1. Bối cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine và lợi thế đang nghiêng về phía Nga

Sau gần 3 năm kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh Nga – Ukraine (2022 – 2024), chiến sự vẫn tiếp diễn căng thẳng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hai bên vẫn dồn toàn bộ nguồn nhân lực, vật lực vào cuộc chiến và liên tục thể hiện quyết tâm tiêu diệt đối phương. Đặc biệt, về phía Ukraine, mặc dù liên tiếp chịu những đòn tấn công từ phía Nga và chịu thiệt hại nặng nề qua các cuộc giao tranh, nước này vẫn đặt tham vọng chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn diễn ra trong mùa hè này. Quyết tâm ấy không những toát lên từ những tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky mà còn thấy rõ qua những gói viện trợ ngày càng lớn mà Mỹ và phương Tây dành cho Ukraine. Theo dữ liệu được công bố trên trang web của Ủy ban Châu Âu và Mỹ, tính đến nay, các quốc gia EU đã cung cấp hàng trăm tỷ đô la để hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Vào tháng 3/2024, Hội đồng Châu Âu cũng thành lập Quỹ hỗ trợ Ukraine trị giá gần 5,5 tỷ USD, và con số này sẽ tăng lên 7 tỉ trong thời gian tới, nếu đạt được sự đồng thuận từ tất cả các nước trong khối.

Giữa bối cảnh Ukraine và phương Tây liên tục gây sức ép thông qua chạy đua vũ trang và viện trợ quân sự, Nga vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng tấn công Ukraine và khẳng định lại một lần nữa yêu sách 5 điểm mà Nga đặt ra nếu muốn cuộc chiến kết thúc: Ukriane sẽ phải chấp nhận chấm dứt chế độ phát xít, phi vũ trang, phi quân sự hoá, trung lập hoá và cam kết bảo vệ tính mạng, quyền lợi của những người Nga đang sinh sống ở phía Đông Ukraine. Trong suốt gần 3 năm chiến sự, lợi thế chiến trường cũng luôn nghiêng về phía Nga. Bên cạnh hai vùng Lugansk và Donetsk, tính đến giữa tháng 5/2024, Nga đã kiểm soát được thêm 257km2 lãnh thổ Ukraine, chỉ riêng ở Kharkov, Đông – Bắc Ukraine. Đây hiện là tâm điểm trong đợt tấn công mới của Nga. Ngoài ra, Nga cũng kiểm soát các ngôi làng chiến lược Rabotino thuộc vùng Zaporizhia, miền Nam nước này. Trong 7 tháng đầu năm 2024, các cuộc tấn công của Nga nhằm tiêu hao tiềm lực của Ukraine.

2. Cuộc tấn công bất ngờ của Quân đội Ukraine vào tỉnh Kursk, Liên bang Nga ngày 6/8/2024

Trước tình thế trên, vào ngày 6/8/2024, Lực lượng vũ trang Ukraine đã bất ngờ phát động một cuộc tấn công vào tỉnh Kursk, Liên bang Nga và đụng độ với Lực lượng vũ trang Nga và lực lượng Biên phòng Nga (Cơ quan biên phòng FSB) tại địa phương. Theo phía Nga, có ít nhất 1.000 quân Ukraine được xe tăng và xe bọc thép yểm trợ đã vượt qua biên giới tràn vào chiếm lãnh thổ Nga. Viện Nghiên cứu Chiến tranh Nga cho biết, lực lượng Ukraine đã tiến sâu hơn 10 km vào tỉnh Kursk chỉ trong vòng hai ngày và đã kiểm soát một số khu định cư ở quận Sudzhansky. Trong thế bất ngờ, Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Kursk và điều lực lượng dự bị tới khu vực này để ngăn chặn các đợt tiến quân của Ukraine. Đồng thời, chính quyền Nga đã lên án đây là hoạt động khủng bố của Ukraine trên đất Nga, triển khai tình trạng “chống khủng bố” ở Kursk, Belgorod và Bryansk Oblast.

Vào ngày 6/8/2024, Lực lượng vũ trang Ukraine đã bất ngờ phát động một cuộc tấn công vào tỉnh Kursk, Liên bang Nga. Ảnh: Getty

Quân đội Ukraine cho biết, trong tuần đầu cuộc chiến, họ đã thần tốc chiếm được 1.036 km2 lãnh thổ của Nga chỉ trong vòng một tuần, tương đương với diện tích của Los Angeles, trong khi chính quyền Nga thừa nhận rằng Ukraine đã chiếm được 28 khu định cư. Ukraine nhanh chóng thành lập chính quyền quân sự tại các vùng đã chiếm giữ vào ngày 15/8/2024, tạo thành một vùng đệm ở phía Tây của Nga. Kể từ khi Nga bắt đầu tấn công vào Ukraine hồi đầu năm 2022, đây có thể được xem là cuộc tấn công đầu tiên của quân đội chính quy Ukraine vào lãnh thổ Nga, tạo ra bước đột phá và chủ động của Ukraine.

Sau chiến thắng ban đầu, Ukraine đang tăng quân, mở rộng khu lấn chiếm trong đó hướng tới mục tiêu chiếm nhà máy điện hạt nhân ở thành phố Kursk. Ngày 16/8/2024, Lữ đoàn đột kích đường không số 80 của Lực lượng vũ trang Ukraine đã công bố một đoạn video cho thấy cảnh phá hủy một tiền đồn của Nga và bắt giữ hơn 50 binh sĩ Nga trong những giờ đầu tiên của cuộc tấn công. Chuyên gia quân sự Ukraine là Mykhailo Zhirokhov tuyên bố rằng tỷ lệ tổn thất nhân lực của Ukraine so với Nga là “1/10” và số tù binh của Nga bị bắt lên đến con số “hàng nghìn”.

3. Lý do dẫn tới cuộc tấn công vào Kursk của Ukraine

Các cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk ngày 6/8/2024 là một sự kiện gây bất ngờ đối với Nga và thế giới trước bối cảnh tương quan lực lượng và tình hình ở chiến trường đang bất lợi cho Ukraine. Việc tập trung hàng ngàn quân, kể cả các đội quân đánh thuê của phương Tây được trang bị vũ khí hiện đại để chiếm tỉnh Kursk của Nga phải có sự tính toán rất kĩ của Tổng thống Ukraine Zelensky và phương Tây – những người chống lưng cho Ukraine. Vậy mục tiêu của ông Zelensky là gì? Các nhà bình luận đến nay đã đưa ra một số nhận định: Ông Zelensky đang chơi một canh bạc, nếu Ukraine chiếm giữ thành công Kursk sẽ thay đổi được cuộc chiến với Nga.

Thứ nhất, buộc Nga phải điều quân từ các mặt trận phía Đông, Nam để cứu viện cho Kursk. Điều đó sẽ ngăn chặn hoặc làm giảm sức tấn công, giải phóng vùng Donbass và Donetsk. Ukraine tận dụng thời cơ này để phản công, chiếm lại vùng đất Nga đã chiếm đóng.

Thứ hai, nếu chiếm giữ được tỉnh Kursk, đặc biệt là nhà máy điện hạt nhân ở Kursk, Ukraine sẽ tạo được lợi thế buộc Nga phải ngồi vào vòng đàm phán, từ đó Ukraine sẽ gây áp lực buộc Nga phải chấp nhận điều kiện của mình về các vấn đề như rút quân và kiểm soát lãnh thổ.

Thứ ba, điều này thể hiện cho phương Tây tin vào sức mạnh quân sự của Ukraine, họ đủ sức đương đầu với Nga, thực tế họ đã thắng Nga ở mặt trận Kursk, từ đó củng cố niềm tin cho Mỹ và phương Tây để tiếp tục viện trợ cho Ukraine, đồng thời tháo gỡ lệnh cấm sử dụng vũ khí tầm xa tấn công, phá hoại nước Nga.

Việc tấn công chiếm Kursk là biểu tượng của chiến thắng. Qua đó, Ukraine tuyên truyền, cổ vũ và vực dậy tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine đang rệu rã, mệt mỏi, mất dần ý chí. Đồng thời, Ukraine cũng củng cố được sự ủng hộ của người dân trong cuộc kháng chiến và tin vào thắng lợi cuối cùng.

Thứ tư, việc tấn công ồ ạt đè bẹp sức chống trả của lực lượng vũ trang Nga vào tỉnh Kursk trong những ngày đầu là cơ hội cho giới truyền thông Ukraine và phương Tây tấn công vào xã hội Nga, tuyên truyền rằng sức mạnh quân sự và tình báo của nước Nga đã suy yếu, không đủ sức để đối đầu với Ukraine, đồng thời kích động người dân Nga chống lại ông Putin và Nhà nước Nga.

4. Phản ứng của các bên liên quan đến sự kiện Kursk

Sau hơn một tháng, tình hình chiến sự ở Kursk diễn biến rất căng thẳng ở chiến trận và trên lĩnh vực ngoại giao, truyền thông.

Về phía Ukraine và phương Tây, ngày 27/8/2024, Tổng Tư lệnh Quân đội Ukraine ông Oleksandr Syrskyi mô tả trên truyền thông rằng Quân đội Ukraine đã chiếm được 1.290km2, kiểm soát trên 100 khu dân cư thuộc tỉnh Kursk. Truyền thông Ukraine thông báo, quân đội Ukraine đã tiêu diệt hàng ngàn lính Nga, phá huỷ nhiều xe tăng, xe bọc thép, bắt giữ nhiều tù binh của Nga. Quân đội Ukraine vẫn đang mở nhiều đợt tấn công để mở rộng diện chiếm đóng thuộc tỉnh Kursk, trong đó hướng tới chiếm nhà máy điện hạt nhân của tỉnh này, nên cuộc đối đầu giữa hai bên đang xảy ra rất quyết liệt.

Tổng thống Ukraine ông Zelensky lên tiếng kêu gọi Mỹ, Anh, Đức cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công vào các mục tiêu quân sự, năng lượng nằm sâu trong nội địa Nga, trong đó có Thủ đô Moscow.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine ông Rustem Umerov đã sang Mỹ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ông Lloyd Austin về vấn đề Kursk, và xin viện trợ vũ khí cho Ukraine, trong đó có các loại vũ khí hiện đại.

Các hãng thông tin tiết lộ, NATO đang ráo riết triển khai lực lượng sẵn sàng tấn công Nga. Sau khi Phần Lan đã đồng ý để Mỹ thiết lập căn cứ quân sự và đặt hệ thống tên lửa hướng vào Nga, NATO đã xây dựng phòng tuyến biên giới ở Litva, Estonia, xây dựng căn cứ quân sự ở Đức để Mỹ đặt vũ khí hạt nhân ở căn cứ này. Ba Lan đang trong tình trạng chuẩn bị chiến tranh, sẵn sàng chiến đấu với Nga. NATO đã huy động 100 ngàn quân đến các căn cứ quân sự sát biên giới Nga, đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Trước tình hình chiến sự ở tỉnh Kursk và lời kêu gọi của ông Zelensky với Mỹ, các Tư lệnh chỉ huy mặt đất của khối NATO đã họp khẩn cấp tại một thành phố ở Đức. Nội dung cuộc họp chưa được tiết lộ, nhưng các nhà quan sát tình hình cho rằng, họ sẽ bàn kế hoạch hỗ trợ cho Ukraine để đối phó với Nga liên quan đến chiến sự ở Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken (trái), Tổng thống Biden (thứ hai từ trái sang) và Thủ tướng Anh Starmer (giữa bên phải) trong cuộc hội đàm ở Nhà Trắng, ngày 13/9. Ảnh: AFP

Đối với Mỹ, về công khai, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu, vũ khí của Mỹ viện trợ cho Ukraine chỉ để phòng thủ, không đồng ý cho Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công vào sâu nội địa Nga. Điều đó sẽ khiến cuộc chiến ở Ukraine leo thang nguy hiểm.

Song trong thực tế, dù tuyên bố như vậy nhưng Ukraine vẫn tiến hành tấn công vào sâu nội địa nước Nga bằng UAV và vũ khí do phương Tây viện trợ, nhưng lại nói loại tên lửa tấn công vào nội địa Nga do Ukraine chế tạo.

Đến nay, ý đồ của Ukraine khi tấn công vào Kursk ngày càng lộ rõ. Qua lời phát biểu của ông Zelensky, Ukraine sẽ chiếm lâu dài các vùng của Kursk để buộc Nga phải đàm phán với Ukraine giải quyết về lãnh thổ. Đồng thời, đây là cơ hội để Ukraine và phương Tây tiến hành cuộc chiến tranh tiêu hao, làm suy yếu nước Nga, từng bước khiến cuộc chiến leo thang, kéo dài, gây thiệt hại cho Nga.

Chúng ta cần nhớ rằng, mục tiêu nhất quán của Mỹ và NATO là không để Nga thắng ở Ukraine. Nga phải thất bại về chiến lược. Đây là lời phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Thư ký NATO Jens Soltenberg tại các hội nghị của EU và NATO. Do đó, việc chiếm các vùng lãnh thổ thuộc tỉnh Kursk của Nga có thể coi là bước leo thang chiến tranh giữa phương Tây và Nga.

5. Phản ứng của Nga

Trước những biến động quân sự của Ukraine ở lãnh thổ Nga cùng những động thái huy động lực lượng của NATO tiến sát biên giới Nga cùng và những tính toán của Mỹ và EU, ngày 4/9/2024, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố: Nếu Ukraine và phương Tây leo thang tấn công vào lãnh thổ nước Nga và gây ra các vụ khủng bố ở lãnh thổ Nga, chắc chắn Nga sẽ đáp trả ngay lập tức và cực kì đau đớn. Nga sẽ lựa chọn biện pháp để gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hai bờ Đại Tây Dương.

Tổng thống Nga Putin tuyên bố, Mỹ và NATO sẽ leo thang chiến tranh mà mục tiêu là tấn công vào lãnh thổ Nga. Ông tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Nga bằng mọi giá (ý nói kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật), cảnh báo Mỹ không đùa với lửa. Quân đội Mỹ đã tham gia tấn công vào Kursk dưới danh nghĩa lính đánh thuê tư nhân.

Nga đang xem xét những vụ tấn công của Ukraine vào sâu lãnh thổ Nga, sử dụng tên lửa tầm xa của người Mỹ sẽ khiến cho nước Nga phải có những biện pháp đáp trả một cách cứng rắn hơn. Nga cũng không có bất kì hoài nghi nào về chính sách của Mỹ thay đổi căn bản sau cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, ngoại trừ sẽ có sự điều chỉnh liên quan tới ê kíp của Chính phủ Mỹ.

Nga luôn sẵn sàng quan điểm rằng cho dù chính phủ này hay chính phủ kế tiếp thì người Mỹ vẫn tìm cách từ chối các biện pháp, những bước đi tiến tới một giải pháp hoà bình ở Ukraine.

Trên các mặt trận Nga đang giành thế chủ động tấn công mạnh mẽ quân đội Ukraine. Ở mặt trận Kursk tuy bị động ban đầu và bị tổn thất lớn, nhưng Nga đã lấy lại được thế chủ động, đã chặn được các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Các đơn vị Nga được chi viện đã ngăn chặn được đà tấn công của Ukraine, tạo vòng vây quân Ukraine. Các cuộc pháo kích và tên lửa của Nga đã phá vỡ đội hình và tiêu hao quân lực của Ukraine. Theo thông tin của Nga đưa tin mỗi ngày có 400 lính và 40 xe các loại bị loại khỏi vòng chiến, trong đó nhiều người chỉ huy cuộc tấn công vào Kursk đã bị thiệt mạng, hàng trăm binh lính ra hàng và bị bắt.

Sau hơn một tháng, đã có trên 8 ngàn quân Ukraine bị Nga tiêu diệt ở mặt trận Kursk. Một lượng lớn vũ khí, phương tiện bị phá huỷ hoàn toàn. Quân Ukraine đang trong tình trạng bị vây hãm, nguồn chi viện bị Nga tấn công liên tục. Tuy nhiên, sự chống trả của Ukraine vẫn rất quyết liệt, nhưng không có đường thoát.

Ở các mặt trận phía Đông và Nam Ukraine không có dấu hiệu Nga điều quân chi viện bảo vệ Kursk. Trái lại, các cuộc tấn công của Nga lại càng mạnh mẽ hơn. Nga tận dụng sự phản ứng yếu ớt của Ukraine để chiếm được nhiều thành phố có vị trí chiến lược ở Donbass và Donetsk… Các cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái, không quân với cường độ chưa từng thấy vào hầu hết các thành phố, phá huỷ hầu hết các nhà máy điện, nhà máy sản xuất vũ khí, kho đạn, đường vận chuyển các trung tâm huấn luyện, sở chỉ huy, các sân bay nơi xuất kích của máy bay F16.

Hỏa lực của pháo phản lực Nga ở mặt trận Kursk. Nga hiện đang ráo riết phản công, giành lại một phần lãnh thổ của mình và thọc sâu vào phòng tuyến Ukraine tại Kursk. Ảnh: Quân đội Nga.

Các đơn vị thiện chiến của Nga đang tấn công chiếm thành phố Pokrovsk. Đây là trọng tâm hậu cần quan trọng của mặt trận phía đông của Ukraine, nếu Nga chiếm Pokrovsk sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc chiến của Ukraine tại Kursk. Theo ông Zelensky, tình hình ở Pokrovsk cực kì khó khăn. Các hãng thông tin phương Tây cũng nhận xét, đây là đòn trả đũa của Nga khốc liệt nhất từ trước tới nay, sau vụ Ukraine tấn công vào tỉnh Kursk. Họ dự báo Ukraine sẽ đang tiến dần đến bờ sụp đổ.

6. Sự kiện Kursk sẽ đi đến đâu?

Đến nay, đã hơn 1 tháng kể từ khi ông Zelensky khởi sự cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga (6/8/2024). Hành động của Quân đội Ukraine nhắm tới là chiếm toàn bộ tỉnh Kursk, trong đó có nhà máy điện hạt nhân.

Ông Zelensky đã nói rằng Ukraine sẽ chiếm giữ vùng đất Kursk để mặc cả hoà bình với Nga. Động cơ nào dẫn đến quyết định này? Trong bối cảnh tương quan lực lượng quá chênh lệch khi Nga là nước lớn và tiềm lực quân sự hạt nhân đứng đầu thế giới. Rất có thể, ông đã tin vào sự giúp sức từ bên ngoài, và giữ được sự bất ngờ đối với Nga. Đến nay, thực tế đã diễn ra, khi Ukraine chỉ chiếm được phần nhỏ của tỉnh Kursk và bị cầm chân đến chết dần chết mòn.

Đây có thể được coi là sai lầm mang tính chiến lược của ông Zelensky và phương Tây, không chỉ thất bại về quân sự mà còn bộc lộ rõ sự yếu kém về chính trị. Họ chỉ là đội quân thí mạng cho những toan tính của những ông chủ của Zelensky.

Sự thất bại ở Kursk sẽ đẩy Mỹ và NATO vào thế bị động, lúng túng. Nếu tiếp tục đổ quân vào Kursk chẳng khác nào lao đầu vào cối xay thịt. Nhưng rút quân sẽ là sự thất bại dẫn tới sự sụp đổ chính phủ Ukraine và ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Đảng dân chủ đang  nắm quyền ở Mỹ, đang cận kề tranh cử. Những phát biểu mang tính khích lệ của những nhà lãnh đạo châu Âu và sự hối thúc của Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine tấn công vào Kursk nói lên một điều rằng, Ukraine không thể bỏ cuộc, mà quyết sinh tử với Nga.

Đối với Nga, cuộc tấn công vào vùng Kursk đã vượt qua lằn ranh đỏ của Nga. Chủ quyền lãnh thổ, không gian sinh tồn của nước Nga đã bị xâm phạm. Nga cũng cho rằng, sau cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk, chính phủ nước này đã vĩnh viễn trở thành kẻ thù của nước Nga, và người Nga sẽ làm mọi cách để loại bỏ kẻ thù đó. Điều đó cũng có nghĩa là chính phủ của ông Zelensky sẽ vĩnh viễn mất cơ hội hoà giải đối với nước Nga.

Tất cả những lời phát biểu của các nhà lãnh đạo Nga cho thấy, nhiệm vụ của Nga lúc này là họ phải chiến thắng Ukraine. Tín hiệu này họ đã công khai truyền đến Ukraine và phương Tây. Nước Nga sẽ chớp lấy cơ hội này để giải thoát Ukraine khỏi Chính phủ Zelensky, một Nhà nước mà Nga coi là thù địch, thay vào đó sẽ xây dựng Ukraine thành khu đệm của nước Nga.

Khả năng lịch sử chống ngoại xâm sẽ được lặp lại, Nga nhân cơ hội này sẽ tấn công giải phóng Kiev như thời Nga Hoàng đánh Napoleon đến tận Paris ở thế kỷ thứ XVIII và đánh đuổi phát xít Đức về tận Berlin, giải phóng nước Đức năm 1945.

Các nhà lãnh đạo nước Nga đã đưa ra nhiều lời cảnh báo Mỹ chấm dứt ngay việc đứng sau Ukraine và ngừng viện trợ vũ khí cho nước này. Điều này cho thấy, việc giải quyết tình hình ở Kursk không chỉ là vấn đề đặt ra đối với Ukraine mà còn cả với Mỹ và châu Âu.

Vì vậy, cuộc tấn công giải phóng Kursk là cuộc đối đầu giữa Nga với Ukraine và phương Tây. Cuộc chiến này diễn ra ở thời điểm nào, quy mô như thế nào, còn phụ thuộc vào sự tính toán của cả hai bên.

Nếu Mỹ bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công vào sâu trong nội địa Nga, thì cục diện chiến tranh sẽ khác. Nga sẽ trả đũa khốc liệt nhất, cuộc chiến sẽ lan rộng ra toàn châu Âu, lịch sử lặp lại và Chiến tranh Thế giới thứ ba có khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khó đoán định, nên cần chờ thêm thông tin mới để phân tích, đưa ra kết luận sát với tình hình hơn.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC