Trong suốt ba thập kỷ qua, quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất khi lần đầu tiên (kể từ vụ cấm vận vũ khí năm 1989) 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu nhất trí trừng phạt Trung Quốc, liệt vào danh sách đen nhiều quan chức Trung Quốc với lý do ngược đãi và vi phạm quyền con người đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trung Quốc cũng tuyên bố trừng phạt nhiều quan chức và các tổ chức của EU. Sau 7 năm đàm phán Hiệp định đầu tư Toàn diện Trung Quốc – EU (CAI) đã bị Nghị viện châu Âu phủ quyết. Tất cả đã khiến cho quan hệ vốn không ổn định giữa hai bên ngày càng đi xuống.

Chính trong bối cảnh đó, những động thái liên quan đến các hoạt động ngoại giao cấp cao dồn dập của lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia chủ chốt của EU tại Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của cộng đồng thế giới.

Liệu đây có phải là những chỉ dấu về một sự chuyển dịch địa chính trị mới trong bối cảnh thế giới đầy biến động và bị chi phối mạnh mẽ bởi cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung và cuộc chiến Ukraine?

Trung Quốc thay đổi vị thế và sức mạnh

Kể từ sau Đại hội XIX năm 2017, Trung Quốc đã có những bước chuyển mình ngoạn mục khi họ quyết định chấm dứt thời kỳ “che dấu khả năng, chờ đợi thời cơ, ẩn mình…”.

Trung Quốc đã khắc phục được những điểm yếu cơ bản của chính sách phát triển kinh tế nóng, thiếu cân bằng và bền vững và trở thành nền kinh tế lớn gần nhất thế giới, là nguồn cung ứng lớn nhất thế giới. Tăng trưởng GDP trong nhiều năm liền ở mức trung bình cao. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 17.700 tỷ đô la, thu nhập bình quân đầu người là 81.000 Nhân dân tệ, tương đương 12.500 đô la Mỹ. Ngay trong đại dịch Covid-19, mặc dù duy trì chính sách zero Covid, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn duy nhất đạt mức tăng trưởng dương (2,3% năm 2020) và vượt trội (8,2% năm 2021).

Tuy vẫn còn phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây về công nghệ, nhưng hiện Trung Quốc đã nằm trong số các quốc gia có chỉ số đổi mới và sáng tạo cao nhất trong công nghệ cốt lõi như siêu máy tính, cơ sở dữ liệu lớn, công nghệ vũ trụ, mạng 5G, sinh học và sở hữu nhiều tập đoàn thương mại điện tử, công nghệ cao, xe điện, năng lượng sạch tầm vóc toàn cầu. Đặc biệt Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển công nghệ, đẩy nhanh cuộc chạy đua với Mỹ và Nga vào không gian chinh phục các hành tinh ngoài trái đất.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến lớn về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (Ảnh minh họa: Chinadaily)

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2023 sẽ tăng 7,2%, đạt 1.550 tỉ nhân dân tệ (tương đương 225 tỉ đô la Mỹ), đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ về  ngân sách quốc phòng quốc gia để hiện đại hóa hải quân và không quân. Nước này sở hữu các kho vũ khí hạt nhân chiến lược đứng sau Mỹ và Nga.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 cuối năm 2022 đã bầu ra một ban lãnh đạo mới, điều hướng chính sách của đất nước với tầm nhìn mới tăng cường sức mạnh và vị thế của Trung Quốc. Trung Quốc  sẽ có những thay đổi rất lớn trong tương lai.

Với mục tiêu phấn đấu trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, bỏ qua và vượt Mỹ cùng với tham vọng dẫn dắt tiến trình toàn cầu hóa kinh tế quốc tế, Trung Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao sức mạnh kinh tế nội tại, chuyển từ “tăng trưởng cao” sang “phát triển chất lượng cao”, bền vững, sẵn sàng ứng phó với những thách thức để phục hồi kinh tế sau đại dịch, duy trì vị thế trung tâm trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.

Bên cạnh đó Ngoại giao kinh tế được Trung Quốc sử dụng như một bước đột phá trong các mối quan hệ quốc tế, qua đó họ đã kết nối và đã xây dựng được chỗ đứng kèm theo đó là những mối quan hệ mang tính ràng buộc tại nhiều quốc gia đang phát triển.

Sáng kiến vành đai con đường (BRI) được coi như một bước đệm, phép thử khẳng định vai trò của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu. Hiện nay, trong chiến lược tổng thể chung, Trung Quốc đã bổ sung thêm các cấu phần an ninh trong các dự án để tiến tới thiết lập vai trò lãnh đạo, định hình kiến trúc an ninh toàn cầu.

Về cơ bản, Trung Quốc đã tương đối “định hình” khung kết nối cứng (giao thông, hạ tầng, cảng biển, đường ống…) cũng như kết nối mềm (tài chính, tiền tệ, y tế, thương mại, khoa học kỹ thuật) với các quốc gia dọc tuyến BRI.

Trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc tích cực thể hiện hình ảnh “nước lớn có trách nhiệm” với các vấn đề toàn cầu nhằm nâng cao vị thế, uy tín. Trung Quốc luôn cư xử ở vị trí lãnh đạo, nước lớn, thể hiện mình là một cường quốc, mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa dân tộc nước lớn

Mặc dù bị phương Tây chỉ trích về cái gọi là nền “Ngoại giao chiến lang” và những vấn đề dân chủ nhân quyền tại Tân Cương, Hồng Kông…  song trên thực tế, nền “ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc” đã thu được những kết quả nhất định khi được tiến hành một cách khôn ngoan, chủ động, với tần suất dầy đặc cả trên bình diện song phương và đa phương.

Là cường quốc khu vực, Trung Quốc đặc biệt chú trọng tăng cường quan hệ với các nước láng giềng cũng như với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thúc đẩy nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN. Cùng với BRI, cơ chế Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) giữa Trung Quốc với 5 nước Tiểu vùng sông Mekong (Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam) cũng đạt tiến triển nhất định.

Trung Quốc tự coi mình là sứ giả của hòa bình, là trung tâm của thế giới  khi can dự  vào các “điểm nóng” quốc tế và khu vực như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Myanmar, Afghanistan… Họ đã ghi dấu ấn trong việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa  Iran và Ả Rập Xê Út. Về vấn đề Ukraine, Trung Quốc cũng chủ động nêu lên Đề nghị 12 điểm như “một giải pháp chính trị” cho cuộc xung đột tại Ukraine. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky cuối tháng 4/2023, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc đứng về phía hòa bình, ông cho biết sẽ cử đặc phái viên tiếp cận với Nga và Ukraine để tìm giải pháp đem lại hòa bình cho Ukraine.

Cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Zelensky vào cuối tháng 4/2023 được kỳ vọng sẽ mở đường cho vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong việc chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh minh họa

Theo nhiều nhà quan sát quốc tế, trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc đã áp dụng tương đối thành công chính sách nước đôi. Một mặt công khai đối đầu với Mỹ, tố cáo và lên án Mỹ mỗi khi có cơ hội, thường xuyên “nhắc nhở Mỹ tránh sai lầm” trong quan hệ, tuy nhiên, mặt khác Trung Quốc vẫn giữ cầu đối thoại, tập trung thúc đẩy đầu tư, thương mại, kinh tế để ràng buộc lợi ích hai bên.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư, đối tác kinh tế và trao đổi thương mại hàng đầu của Mỹ cũng như của các đồng minh quan trọng nhất của Mỹ như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, EU và Canada.

Đặc biệt, Trung Quốc đã thành công trong việc đưa quan hệ với Nga trở thành  mối quan hệ vượt lên quan hệ thông thường giữa hai nhà nước. Đó là mối quan hệ rất đặc biệt ở vào thời điểm hiện tại. Trung Quốc kết nối rất sâu, rộng, ràng buộc Nga trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, tình báo, an ninh, kinh tế, đầu tư, tài chính, khoa học kỹ thuật cao. Nhờ có Trung Quốc mà Nga không bị sụp đổ và trụ vững chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Qua sự kiện này, Trung Quốc cũng đã củng cố được sức mạnh và vai trò của mình trong quan hệ quốc tế đầy biến động.

Cả Trung Quốc và Nga cũng đều hướng tới cùng một mục tiêu là làm cho Mỹ mất vị trí số một, hướng tới phi đô la hóa, hạ giá đồng đô la, cắt đứt và dần giảm nguồn cung ứng đặc biệt về kỹ thuật cao đến từ Mỹ.

Trung Quốc có vị thế đặc biệt với Nga mà Mỹ và Tây Âu không thể có được. Chính những đòn trừng phạt của Mỹ và Tây Âu đã đẩy Nga ngày càng ngã vào vòng tay và phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngược lại Trung Quốc cũng chưa từng có được đối tác nào hay người bạn – đồng minh nào mà trong thời điểm hiện nay mang lại nhiều lợi ích, trên nhiều phương diện đến như vậy.

Trong cuộc đối đầu gay gắt và kéo dài chưa biết đến khi nào kết thúc với Mỹ thì Trung Quốc rất cần có được sự ủng hộ của một cường quốc, đồng minh, bạn bè, như nước Nga và Tổng thống Putin.

Hai quốc gia Trung Quốc và Nga đã và đang tạo ra một trục lớn chi phối quan hệ quốc tế trước mắt và trong tương lai.

Tuy nhiên, thách thức và khó khăn lớn nhất đối với Trung Quốc chính là những hậu quả nặng nề còn để lại sau thời gian dài phát triển nóng, điều này tác động không nhỏ đến tính bền vững của mô hình kinh tế mà họ đang theo đuổi. Mặt khác chính môi trường quốc tế, an ninh bất ổn tại khu vực cũng như cuộc cạnh tranh địa chiến lược gay gắt giữa Trung Quốc và phương Tây cũng đang cản trở sự vươn lên giữ vị thế đứng đầu của quốc gia này.

EU điều chỉnh chiến lược

Để lý giải sự điều chỉnh chiến lược của EU với Trung Quốc chúng ta cần đặt mối quan hệ song phương này trong trục quan hệ tứ giác Trung Quốc – Nga – Mỹ – Tây Âu.

Mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc bị tác động và chi phối bởi mối quan hệ giữa EU với Mỹ cũng như mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ là đồng minh lâu đời nhất của EU, có quan hệ kinh tế thương mại lớn với EU và là đối tác chia sẻ các giá trị dân chủ nhân quyền tích cực và hăng hái cùng với  EU. Tuy nhiên quan hệ hai bên trải qua không ít giai đoạn thăng trầm, chủ yếu là do sự thay đổi chính sách của các đời tổng thống Mỹ. Đây cũng là mối quan hệ gây ra nhiều vết xước nhất cho EU khi EU luôn luôn cảm thấy bị phụ thuộc vào các quyết định của Mỹ.

Thực tế thời gian qua cho thấy cuộc chiến của Nga tại Ukraine lại một lần nữa thử thách quan hệ EU – Mỹ cũng như sự đoàn kết trong chính nội bộ EU. Trong thời gian đầu, khi Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine các nước thành viên EU đã thể hiện sự thống nhất và đoàn kết hiếm có ủng hộ Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt Nga. EU đã áp dụng 10 gói trừng phạt với Nga, hỗ trợ tài chính trị trên 38 tỷ euro và 3,6 tỷ euro mua vũ khí, một điều mà chưa bao giờ EU thực hiện.

Tuy nhiên chính Mỹ lại đang hưởng lợi từ những biện pháp trừng phạt này do bán được khí đốt, dầu mỏ với giá cao. Trong khi châu Âu đang hết sức nỗ lực để tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, ủng hộ lệnh cấm vận của Mỹ thì ngược lại, chính châu Âu lại bị phụ thuộc vào Mỹ và phải mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ với giá đắt gấp bốn lần. Ngoài ra, việc viện trợ quân sự cho Ukraine đã làm suy giảm dự trữ vũ khí của quân đội các nước EU và có thể EU phải tính toán mua vũ khí của Mỹ.

Thay vì cùng chia sẻ khó khăn với châu Âu thì Mỹ luôn ưu tiên lợi ích kinh tế của chính họ. Để bảo vệ các doanh nghiệp xanh của Mỹ, cuối năm 2022 Tổng thống Biden đã thông qua Đạo luật giảm phát, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp châu Âu xuất hàng vào Mỹ.

Trên thực tế châu Âu đã và đang đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức. Giá khí đốt ở châu Âu hiện cao gấp 7 lần so với ở Mỹ; giá điện cao gấp 3 lần so với ở Trung Quốc. Giá cả tăng vọt, tỷ lệ lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng, thiếu nguồn cung nguyên liệu đã dẫn đến những hỗn loạn về chính trị. Làn sóng đình công kéo dài, quy mô lớn, làm tê liệt mọi hoạt động của nhiều nền kinh tế lớn như Pháp, Đức, Italia.

Đức và Pháp là hai đầu tầu kinh tế tại châu Âu, tuy nhiên theo dự báo của Ủy ban châu Âu, kinh tế Pháp sẽ chỉ có khả năng tăng trưởng ở các mức tương ứng 0,6% và 1,4% trong năm 2023 và 2024. Kinh tế Đức dự đoán chỉ đạt mức tăng trưởng rất thấp, tương ứng 0,2% và 1,3%.

Nền kinh tế châu Âu có thể sẽ rơi vào suy thoái quy mô lớn nếu họ không kiểm soát được lạm phát.

Toàn bộ những yếu tố trên đã giúp EU thức tỉnh để nhận ra rằng chiến lược của Mỹ tại Ukraine là nước đôi và chủ yếu phục vụ cho mục tiêu của Mỹ trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược để “đánh bại Nga” và kìm hãm Trung Quốc giúp Mỹ giữ vị trí số 1.

Cuộc chiến tại Ukraine càng kéo dài, càng khốc liệt thì chính châu Âu lại là đối tượng bị tổn hại nhiều nhất. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã phải cay đắng đưa ra nhận xét rằng “tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với Mỹ không giống như đối với châu Âu”! Trong nội bộ EU đã xuất hiện nhiều xu thế phân cực, mâu thuẫn về chính sách của EU với Mỹ và với Ukraine.

Với châu Âu hiện nay, ngoài nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh nóng lan rộng ngoài biên giới Ukraine thì thách thức lớn nhất và bao trùm trong các quốc gia EU chính là các rủi ro kinh tế có thể đến từ việc thiếu vắng các chuỗi cung ứng, các hoạt động kinh tế thương mại của Trung Quốc trong thời gian dài. Châu Âu khó “rời xa” Trung Quốc vì đây là một đối tác thương mại quan trọng, là thị trường chiếm 9% hàng hóa xuất khẩu của EU và 20% hàng hóa nhập khẩu.

Ngay khi dịch bệnh vừa lắng xuống phía EU đã chủ động tiến hành các cuộc tiếp xúc với Trung Quốc khi tại đất nước này vẫn còn bế quan tỏa cảng do Covid-19.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thăm Trung Quốc cuối năm 2022. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thăm Trung Quốc vào cuối tháng 11/2022 cùng với đoàn giám đốc điều hành của 12 doanh nghiệp lớn như Volkswagen, Ngân hàng Deutsche Bank, Siemens, hãng hóa chất BASF. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thăm chính thức Trung Quốc tháng 3/2023.

Tuy nhiên, chuyến thăm được đặc biệt quan tâm và chú ý, gây ra nhiều tranh cãi, chính là chuyến thăm “hai trong một” của Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tháng Tư vừa qua tại Trung Quốc cùng lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn như Airbus và Alstom. Ngoài chủ đề kinh tế, hợp tác, vấn đề Ukraine là một trong những trọng tâm quan trọng của nội dung chuyến thăm.

Tất cả những hoạt động ngoại giao dồn dập của EU và các nền kinh tế lớn, thành viên EU trong thời gian qua đã chuyển đi nhiều thông điệp.

Cuộc hội đàm 3 bên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Bắc Kinh ngày 6/4/2023. Ảnh: AP

Đối thoại là xu thế chủ đạo và lợi ích là vĩnh viễn

Trong bối cảnh phức tạp của mối quan hệ quốc tế xung quanh tứ giác Nga, Trung Quốc, Mỹ và EU mà tại đó cuộc chiến Ukraine đang chi phối hầu như toàn bộ các mối quan hệ chính trị, kinh tế toàn cầu thì những động thái trong quan hệ EU Trung Quốc vừa qua là những chỉ dấu mang tín hiệu tích cực thể hiện mong muốn kiểm soát và giảm bớt bất đồng thông qua việc khởi động lại các cuộc trao đổi trên nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế, đối phó với những thách thức toàn cầu.

Cả Trung Quốc và EU đều ý thức được vai trò, vị thế và tiềm lực của mỗi bên cũng như sự cần thiết của việc tái khởi động các cuộc đối thoại ở nhiều cấp khác nhau để duy trì quan hê song phương và giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Tuy mục tiêu và ý đồ khác nhau, vẫn tồn tại nhiều khác biệt, thậm chí bất đồng và mâu thuẫn trong một loạt vấn đề nhưng nền tảng chính của mối quan hệ EU – Trung Quốc chính là sự phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích, đặc biệt là kinh tế và thương mại. Cả EU và Trung Quốc sẽ đều bị thiệt hại sâu sắc nếu đóng băng quan hệ.

Với Trung Quốc, để thực hiện mục tiêu bước vào trung tâm vũ đài chính trị thế giới, là bên tạo lập luật chơi, chuyển từ cường quốc khu vực sang cường quốc thế giới họ rất cần có một môi trường quốc tế ổn định và kết nối với bên ngoài.

Cho dù  mạng lưới quan hệ đối tác của Trung Quốc là rất lớn và rộng mở (thành viên của hơn 150 tổ chức quốc tế; tham gia hơn 300 hiệp định hợp tác đa phương) song các quốc gia gắn bó với Trung Quốc, ngoài Nga, thì đa phần là những nước đang phát triển, nhỏ, cần hỗ trợ kinh tế và lệ thuộc vào Trung Quốc về vốn.

Việc kết nối thành công và tranh thủ được EU và các đối tác phương Tây, các nền kinh tế mạnh trên thế giới, vốn là đồng minh lâu đời của Mỹ sẽ giúp Trung Quốc đi xa hơn nữa và nhanh hơn nữa trong việc hạn chế việc hình thành các liên minh và một mặt trận mới “đa quốc gia” bao vây chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu.

Phát triển và giữ quan hệ ổn định với EU, qua đó tách dần EU khỏi Mỹ là một trong những mục tiêu rất quan trọng của Trung Quốc vì các nước phương Tây vốn là những quốc gia có thế mạnh về công nghệ và khoa học, Trung Quốc đang rất cần sự hợp tác này để hiện thực hóa giấc mơ tự chủ về công nghệ và kinh tế của mình.

Trung Quốc tranh thủ thời điểm hiện nay, khi Mỹ đang có sự sụt giảm sức mạnh tương đối để nắm bắt cơ hội và chủ động triển khai chiến lược địa chính trị bởi Trung Quốc đã tạo dựng được vị thế nhất định đối với các quốc gia đang phát triển.

Hơn thế nữa, vai trò “độc nhất vô nhị” hiện nay của Trung Quốc đối với nước Nga cũng đem lại cho Trung Quốc nhiều điểm cộng mà không quốc gia nào sánh kịp để giúp Trung Quốc nâng cao vai trò cả về kinh tế và chính trị đạt được  tham vọng “dẫn dắt các mối quan hệ quốc tế”.

Với EU, châu Âu đang rơi vào một cuộc khủng hoảng an ninh, chính trị, kinh tế nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, buộc họ phải có những điều chỉnh các ưu tiên địa chính trị, địa kinh tế khi trật tự thế giới đang thay đổi.

Sự khởi động lại quan hệ với Trung Quốc sẽ không chỉ tác động đến quan hệ song phương EU – Trung Quốc mà còn là một chỉ dấu cho thấy sự dịch chuyển địa chính trị quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine đang chi phối toàn bộ bàn cờ quốc tế.

Qua việc chủ động các bước đi với Trung Quốc, châu Âu đang mong muốn thể hiện vai trò, thực thi chiến lược riêng, nỗ lực thực hiện quyền tự chủ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng trên thực tế, EU thực sự lo ngại về việc Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm của vũ đài quốc tế và có khả năng thay đổi lại hệ thống trật tự quốc tế thông qua việc tăng cường chi tiêu quân sự, mở rộng Sáng kiến Vành đai Con đường hay tạo dựng các hệ thống ngân hàng và trao đổi thương mại kiểu mới.

Mục tiêu của các bước đi của EU là nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại với Trung Quốc, ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế EU ngày càng phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc như họ đã từng bị phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Mặt khác châu Âu cho rằng phải giữ quan hệ ở mức độ hữu hảo để hai bên có những mối ràng buộc lẫn nhau và cùng hợp tác để giải quyết những vấn đề quốc tế trong đó có cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên đây là sự nhầm lẫn của chính phía Pháp và EU vì cách tiếp cận của Trung Quốc về Ukraine hoàn toàn khác.

EU đang cho thấy Chính sách mà họ đang theo đuổi với Trung Quốc là chính sách “giảm thiểu rủi ro”. Theo đó, một mặt châu Âu sẽ không cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc vì điều đó không nằm trong lợi ích của châu Âu, tuy nhiên châu Âu cũng không để phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, đặc biệt về kinh tế.

Nhiều bình luận cho rằng đây là cách tiếp cận vì lợi ích của châu Âu, thể hiện sự linh hoạt, khác với cách tiếp cận của Mỹ là ngăn chặn, làm suy yếu Trung Quốc. Tuy nhiên cách tiếp cận này có phần mơ hồ và nội hàm không rõ ràng, chưa được sự ủng hộ của nhiều nước thành viên EU.

Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu những động thái trên giữa EU và Trung Quốc có tạo ra một trục mới chống lại Mỹ hay không, tuy nhiên điều chúng ta có thể nhận thấy rõ là  xu thế đối thoại hợp tác thay vì đối đầu đang là xu thế dẫn dắt quan hệ hai bên.

Từ những chuyển động này, chúng ta có thể thấy rằng điều rõ ràng là trong các mối quan hệ quốc tế, cho dù cạnh tranh đến mấy thì xu hướng tất yếu vẫn phải hợp tác, xung đột chỉ là tạm thời, các bên đều thấy cần phải giảm đối đầu. Một quốc gia, một khối nước có thể có sự lựa chọn theo một bên nào đấy nhưng xu thế chung trên thế giới là hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển chính là xu thế mang tính chiến lược, và lợi ích quốc gia là vĩnh viễn.

Và trên thực tế chính các nước lớn, giàu có và nhiều tiềm lực sẽ là người chi phối và quyết định hầu hết các mối quan hệ địa chiến lược.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC