Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là điều mà nhân dân ta đã khẳng định bằng thực tiễn tiễn lịch sử và không ai có thể phủ nhận được. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930 – 3/2/2020), Tạp chí Phương Đông điểm lại những dấu mốc lịch sử quan trọng ghi đậm dấu ấn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa suốt 90 năm qua, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
1-Chúng ta đều biết, cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đất nước ta chìm trong đêm dài nô lệ. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, phong trào yêu nước đã dấy lên hết sức mạnh mẽ. Liên tiếp nổ ra các cuộc nổi dậy trên khắp mọi miền đất nước, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các bậc sĩ phu, kể cả một bộ phận quan lại phong kiến. Các phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế; các phong trào Duy Tân, Đông Du, khởi nghĩa Yên Bái và hàng chục cuộc đấu tranh khác nữa đều bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp và thất bại. Các phong trào diễn ra mạnh mẽ, tràn đầy khí phách bất khuất và sáng ngời tinh thần yêu nước, nhưng tất cả đều không thành công, đều không giải quyết được vấn đề dân tộc ở nước ta, chính vì thiếu một đường lối đúng. Trong bối cảnh đó, chưa bao giờ như lúc bấy giờ, độc lập dân tộc càng trở nên là yêu cầu cơ bản, khách quan của xã hội Việt Nam – xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam khi ấy ở trong “tình hình đen tối như không có đường ra”.
Chính trong bối cảnh lịch sử ấy, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh xuất hiện. Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, từ thiên tài trí tuệ của mình, vượt lên tầm nhìn hạn chế của các nhà yêu nước đương thời, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy ở học thuyết này con đường cứu dân cứu nước mang về cho dân tộc. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường giải phóng dân tộc, người đã tập hợp Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Cộng sản đoàn… Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Người, ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam khi đó (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) đã họp Hội nghị hợp nhất thành một Đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương[1]. Hội nghị đã thảo luận và thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, đồng thời định kế hoạch lập Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Các văn kiện trên đã xác định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam là đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, lập ra Chính phủ của nhân dân, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân được sống tự do, hạnh phúc.
Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời là một bước ngoặt lịch sử. Kể từ đây cách mạng nước ta đã có đường lối đúng đắn và một chính Đảng tiên phong lãnh đạo và tổ chức cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quí. Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thổi bùng lên ngọn lửa của phong trào cách mạng ở Việt Nam. Thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, đàn áp quyết dìm cách mạng Việt Nam trong biển máu. Nhiều nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, nhiều đảng viên cộng sản bị địch sát hại, giam cầm trong lao tù xiềng xích. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại trong lòng dân tộc, vẫn tiếp tục hoạt động trong bí mật, các đảng viên vẫn kiên cường chiến đấu với lời thề son sắt với Đảng với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trải qua 15 năm (1930 – 1945) đấu tranh đầy máu lửa, đầy hy sinh, những người cộng sản Việt Nam, những người yêu nước tự nguyện đi theo ngọn cờ của Đảng chứ không phải ai hết, là người trực tiếp đương đầu với lưỡi lê, máy chém, nhà tù đế quốc, mà thể hiện lòng trung thành xả thân cho sự nghiệp của toàn dân tộc. Bằng sự lãnh đạo của Đảng, bằng sự tập hợp lực lượng của các tổ chức quần chúng, cách mạng nước ta đã trải qua 3 cao trào: Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 -1931), cao trào Dân chủ (1936-1939), cao trào cứu nước (1939 – 1945). Đó là bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Cộng sản Đông Dương.
2-Trước bối cảnh quốc tế và thời cơ chủ nghĩa phát xít sụp đổ, Đảng cộng sản Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng thành lập Mặt trận Việt Minh, thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam và các tổ chức cách mạng khắp ba miền đất nước, sẵn sàng chờ thời cơ chín mùi khởi nghĩa giành chính quyền. Phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng, khắp Châu Á tiếng súng đã tạm lặng im, thời cơ đã đến, Đảng phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 19-8-1945 cả dân tộc ta đã vùng dậy giành chính quyền. Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc ta đã giành lại nền độc lập sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta. “Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng loà” (Trích bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi). Nhờ công lao của Đảng, nhờ sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành được nền độc lập dân tộc, lập nên nhà nước của mình: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, có Quốc Huy, có Quốc kỳ cờ đỏ sao vang, có Quốc ca, Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới và được các nước lần lượt công nhận. Từ đây, dân tộc ta đã bước sang một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngay khi vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã phải đối mặt với ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vận mệnh của đất nước đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kịp thời đề ra những chủ trương và quyết sách đúng đắn, khôn khéo, toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và ngoại giao để giữ vững chính quyền non trẻ. Với đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao đúng đắn và sáng suốt, Đảng đã động viên được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế hiểm nghèo và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.
Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước nhất loạt đứng lên với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, giành thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, thực dân Pháp thua trận phá vỡ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương. Thắng lợi lịch sử đó buộc các nước lớn phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, thế giới phải chính thức công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chấp nhận nước Việt Nam được độc lập và sẽ tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào hai năm sau ngày ký Hiệp định. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
3-Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vừa kết thúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã cùng một lúc tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc với mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á và Châu Á thì Việt Nam một đất nước nhỏ bé đã trở thành nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ – đế quốc lớn nhất và mạnh nhất trong phe đế quốc. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thử thách rèn luyện trong chiến tranh cách mạng, trung thành tuyệt đối với lợi ích của dân tộc của đất nước mới sẵn sàng đương đầu với cuộc đụng đầu lịch sử ấy.
Nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc. Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và với thắng lợi huy hoàng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975, thống nhất đất nước năm 1976. Hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, đất nước ta đổi tên mới từ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới cùng với nhân dân Việt Nam làm nên được thắng lợi lịch sử mang ý nghĩa thời đại sâu sắc như thế. Và cũng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới sẵn sàng chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử với hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, cùng với nhân dân và dân tộc ta trải qua hơn 30 năm chiến tranh ròng rã, chịu đựng những hy sinh mất mát vô cùng to lớn để bảo vệ bằng được nền độc lập dân tộc, bảo về chế độ mới và sự thống nhất của đất nước để đưa cả nước lên con đường xã hội chủ nghĩa, con đường đem đến hạnh phúc, ấm no cho dân tộc. Hơn thế nữa, với tinh thần quốc tế cao cả, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã sát cánh chiến đấu giúp hai nước bạn Lào và Campuchia cũng giành được nền độc lập dân tộc của mình. Trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp với sự can thiệp của các nước lớn, tinh thần quốc tế trong sáng của những người cộng sản Việt Nam càng được nhân dân nước bạn trân trọng ghi nhận.
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhân dân ta lại bước vào thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. 10 năm sau chiến tranh, đất nước ta phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức mới hết sức gay gắt. Nét nổi bật là, chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp, lại phải chịu hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, bao vây cấm vận và cô lập chúng ta. Chúng ta phải đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của kẻ thù. Nếu không có sự lãnh đạo sáng suốt, tài tinh, kiên định, tuyệt đối trung thành với lợi ích dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam thì liệu chúng ta có giữ vững được nền độc lập dân tộc, giữ vững được chính quyền cách mạng, tiếp tục khôi phục xây dựng đất nước ngày một vững mạnh được không?
4- Đất nước hòa bình rồi, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp không còn phù hợp đã cản trở công cuộc xây dựng đất nước, nhất là trên mặt trận kinh tế. Lương thực thiếu thốn trầm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của từng gia đình và an sinh xã hội. Tình hình càng gay gắt hơn trong bối cảnh quốc tế phức tạp, kẻ thù chống phá, bao vây, cấm vận hòng cô lập nước ta. Cần tìm con đường đi lên của công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn mới. Chính trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước (từ đổi mới tư duy, nhận thức tới đổi mới cơ chế, tổ chức, cách thức xây dựng, vận hành nền kinh tế xã hội) với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, quyết tâm xoay chuyển tình thế, tạo ra sự chuyển biến có ý nghĩa quyết định trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp to lớn của toàn Đảng, toàn dân. Chỉ mấy năm đầu tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã thu được những thành tựu quan trọng bước đầu và chính lúc đó phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trải qua nhiều diễn biến phức tạp, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sau hơn 70 năm tồn tại và phát triển mạnh mẽ đã sụp đổ. Tình hình đó đã tác động, ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, Đảng ta đã kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Công cuộc đổi mới toàn diện đã tạo ra sức bật mới, thế và lực mới của đất nước ta. Chúng ta đã bình thường hoá quan hệ với Mỹ, xoá được thế bao vây cấm vận, bình thường hoá với Trung Quốc từng mở cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc nước ta, đưa đất nước ta bước vào thời kỳ mới, phát triển và hội nhập sâu rộng trong thời toàn cầu hoá,
5-Thế giới trong thế kỷ 21 tiếp tục chứng kiến nhiều biến đổi phức tạp và khó lường. Toàn cầu hoá tiếp tục phát triển sâu rộng và tác động tới tất cả các nước. Các quốc gia lớn nhỏ đang tham gia ngày càng tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế. Thế kỷ 21 đang mở ra những cơ hội to lớn nhưng cũng chứa đựng rất nhiều thách thức. Nhận thức rõ thách thức nguy cơ, tận dụng mọi thời cơ để đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta tiến lên vững chắc, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự lựa chọn sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta, đồng thời là phương hướng quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Việt Nam xây dựng và phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình cách mạng và đổi mới. Đường lối xây dựng nền kinh tế được xác định là nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý đất nước bằng pháp luật chứ không phải bằng đạo lý. Đường lối đối ngoại được Đảng xác định là độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển.”
Nhờ có đường lối đúng đắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã bước đầu thực hiện thành công công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, mức tăng trưởng GDP bình quân 6-7%/năm, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, sức mạnh về mọi mặt của đất nước được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đến nay, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 189 nước thuộc tất cả các châu lục, có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định quốc tế, có quan hệ với các tổ chức quốc tế như: Liên minh Châu Âu (EU) – Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) – Nhóm G20 –Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – Ngân hàng thế giới (World Bank) –Các khuôn khổ hợp tác trong tiểu vùng sông Mê Công – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO)…
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta giành được trong công cuộc đổi mới đất nước đã góp phần khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, khẳng định vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, nhất là trước những khó khăn, thách thức, những vấn đề mới chưa có tiền lệ trong lịch sử, chúng ta cũng không thể tránh khỏi những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, thậm chí có cả những sai lầm, nhưng Đảng ta đã sớm phát hiện ra những hạn chế, yếu kém, sai lầm, khuyết điểm, kịp thời đề ra những biện pháp sữa chữa đúng đắn. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, lợi ích của toàn dân tộc Việt Nam, Đảng không có lợi ích nào khác. Vì vậy, Đảng ta được nhân dân tin cậy, thừa nhận là người lãnh đạo chân chính, duy nhất, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Lịch sử cách mạng Việt Nam cận, hiện đại đã chứng tỏ không có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam. Đó là một thực tiễn lịch sử không ai có thể phủ nhận được.Kinh tế tăng trưởng ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, vị thế và uy tín đất nước trên trường quốc tế được nâng cao nhờ có đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo của Đảng
Chúng ta rất tự hào về Đảng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện./.
Nguyễn Văn Hưởng
(Theo Tạp chí Phương Đông)
[1] Sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam