Trong 28 năm hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, đã có những dấu mốc quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại, kinh tế giữa hai nước, đáng chú ý là chuyến thăm Mỹ của Chủ nước Trương Tấn Sang, ngày 25/7/2013 tại Nhà trắng, hai nhà lãnh đạo Việt Nam – Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang chính thức xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Đặc biệt là, nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 10-11/9/2023, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung xác định nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, hai nước tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên 9 lĩnh vực nhằm bảo đảm lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, trong đó có hợp tác về kinh tế – thương mại – đầu tư, về khoa học, công nghệ và về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số…

Trước đó, từ cuối tháng 3/2023, một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn chưa từng có đã đến Việt Nam với đại diện 52 công ty, tập đoàn Mỹ, trong đó có các hãng quốc phòng, dược phẩm, công nghệ… đã có mặt tại Việt Nam (như Boeing, Bell, UPS, Coca Cola…) để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hằng năm do USABC tổ chức. Hiện có nhiều tập đoàn quen thuộc đang hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng như Apple, Coca-Cola và PepsiCo, Netflix… SpaceX cũng đang tìm kiếm thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Các hãng Pfizer và Johnson & Johnson, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, Công ty Tài chính Visa, Ngân hàng Citibank, các hãng công nghệ điện toán đám mây Meta và Amazon Web Services đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Phái đoàn 52 doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong đó có Boeing, SpaceX, Netflix, Apple đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác ở nhiều lĩnh vực. Hình ảnh Đoàn doanh nghiệp Mỹ trao đổi với lãnh đạo Bộ Tài chính sáng 21/3/2023. Ảnh: Bộ Tài chính

Nhìn lại trong 10 năm thực hiện quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, quan hệ thương mại, đầu tư giữa 2 nước có những bước tiến vượt bậc, ổn định và luôn phát triển, nếu 10 năm trước (năm 2013), khi Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, thương mại giữa hai nước mới đạt khoảng 35-36 tỷ USD, năm 2022 tăng gần gấp 4 lần, đạt 124 tỷ USD, so với khi mới bình thường hóa quan hệ ngoại giao thì tăng khoảng 250 lần và Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến hết năm 2022, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 1.216 dự án ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 11,4 tỷ USD, đưa Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Trong đó có những công ty, quỹ phát triển lớn của Mỹ như:

Warburg Pincus là một trong những quỹ đầu tư tư nhân lâu đời nhất và lớn nhất trên toàn cầu, có trụ sở chính tại New York. Kể từ khi thành lập, Warburg Pincus đã huy động được 21 quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư hơn 106 tỷ USD vào hơn 1.000 công ty tại hơn 40 quốc gia. Hiện nay, Quỹ đang quản lý hơn 85 tỷ USD tài sản vốn cổ phần tư nhân, với danh mục đầu tư hoạt động của hơn 200 công ty trong nhiều lĩnh vực, bao gồm bất động sản, dịch vụ tài chính, tiêu dùng, công nghệ… là một trong những nhà đầu tư cổ phần tư nhân lớn tại Việt Nam và Việt Nam là địa điểm đầu tư lớn thứ 3 của Warburg Pincus tại châu Á (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Từ năm 2013 đến nay, Warburg Pincus đã đầu tư xấp xỉ 2 tỷ USD vào các công ty Việt Nam, trong đó có các tập đoàn, tổ chức kinh tế, các dự án kinh tế lớn như: Vincom Retail (Vinhomes), Novaland, VinaCapital, công ty quản lý khách sạn Serenity Holding, doanh nghiệp quản lý các thương hiệu Fusion Resorts, Fusion Suites, Alma Resorts, À La Carte Living, khách sạn Metropole Hà Nội, Ho Tram Project Company, Becamex IDC, Techcombank. Có thông tin từ MoMo – Công ty công nghệ hàng đầu – siêu ứng dụng tại Việt Nam, MoMo đã được Warburg Pincus đầu tư đến gần 2 tỷ USD nhằm đưa MoMo trở thành một trong những kỳ lân công nghệ của Việt Nam… Warburg Pincus kỳ vọng nhiều doanh nghiệp Việt sẽ trở thành những tập đoàn hàng đầu trong khu vực.

KKR là công ty đầu tư toàn cầu của Hoa Kỳ và là một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới. Từ 2011 đến nay, quỹ đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các công ty của Việt Nam với nhiều thương vụ lớn mà nổi bật có Masan, Vingroup, Tổ chức Giáo dục EQuest của Việt Nam. Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình hồi năm 2017 đã có thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chiến lược Synnex Technology International Corporation (Synnex) – tập đoàn lớn thứ 3 thế giới về phân phối sản phẩm công nghệ, viễn thông và linh kiện điện tử có trụ sở tại California, Mỹ.

Lãnh đạo của Warburg Pincus và KKR cũng đã có cuộc hội kiến, trao đổi nhu cầu, kế hoạch hợp tác, đầu tư tại Việt Nam với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 5/2022.

Ông lớn Mondelēz International của Mỹ là tập đoàn thức ăn nhẹ hàng đầu thế giới, vào giữa năm 2015 đã chi gần 8.000 tỷ đồng để mua 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Tập đoàn Kinh Đô (KDC).

Công ty Sản xuất chip bán dẫn Nvidia – doanh nghiệp đứng đầu Hoa Kỳ về lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, với giá trị vốn hóa đạt 992 tỷ USD (tháng 5/2023), là nhà cung cấp máy chủ và AI hàng đầu. Nvidia đã ký thỏa thuận với Viettel với mong muốn trở thành một đối tác của Việt Nam trong quá trình nâng cao năng lực nội địa về AI và có kế hoạch hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) nghiên cứu phát triển hệ thống siêu tính toán với chip A100 của Nvidia để ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục…

Công ty Synopsys là một công ty tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), tập trung vào thiết kế và xác minh silicon, sở hữu trí tuệ silicon cũng như bảo mật và chất lượng phần mềm, cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn, đã mở 4 văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thu hút gần 500 kỹ sư vào làm việc. Synopsys đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch tại Việt Nam với Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ tháng 9/2023, Synopsys đã ký 2 biên bản hợp tác về phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam và về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.

Công ty Meta Platforms (trước đây có tên là Facebook) – tập đoàn công nghệ đa quốc gia, sở hữu và vận hành Facebook, Instagram, Threads và WhatsApp cùng với các sản phẩm và dịch vụ khác. Meta là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới, doanh thu năm 2022 là 116,6 tỷ USD và nằm trong số 10 tập đoàn niêm yết có giá trị lớn nhất tại Hoa Kỳ. Đây được coi là 1 trong 5 công ty công nghệ thông tin lớn của Mỹ, cùng với công ty mẹ của Google là Alphabet, Amazon, Apple và Microsoft. Meta đã bắt đầu sản xuất tại Việt Nam một số thiết bị cho “vũ trụ ảo” metaverse (thuật ngữ chỉ môi trường tích hợp liên kết tất cả các sản phẩm và dịch vụ của công ty) từ trước đại dịch Covid-19 và hợp tác có hiệu quả với Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ Việt Nam thời gian qua, trang Thông tin Chính phủ của Việt Nam đang được đánh giá là fanpage của Chính phủ thành công nhất so với các nước trong khu vực.

Do đại dịch Covid-19 và chính sách zero-Covid của Trung Quốc, Việt Nam đã là sự lựa chọn của một số công ty lớn của Mỹ như: Apple, Intel, Qualcomm, Universal Alloy Corporation (UAC), Nike và Key Tronic EMS chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong năm nay, Tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ đã giành được hợp đồng cung cấp các gói thiết bị phát điện cho các nhà máy điện khí của Petro Vietnam. Tập đoàn Cargill vận hành 12 nhà máy sử dụng khoảng 1.600 nhân viên trên khắp Việt Nam. Tương tự, Apple, Qualcomm, Nike Morgan Stanley, ACORN International, General Dynamics, Hue Capital LLC, Intel, Lockheed Martin International, Google và USTelecom vẫn duy trì hoạt động tại Việt Nam. Gần đây, một số doanh nghiệp Mỹ cũng quan tâm tới thị trường năng lượng của Việt Nam, tháng 3/2023, đại diện tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ – AES cho biết, năng lượng tiếp tục là một lĩnh vực chiến lược quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Tiến bộ trong các dự án năng lượng quy mô lớn của AES và các công ty thành viên khác sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam…

Chiều 20/9/2023, tại New York (Mỹ), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của Mỹ, trong đó có SpaceX và Pacifico Energy. Ảnh: Nhật Bắc

Mới đây, ông Tim Hughes, Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Quan hệ Chính phủ và Kinh doanh toàn cầu của tập đoàn Space X cho biết: Space X dự kiến đầu tư khoảng 500 triệu đô la vào Việt Nam mong, muốn được cấp phép đầu tư cung cấp dịch vụ Starlink tại Việt Nam. Pacifico Energy hiện là nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn nhất của Mỹ với dự án điện Mặt Trời Mũi Né công suất 40 MW ở Bình Thuận và dự án điện gió Sunpro công suất 30MW ở Bến Tre. Chủ tịch Tập đoàn Pacifico Energy mong muốn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam và chia sẻ về ý tưởng phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Các chuyên gia về kinh tế nhận định, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam tháng 9/2023 không những là sự kiện chưa từng có trong lịch sử, mà cũng sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ. Cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các tập đoàn kinh tế Hoa Kỳ tháng 9/2023 sẽ khích lệ những doanh nghiệp hàng đầu thế giới có tiềm lực về tài chính, công nghệ, thị trường… vào những lĩnh vực Việt Nam mong muốn, đó là công nghệ đổi mới sáng tạo, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, môi trường, y tế, giáo dục – đào tạo… Sự chuyển hướng của các doanh nghiệp Mỹ phù hợp với xu thế hợp tác về kinh tế, thương mại là con đường thuận lợi nhất để Mỹ có chỗ đứng ở Việt Nam và khu vực. Tuy nhiên, cơ hội, tiềm năng là vậy, việc các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hoa Kỳ có chọn Việt Nam là “điểm đến” hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, vì lợi ích của doanh nghiệp, các nhà đầu tư Hoa Kỳ tất nhiên phải tính đến rất nhiều khía cạnh liên quan mà Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam phải chú ý tới để giải quyết, khắc phục nhằm tạo môi trường, điều kiện để thu hút các nhà đầu tư Mỹ, trong đó có những vấn đề cụ thể sau đây:

1. Hệ thống luật pháp nước ta mấy năm gần đây đã tháo gỡ nhiều cản trở, tạo thuận lợi cho hợp tác đầu tư và thương mại. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu để phát triển nền công nghệ cao, trong đó phải kể đến các vấn đề về quy hoạch, chính sách đất đai, chính sách thuế, vấn đề thuê nhân công nước ngoài, hợp tác liên doanh với nước ngoài… Chúng ta cần tính toán kỹ để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, song đảm bảo được lợi ích quốc gia, môi trường, an ninh, quốc phòng…

2. Chính phủ và các tỉnh, thành phố cần chuyển biến mạnh mẽ về tư duy trong hoạch định một nền kinh tế công nghệ cao, được thể hiện rõ ràng trong quy hoạch quốc gia và từng vùng kinh tế, phù hợp với khai thác tài nguyên, nguồn nhân lực, môi trường, khí hậu, liên kết kinh tế vùng, đảm bảo an ninh – quốc phòng và an sinh xã hội. Để thực hiện được các yêu cầu nói trên, đề nghị Chính phủ cần coi trọng sử dụng các chuyên gia giỏi, trong đó nâng cao trách nhiệm của Tổ tư vấn Chính phủ hiện có hiện nay.

Việt Nam phải có đội ngũ công nhân trí thức, làm ra được những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao – Khu công nghệ cao Đà Nẵng tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có Diện tích: 1128,40 ha. Nguồn: VNFDI Vietnam

3. Phải thừa nhận nguồn nhân lực của nước ta rất dồi dào, bằng chứng là hàng năm vẫn có hàng chục ngàn lao động không có tay nghề xuất khẩu lao động. Nhưng để bước vào phát triển nền công nghiệp công nghệ cao, thì nguồn nhân lực trí thức là vô cùng quan trọng. Đề nghị Chính phủ chuyển biến mạnh mẽ đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta, trong đó có những khóa học chuyên nghề để có thể ứng dụng sáng tạo và tiếp cận được những phát minh mới của thời đại. Theo đó phải có đội ngũ công nhân trí thức, làm ra được những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Một điều thấy rõ là cần sớm lập các trường dạy nghề cho lớp trẻ ở nước ta; cần đầu tư mạnh mẽ hơn, kết hợp giữa nhà trường và các doanh nghiệp có nhu cầu, cứ như hiện nay thì không đáp ứng được.

4. Đến nay, phải khẳng định các doanh nhân, doanh nghiệp là đội quân xây dựng đất nước. Gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất quan tâm chỉ đạo tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế đất nước. Nhưng xem ra chuyển biến chưa đủ mạnh, nên đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục khích lệ tinh thần và khát vọng của các doanh nhân nước nhà, đồng thời rà soát tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp đang gặp phải, để họ có niềm tin và sức mạnh thực hiện với các đối tác nước ngoài.

Giải quyết tốt và có hiệu quả những vấn đề cụ thể nêu trên là góp phần tích cực nhằm biến cơ hội, tiềm năng để Việt Nam thật sự là điểm đến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC