Thế giới biết đến Việt Nam kể từ khi đánh đuổi thực dân Pháp giành được độc lập, có quốc kỳ, quốc ca từ năm 1945. Kể từ đó tên của nước Việt Nam được vẽ trên bản đồ thế giới. Rồi đến cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường đánh bại các đế quốc sừng sỏ nhất thế giới, giành lại độc lập, thống nhất được đất nước. Tiếp đó, thế giới lại biết đến một Việt Nam kiên cường chiến thắng sự cô lập, chống phá, áp đặt của sự thù địch và bành trướng. Từ đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia có vị trí, có tiếng nói trong khu vực và quốc tế.

Nhìn lại quá trình giành độc lập, xây dựng và bảo vệ đất nước, thành quả to lớn nhất của dân tộc ta là giữ vững an ninh, chủ quyền của đất nước trong hoàn cảnh bên trong và bên ngoài vô cùng khó khăn. Đến nay đã là một quốc gia có vị trí quan trọng ở khu vực và quốc tế. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được khẳng định trong lòng dân tộc – là nguyên nhân và tạo ra động lực cho chiến thắng vĩ đại về khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh và hội nhập quốc tế sâu rộng và nhanh chóng cả thế giới đều biết đến.

Từng là một nước nghèo bậc nhất khu vực, sau hơn 30 năm đổi mới phát triển đất nước, Việt Nam đã có nền công nghiệp, nông nghiệp phát triển, trở thành nước dẫn đầu xuất nhập khẩu về nông sản (gạo, hải sản, gỗ…), cơ sở hạ tầng và trở thành nguồn cung cấp sản xuất và dịch vụ quan trọng cho khu vực và thế giới.

Với chính sách cởi mở và thân thiện, Việt Nam đã là điểm đến của giới đầu tư nước ngoài, là nơi sản xuát các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao để xuất khẩu ra thế giới từ các doanh nghiệp FDI. Nhờ vậy, sự chuyển dịch lao động từ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sang công nhân, công nghiệp và đô thị hóa đã thay đổi sắc diện Việt Nam nhanh chóng, thu nhập của người dân đã được cải thiện, tích lũy của quốc gia ngày một tăng, có đủ tiềm lực để xử lý những vấn đề cấp bách, rủi ro của quốc gia như thiên tai, dịch  bệnh và viện trợ quốc tế.

Một thắng lợi vĩ đại đã được ghi nhận là dân trí nước ta đã chuyển đổi đáng khích lệ. Chính sách giáo dục quốc gia của Đảng phát động đã đưa dân ta thoát nạn mù chữ, các trường đào tạo các cấp được mở ra mạnh mẽ với hàng triệu học sinh, sinh viên. Hàng trăm ngàn thanh niên tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước mỗi năm. Nguồn nhân lực trí thức có tay nghề cao của nước ta được bổ sung ngày càng hùng mạnh và đầy tiềm năng sáng tạo cho sự phát triển quốc gia, nhờ đó có cơ sở hạ tầng, mạng thông tin của nước ta được đánh giá hoàn chỉnh nhất ở khu vực. Nhờ vậy, nước ta đã là một trong những quốc gia có người tham gia Internet và ứng dụng điện thoại thông minh thuộc hàng đứng đầu thế giới. Qua đó, dân nước ta được tiếp cận thông tin và các công nghệ, phát minh của nhân loại nhanh để ứng dụng trong sản xuất và đời sống. Và từ đó ngành viễn thông và truyền hình không ngừng phát triển nhờ vào công nghệ tiên tiến.

Đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế năm 2021 với thành tích 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng

Sự đúng đắn về đường lối và linh hoạt trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã sớm đưa nước ta thoát khỏi sự bao vây, cô lập với thế giới, đã quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia vào hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực và đóng vai trò quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề của Liên hợp quốc.

Đặc biệt, nước ta đã cái thiện quan hệ với các quốc gia đã từng là kẻ thù, đến nay đã trở thành đối tác quan trọng trong kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng; từ đó mở ra cánh cửa hội nhập, hợp tác với nhiều quốc gia, ký kết nhiều Hiệp định đầu tư, thương mại, hợp tác về an ninh, quốc phòng, trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước lớn. Đặc biệt, với vị trí địa chiến lược và tiềm lực quốc gia, Việt Nam có vai trò quan trọng trong Hiệp hội các nước ASEAN. Với vai trò chủ tịch luân phiên nhiều năm, Việt Nam đã gắn kết với các quốc gia ASEAN và trong nội khối là trung tâm thúc đẩy sự hợp tác về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng với các siêu cường và các nước giàu có. Việt Nam đã giành được sự tin tưởng của các nước trên thế giới và khu vực, các nhà lãnh đạo Việt Nam được các nước tôn trọng và ứng xử thân thiện.

Sự ổn định chính trị, an ninh được đảm bảo, quốc phòng được tăng cường cũng là một thắng lợi lớn của nước ta. Không chỉ phục vụ cho sự phát triển mọi mặt của quốc gia, nó còn tạo ra một môi trường chính trị, an ninh quốc tế nơi các nước nhìn nhận Việt Nam là quốc gia đáng sống, thân thiện, cởi mở và là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư quốc tế.

Song tất cả những thắng lợi vĩ đại được gọi là có “một cơ đồ” ấy cũng mới chỉ giữ được cho nước nhà độc lập, thống nhất, thoát được nước nghèo, vươn lên là nước có thu nhập trung bình khá. Nhưng nhìn xa hơn, Đảng đã đánh giá quá trình phát triển còn nhiều bất cập và có nguy cơ tụt hậu so với khu vực và quốc tế. Singapore, Thái Lan. Nhật Bản, Hàn Quốc… đều là những nước giàu có hơn nước ta, năng suất lao động gấp hơn nước ta nhiều lần. So với Trung Quốc cũng là quốc gia có xuất phát điểm đổi mới, sau 30 năm họ đã vươn lên thành nước hùng cường, có nền kinh tế phát triển đứng thứ hai thế giới sau Mỹ và vượt trội về những phát minh, ứng dụng khoa học công nghệ vào nhiều lĩnh vực của Trung Quốc. Hoặc một nền kinh tế như Đài Loan, trong điều kiện quan hệ quốc tế khó khăn hơn rất nhiều so với nước ta, nhưng họ đã lựa chọn cho mình hướng đi đứng đầu thế giới về sản xuất con chip điện tử, nhiều ngành công nghiệp của thế giới phải phụ thuộc vào họ và thế giới phải biết đến họ bằng sự tôn trọng và hợp tác.

Còn đối với nước ta, như đã phân tích, sau hơn 30 năm đổi mới, đã đạt được những thành tựu to lớn, đất nước đã khởi sắc, song vẫn là nước chậm phát triển về kinh tế. Trừ sản phẩm nông nghiệp, cụ thể là gạo, thì chưa có sản phẩm nào ngang tầm với thế giới, sự phát minh, sáng tạo công nghệ và ứng dụng công nghệ vào sản xuất vẫn ở cấp độ thấp nên năng suất lao động chưa được như mong muốn. Do vậy, GDP quốc gia và đầu người vẫn thấp so với nhiều quốc gia. Không những thế, mặc dù vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đã tăng lên đáng kể, song thế giới vẫn nhìn Việt Nam là dân tộc anh hùng, giỏi về chiến tranh nhưng chậm phát triển về kinh tế. Lớp trẻ Việt Nam ra nước ngoài học tập và lao động chịu rất nhiều áp lực tiêu cực từ chính phủ và dân bản xứ, chịu nhiều thiệt thòi về chính sách nhập cảnh, nhập cư và an sinh xã hội.

Vậy câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào làm chậm bước phát triển của nước ta? Trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XIII đã chỉ rõ nguyên nhân mà tất cả mọi người đều nhận thấy. Nghị quyết của Đảng cũng đã xác định rõ mục tiêu phát triển quốc gia đến năm 2045, để khơi dậy khát vọng của dân tộc. Như vậy nhiệm vụ trọng tâm của quốc gia là phải thực hiện cho được mục tiêu do Đại hội Đảng XIII đã vạch ra. Một điều rõ ràng nhận thấy và kinh nghiệm của hơn 30 năm cải cách mở cửa chỉ dừng lại ở các Nghị quyết thì chưa đủ mà Chính phủ phải cụ thể bằng các chương trình phát triển và các dự án cụ thể của quốc gia phải triển khai thực hiện.

Sau một năm vận hành của Chính phủ nhiệm kì XIII, dễ nhận thấy nước ta vẫn phải đối phó với nhiều bất cập và những tồn tại của nhiệm kỳ trước để lại. Nhiều vấn đề như phải xem xét chỉnh sửa luật đất đai, luật đầu tư, luật quy hoạch và vốn; thảo luận đi thảo luận lại chương trình phát triển năng lực quốc gia qua dự án Điện 7, Điện 8 đến nay cũng chưa đưa ra được quyết định cuối cùng. Trong nhiều Hội nghị của Chính phủ đều nhắc tới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hơn nữa, Chính phủ cũng đề cập nhiều lần về hoạt động của Hải quan, về ngành thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu… Tất cả những vấn đề Chính phủ đề cập trong một năm vừa qua (2021) cho thấy, vấn đề cơ chế, chính sách, cụ thể là luật pháp của nước ta vẫn chưa được đổi mới, chưa phù hợp với tốc độ phát triển mới của quốc gia và đó là điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển, nếu không tháo gỡ trong nhiệm kỳ này thì không thể nói gì tới sự chuyển động mạnh mẽ nền kinh tế thị trường hiện nay.

Một vấn đề không khó nhận thấy là hệ thống điều hành quốc gia hiện nay quá cồng kềnh và quyền lực lại phân tán. Cùng trong Chính phủ, cùng một vấn đề nhưng mỗi Bộ lại đưa ra một ý kiến trái ngược nhau, dẫn đến các thông tư, Nghị định hướng dẫn của các Bộ khác nhau. Khi cùng một vấn đề, cấp thực hiện rất khó thi hành. Những tồn tại này không phản ánh góc độ đạo đức, mà do trình độ của cán bộ, có thể có một số cán bộ cấp chiến lược đã bố trí không phù hợp với khả năng của họ. Họ có thể là chuyên gia, giáo sư nhưng không phải là người điều hành và quản lý cấp Bộ. Họ lấy đạo đức và cảm tính để điều hành công việc nên rất khó đòi đỏi thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Chính phủ. Do không kiểm soát được công việc dẫn đến sai phạm, thất thoát nhiều tiền của, tài sản của Nhà nước. Những sai phạm của ngành y tế, công nghệ trong đợt chống dịch vừa qua đã nói lên Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan giám sát, báo chí vẫn nằm ngoài cuộc.

Đảng và Chính phủ đã thành công lớn trong việc tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi cho quốc gia, có nhiều đối tác chiến lược, đặc biệt đã ký được nhiều Hiệp định thương mại và đầu tư với các khối nước và quốc gia có nền kinh tế lớn, đó là cơ hội lớn để đưa nền kinh tế vươn lên mạnh mẽ. Song trong nhiều năm không sử dụng được những lợi thế của quốc gia về địa lý, về tài nguyên, về nguồn lao động để tạo ra các sản phẩm đáp ứng được các nhu cầu của nước ngoài theo các Hiệp định đã ký. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa vào cuộc, chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài FDI họ tận dụng được điều đó và đã cung ứng cho toàn cầu những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Việt Nam chưa có sản phẩm nào như vậy.

Sau 30 năm cải cách và phát triển, nguồn lực lao động của nước ta đã được bổ sung đáng kể, lớp thanh niên trẻ nước ta được đào tạo rất bài bản ở trong và ngoài nước, tiếp thu rất nhanh kiến thức của nhân loại, có năng khiếu về toán, vật lý và công nghệ thông tin. Đến nay đã có nhiều người lập nghiệp rất thành công, họ đã lãnh đạo các tập đoàn lớn về công nghệ thông tin, các tập đoàn sản xuất những sản phẩm có công nghệ cao và còn rất nhiều thanh niên trí thức đang loay hoay lập nghiệp, tiếp cận với công nghệ mới… Chúng ta phải thẳng thắn nhận xét rằng, Nhà nước chưa quan tâm đầy đủ nguồn nhân lực hiện có của nước nhà để họ thực hiện các Hiệp định kinh tế đã ký với nước ngoài, các doanh nghiệp phải bươn chải rất nhiều để vượt qua các rào cản về pháp luật, cơ chế chính sách. Đồng thời Chính phủ cũng chưa tập trung, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm mang tầm quốc tế và khu vực về vốn, đầu tư nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi khác. Vì vậy ta chưa có doanh nghiệp nào, sản phẩm nào độc đáo, xứng tầm quốc tế. Với những thiếu sót trên chúng ta không đáp ứng nhu cầu của quốc tế do không tạo ra được những sản phẩm nội hóa đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu. Do vậy, có thể nói, ta đang đánh mất cơ hội và bỏ lỡ thời cơ.

Những tồn tại trên đây không phải là vấn đề mới. Khi kiểm điểm giữa những nhiệm kỳ, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã vạch ra rất cụ thể, song có điều những vấn đề này vẫn tồn tại kéo dài trong nhiều nhiệm kỳ của nhiều thế hệ cán bộ, rất ít vấn đề có sự chuyển biến tích cực. Vậy vì sao có tình trạng này? Rõ ràng nó tồn tại ở nhận thức và điều hành của các cấp lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Thế giới ngày nay đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nền công nghiệp 3.0 sang 4.0 nhưng tư duy cán bộ vẫn ở thời kỳ đầu của nền kinh tế thị trường. Nếu sự kiên trì, kiên định với các quan điểm và thể chế cũ đã trở thành lạc hậu, mục tiêu phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình khá sẽ không còn phù hợp nữa. Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, thế giới hội nhập, nền kinh tế số, vì vậy cần phải có tư duy mới phù hợp với sự phát triển của thời đại, phải tận dụng mọi sự tiến bộ của công nghệ để bứt phá, đưa nền kinh tế nước ta tiến nhanh ngay và vượt các nền kinh tế trong khu vực. Điều này cần một Chính phủ để dẫn dắt, để không ngừng tạo ra những mục tiêu mới và khích lệ các doanh nghiệp vươn lên làm giàu cho đất nước. Trong chính phủ, cơ quan quốc hội phải có những người cán bộ tinh hoa có đủ tài, tầm và khát vọng phấn đấu cho quốc gia, dân tộc. Không thời đại nào nước ta lại hội tụ đủ các yếu tố gọi là “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” như ngày nay. Đảng và Nhà nước và nhân dân ta đã tạo ra được khung cảnh quan hệ, hợp tác quốc tế vô cùng thuận lợi. Việt Nam đã là bạn và là đối tác của các nước. Việt Nam là trung tâm kết nối khu vực, giới tinh hoa của đất nước phải nắm cho được thuận lợi này làm nền tảng đẩy lùi những nhận thức, quan điểm lạc hậu để bứt phá, loại bỏ những chướng vật, những cơ chế cũ để mở cửa cho nền kinh tế phát triển.

Cảng Hải Phòng được xem là cảng biển lớn nhất nước ta và cũng là một trong ba cảng biển Việt Nam lọt top 50 cảng hiệu quả nhất thế giới trong bảng xếp hạng chỉ số hoạt động cảng container năm 2021

Giới tinh hoa của đất nước với vai trò kiến tạo, dẫn dắt, phải thực sự cầu thị, lắng nghe tiếng nói, những góp ý chân thành của nhân dân, của các chính khách, của trí thức và các doanh nghiệp để lựa chọn con đường phát triển kinh tế của đất nước.

Phải tận dụng vị trí địa lý, địa chính trị, nguồn tài nguyên và nguồn nhân lực của nước ta để tạo ra ngành dịch vụ cảng biển tốt như Singapore và Dubai, phải đưa Việt Nam đến đích là trung tâm tài chính, thương mại của khu vực như Hồng Kông, phải tạo ra một nền công nghiệp hiện đại, có công nghệ cao như Israel, phải là quốc gia có nền công nghiệp xanh, phát triển bền vững, góp phần ổn định an ninh lương thực thế giới.

Là một quốc gia có nền tảng là lực lượng lao động trẻ, giỏi về toán học, vật lý và hóa học, Chính phủ đã và đang chỉ đạo chuyển mạnh về số hóa quốc gia trên các lĩnh vực (chính phủ số, kinh tế số, thương mại số, thành phố thông minh…), nước ta phải có các dự án cụ thể để thực hiện thành công chương trình mang tính thời đại này. Đây là nền tảng cho sự sáng tạo, bùng nổ những phát minh, những sản phẩm đủ sức cạnh tranh quốc tế và khu vực như Đài Loan đã thành công với chip điện tử, làm cho thế giới phải phụ thuộc. Mặt khác, chuyển đổi nền kinh tế số phát triển sẽ huy động được nguồn nhân lực dồi dào, giảm chi phí, tăng năng suất lao động nhanh chóng, tăng trưởng của người dân cũng sẽ tăng lên, chương trình xóa đói giảm nghèo mới được thực hiện ở nước ta. Khi nền kinh tế số phát triển sẽ đem lại những giá trị văn hóa mới cho quốc gia. Người dân nước ta sẽ tiếp cận được những kiến thức mới của thời đại, cuộc sống sẽ văn minh hơn, nền văn hóa của dân tộc sẽ trở nên vững chắc, niềm tin vào Đảng và chế độ ngày càng được củng cố hơn.

Với sự chuyển đổi như thế trong các năm sắp tới, chúng ta tin rằng đất nước sẽ mau chóng trở thành nước hùng cường vào năm 2045 như mục tiêu của Đại hội Đảng XIII đặt ra.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC