Tình hình chính trị Việt Nam trong giai đoạn gần đây ngày một ổn định, dù thế giới đang đối mặt với rất nhiều bất ổn chính trị nghiêm trọng. Từ những nền dân chủ được coi là lớn nhất thế giới như Mỹ cũng gặp phải những sự kiện vô tiền khoáng hậu như vụ tấn công của người biểu tình vào trụ sở Quốc hội Mỹ, tới nền dân chủ ở Myanmar đang chứng kiến đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát và người biểu tình.

Trong khi đó, tại Việt Nam, hầu hết các tầng lớp nhân dân đều đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, chung sức chung lòng thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa thúc đẩy kinh tế. Những gương mặt chống đối đòi “dân chủ”, “đa đảng” hiện giờ cũng gần như đã im tiếng. Câu hỏi là tại sao cái được gọi là “phong trào đòi dân chủ, đa nguyên” ở Việt Nam lại gần như biến mất như vậy sau nhiều thập kỷ tiến hành nhiều hoạt động rùm beng trên truyền thông trong và ngoài nước.

Từ sau khi miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, và đặc biệt, từ khi Việt Nam thực hiện quá trình “mở cửa”, “đổi mới” từ những năm 1986, các cá nhân và tổ chức kêu gọi đấu tranh dưới chiêu bài vì dân chủ ở trong nước bắt đầu xuất hiện. Khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới sụp đổ, phong trào này càng được thể lan rộng. Dù xuất hiện dưới nhiều dạng thức, đặc điểm chung là họ cho rằng ở Việt Nam “không có dân chủ” và các quyền chính trị cơ bản. Họ dựa trên quan điểm của phương Tây, xếp Việt Nam vào nhóm chính thể chuyên chế cùng với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Myanmar, Cuba…

Quan điểm này đưa ra chủ yếu dựa trên thực tế rằng Việt Nam chỉ có một Đảng lãnh đạo theo Điều 4 Hiến pháp hiện hành, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của xã hội. Những người chống đối cho rằng một đảng là thiếu dân chủ và chỉ có nền dân chủ phương Tây một chế độ đa đảng mới là “mô hình mẫu mực, phổ quát”, rằng nền dân chủ phương Tây mới là thế giới tự do, còn các nước xã hội chủ nghĩa là chế độ toàn trị, rằng chỉ có đầu phiếu phổ thông mới là dân chủ đích thực.

Tuy Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định đặc biệt quan tâm đến dân chủ và ngày càng mở rộng, phát huy dân chủ ở Việt Nam, song các nhóm xưng danh đấu tranh dân chủ được hậu thuẫn từ các tổ chức cá nhân ở nước ngoài sử dụng vấn đề dân chủ như một chiêu bài, trong chiến lược chống phá Việt Nam nhằm mục đích chuyển hóa, hoặc lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Họ đưa ra nhiều thông tin, xuyên tạc, bịa đặt trên các trang mạng, kích động chống nhà nước, gây rối an ninh trật tự. Họ cũng đưa ra nhiều ý kiến phi thực tế mang danh cải cách để thay đổi chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng như bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, lập ra nhiều nhóm mang nhiều danh xưng khác nhau, tiến dần tới việc hình thành những đảng đối lập ở nước ta. Khi mục tiêu này quá viển vông, họ quay sang đòi mở rộng xã hội dân sự và đòi tự do chính trị, như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, cổ vũ cho những hoạt động bạo loạn, gây rối an ninh trật tự.

Giống như phương Tây, bằng nhiều cách thức khác nhau, các tổ chức, cá nhân này cũng cố gắng “xuất khẩu” mô hình dân chủ của họ trong suốt một thời gian kéo dài nhiều thập kỷ. Nhưng hiện nay, phong trào này và những hạt nhân của phong trào đã gần như im tiếng. Câu hỏi tại sao lại như vậy một lần nữa cần được trả lời thoả đáng.

Nền dân chủ phương Tây xuống dốc

Thứ nhất, chính nền dân chủ phương Tây vẫn được coi là mẫu mực đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Điều tra do Viện thăm dò dư luận Pháp IPSOS tiến hành tại 26 quốc gia phương Tây cho thấy hơn 50% công dân các nước châu Âu được hỏi cho rằng nền dân chủ của họ đang đi theo chiều hướng xấu tại đất nước mình.

Người dân biểu tình phản đối kế hoạch của Chính phủ cải cách hệ thống lương hưu tại Bordeaux, Pháp. Ảnh AFP

Cụ thể, phong trào dân tuý nổi lên ở khắp các nước châu Âu, đòi phá tan nền chính trị dân chủ truyền thống. Nhiều phong trào chống đối như vậy đã biến đường phố châu Âu thành bãi chiến trường, nhiều chính đảng cầm quyền thất bại trước phe cực hữu mới nổi đòi lập lại trật tự mới. Châu Âu rung chuyển với việc nước Anh rời bỏ liên minh và chính bản thân nước Anh cũng đối mặt tương lai bấp bênh hậu Brexit.

Về mặt kinh tế, các nhà phân tích đều nhận định rằng các nền dân chủ, đặc biệt là ở phương Tây, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lịch sử. Nền dân chủ được chứng minh không mang lại hiệu quả kinh tế. Ngược lại, phương Tây chứng kiến sự suy thoái quy mô toàn cầu. Cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu cách đây một thập kỷ vẫn tiếp diễn. Các lãnh đạo dân chủ phương Tây không thể ngăn chặn thảm họa kinh tế. Kinh tế suy giảm và thất nghiệp tràn lan đã tạo ra sự bất mãn chính trị, vỡ mộng trong cử tri phương Tây. Từ đó, họ thiếu sự tin tưởng vào hệ thống và các nhà lãnh đạo dân chủ truyền thống, và có xu hướng bầu cho những nhóm dân tuý với mục đích phá vỡ những mô hình cũ. Những gì đang diễn ra những năm qua chỉ là bước khởi đầu.

Về mặt chính trị và an ninh, các nền dân chủ phương Tây cũng bất lực trong việc tìm ra một trật tự khả dĩ tạo ra sự ổn định lâu dài. Điển hình nhất là cuộc chiến diễn ra ở Trung Đông do tính toán chiến lược của Mỹ và các nước phương Tây. Nhưng những sai lầm như ở Syria chẳng hạn lại gây ra bi kịch. Hàng triệu dân thường chạy trốn chiến tranh, tìm đường tới phương Tây, tạo ra cuộc khủng hoảng nhập cư vào các nước châu Âu và Mỹ. Nhiều người nhập cư lại nằm trong những tổ chức khủng bố, tàn sát người phương Tây, thực hiện các vụ khủng bố khắp đường phố Paris (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha), Brussels (Bỉ), London (Anh)… như chúng ta đã biết.

Với sự bất ổn như vậy, sự bất mãn và mất lòng tin vào các lãnh đạo chính trị dân chủ càng trở nên mạnh mẽ. Nhiều cuộc điều tra cũng đã phơi bày sự tham nhũng của nhiều lãnh đạo chính trị phương Tây. Mọi thứ đã thay đổi. Dân chủ nay gặp rắc rối và biến dạng ở một số nền dân chủ lâu năm nhất thế giới. Còn ở các nước mà nền dân chủ không mạnh mẽ, thì nền dân chủ đang nhanh chóng đầu hàng. Tại Hungary và Ba Lan, gần đây cử tri đã bầu chọn các nhà lãnh đạo có tư tưởng chủ nghĩa dân túy, độc đoán. Pháp, Ý, Tây Ban Nha… cũng lung lay. Hệ thống dân chủ như các nước Xô Viết cũ ở Đông Âu hoặc các nước trải qua Mùa Xuân Ả Rập đang quay trở lại như cũ. Những nhà lãnh đạo dân túy muốn kiềm chế quyền tự do cơ bản vẫn thắng cử hoặc trên đà thắng cử tại nhiều nước.

Chúng ta đã và đang chứng kiến một cuộc đấu tranh để cứu vãn nền dân chủ phương Tây. Sau chiến thắng tưởng như vĩnh viễn của khối tư bản chủ nghĩa khi Liên Xô sụp đổ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà phân tích chính trị phương Tây cũng không ngờ rằng họ lại phải chứng kiến một trải nghiệm mà họ gọi là “sự đi giật lùi mạnh mẽ của nền dân chủ”. Ở châu Âu trong những thập kỷ qua đã chứng kiến sự sụp đổ của chế độ chính trị ở nhiều nước do đói nghèo, phân biệt chủng tộc, đảng phái, xã hội rối loạn. Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy tấn công các giá trị tự do dân chủ truyền thống của phương Tây được cho là lỗi thời, đề cao quyền lợi quốc gia, dân tộc trên hết. Giới cầm quyền ở Mỹ và nhiều nước châu Âu thừa nhận chưa bao giờ thấy nhiều điều như thế này xảy ra trong nhiều thập kỷ qua và không biết nó sẽ dẫn đến đâu. Đỉnh cao là việc người biểu tình ở Mỹ tấn công vào Đồi Capitol ngày 6/01/2021 để phản đối kết quả bầu cử dân chủ được coi là gian lận ở Hoa Kỳ, chính là tấn công vào trái tim của nền dân chủ truyền thống của Mỹ và phương Tây. Với một nền dân chủ phương Tây đang rệu rã như vậy, rất khó để những người kêu gọi dân chủ ở đâu đó còn có đủ cơ sở thuyết phục và sự hậu thuẫn để tiếp tục tiến hành công việc của họ. Rút cục, chính trị gia ở một số nước phương Tây lại nghiên cứu các luận điểm của Karl Marx.

Nền chính trị không đi theo mô hình phương Tây lên ngôi

Thứ hai, một số nền chính trị bị Mỹ và các nước phương Tây xếp vào dạng “phi dân chủ” lại có sự ổn định và tăng trưởng vượt bậc.

Một số nước như Nga, các quốc gia Trung Đông hoặc điển hình là Trung Quốc lại trở nên giàu có hơn và có nền kinh tế hiện đại hơn. Lịch sử từng chứng kiến một số quốc gia như Liên Xô (thời Stalin), Trung Quốc, Hàn Quốc (thời Park Chung Hee), Singapore… đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế thần kỳ dưới sự lãnh đạo của các nhà nước bị phương Tây xem là thiếu dân chủ. Trong khi đó nhiều quốc gia có nền dân chủ chưa bao giờ đạt mức tăng trưởng cao như vậy trong thời gian dài để trở thành cường quốc kinh tế.

Về mặt kinh tế, Trung Quốc dự kiến sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới rất sớm vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với ước tính trước đó nhờ đại dịch Covid-19. Trung Quốc do quản lý khéo trong đại dịch, với việc cách ly sớm một cách nghiêm ngặt, đã đem đến hiệu quả kinh tế, tiếp tục tăng trưởng dương trong khi Mỹ và phương Tây đều tăng trưởng âm. Trung Quốc đã kiểm soát Covid-19 tốt hơn hẳn các nền dân chủ phương Tây và đại dịch Covid-19 chắc chắn đã nghiêng cán cân cạnh tranh có lợi này về phía Trung Quốc.  Về dài  hạn, Trung Quốc đã đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo chỉ trong vài thập kỉ, xây dựng một lượng lớn cơ sở hạ tầng mới trong công cuộc xây dựng quốc gia chưa từng thấy trong lịch sử thế giới. Hiện nay, chính quyền Trung Quốc cũng bắt đầu giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường và đô thị hoá.

Về mặt chính trị, phương Tây luôn cho rằng chỉ có bầu cử đa đảng mới chọn được người tài lãnh đạo nhưng ngược lại, hệ thống chọn người theo phẩm chất của Trung Quốc (trong đó các quan chức chính phủ không do công chúng lựa chọn trực tiếp, nhưng được bổ nhiệm và thăng tiến theo năng lực và thành tích của họ) thậm chí còn chứng minh hiệu quả hơn. Tại Trung Quốc, quan chức chính phủ được lựa chọn từ khắp nơi trên đất nước và từ nhiều ngành khác nhau trong xã hội theo phẩm chất. Việc thăng tiến từ các quan chức cấp thấp đến lãnh đạo cao nhất của chính phủ, về nguyên tắc, chỉ đơn giản dựa trên thành quả công việc. Tất cả các quan chức chính trị ở cấp cao nhất đều có kinh nghiệm đáng kể trong việc điều hành một quốc gia, không giống như ở Mỹ có những Tổng thống không hề có kinh nghiệm chính trị. Chính phủ cũng không có chu kỳ bầu cử và có thể tập trung vào các chính sách của mình thay vì theo đuổi tư duy nhiệm kỳ và liên tục phải đối phó với các chính trị gia đối lập thay vì tìm cách phát triển quốc gia.

Với sự phát triển như vậy của Trung Quốc, Nga và nhiều nước vẫn bị coi là có chính trị áp đặt, rất khó để các cá nhân và tổ chức đòi dân chủ có đủ lý lẽ để chống đối. Có thể nói, việc phương Tây và các nhóm được phương Tây hậu thuẫn trong nỗ lực “xuất khẩu” dân chủ đã thất bại hoàn toàn. Có lúc Donald Trump khi làm Tổng thống Hoa Kỳ đã phải nói đại ý nước nào cũng có vấn đề, hãy lo giải quyết việc của mình trước đã. Hơn thế nữa, tháng 6/ 2018, Mỹ còn tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Mỹ và các nước phương Tây trước đây cho rằng khi đất nước trở nên giàu có hơn và tầng lớp trung lưu phát triển thì nhiều người sẽ muốn có tiếng nói về cách điều hành đất nước và nền dân chủ kiểu phương Tây sẽ được phát triển. Nhưng ngược lại, nền kinh tế phát triển khiến nhận thức của tầng lớp trung lưu và mọi người dân về các mục tiêu của đời sống xã hội ngày càng mới, làm cho họ lại càng gắn bó với chế độ họ đang sống, chống lại những gì làm tổn hại đến quyền lợi và cuộc sống yên lành của họ.

Nhiều nhà bình luận phương Tây còn nhận định những nỗ lực trong vài thập kỷ qua để xuất khẩu dân chủ trên thế giới đã chứng tỏ là một thảm hoạ hoàn toàn. Toàn bộ ý tưởng đó là sai lầm về nguyên tắc vì nền dân chủ không phải là để đi phân phát. Nền chính trị thế nào phải xuất phát từ bối cảnh từng quốc gia, từ lịch sử và từ quyền lợi của người dân. Đặc biệt, nó cần phải có nguồn gốc sâu xa trong các giá trị và văn hoá của đất nước, chứ không thể bị áp đặt bởi một quốc gia khác hay bởi một nhóm nhỏ những người luôn muốn thế giới vận hành như họ nghĩ.

Với môi trường chính trị trên thế giới đang chuyển hướng như vậy, nhiều quốc gia áp dụng một quan điểm dân tộc chủ nghĩa hơn, chính quyền Mỹ và Tây Âu đã từ bỏ hầu hết các tham vọng của họ để thay đổi chế độ trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, việc phong trào đòi đa nguyên đa đảng, dân chủ và xã hội dân sự ở Việt Nam đang biến mất là thực tế khách quan có  căn nguyên từ bối cảnh quốc tế bên ngoài như đã trình bày.

Một căn nguyên rất quan trọng khác đến từ bên trong nội bộ Việt Nam. Có thể nói, trong suốt gần bốn thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, chứng tỏ cho thế giới và người dân thấy một Đảng lãnh đạo là đủ để đưa đất nước lập nên những kỳ tích về phát triển.

Sau gần 40 năm Đổi mới, kinh tế và diện mạo đất nước Việt Nam có những thay đổi kỳ diệu. Ảnh minh hoạ.

Những người đòi dân chủ, nhân quyền luôn đưa ra lập luận rằng chỉ những nước dân chủ mới giàu mạnh còn các quốc gia độc đảng luôn đói nghèo. Thực tế, từ khi Đổi mới đến nay, tuy xã hội nước ta còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện song một thực tế cho thấy Đảng và Nhà nước ta đã xử lý hiệu quả rất nhiều những vấn đề xã hội trong đó đặc biệt là xoá đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã từ một quốc gia nghèo trở thành một quốc gia phát triển nhanh nhất  khu vực Đông Nam Á, đang trở thành nước tiềm năng nhất có thể là trung tâm sản xuất, tài chính, thương mại của khu vực và thế giới. Giờ đây, Việt Nam sánh ngang với bất kỳ quốc gia phát triển nào khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Lập luận của những người đòi dân chủ đả kích một đảng cầm quyền và cho rằng Việt Nam không bao giờ bắt kịp những nước dân chủ láng giếng. Trước một thực tế phát triển của đất nước hiện nay, quan điểm của những người “đấu tranh dân chủ” đã mất phương hướng.

Những người đòi dân chủ, nhân quyền cũng luôn dựa trên một định kiến cơ bản rằng chế độ chính trị chuyên chế là hạn chế mọi quyền công dân cơ bản của nhân dân, từ đó hạn chế động lực phát triển của xã hội. Theo họ, lâu dần, người dân sẽ đứng lên làm cách mạng để đòi quyền của mình, dẫn xã hội tới mất ổn định, thậm chí đổ máu. Họ thống thiết kêu gọi Đảng, Nhà nước vì tương lai quốc gia mà từ bỏ quyền lực để chấp nhận cạnh tranh với các Đảng khác trong hoà bình. Thực tế đã diễn ra ngược lại. Hệ thống chính trị ở Việt Nam ngày càng mở rộng và tôn trọng các quyền cơ bản của người dân như tự do kinh doanh, tự do ngôn luận, tự do lập hội… theo đúng quy định của pháp luật. Người phương Tây đến Việt Nam cũng thừa nhận đất nước ta là quốc gia có sự tự do và thoải mái nhất trong khu vực. Đặc biệt, người dân được tự do sở hữu và tự do làm giàu, được pháp luật tôn trọng và bảo hộ, nên tạo ra động lực phát triển rất lớn cho xã hội thay vì bị kìm kẹp như những người đòi dân chủ nghĩ. Người dân Việt Nam không có nhu cầu đứng lên đòi quyền chính trị hay thay đổi hệ thống chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang lãnh đạo ổn định quốc gia và dẫn dắt đất nước đi tới những tầng cao mới. Họ cũng thấu hiểu sự bất ổn nghiêm trọng từ các chế độ đa đảng ở các nước láng giềng nên không mặn mà gì với những kiểu chính trị như vậy, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang có nền tảng chính trị ổn định nhất và là điểm đến tốt nhất của thế giới, một hình thái xã hội mới của thời đại. Thế giới thừa nhận điều này và những người chống đối cũng không thể nói khác được.

Những người đòi dân chủ cũng luôn cho rằng chế độ Cộng sản là chế độ phá huỷ nền văn hoá quốc gia, phá huỷ giá trị quốc gia. Họ lấy những ví dụ từ Liên Xô thời Stalin tới Trung Quốc thời Mao Trạch Đông để minh chứng. Thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam chính là thực thể chính trị đã kế thừa và phát huy tất cả những giá trị và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong chiến tranh, Đảng đại diện cho toàn bộ tinh thần yêu nước chắt lọc từ hàng ngàn năm dựng và giữ nước để huy động nhân dân chống ngoại xâm thành công. Trong thời bình, Đảng vẫn vận dụng rất tốt những giá trị này để khích lệ tinh thần dân tộc, đoàn kết nhân dân vì mục tiêu phát triển. Những đợt thiên tai bão lụt và dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra cho thấy rõ điều đó, thiên tai địch hoạ càng củng cố tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết như đã từng xuất hiện trong chiến tranh. Những giá trị quốc gia này và sự phát  triển thần kỳ của Việt Nam càng khẳng định một điều dân tộc ta và nhân dân ta đã chọn con đường đi đúng đắn, nền chính trị do Đảng lãnh đạo được nhân dân ủng hộ vì nó phục vụ lợi ích của nhân dân. Rõ ràng đó là thực tế khách quan và tất yếu mà các nhóm người đòi dân chủ, đa nguyên chính trị đều không thể phủ nhận và Việt Nam phải đi theo giá trị của mình chứ  không thể mô phỏng một mô hình nào khác. Chúng ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn trên con đường phát triển này, nhưng chúng ta ngày càng tin tưởng rằng con đường đi này là đúng đắn. Việt Nam phải kiên trì tiếp tục con đường này, tránh mọi tư tưởng dao động, để đưa đất nước lập lên những kỳ tích mới trong thế kỷ XXI.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC