Điện Biên là tỉnh đất rộng với diện tích tự nhiên trên 9,5 nghìn km2, nhưng dân số chỉ có 630.000 người. Nổi tiếng trên toàn thế giới với tư cách một địa danh diễn ra trận đánh lịch sử – Điện Biên Phủ, Điện Biên đã chuyển mình trong 70 năm qua, đặc biệt đã phát triển nhanh trong vài ba năm trở lại đây.

Trong giai đoạn 2021 – 2023, kinh tế Điện Biên tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân ước đạt 9,33%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 48,6 triệu đồng/năm, tăng 1,46 lần so với năm 2020. Môi trường đầu tư kinh doanh của Điện Biên đang được cải thiện rõ rệt, với 10 dự án có tổng giá trị đăng ký trên 2.870 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Đặc biệt, dự án trọng điểm nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên Phủ đã hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2023 là một điểm sáng mạnh trong sự mở rộng của tỉnh.

Du khách và các cựu chiến binh thăm hầm tướng De Castries, tháng 4/2024. Ảnh: Ngọc Thành

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sự phát triển của Điện Biên chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của tỉnh. Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một số lý do khiến Điện Biên vẫn là một trong những tỉnh thuộc diện nghèo nhất cả nước. Điện Biên có vị trí địa lý nằm cách xa trung tâm; điều kiện địa hình nhiều đồi núi đèo dốc phức tạp, tài nguyên khoáng sản trữ lượng thấp và nằm rải rác ở nhiều địa bàn xa xôi trong tỉnh. Trình độ dân trí và nguồn nhân lực của tỉnh chưa cao. Hạ tầng giao thông tới nhiều khu vực trong tỉnh chưa phát triển và không đồng bộ. Vì vậy, Điện Biên vẫn chỉ là địa phương sản xuất nhỏ lẻ là chính, đời sống đồng bào dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn thuộc diện cao so với các tỉnh thành lân cận. Một điểm không thể không nhắc tới là vẫn tồn tại âm ỉ những lực lượng thù địch kích động nhân dân, gây chia rẽ mất đoàn kết giữa các dân tộc, ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh những năm qua.

Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận lợi thế đặc biệt của Điện Biên và nếu tận dụng tốt những lợi điểm này, tỉnh hoàn toàn có thể có những bước đột phá hơn so với giai đoạn vừa qua.

Thứ nhất, về mặt thiên nhiên, Điện Biên đặc biệt mạnh về tài nguyên rừng và đất, có hơn 400.000 ha rừng cùng thảm thực vật phong phú. Đặc biệt, Điện Biên có cánh đồng Mường Thanh rộng hơn 150 km², là cánh đồng lớn và nổi tiếng của khu vực Tây Bắc. Rừng trà cổ thụ của Điện Biên cũng thuộc loại lớn nhất cả nước. Huyện Tủa Chùa có gần 30ha chè Shan tuyết cổ thụ với hơn 10.000 cây chè có tuổi đời trên 300 năm.

Thứ hai, về mặt lịch sử, quần thể di tích cấp quốc gia chiến trường Điện Biên Phủ là một lợi thế khác biệt để Điện Biên phát triển du lịch. Thế giới đều biết tới chiến thắng Điện Biên Phủ và khu chiến trường xưa là điểm nhấn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Năm 2022, khu Di tích quốc gia đặc biệt này đã được Chính phủ quan tâm đầu tư tôn tạo và đưa vào sử dụng nhiều hạng mục tạo dấu ấn đặc sắc như đền thờ các anh hùng liệt sĩ Điện Biên Phủ, bức tranh Panorama toàn cảnh chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Thứ ba, về mặt vị trí, Điện Biên có đường biên giới với Lào và Trung Quốc dài gần 456 km. Đây là cơ sở giúp thương mại xuyên biên giới phát triển. Điện Biên có cửa khẩu quốc tế Tây Trang kết nối với Lào và lối mở A Pa Chải kết nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tỉnh cũng có đường xuyên Á dự kiến đi qua địa bàn, đang và sẽ tạo cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế.

Từ những lợi thế nói trên, chính phủ trung ương và chính quyền địa phương tiến hành hệ thống những giải pháp đồng bộ sẽ giúp Điện Biên phát huy hết tiềm năng, tăng trưởng tương xứng với ánh hào quang chiến thắng trong quá khứ.

Thứ nhất, về mặt chiến lược, Điện Biên phải bám sát và thực hiện bằng được dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu là  xây dựng Điện Biên đến năm 2030 trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá, là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ. Quy hoạch tỉnh cũng xác định kịch bản tăng trưởng khả thi với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021 – 2030 đạt 10,51%/năm. Dự thảo Quy hoạch tỉnh Điện Biên đã xác định 4 cực tăng trưởng chính là thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Mường Nhé. Để đạt được mục tiêu này, tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2030 cần khoảng 326.000 tỷ đồng.

Thứ hai, về mặt giao thông, Điện Biên vẫn phải tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông thuận tiện hơn và nhanh chóng hơn nữa. Hiện nay, bất chấp những thế mạnh về lịch sử và văn hóa, quãng đường hơn 500km gập ghềnh, hiểm nguy, nhiều đèo dốc từ Hà Nội tới Điện Biên vẫn đang làm nản lòng du khách và nhà đầu tư. Tháo gỡ nút thắt này chỉ có cách là đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên Phủ và đầu tư tuyến cao tốc nối từ Sơn La tới Điện Biên. Đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ huyết mạch như quốc lộ 12, quốc lộ 279B, quốc lộ 6, quốc lộ 4H, tạo thuận lợi cho giao thông kết nối Điện Biên với Thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế lân cận cũng như giao thương với các tỉnh bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây chính là giải pháp để mở ra cơ hội giao thương và thu hút đầu tư. Sức hấp dẫn của tỉnh với nhà đầu tư và du khách chỉ mạnh hơn khi hạ tầng giao thông được nâng cấp mạnh hơn nữa. Giao thông cũng sẽ giúp Điện Biên tăng cường liên kết phát triển với các tỉnh khác cũng như với Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc.

Mới đây, Chính phủ đã đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên. Đây là một lợi thế để Điện Biên mở rộng hợp tác trong vùng Tây Bắc và các tỉnh có tiềm năng lớn của cả nước, đặc biệt gắn kết Điện Biên với các tỉnh bắc Lào, tạo ra một hành lang kinh tế đem lại lợi ích trên nhiều lĩnh vực cho Điện Biên.

Thứ ba, Điện Biên có thể nỗ lực hơn nữa để khai thác hết giá trị đặc biệt của di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ phải nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung trưng bày các hiện vật, tài liệu lịch sử liên quan đến chiến dịch. Có như vậy, khu di tích này mới đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước, mở rộng và đẩy mạnh kinh tế dịch vụ.

Thứ tư, Điện Biên nên tận dụng mạnh hơn nữa nền văn hóa đậm đà bản sắc của 19 dân tộc anh em trong tỉnh. Kinh tế tỉnh sẽ mạnh hơn khi các làng nghề và nghề truyền thống được khuyến khích phát triển gắn với phát triển du lịch như thuê, ren, dệt thổ cẩm tại nhiều địa bàn, nghề mây tre đan tại Nà Tấu, nghề chế biến miến dong tại Nà Tấu, nghề làm bánh đa, bún khô tại Thanh Hưng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại thành phố Điện Biên Phủ, sản xuất trà cổ thụ tại Tủa Chùa…

Phụ nữ Mông ở huyện Nậm Pồ, Điện Biên giữ gìn nghề truyền thống. Ảnh: Hồng Nhung

Thứ năm và đặc biệt quan trọng, phát triển du lịch lên tầm cao mới chính là nền tảng tạo nguồn thu mạnh cho địa phương. Điện Biên có tiềm năng lớn để đẩy mạnh ngành này với nhiều danh thắng thiên nhiên tươi đẹp nguyên sơ như hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, cao nguyên đá Tả Phìn, Tủa Chùa. Tỉnh cũng phải đặc biệt chú ý xây dựng các điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng để du khách có thể tới đây dài ngày như Khoáng nóng U Va, khoáng nóng Hua Pe, Khu du lịch sinh thái Him Lam. Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đã đề ra mục tiêu nâng tỷ trọng ngành này chiếm khoảng 10% GDP của tỉnh; số ngày lưu trú trung bình của du khách từ 3 ngày trở lên; lượng khách bình quân và tổng thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 15%/năm. Việc đăng cai năm du lịch Quốc gia 2024 sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giúp Điện Biên đón 1,3 triệu lượt khách với tổng doanh thu ướt đạt khoảng 2.200 tỷ đồng.

Tóm lại, Điện Biên là địa phương còn nhiều dư địa phát triển, nhất là về nông nghiệp, du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái. Với nỗ lực lớn theo các phương hướng như trên, trên cơ sở kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử, Điện Biên kỳ vọng sẽ có bước đột phá trong thực hiện chiến lược phát triển đã được thông qua của tỉnh.

Quan trọng không kém là phát triển phải gắn với bền vững và an ninh. Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số phải được coi là ưu tiên cao nhất để ngăn chặn mọi bất mãn xã hội sẽ bị các thế lực xấu lợi dụng để kích động. Điện Biên cần hết sức chú trọng hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, tăng trưởng cao gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bài học từ lịch sử đã chỉ ra Điện Biên sẽ tạo ra chiến thắng lịch sử của mình trong lĩnh vực kinh tế nếu đoàn kết sức mạnh của đồng bào các dân tộc anh em và xây dựng đường biên giới hữu nghị với các quốc gia lân bang, cùng nhau hướng tới mục tiêu phát triển trên nền tảng hoà bình và thịnh vượng.

Để thực hiện được mục tiêu này, lãnh đạo Điện Biên cần đổi mới mạnh mẽ trong chỉ đạo kinh tế, huy động mọi nguồn lực, cổ vũ cho khát vọng của mọi người dân vươn lên làm giàu. Thời gian qua, cả nước hướng về Điện Biên, Chính phủ ưu tiên đầu tư cho Điện Biên, khích lệ các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp xây dựng Điện Biên. Tỉnh cần coi đây như một cú hích tạo đà ban đầu để vượt qua mọi quán tính kìm hãm phát triển, không vì thế mà trông chờ vào sự hỗ trợ mà hơn bao giờ hết, cần thực sự sáng tạo, linh hoạt, tìm mọi biện pháp để bứt phá, Điện Biên không chỉ là địa danh lịch sử mà còn là một trung tâm kinh tế mạnh của khu vực Tây Bắc nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC