Mỗi quốc gia đều có một hệ giá trị riêng, hình thành trên nhiều yếu tố bao gồm cơ sở vị trí địa lý, địa hình, khí hậu và những thăng trầm trong lịch sử. So với nhiều quốc gia khác, thậm chí những nước lớn mới chỉ có lịch sử 300 năm như Hoa Kỳ, Việt Nam đã có ngàn năm lịch sử với một nền văn hoá bắt rễ sâu từ quá khứ. Một lịch sử và văn hoá như vậy xác lập nhiều giá trị đặc biệt trong tính cách con người và bản sắc cộng đồng của đất nước ta.

Giá trị thứ nhất là tinh thần yêu nước và độc lập tự cường. Việt Nam là một đất nước có vị trí địa chính trị đặc biệt với bờ biển dài, là cửa ngõ ra Thái Bình Dương, lại nằm sát một siêu cường là Trung Quốc, nên lịch sử luôn phải đối phó với vô vàn những cuộc xâm lược từ phương Bắc. Với tính chất như vậy, không nhiều  dân tộc có tinh thần yêu nước quật cường như dân tộc Việt Nam ta. Chính tinh thần yêu nước ấy đã giúp Việt Nam giữ vững cương vực trước người láng giềng khổng lồ, lại mở đất về phương Nam để phát triển tiềm lực quốc gia. Tinh thần yêu nước và độc lập tự cường đối với mỗi con người hay quốc gia không tự nhiên mà có, nó là kết quả từ những thách thức mà dân tộc phải đối diện trong ngàn năm lịch sử.

Truyền thống văn hóa cộng đồng ăn sâu vào tiềm thức của làng quê Việt Nam

Giá trị thứ hai là tinh thần đoàn kết, thuỷ chung, đồng cam cộng khổ. Trước sự gây hấn liên tục từ phương Bắc, trong đó có những giai đoạn ngàn năm sống dưới ách đô hộ của ngoại quốc, người Việt Nam nếu không học cách đoàn kết với nhau để cùng chịu đựng và vượt qua khó khăn thì chắc chắn đã bị hòa tan vào nền văn hoá khác. Không biết bao lần cả quốc gia đã hợp thành một khối, cùng đồng lòng “Sát Thát” để chống trả và chiến thắng những thế lực bất khả chiến bại như quân Nguyên Mông. Giá trị này gắn kết dân tộc trở thành một khối thống nhất, cùng hi sinh vì mục tiêu lớn nhất là sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia cho dù chấp nhận hi sinh thậm chí cả sinh mạng từng cá nhân để đối lấy khối gắn kết cộng đồng.

Giá trị thứ ba là tinh thần hòa khí, nhân ái và khoan dung. Là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi đạo Khổng, người Việt Nam luôn coi trọng tinh thần dĩ hoà vi quý, coi trọng chữ tình, coi trọng quan hệ gắn bó như trong một gia đình. Chính vì thế, Việt Nam cũng là dân tộc rất yêu chuộng hòa bình và thù ghét chiến tranh. Tuy hoàn cảnh lịch sử đẩy đất nước vào nhiều cuộc chiến, sau cùng, tinh thần dĩ hoà vi quý của đạo Khổng vẫn là chủ đạo, khiến chúng ta dễ dàng gác lại quá khứ, xây dựng lại mối quan hệ hữu hảo với kẻ thù trên tinh thần tha thứ và khoan dung. Có thể nói, Việt Nam chính là một biểu tượng của hòa giải và hoà hợp. Thái độ khoan hòa này tạo tiền đề cho việc hội nhập và xây dựng lại đất nước sau mỗi cuộc chiến tranh gây biết bao tổn thất về người và của.

Giá trị thứ tư là truyền thống cần cù, chăm chỉ và hiếu học của người Việt. Đạo Khổng coi trọng hệ thống khoa bảng, đỗ đạt để ra làm quan phụng sự đất nước. Vì vậy, từ xa xưa, người Việt đã lấy học hành làm nền tảng để tiến thân, lấy sự hiếu học làm cơ sở đánh giá sự thành đạt của mỗi cá nhân. Hơn thế nữa, là quốc gia nông nghiệp sống chủ yếu bằng lúa gạo nhưng lại nằm sát biển ở khu vực nhiệt đới gió mùa, đất nước năm nào cũng phải chịu đựng biết bao thiên tai địch hoạ như bão tố, lũ lụt. Người nông dân không còn cách nào khác phải chăm chỉ lao động, nỗ lực sáng tạo và thích nghi để vượt qua nghịch cảnh thiên tai, và từ nhiều đời nay, cha ông ta luôn quan niệm hiếu học là cách tốt nhất để thoát ra khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Những quan niệm này ăn sâu trong tâm thức người Việt.

Cần cù trong lao động sản xuất là bản sắc của người Việt Nam

Hệ giá trị gồm các đặc điểm như nói ở trên đã thể hiện rõ ràng trong hành trình lịch sử dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong thế kỷ 20. Tinh thần yêu nước quật cường đã khởi sắc hơn bao giờ hết trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sự đoàn kết toàn dân đã trở thành sức mạnh tinh thần vô địch, giúp đất nước chiến thắng những cường quốc với sức mạnh quân sự lớn gấp trăm ngàn lần. Rồi chính tinh thần hoà giải hoà hợp lại tạo cơ sở để Việt Nam bắt tay với kẻ thù cũ, đổi mới và hội nhập thành công vào thế giới hậu chiến tranh lạnh. Truyền thống cần cù hiếu học đã chứng tỏ giá trị khi giúp người Việt nhanh chóng nắm bắt xu thế mới và đổi mới thành công nền kinh tế dựa trên cơ sở tri thức và toàn cầu hoá cuối thế kỷ 20.

Trải qua bao thăng trầm như đã nói trong thế kỷ, hệ giá trị quốc gia không hề mất đi mà ngược lại càng toả sáng. Hệ giá trị đã giúp Việt Nam vượt qua ngàn năm Bắc thuộc cũng chính là hệ giá trị đã đưa dân tộc tới chiến thắng trước đế quốc thực dân, và cũng chính hệ giá trị ấy lại khẳng định và nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn hội nhập. Chúng ta thừa hưởng những thành quả của sự phát triển như hiện nay là nhờ những hệ giá trị mà cha ông ta hun đúc trong ngàn năm lịch sử.

Tuy vậy, phải thừa nhận rằng đổi mới kinh tế quá nhanh chóng và hội nhập sâu vào một thế giới với nhiều nền văn hoá ngoại lai có mặt tích cực nhưng cũng để lại không ít tiêu cực đối với giá trị quốc gia. Khi mở cửa với thế giới, có không ít những luồng giá trị khác xâm nhập, đặc biệt với sự lan toả của Internet và mạng xã hội, đã có không ít biểu hiện chứng tỏ cơ thể Việt Nam không đề kháng được những tư tưởng bên ngoài, khiến giá trị truyền thống của đất nước bị xâm hại.

Trên phạm trù đạo đức và văn hoá, chúng ta đang chứng kiến không ít khía cạnh xã hội nhức nhối. Xuất hiện quá nhiều những biểu hiện mất an ninh, an toàn xã hội gây lo lắng bức xúc, từ tín dụng đen, buôn người, buôn bán ma tuý, thuốc giả tới kinh doanh thực phẩm bẩn. Làm giàu là nhu cầu chính đáng nhưng mỗi cá nhân và doanh nghiệp thi nhau làm giàu bất chấp lợi ích chung của cộng đồng và đất nước là đặc biệt đáng quan ngại. Nguy hiểm không kém là lợi ích cộng đồng bị thay thế bằng lợi ích phe nhóm, thậm chí tận dụng tài nguyên đất nước để biến đó thành cơ hội kiếm tiền. Nhiều vụ án tham nhũng mà chúng ta đã đem ra xét xử trong năm 2018 là những minh chứng.

Những khía cạnh đáng lo này thể hiện rằng tinh thần yêu nước, giá trị cố kết cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái trong xã hội ta đang bị suy giảm. Đó chính là hệ giá trị cốt lõi của dân tộc. Hệ giá trị này chưa mất đi nhưng đang ở giai đoạn chuyển giao, bị pha tạp với các giá trị từ bên ngoài, bị bóp méo bởi lợi ích cá nhân và bị lãng quên trong một xã hội phát triển quá nhanh. Tinh thần hiếu học vẫn thấy rõ trong giới trẻ nhưng nhiều người trong số họ cố học để được đi nước ngoài thay vì quay lại phụng sự đất nước. Lựa chọn sống thế nào là việc của mỗi cá nhân và đều được tôn trọng, nhưng sự hướng về đất nước vẫn mãi là giá trị cần bảo tồn, đặc biệt trong người trẻ Việt Nam.

Sự phát triển kinh tế là ưu tiên nhưng không thể chạy theo phát triển về số lượng mà đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Dân tộc ta có vị thế trên thế giới hay không chính là nhờ chúng ta có giữ được các giá trị của mình hay không. Giàu có về vật chất cũng không có được sự tôn trọng từ bạn bè quốc tế bằng sự giàu có về bản sắc văn hoá. Giới lãnh đạo tinh hoa phải đặc biệt chú ý và thức tỉnh quốc gia về những giá trị cốt lõi này. Hối thúc tăng trưởng bằng mọi giá trong khi hi sinh hệ giá trị truyền thống sẽ không bao giờ là tăng trưởng bền vững.

Thực tế cho thấy chính hệ giá trị mới là động lực để thúc đẩy tăng trưởng. Một số tập đoàn lớn tăng trưởng ngoạn mục, có vị thế trong những doanh nghiệp lớn nhất Châu Á và có thứ hạng trên thế giới nhờ đề rõ trong văn hoá công ty những cột trụ chính là hệ giá trị Việt Nam. Đó là yêu nước, kỷ luật và văn minh. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần nhân ái và sự chăm chỉ lao động là sức mạnh thúc đẩy công ty phát triển, cũng là lực đẩy toàn bộ đất nước đi lên. Thực tế cũng chứng minh những cá nhân hay doanh nghiệp nào xa rời những giá trị này cũng chỉ phát triển trong ngắn hạn, rồi đi vào con đường suy thoái, diệt vọng. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phải đi vào vòng lao lý vì đánh mất những giá trị trường tồn vốn là nền tảng của văn hoá Việt.

Bước sang thế kỷ 21, đất nước đang chứng kiến nhiều điểm sáng và chúng ta có thể tin tưởng rằng những giá trị đã xác lập nên vị thế của Việt Nam trong thế kỷ 20 sẽ tiếp tục chỉ đường cho chúng ta đạt tới những thành công mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế trong thế kỷ 21, một thế kỷ biến động nhưng cần hơn bao giờ hết những giá trị trường tồn làm cột trụ, như những giá trị mà Việt Nam đã nắm giữ trong suốt lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của mình.

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC