liên Xô và hệ thống XHCN tan rã, những người nắm quyền nước Mỹ thời đó, điển hình là Clinton (trước đó trong Chiến tranh lạnh là Nixon), đã tin rằng Trung Quốc sẽ áp dụng cải cách dân chủ tư bản để thịnh vượng. Họ không cho rằng Trung Quốc sẽ là mối lo sợ và đe doạ nước Mỹ.
Với nhận thức đầy tự tin, ngạo mạn và xem thường Trung Quốc như vậy, người Mỹ đã tiếp sức cho Đặng Tiểu Bình về kỹ thuật tiên tiến, về vốn cũng như đào tào nguồn nhân lực và sẵn lòng mở cửa thị trường cho Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình đã tận dụng tốt cơ hội này, âm thầm “ẩn mình chờ thời” để chấn hưng đất nước Trung Hoa.
Trái với niềm tin của giới lãnh đạo Hoa Kỳ, sau 40 năm, Trung Quốc vẫn duy trì chế độ một đảng lãnh đạo, với mục tiêu đúng đắn, chính sách điều hành năng động và những sáng kiến vĩ đại được áp dụng đã làm biến đổi nhanh chóng nền kinh tế luôn tăng trưởng cao theo từng năm của Trung Quốc. Sau bốn thập kỷ, Trung Quốc đã trở thành một trong ba cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới và hiện đang đứng thứ hai thế giới. Trung Quốc không còn “ẩn mình chờ thời” nữa mà xác lập ảnh hưởng mạnh mẽ ở nhiều khu vực chiến lược ở các châu lục và tuyên bố về sự “trỗi dậy” vươn tới một quốc gia hùng cường, đứng đầu thế giới, hoàn thành giấc mơ Trung Hoa vào giữa thế kỷ 21.
Sự thành công của Trung Quốc khiến thế giới phải kính nể. Mô hình tư bản chủ nghĩa với thể chế dân chủ do Mỹ và phương Tây vận hành không còn là sự lựa chọn duy nhất và không phải là mô hình thành công nhất. Mô hình kinh tế được kiểm soát chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của một Đảng không đi theo khuôn mẫu dân chủ tự do phương Tây lại được nhận thức và đánh giá cao hơn. Nhiều quốc gia ở Châu Âu, Mỹ Latinh, Châu Á, Châu Phi có biểu hiện đang tiến gần tới mô hình Trung Quốc và hi vọng sẽ được hưởng lợi từ quốc gia này. Đó thực sự là sự thay đổi quan trọng và mới mẻ trong chính trị quốc tế.
Sự phàn nàn của Mỹ và đồng minh về việc Trung Quốc thiếu trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế ngày càng nhiều hơn. Sau sự kiện khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001, Trung Quốc đã không đáp lại lời kêu gọi của Mỹ về chống khủng bố. Tổng thống Bush lúc đó và kế tiếp là Tổng thống Obama đã nhận thấy chính sách sai lầm của Mỹ trong cả giai đoạn trong và sau chiến tranh lạnh đối với Trung Quốc. Những kỳ vọng về sự thay đổi của Trung Quốc theo nền dân chủ tư bản đã tiêu tan. Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ và trở thành đối thủ cạnh tranh vai trò lãnh đạo thế giới đối với Mỹ trong thế kỷ 21.
Trong nhiều năm, các đời Tổng thống trước Trump cũng đã có những điều chỉnh chiến lược để ngăn chặn Trung Quốc, rõ nhất là chiến lược tái cân bằng và chính sách xoay trục sang Châu Á Thái Bình Dương của Tổng thống Obama. Nhưng sự không rõ ràng, mập mờ và thiếu tính quyết đoán trong những chính sách đó không thể ngăn chặn và làm cho Trung Quốc suy yếu. Trái lại, Trung Quốc đã “nắn gân” được Mỹ, tích cực lấn chiếm để giành lợi thế ở biển Đông và triển khai được chuỗi cung ứng và triển khai nhiều căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, Nam Á và Nam Âu, ngày càng gây lo ngại cho Mỹ và các nước đồng minh.
Tỉ phú Donald Trump đã trúng cử Tổng thống một phần là nhờ trào lưu chống Trung Quốc ở nước Mỹ. Trump là người nổi trội hơn các nhân vật khác về quan điểm và lập trường cứng rắn chống Trung Quốc, cũng như đưa ra tầm nhìn rõ ràng về con đường canh tân nước Mỹ. Nhờ vậy, Trump đã tập hợp được số đông các nhân vật theo xu hướng này trong số những người giàu nhất nước Mỹ vào bộ máy lãnh đạo Hoa Kỳ sau khi trúng cử Tổng thống trong đó có Peter Navarro, tác giả cuốn sách “Chết dưới bàn tay Trung Quốc”, một nhân vật có quan điểm đặc biệt cứng rắng với Trung Quốc. Trump đã chọn Navarro làm cố vấn kinh tế và ông này có vai trò quan trọng đề ra chính sách chống Trung Quốc quyết liệt của chính phủ Trump hiện nay.
Về phía Trung Quốc, với một cơ chế chính trị, đối ngoại nhạy bén, họ hiểu rõ những mục tiêu mà Mỹ đang làm để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như ảnh hưởng của nước này trên trường quốc tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng xoa dịu bằng cách tuyên bố Trung Quốc đang “trỗi dậy hoà bình” và sẽ phát triển theo kiểu đôi bên cùng thắng. Họ khẳng định rằng sự mở rộng của một nền kinh tế có hơn 1,4 tỉ dân là hoàn toàn hợp lý và không đe doạ bất kỳ quốc gia nào khác, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, là một thay thế cho sự bế tắc mà hệ thống chính trị Mỹ và phương Tây đang gặp phải.
Tuy nhiên, sự giải thích của Trung Quốc đã không làm yên lòng và giảm đi sự căng thẳng của Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Quan điểm phải làm suy yếu Trung Quốc cho bằng được bắt đầu từ đây. Vậy Mỹ đã tiến hành ngăn chặn Trung Quốc như thế nào?
Thứ nhất, phải khẳng định rằng không chỉ có Donald Trump mà có sự nhất quán trong bộ máy lãnh đạo Hoa Kỳ, sự thống nhất giữa Quốc hội và Nhà Trắng, sự gắn kết giữa các bộ trong Chính phủ của Donald Trump cùng hướng tới mục tiêu làm cho Trung Quốc suy yếu. Tất cả đều nhận thức rằng Trung Quốc là mối đe doạ về cả kinh tế, ảnh hưởng quốc tế cũng như an ninh của Mỹ. Trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Hoa Kỳ được công bố cuối năm 2017, Trung Quốc được coi là mối đe doạ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Đó là một bước ngoặt trong quan điểm của Mỹ, coi Trung Quốc từ đối tác chiến lược thành đối thủ cần bao vây, kiềm chế và thậm chí làm cho sụp đổ. Do vậy, Trump cho rằng không thể thực thi những biện pháp gián tiếp và yếu ớt như chính sách xoay trục của Obama, mà cần tấn công trực diện vào Trung Quốc.
Thứ hai, cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào Trung Quốc là một cuộc chiến toàn diện, nhưng kinh tế là mặt trận chính, thay vì sử dụng biện pháp quân sự như trước đây trong chiến tranh lạnh, Mỹ sử dụng sức mạnh vượt trội về kinh tế là biện pháp chủ yếu để làm tan rã Trung Quốc. Trong hơn một năm vừa qua, đòn tấn công kinh tế của Mỹ giáng Trung Quốc là rất nặng nề. Mỹ đã tỏ ra hoàn toàn chủ động như đã lên kịch bản sẵn từ trước. Sau những lời tuyên bố của Tổng thống Trump, cuộc tấn công thương mại đã được mở ra, lấy chính sách thuế quan làm trọng điểm, chủ yếu là tăng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Mỹ. Thông qua đàm phán, Mỹ ép Trung Quốc phải chấp nhận theo lộ trình và tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Đòn tấn công mạnh mẽ thứ hai là về công nghệ. Sau sự kiện trừng phạt ZTE là cuộc chiến không khoan nhượng nhằm vào Huawei, một công ty mà Mỹ cho là nền tảng của nền công nghệ của Trung Quốc nói chung và công nghệ quốc phòng nói riêng. Những động thái gần đây như đưa Huawei vào danh sách đen, không cho tiếp cận phần mềm và chip của các công ty Mỹ là những đòn nặng nề nhưng được dự báo là vẫn chưa kết thúc trong hướng tấn công này.
Thứ ba, Mỹ đã từ bỏ nhiều hiệp định hợp tác mà Mỹ cho là có lợi cho Trung Quốc. hoặc không đủ sức ngăn chặn Trung Quốc, như hiệp định TPP. Mỹ cũng chỉ trích WTO, cho rằng từ các hiệp định thương mại quốc tế của WTO, Trung Quốc đã được hưởng nhiều lợi ích trong khi đó lại không có trách nhiệm gì. Mỹ tập trung bao vây cấm vận các quốc gia đang cho Trung Quốc được hưởng lợi nhiều như Venezueala, Iran, đây là những quốc gia đang cung cấp năng lượng, khí đốt cho Trung Quốc. Mỹ cũng vận động các nước đồng minh cùng với Mỹ lên án Trung Quốc ăn cắp công nghệ bằng hình thức gián điệp qua các công ty Trung Quốc, từ đó lấy cớ tấn công mạnh hơn nữa vào Huawei và các công ty Trung Quốc khác trong tương lai. Mỹ khẳng định Huawei là tổ chức gián điệp đã nhiều năm ăn cắp công nghệ tên lửa, máy bay, tàu ngầm, hạt nhân, vũ trụ… của Mỹ và kêu gọi các nước đồng minh khác cùng cảnh giác đề phòng và tẩy chay Huawei. Các nước Nhật Bản, Úc, Canada… đã hủy bỏ các dự án đã ký với Huawei. Riêng Mỹ đã ban lệnh cấm các công ty Mỹ bán các sản phẩm công nghệ cho Huawei.
Toàn bộ mục tiêu của cuộc tấn công kinh tế này không chỉ để làm thiệt hại sự tăng trưởng của nền thương mại Trung Quốc, mà còn nhắm tới phá vỡ mô hình kinh tế của Trung Quốc. Với nỗi lực lôi kéo các công ty nước ngoài và công ty Mỹ chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc, Mỹ thực sự muốn làm phá sản nền kinh tế vốn dựa rất nhiều vào đầu tư nước ngoài để xuất khẩu này. Chính quyền Trump đang xác định đây là cuộc chiến không chỉ diễn ra trong một năm mà sẽ kéo dài nhiều năm, thậm chí Mỹ xác định tới năm 2035, và cho đến khi nền kinh tế Trung Quốc bị khủng hoảng, phải chấp nhận các điều kiện của Mỹ mới thôi. Mục tiêu cuối cùng là làm sao để nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc không thể thắng được nền kinh tế tư bản của Mỹ, khẳng định với thế giới rằng mô hình Trung Quốc không tối ưu để đi theo. Hơn lúc nào hết, Mỹ vẫn muốn khẳng định lại với thế giới rằng nền kinh tế tư bản tự do mới là phù hợp và tối ưu trong thời đại ngày nay.
Thứ tư, với mục tiêu như vậy, về mặt ngoại giao, Mỹ phối hợp với các nước Nhật, Úc, Ấn Độ cùng với Mỹ vạch ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đối trọng với sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc. Mỹ cũng dùng chính sách lôi kéo các nước ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, cảnh báo họ nguy cơ đe doạ từ đầu tư cho vay vốn của Trung Quốc. Thực tế, nhiều nước đã nhận thức theo cảnh báo của Mỹ về Vành đai Con đường của Trung Quốc. Trong đó có một số nước như Malaysia, Myanmar, Pakistan… đã chấm dứt các dự án kinh tế đã ký với Trung Quốc. Mỹ bao vây và không để Trung Quốc thực hiện chiến lược Vành đai Con đường cũng là để ngăn không cho Trung Quốc đứng chân về quân sự ở các khu vực này.
Thứ năm, Mỹ nhận thức rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề quân sự. Sức mạnh quân sự đã giúp Trung Quốc vươn ra biển và đã gây ra những xung đột ở vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, đe doạ hoà bình và an ninh ở Châu Á Thái Bình Dương cũng như Ấn Độ Dương, đang tạo ra những điểm nóng, đe doạ cả các nước trong vùng lẫn Hoa Kỳ. Trong chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mà Mỹ khởi xướng, Hoa Kỳ xác định đây không chỉ đối trọng kinh tế với Trung Quốc mà còn tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực địa chính trị này để ngăn chặn Trung Quốc. Những diễn biến gần đây như việc Mỹ lập căn cứ quân sự ở Papua New Guinea, khôi phục và củng cố căn cứ ở Nhật Bản, Phillippines, Hàn Quốc là những dấu hiệu chứng tỏ điều này. Hoa Kỳ cũng đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên cũng nằm trong chiến lược giảm căng thẳng nhằm đối phó Trung Quốc ở vùng Đông Bắc Á.
Với các hướng tấn công tổng lực như trình bày, nhìn tổng thể, đây không phải là cuộc cạnh tranh kinh tế thông thường, mà là cuộc đối đầu toàn diện về chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự giữa hai siêu cường. Trong đó, biện pháp kinh tế là hướng tấn công nổi lên và được sử dụng mạnh mẽ hơn cả. Cuộc đối đầu này sẽ đi đến đâu còn tuỳ thuộc vào nhiều vấn đề cũng như tương quan lực lượng giữa hai bên. Tương quan này được thể hiện rõ trong các cuộc thương thảo về thương mại, trong đó cả Mỹ và Trung Quốc chưa có sự nhân nhượng nào lớn và vẫn đang ăn miếng trả miếng một cách khốc liệt. Hai bên công bố đánh thuế trả đũa lẫn nhau về thương mại và cấm cửa các công ty công nghệ của nhau. Cuộc chiến này có lan rộng tới lĩnh vực tài chính hay không vẫn còn bỏ ngỏ, trong bối cảnh Mỹ vẫn là con nợ lớn nhất của Trung Quốc. Do đó, cuộc đối đầu này được nhìn nhận còn diễn ra căng thẳng và phức tạp, tác động mạnh mẽ tới tình hình quốc tế.
Với tình hình kéo dài và lan rộng như hiện nay, có thể nhận xét thế giới đang bị phân hoá nghiêm trọng. Mỹ đang tích cực lôi kéo các nước đồng minh phương Tây chống Trung Quốc, kêu gọi khắp nơi rằng Trung Quốc là nguy cơ đối với thế giới, và muốn tạo ra một trào lưu chống Trung Quốc như đã từng kêu gọi chống Liên Xô trong chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, nhiều quốc gia không đồng quan điểm với Mỹ. Họ không coi sự phát triển thịnh vượng của Trung Quốc là nguy cơ, thậm chí coi sự tăng trưởng của Trung Quốc là cứu vãn đối với nền kinh tế thế giới. Nhiều quốc gia cho rằng thế giới sẽ hưởng lợi từ đây, và sự sụp đổ kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với việc kinh tế thế giới sẽ khủng hoảng. Họ cho rằng hợp tác với Trung Quốc trong dài hạn mới là cách tốt để hạn chế khía cạnh tiêu cực của sự trỗi dậy Trung Hoa. Như vậy, thế giới cũng đang bất đồng với Mỹ trong cách nhìn nhận đối với Trung Quốc và Mỹ đã không thể ép tất cả các quốc gia nghĩ theo cách của họ.
Xét về địa chính trị, cuộc đối đầu Trung Mỹ là cuộc cạnh tranh quyết liệt diễn ra ở các địa bàn chiến lược trên thế giới và nhiều khu vực khác. Nhìn vào bàn cờ chiến lược ở hai vành đai Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là cuộc đối đầu giữa chiến lược Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của bốn nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc, mà điểm nóng chính là Thái Bình Dương và trọng tâm là Biển Đông, nơi Trung Quốc đang đe dọa chủ quyền của nhiều nước Đông Nam Á. Mỹ và các nước đồng minh quyết tâm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại đây, không để Trung Quốc khống chế đường vận tải quốc tế. Cuộc chiến ở đây không chỉ về kinh tế mà đang lộ rõ là cuộc chạy đua về quân sự, và gia tăng hoạt động về quân sự. Nếu các siêu cường hành động thiếu trách nhiệm sẽ rất dễ dẫn đến xung đột vũ trang. Sự phân hoá về địa chính trị và quân sự này sẽ lôi kéo các nước trong vùng vào sự lựa chọn phe này hay phe kia, dễ dẫn tới một thế giới hai cực mới như kiểu Chiến tranh lạnh.
Sự đối đầu Mỹ – Trung hiện nay và sự phân hoá thế giới đang diễn ra sẽ là nguy cơ các thiết chế quốc tế bị phá vỡ, quan hệ quốc tế bị khủng hoảng do Mỹ rút khỏi nhiều hiệp ước quốc tế, toàn cầu hóa bị đe dọa, việc các hiệp định thương mại của WTO bị vô hiệu hóa chỉ còn là vấn đề thời gian. Việc Mỹ tấn công mạnh mẽ vào Huawei và những công ty công nghệ của Trung Quốc khác sẽ làm đứt đoạn toàn cầu hoá công nghệ. Tình hình thế giới sẽ đầy rẫy phức tạp và nền kinh tế toàn cầu có thể bị đẩy vào suy thoái, ảnh hưởng tới sự phát triển của những nước nhỏ. Một số nước nhỏ có thể trở thành chiến trường trực tiếp của xung đột, như Venezuala chẳng hạn, đang bị xâu xé bởi cuộc đối đầu giữa các nước lớn.
Mỹ cũng sẽ tận dụng và lôi kéo những nước lớn khác, như Nga và các nước trong EU để chống Trung Quốc. Trong chiến tranh lạnh, Mỹ từng tranh thủ những nước ngoài đồng minh. Trước đây, Mỹ lôi kéo Trung Quốc, Trung Quốc là đối tượng hợp tác đã làm sụp đổ Liên Xô. Ngày nay cũng không loại trừ cách tiếp cận này lại được lập ngược lại. Mỹ sẽ hy vọng lôi kéo Nga để chống Trung Quốc. Nhưng cả thế giới đều biết rằng Trung Quốc và Nga đang là đối tác của nhau, và cùng là đối tượng Mỹ liệt kê vào nước đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, nên không loại trừ khả năng Trung Quốc cũng sẽ tận dụng Nga để đối trọng với Mỹ. Nhưng Nga là cường quốc về hạt nhân và quân sự, Nga cũng có chiến lược toàn cầu để trở thành một cực mới, với nhà lãnh đạo như Putin thì không dễ gì để Nga ngả theo bên này chống bên kia, nhưng sẽ diễn ra cuộc lợi dụng lẫn nhau đầy thú vị. Quan hệ giữa Trung Quốc và Nga ngày nay khác với Liên Xô thời Chiến tranh lạnh; Nước Nga ngày nay với một tiềm lực kinh tế và quân sự hùng mạnh, những người lãnh đạo đất nước này đầy ắp tham vọng, bản lĩnh, kinh nghiệm, thì rất khó tái diễn kịch bản các nước lớn lợi dụng nhau để chống nhau như thời Chiến tranh lạnh.
Trước tình hình như vậy, có thể thấy thế giới đang bước vào một thời đại rất phức tạp, các quốc gia không dễ lựa chọn con đường của mình. Trong thời đại trước đây, có thể chọn chính sách cân bằng, không ngả bên này chống bên kia, nhưng thật là khó trong bối cảnh hiện nay, xử lý như vậy cũng không dễ dàng. Đi với nước này có thể bị trừng phạt bởi nước khác. Lừng chừng ở giữa có thể bị gạt ra rìa, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Các nước sẽ khó xử trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, không phải tất cả đều là nguy cơ mà cũng xuất hiện điều kiện và thời cơ cho nhiều nước. Về mặt kinh tế, trong chiến tranh thương mại, việc Mỹ đánh thuế cao với hàng ngàn mặt hàng của Trung Quốc, các công ty Mỹ và phương Tây rút khỏi Trung Quốc và Trung Quốc ngừng xuất khẩu vào Mỹ chính là cơ hội cho xuất khẩu và tiếp nhận đầu tư cho các quốc gia khác, nếu các quốc gia này đáp ứng được các tiêu chuẩn của cả Mỹ và Trung Quốc. Nên các nước nhỏ chỉ còn cách phải điều chỉnh chính sách theo hướng vừa hợp tác song phương, vừa đẩy mạnh hợp tác đa phương trong các khối nước để cân bằng với các nước lớn, nhất là các nước trong khối nước như ASEAN, EU. Chúng ta ủng hộ quan điểm của Hội nghị Shangri-la tại Singapore vừa qua: “Trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng, các siêu cường cần nỗ lực tránh xung đột gây tổn thất, các nước trong khu vực cần nêu cao vai trò tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy hội nhập và xây dựng thể chế đa phương. ASEAN có vai trò trung tâm trong việc xử lý các vấn đề của khu vực và điều tiết các quan hệ giữa các nước lớn.” Đó là hướng đi phù hợp với tình hình quốc tế hiện nay.
Cuộc đối đầu Mỹ – Trung được coi là cuộc đối đầu lớn nhất của thế kỷ này, là cuộc đối đầu giữa một cường quốc đứng đầu các nước phương Tây với một cường quốc mới nổi Xã hội Chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cuộc đối đầu lịch sử này đang kéo thế giới vào cuộc như thời Chiến tranh lạnh trước đây, nhưng chắc chắn Hoa Kỳ sẽ không đạt như mong muốn bởi vì không nhằm phục vụ lợi ích chung mà hướng vào mục tiêu vì “nước Mỹ trên hết”, nước Mỹ phải đứng đầu thế giới. Người Mỹ hy vọng một chiến thắng bằng kinh tế, nhưng Trung Quốc không dễ bị tiêu diệt bởi Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới và là một cường quốc về quân sự. Vậy cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu, cuộc chiến tranh nóng có xảy ra không và ai là người chiến thắng là điều khó xét đoán. Song, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã nhận thấy bị thiệt hại. Trong bối cảnh ấy, đến lúc nào đó, khi mà một bên bị mất thế thì cuộc thương lượng để dàn xếp quyền lợi giữa hai cường quốc này mới bắt đầu diễn ra. Nhưng đến thời điểm đó, thế giới đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do cuộc đối đầu giữa hai siêu cường này gây ra.
N.V.H.