1. Một khởi đầu đầy kì vọng cho chủ nghĩa xã hội

Vào thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến cực thịnh ở châu Âu, mâu thuẫn giai cấp trong lòng xã hội cũng ngày càng trở nên gay gắt. Các cuộc biểu tình, bãi công của giới công nhân diễn ra khắp nơi. Đi kèm với đó là sự ra đời của hàng loạt các luận thuyết về chủ nghĩa xã hội, trong đó nổi lên học thuyết khoa học của nhà kinh tế – chính trị học, triết gia người Đức Karl Marx (1818 – 1883) và người cộng sự của ông Friedrich Engels (1820 – 1895). Theo Marx, cộng sản chủ nghĩa là hình thái kinh tế – xã hội tiếp theo mà loài người tất yếu phải bước tới, sau khi chủ nghĩa tư bản thoái trào. Nói cách khác, tư bản – một mô hình kinh tế xã hội vốn được xây dựng trên nền tảng của bóc lột và bất công, vốn không thể là mô hình lí tưởng mà nhân loại hướng tới. Sau cùng, giới vô sản, tiên phong là giai cấp công nhân, sẽ vùng lên đấu tranh để đoạt lại các phương tiện sản xuất từ tay các nhà tư bản, và quốc hữu hoá những phương tiện này nhằm đem lại lợi ích chung cho tất cả mọi người. Sau khi Tuyên ngôn của Đảng cộng sản ra đời vào năm 1848, làn sóng đấu tranh của giai cấp vô sản ngày càng lan rộng khắp châu Âu, tinh thần cộng sản cũng được truyền bá và tiếp thu tại rất nhiều quốc gia trong khu vực.

Vladimir Ilyich Lenin phát biểu tại Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ 2 tại Petrograd năm 1917. (Tranh của Vladimir Serov)

Năm 1917, tại Nga diễn ra cuộc Cách mạng Tháng Mười lịch sử, đánh dấu sự hình thành của nước Nga Xô Viết – mô hình Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Nhờ sự ủng hộ nhiệt liệt từ nhân dân lao động và đường lối lãnh đạo tài tình của lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin, những người Bolshevik thuộc Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga lên nắm quyền, tổ chức Đại hội đại biểu Xô viết toàn Nga lần thứ II. Nối tiếp thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Chính phủ Bolshevik tiếp tục sứ mệnh dẫn dắt các quốc gia lân cận lập ra Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) sau khi giành chiến thắng trong cuộc Nội chiến Nga năm 1922.

Có thể nói, sự ra đời của Liên bang Xô Viết chính là minh chứng tiêu biểu cho sự ý chí đồng lòng tin tưởng vào mô hình xã hội chủ nghĩa của hơn 200 triệu nhân dân các dân tộc trên một lãnh thổ rộng lớn trải rộng hơn 22 triệu kilomet vuông, kéo dài từ Âu sang Á. Thực tế cũng đã cho thấy, trong hàng chục năm tồn tại, Liên bang Xô Viết đã đạt được nhiều thành tựu phát triển trên mọi lĩnh vực, bao gồm kinh tế, xã hội lẫn quốc phòng, an ninh. Vào thời kì đỉnh cao của mình, cụ thể là trong suốt Thế chiến II, Liên Xô đã trở thành một hình mẫu lí tưởng về một quốc gia tiên phong đấu tranh cho hòa bình, hữu nghị dân tộc; giải phóng loài người khỏi “cơn ác mộng” mang tên phát xít Đức. Bấy giờ, nhắc đến Liên Xô, người ta nghĩ ngay đến một biểu tượng của văn minh và tiến bộ, bình đẳng và công bằng, nơi con người được hưởng những quyền lợi xứng đáng giữa một tập thể vững mạnh, đoàn kết.

Trước đây, khi nhắc đến Liên Xô, người ta nghĩ ngay đến một biểu tượng của sự văn minh, tiến bộ, bình đẳng và công bằng. Hình ảnh lễ diễu hành ngày 9/5/1967 tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: Getty Images

2. Sự lên ngôi của chủ nghĩa tư bản sau Thế chiến II

Thế chiến II kết thúc, thế giới bước vào thời kì Chiến tranh lạnh (1945 – 1991). Sau cuộc đàm phán giữa các bên thắng cuộc tại Hội nghị Yalta (4 – 11/2/1945), Liên bang Xô Viết chính thức đối đầu với Mỹ, đặt thế giới vào một trật tự lưỡng cực. Đây được xem là cuộc đối đầu về ý thức hệ dai dẳng nhất trong lịch sử nhân loại, có tầm ảnh hưởng đến tận thế kỷ XXI, giữa một bên là phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) do Liên Xô lãnh đạo và phe tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu. Liên Xô quyết tâm duy trì mô hình Nhà nước chuyên chế vô sản và cơ chế kinh tế tập trung bao cấp, đề cao sự quản lý và điều tiết của Nhà nước do Đảng Cộng sản Liên Xô lãnh đạo. Trong khi đó, Mỹ vẫn là một nước cộng hoà liên bang theo mô hình tam quyền phân lập với nền kinh tế thị trường, đề cao sự tự do và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân. Hai hệ giá trị với hai thái cực đối lập đã đẩy thế giới bước vào một cuộc lựa chọn ngặt nghèo – hoặc theo mô hình tư bản thân Mỹ, hoặc đứng về phía Liên Xô và xây dựng hệ thống XHCN trên toàn cầu.

Có thể thấy, XHCN đã được Karl Marx xác định là một hình thái không loại trừ tư bản mà là một bước phát triển tiếp theo của chủ nghĩa tư bản, dựa trên quy luật tất yếu của xã hội loài người: đấu tranh giai cấp. Chừng nào mâu thuẫn giai cấp vẫn còn, bất công vẫn tồn tại, một nhóm người vẫn sở hữu phần lớn tài sản của toàn xã hội, thì những người khác chắc chắn sẽ phải tiếp tục đấu tranh để đòi lại quyền lợi của mình, từ đó xây dựng một xã hội bình đẳng hơn, nơi của cải vật chất cũng như cơ hội sử dụng phương tiện sản xuất để tạo ra của cải ấy, là như nhau đối với mọi cá nhân. Một xã hội bình đẳng, một cộng đồng cùng tiến bộ vẫn luôn là đích đến của loài người.

Mô hình kinh tế cộng sản thực chất được xây dựng dựa trên phương thức kế hoạch hoá, quốc hữu hoá toàn diện; trong đó sự phân phối, điều tiết các khâu của quá trình sản xuất, tư liệu sản xuất cũng như sản phẩm lao động đều thuộc về Nhà nước. Nhà nước tập trung kiểm soát và chỉ đạo sản xuất, từ đó trực tiếp xoá bỏ tư hữu tài sản, biến quan hệ bóc lột – bị bóc lột giữa nhà tư bản và người lao động thành một quan hệ bình đẳng giữa những người lao động với nhau. Không có “chủ” và “tớ”, nghĩa là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người đều như nhau. Chính bởi đặc tính ưu việt đó mà khi áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước thuộc địa, chủ nghĩa cộng sản đã tạo ra giá trị bình đẳng đích thực, đem tới ánh sáng cho những người lao động đang bị lạm dụng, ngược đãi, vắt kiệt sức lực trong các nhà máy, công xưởng của thực dân.

Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản cũng sở hữu những thế mạnh riêng của nó, và trên thực tế, nó đã thắng thế trước chủ nghĩa xã hội do phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của một thế giới vừa bước khỏi Thế chiến II. Cụ thể, chủ nghĩa tư bản gắn liền với đặc tính tư hữu và cổ vũ kiến tạo một thị trường cạnh tranh tự do, đã nhanh chóng giúp các nước phương Tây khôi phục lại nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển và tạo ra một lượng của cải dồi dào trong xã hội. Nhưng phần lớn những sản phẩm đó lại thuộc về giới chủ.

Giai đoạn 1945 – 1955, nước Mĩ chiếm hơn một nửa sản lượng công nghiệp toàn thế giới (56,47 % – 1948). Sản lượng nông nghiệp của Mĩ cũng tăng gấp đôi sản lượng nông nghiệp của Anh, Pháp, Tây Đức, l-ta-li-a và Nhật Bản cộng lại. Đồng thời, Mĩ cũng nắm trong tay 3/4 trữ lượng vàng của thế giới (24,6 tỉ USD). Có thể có nhiều nguyên nhân lí giải cho sự phát triển vượt trội này, song một trong những nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là trình độ phát triển kinh tế tư bản của Mỹ đã đạt tới mức đỉnh cao trong hơn một thập kỉ. Hơn thế nữa, mô hình phát triển kinh tế tự do của Mỹ còn đi kèm với sự hậu thuẫn từ một thể chế chính trị phân quyền, cổ vũ sự cạnh tranh, đối đầu giữa nhiều đảng phái. Nước Mỹ bấy giờ đã trở thành một hình mẫu có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Và rất nhanh chóng, mô hình kinh tế – chính trị văn hoá của Mỹ đã lấn át, làm xói mòn tiềm lực của Liên Xô và dẫn đến sự sụp đổ, tan rã của Liên bang Xô Viết vào năm 1991, chính thức đánh dấu sự thắng thế của chủ nghĩa tư bản và chấm dứt Chiến tranh lạnh.

Trong những thập niên sau Thế chiến II, nền kinh tế Mỹ phát triển vượt trội, Mỹ nhanh chóng trở thành một hình mẫu có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Hình ảnh thành phố New York vào thập niên 1970. Nguồn: hemmings.com

Có thể nói, ở thời điểm bấy giờ, chiến thắng của khối tư bản chủ nghĩa là một thắng lợi bởi sự vượt trội về kinh tế, sáng tạo được hình thành nhờ cơ chế thị trường tự do. Kết thúc Chiến tranh lạnh, chủ nghĩa tư bản do Mỹ đứng đầu đề cao các giá trị của mô hình dân chủ phương Tây, hỗ trợ cho vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Hình thái kinh tế – xã hội này sau đó đã thiết lập được một mạng lưới rộng lớn trên toàn thế giới, thậm chí chi phối cả Liên hợp quốc để tạo ra các thiết chế định hình “luật chơi” toàn cầu.

3. Những quốc gia kiên định trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội

Liên Xô sụp đổ, phe XHCN tan rã nhưng chủ nghĩa Marx-Lenin không bị đánh đổ. Con đường tiến lên CNXH là một xu thế của thời đại, để đến đích phải trải qua một thời kì quá độ, ở đó chứa đựng cuộc đấu tranh gay gắt một mất một còn giữa XHCN và tư bản chủ nghĩa. Liên Xô sụp đổ là sự đứt gãy quá trình đi lên CNXH, nó là sai lầm về phương pháp cách mạng của Liên Xô.

Trong khi Liên Xô và các nước XHCN ở châu Âu sụp đổ thì chủ nghĩa Marx vẫn tồn tại trên toàn cầu và vẫn là kim chỉ nam cho các nước Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Triều Tiên, Lào… Nhờ sự kiên định con đường tiến lên CNXH theo học thuyết của Marx, các nước này vẫn đứng vững và phát triển mạnh mẽ.

Sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô là tiếng chuông thức tỉnh những người cộng sản đang nắm quyền lãnh đạo ở các nước Trung Quốc, Việt Nam… đã nhận biết kinh tế thị trường là sản phẩm của nhân loại, là quy luật phát triển kinh tế xã hội. Các nước tư bản đã nắm bắt, vận dụng để đưa kinh tế tư bản phát triển mạnh mẽ. Từ đó, các nước XHCN đã nhanh chóng đổi mới mình. Trung Quốc đã xác định xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc, bắt đầu từ thời kì sau Cách mạng Văn hoá Trung Quốc. Còn Việt Nam xác định phát triển theo định hướng XHCN.

Tuy cách gọi khác nhau nhưng đều có chung nguyên tắc là kiên định theo học thuyết Marx, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không thoả hiệp với đảng phái và khuynh hướng chính trị đối lập. Nhưng về kinh tế thì vận hành theo thị trường với định hướng từ Nhà nước. Đây là sự thay đổi về phương pháp cách mạng chứ không phải thay đổi bản chất chế độ.

Trong hơn 30 năm vận hành theo đường lối cải cách dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhiều nước XHCN đã thành công xây dựng hình thái xã hội mới; nhiều thành phần kinh tế ra đời, trong đó thành phần kinh tế tư nhân phát triển chưa từng thấy, nhờ đó đã huy động được lực lượng lao động ở mức độ cao.

Trung Quốc xác định xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc và đã đạt được những bước phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Ảnh minh họa

Từ sự chuyển đổi vận hành nền kinh tế, các nước XHCN đã có sự phát triển nhanh chóng, san bằng khoảng cách với các nước thuộc chế độ dân chủ phương Tây. Trung Quốc là một ví dụ, từ một nước bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hoá với nền kinh tế kiệt quệ, nhưng chỉ sau 30 năm cải cách, Trung Quốc đã phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực. Về kinh tế, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, tương lai được dự báo sẽ vượt cả Mỹ. Công nghệ phát triển thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Mức sống của người dân được đảm bảo, thu nhập của người dân được Nhà nước Trung Quốc công bố tăng hàng chục lần, giải quyết gần như cơ bản nạn đói cho 1,4 tỷ người. Thế giới nhìn Trung Quốc với sự thán phục về sự thay đổi diện mạo và giàu có.

Việt Nam cũng là một điểm sáng về sự phát triển quốc gia. Đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản phát động đã mở ra cho cả dân tộc góp sức mình để xây dựng đất nước. Việt Nam đã thành công trên nhiều lĩnh vực. Theo công bố của Chính phủ, mấy năm gần đây, Việt Nam đã đạt hầu hết các chỉ tiêu của quốc gia, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã thuộc nhóm tăng trưởng cao ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Từ một nước có thu nhập bình quân thấp, Việt Nam đã vươn lên thành nước có thu nhập trung bình cao. Thành tích xoá đói giảm nghèo thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Các chỉ số phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng đã tiệm cận với các nước phát triển.

Với bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc được phát huy, Việt Nam đã tiếp cận được với các nền văn minh trên thế giới và hội nhập sâu rộng quốc tế là thành viên tích cực, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khối ASEAN. Người dân Việt Nam được sống trong tự do, an ninh và hoà bình, ủng hộ công cuộc Đổi mới do Đảng phát động, không có xung đột xã hội và các hoạt động chống phá Nhà nước.

Các nước XHCN khác như Cuba, Lào, Bắc Triều Tiên… vẫn phải đối mặt với những khó khăn khác nhau, nhưng vẫn có bước phát triển vững chắc, nền chính trị ổn định, giá trị văn hoá của các dân tộc ấy vẫn phát triển không ngừng. Đặc biệt là Nhà nước vẫn đảm bảo cuộc sống về vật chất và tinh thần cho người dân. Người dân vẫn hướng vào Đảng và Nhà nước, Nhà nước XHCN vẫn đứng vững và phát triển.

Nhìn tổng thể, sự đổi mới, điều chỉnh đường lối vận hành nền kinh tế của các nước XHCN sau Chiến tranh lạnh đã giải thoát sự trì trệ kinh tế của các nước này để vươn lên trở thành các quốc gia thịnh vượng của thế kỷ XXI.

4. Chủ nghĩa xã hội – một xu thế tất yếu trong tương lai

Cuộc cách mạng công nghệ đầu thế kỷ XXI đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong đời sống của toàn nhân loại. Các sáng chế khoa học – công nghệ cao giúp con người tạo ra được lượng sản phẩm dồi dào, của cải dư thừa ngày càng lớn. Trong khi những nhà tư bản sở hữu công nghệ ngày càng thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ, thì chính những máy móc, phương tiện sản xuất hiện đại này lại giải phóng hàng triệu người lao động, đẩy họ vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm. Từ đó, sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội cũng lớn dần lên, trở thành một vấn nạn toàn cầu, đặc biệt là ở những nền kinh tế lớn trên thế giới.

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn đối với các nước: Nếu vẫn giữ nguyên hình thái kinh tế – xã hội cũ thì lượng của cải của người giàu sẽ tiếp tục tăng lên, còn người nghèo sẽ tiếp tục nghèo đi, khiến cho mâu thuẫn giai cấp trong xã hội ngày càng gay gắt; an ninh quốc gia, an ninh toàn cầu bị đe doạ nghiêm trọng. Vậy phải làm sao để kiểm soát, điều tiết được nguồn tư liệu sản xuất và sản phẩm dư thừa trong xã hội? Làm sao cho sự phân phối tư liệu, sản phẩm giữa các thành viên trong cộng đồng tiệm cận đến mức cân bằng, hài hoà để không một cá nhân nào được phép thâu tóm, độc quyền, lũng đoạn toàn bộ thị trường; cũng không cá nhân nào bị bỏ rơi, khước từ những điều kiện sống cơ bản nhất?

Bài toán đó cho thấy, nếu tiếp tục cổ vũ, áp dụng nguyên tắc tư bản tự do thì kinh tế – xã hội tất yếu sẽ rơi vào tình trạng phân hoá, mâu thuẫn sâu sắc, thậm chí dẫn đến hỗn loạn. Lúc này, thời điểm mà Marx tiên tri cũng đang tới rất gần, khi mặt bằng sản xuất và lượng của cải của toàn xã hội đang không ngừng tăng lên. Chỉ có sự kiểm soát, phân phối, điều tiết của Nhà nước thông qua hệ thống pháp luật mới có thể giúp mỗi quốc gia ổn định được thị trường của mình, từ đó tạo ra sự ổn định chung cho an ninh kinh tế – chính trị toàn thế giới. Đó chính là nền tảng của chủ nghĩa xã hội.

Trên thực tế, kể từ sau khi giành được chiến thắng trong Chiến tranh lạnh, nền tư bản Mỹ có nhiều khởi sắc, song cũng gặp phải không ít vấn đề, tồn tại rất nhiều mặt trái. Hàng triệu người Mỹ mất việc làm sau các cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỉ XX, kéo dài cho đến những năm đầu thế kỉ XXI và bùng nổ trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua. Phân hóa giàu nghèo tại Mỹ ngày càng có xu hướng nới rộng, khi top 1% những người giàu nhất nước Mỹ kiếm tiền nhiều gấp 27 lần so với 50% dân số thuộc nhóm dưới vào năm 1981. Ngày nay, con số này đã tăng tới gấp hơn 80 lần. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hệ số Gini đo lường sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Mỹ đã tăng từ 0,353 năm 1974 lên 0,415 vào năm 2019, vượt mức cảnh báo 0,4. Bên cạnh đó, chi phí nhà ở tăng cao cũng khiến cho số người vô gia cư tại Mỹ liên tục tăng vọt. Theo dữ liệu của Wall Street Journal, lượng người vô gia cư ở Mỹ hiện đã tăng khoảng 11% so với năm 2022 – mức tăng kỷ lục so với mức 2,7% vào năm 2019. New York, Los Angeles đều được coi là những thành phố có số người vô gia cư lớn nhất thế giới.

Đặc biệt, sự can thiệp của Mỹ theo phương thức truyền thống của chủ nghĩa đế quốc vào một số nước có nguồn tài nguyên lớn đã gây ra nhiều cuộc xung đột căng thẳng, kéo theo làn sóng di cư ồ ạt tại các khu vực như Mỹ Latin và Trung Đông. Chính vấn nạn này cùng với việc hợp pháp hoá sở hữu và sử dụng súng đạn đã châm ngòi cho các cuộc xung đột sắc tộc và tệ nạn khủng bố ở Mỹ. Như vậy, chính các giá trị tự do, dân chủ mang màu sắc cực đoan mà nước Mỹ đề cao, đồng thời áp đặt lên nhiều quốc gia khác trên thế giới, đã đe doạ trực tiếp tới tình hình an ninh – chính trị nước này. Đó là những minh chứng cụ thể cho thấy xã hội tư bản – với đầy rẫy các vấn đề bất cập của nó, cũng không thể là một hình mẫu lí tưởng mà nhân loại hướng đến trong tương lai.

Phân hóa giàu nghèo tại Mỹ ngày càng có xu hướng nới rộng. Hình ảnh lều của người vô gia cư trên đường phố Seattle năm 2022. Ảnh: Ted S. Warren/AP

So sánh hai mô hình kinh tế – chính trị của các nước tư bản và XHCN, có thể thấy, con đường tiến lên theo CNXH hiện nay vẫn là con đường tất yếu và đúng đắn. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một mô hình lí tưởng ở thời điểm hiện tại. Trong khi mô hình kinh tế tư bản tự do khiến khoảng cách giàu nghèo càng gia tăng, chính phủ khó kiểm soát và điều tiết được thị trường trước những biến động lớn như đại dịch Covid-19 vừa qua, thì mô hình định hướng XHCN lại tận dụng được những ưu thế tư bản để xây dựng nên một hình thái ổn định, vững chắc, có sự đảm bảo và hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp. Mô hình này không những củng cố được nền tảng sở hữu công, mà còn công nhận cả quyền tư hữu hợp pháp, chính đáng của mỗi người dân, khuyến khích họ phát huy năng lực để đóng góp cho tền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, quyền quản lý, giám sát của Đảng và Nhà nước cũng góp phần tối ưu hoá việc điều tiết sản xuất, phân phối sản phẩm, giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cân bằng mức sống và an sinh xã hội.

Vào thời điểm khó khăn nhất của đất nước, đã từng có nhiều tiếng nói bài xích, phản đối, hoài nghi chủ nghĩa xã hội; song thực tế đã chứng minh được đó là những quan điểm sai lầm, nóng vội. Các nước tư bản theo mô hình chính trị đa đảng có sự phân tán về quyền lực, dễ dẫn đến những mâu thuẫn nội bộ, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Trái lại, mô hình chuyên chế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản hiện tại vẫn góp phần đảm bảo duy trì một xã hội thống nhất, có trật tự, kỉ cương, giúp ổn định tình hình chính trị, an ninh đất nước.

Thế giới hiện đang phát triển theo xu hướng đa cực, trật tự một cực do Mỹ thống trị kể từ sau Chiến tranh lạnh cũng dần mất đi ưu thế. Giữa bối cảnh đó, sự trỗi dậy của các nước vốn kiên định theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội như Việt Nam, Trung Quốc… đã cho thấy rõ, đây là một một bước chuyển quan trọng trên bản đồ chính trị toàn cầu. Những mô hình chính trị, kinh tế – xã hội đa dạng, trong đó có mô hình của Việt Nam, đang dần khẳng định được vai trò của mình đối với nền kinh tế thế giới, đồng thời chứng minh được tính đúng đắn và tất yếu của việc kiên định tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chắc chắn khi tích luỹ tư bản đủ lớn, Việt Nam sẽ nhanh chóng bước qua được thời kì quá độ để chính thức xây dựng một xã hội công bằng – dân chủ – văn minh theo lí tưởng của Marx. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chủ nghĩa xã hội sẽ là một viễn cảnh tất yếu, một tương lai có thật, chứ không chỉ là một giấc mơ xa vời.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC