Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Comprehensive and Progressive Trans- Pacific Partnership, viết tắt là CP-TPP) do 11 nước (Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam) ký kết tại Chi lê vào tháng 3 năm 2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam từ 14 tháng 1 năm 2019, là hiệp định thương mại tự do đa phương cho một thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu dân và 13% GDP toàn cầu, mở cửa cho các nước khác tiếp tục tham gia.
Hiệp định này được coi là rất có lợi và rất quan trọng cho Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích to lớn do Hiệp định đem lại, Việt Nam phải vượt qua được những thách thức không nhỏ. Thách thức đầu tiên là cần phải thấu hiểu những nội dung của Hiệp định đồ sộ với 30 chương. Việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc toàn bộ nội dung Hiệp định CPTPP đòi hỏi cần có thời gian, sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan dưới nhiều góc độ khác nhau.
Dưới góc độ chính sách, cần lưu ý một số đặc điểm sau đây của Hiệp định, tác động của nó tới Việt Nam và dự kiến biện pháp trước mắt cũng như lâu dài để triển khai thực hiện Hiệp định có hiệu quả nhất đối với nước ta.
1. Hiệp định CPTTP là một hiệp định thương mại tự do ở một mức độ cao hơn trong tiến trình nhất thể hoá kinh tế thế giới và đẩy mạnh tự do hoá thương mại toàn cầu diễn ra từ những năm 90 của thế kỷ trước cho đến ngày nay, phù hợp với các quy định của WTO cũng nhưng các thoả thuận tự do thương mại khác mà Việt Nam đã kí kết.
Bằng việc tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về hội nhập kinh tế sâu rộng vào cộng đồng kinh tế quốc tế và là một thành viên tích cực của đời sống kinh tế thế giới; từng bước không chỉ chấp nhận quy tắc luật chơi chung của cộng đồng kinh tế quốc tế, mà ngày càng tích cực tham gia xây dựng các quy tắc luật chơi chung đó.
Mặt khác, kinh tế thị trường Việt Nam còn non trẻ, đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp, nên gánh nặng xây dựng thể chế rất nặng nề và khó khăn; một mặt tạo điều kiện cho thể chế thị trường ra đời và phát triển, mặt khác phải xử lý các gánh nặng và hậu quả phức tạp của cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp để lại, mà khó khăn nhất là cách tư duy cũ của nhiều thế hệ nhiều khi mà môi trường đã có nhiều thay đổi cơ bản.
2.Hiệp định CPTPP có những quy định chung mở cửa mạnh mẽ cho hàng hoá, dịch vụ giữa các nước CPTPP, đưa thuế suất hàng hoá nhập khẩu về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, đồng thời lại có những thoả thuận riêng giữa từng hai nước tham gia Hiệp định, có những quy định bảo lưu, ngoại lệ cho một số nước về một số nội dung của Hiệp định.
Như vậy, Hiệp định CPTPP vừa là một hiệp định tự do thương mại đa phương, vừa bao hàm nhiều hiệp định tự do thương mại song phương. Đây là một sự sáng tạo của Hiệp định: vừa tuân thủ quy định chung mà tất cả các nước phải nhất trí, vừa chấp nhận sự khác biệt về trình độ phát triển và tập quán giữa các nước; tạo điều kiện cho các nước có nền kinh tế yếu hơn vươn lên theo lộ trình một số năm tuỳ theo loại hàng hoá, dịch vụ, thủ tục, từng bước cùng tuân thủ luật chơi chung của cả khối. Các nước lớn, các nước phát triển là đầu tầu, động lực cho cả khối và tạo nên những nội dung mang tính nền tảng của Hiệp định.
Hiệp định này giúp Việt Nam tiết kiệm thời gian, công sức khi chưa kí kết thoả thuận tự do thương mại song phương với Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Peru, mở rộng được một cách mạnh mẽ thị trường của mình với nhiều lợi thế mới trong bối cảnh cạnh tranh thị trường quốc tế ngày càng gay gắt và thế giới đang có sự thay đổi trật tự lớn về an ninh, chính trị, kinh tế một cách phức tạp; cũng như có thể học tập các nước phát triển, đi trước, nhất là trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Hơn nữa, ngoài việc hưởng lợi ích từ những quy định chung, Việt Nam còn được hưởng những ưu đãi, thuận lợi từ những thoả thuận riêng với từng nước trong khối. Vấn đề còn lại chỉ là nhận thức được rõ các lợi ích, ưu đãi, thuận lợi đó và khả năng tiếp cận thị trường các nước trong khối một cách chủ động và tích cực, theo đó gánh nặng sẽ đặt trước hết lên vai các doanh nghiệp Việt Nam.
3.Hiệp định CPTPP bên cạnh tuân thủ các nguyên tắc chung của WTO mà nổi bật là quy tắc Tối huệ quốc (MFN), đã đề ra nhiều quy định thuận lợi hơn nhiều cho trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa các nước CPTPP, đồng thời đưa ra nhiều quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn khi triển khai thực hiện nội dung Hiệp định nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định, cũng như tránh được sự lạm dụng trong thực thi. Nổi bật nhất là những quy định về mở cửa đối với hàng hoá (nêu tại chương 2), cũng như về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ (chương 3); quy định về triển khai Hiệp định và giải quyết tranh chấp (chương 27 và chương 28); v.v.
4.Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam được hưởng nhiều lợi ích nhất từ Hiệp định CPTPP, bên cạnh việc được hưởng nhiều lợi ích chung của cả khối trong khi rất cần tiêu thụ nhiều hàng hoá được sản xuất trong nước và cạnh tranh thị trường quốc tế rất gay gắt, còn được hưởng ưu ái khi tỷ lệ danh mục hàng hoá phải mở cửa ngay là thấp nhất và được bảo lưu, chậm thực hiện một số quy định trong mở cửa thị trường. Từ đó, một mặt giúp Việt Nam có thời gian hoàn thiện thế chế, chính sách, nâng cao tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ. Nhưng, mặt khác, có thể gây nguy cơ mất thời cơ, trì trệ trong việc hoàn thành nghĩa vụ của mình trong thực thi Hiệp định.
Hiệp định có chương riêng quy định về mở cửa hàng dệt may (chương 4). Hàng dệt may là thế mạnh của Việt Nam, nhưng cũng là mặt hàng đối mặt với nhiều sự cạnh tranh, thủ tục ưu đãi phức tạp, chặt chẽ, nhất là đối với nguyên liệu để tránh việc lạm dụng. Vấn đề là, hệ thống pháp luật và doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thích ứng với các quy định đó để được hưởng ưu đãi.
5.Hiệp định CPTTP không chỉ quy định về mở cửa hàng hoá, dịch vụ, mà còn mang tính toàn diện, bao gồm cả các quy định về các lĩnh vực khác và mới, như: nhập cảnh cho nhà kinh doanh, đầu tư, viễn thông, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên nền tảng lợi ích kinh tế chung. Nói cách khác:
Hiệp định CPTPP sẽ gắn kết 11 nước thành viên không chỉ về kinh tế, thương mại, mà còn cả về các mặt chính trị, an ninh, xã hội, môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra sức mạnh không lồ cho toàn khối cũng như cho từng nước về kinh tế, chính trị, vị thế trên trường quốc tế.
6. Hiệp định CPTTP có liên quan tới cả nhà nước/chính phủ và khu vực doanh nghiệp.
Nhà nước có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định với tư cách là một bên kí kết, tiến hành cải cách và tạo ra những thế chế hữu hiệu để các điều khoản được thực thi, như các thủ tục cần thiết, minh bạch; xử lý khiếu nại, tranh chấp; v.v. Nói ngắn gọn, nhà nước phải có trách nhiệm tạo môi trường thể chế và hạ tầng cơ sở cho tự do lưu thông hàng hoá, dịch vụ giữa các nước thành viên CPTPP.
Các doanh nghiệp với tư cách là đối tượng của Hiệp định và là những người hưởng lợi trực tiếp đòi hỏi phải có năng lực quản trị có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp tầm quốc tế; chuyển đổi, cơ cấu lại các ngành sản xuất, ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh với hàng ngoại; các doanh nghiệp không những hiểu rõ nội dung của Hiệp định CPTPP, mà còn phải chủ động, tích cực tiếp cận thị trường các nước thành viên CPTPP từ đó thụ hưởng các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời có thể tránh được các bất lợi, thua thiệt có thể xảy ra. Trong đà tiếp tục tự do hoá thương mại toàn cầu, có thể rồi sẽ có thêm những hiệp định tự do thương mại đa phương tương tự CPTPP hoặc cởi mở hơn thế sẽ ra đời. Khi đó những lợi thế của CPTPP hôm nay sẽ giảm đi hoặc không còn có ý nghĩa như nó đã có.
Như vậy, tinh thần của Hiệp định CPTTP phù hợp với chủ trương của Đảng ta về xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó kinh tế ngày càng phát triển, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, môi trường ngày càng an toàn, trong sạch.
Xét trên toàn cục, Hiệp định CPTPP là rất có lợi cho Việt Nam, phù hợp với nhu cầu tự thân cải cách và phát triển của Việt Nam theo đường lối, chủ trương của Đảng. Vì vậy, xin nêu một số kiến nghị sau đây:
Các chương trình thực thi Hiệp định CPTPP sẽ là sự chuẩn bị và cơ sở tốt cho thực thị Hiệp định EVFTA- Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu cũng rất quan trọng đối với Việt Nam đang chờ được Hội đồng Châu Âu thông qua, và là Hiệp định thương mại tự do đa phương của Việt Nam sau AFTA và CPTPP.
Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp cần triển khai ngay các chính sách, biện pháp, kế hoạch hoạt động ưu tiên vào những ngành hàng, mặt hàng, dịch vụ có lợi thế lớn phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP, cũng như thu hút đầu tư và công nghệ tiên tiến từ các nước này; gắn kết thực hiện Hiệp định vào xây dựng chiến lược phát triển và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn tới sẽ được trình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, tận dụng tối đa các cơ hội, sự thuận lợi và lợi ích của Hiệp định đối với nước ta nhằm phục vụ phát triển đất nước ta một cách vững chắc, hiệu quả.
Nhà nước cần khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức đi sâu nghiên cứu, giảng dạy một cách cơ bản và có hệ thống các định chế kinh tế, tài chính quốc tế khi Việt Nam đã và đang ngày càng tham gia sâu sắc vào luật chơi chung của thế giới.
Hiệp định CPTPP đã được Việt Nam kí kết, đã có hiệu lực từ 14.1.2019. Vấn đề còn lại là triển khai thực hiện Hiệp định. Các cơ hội, lợi ích của Hiệp định không phải tự nhiên đi đến cho nước ta mà đỏi hỏi nước ta phải vượt qua thử thách và hoàn thành các trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đã được cam kết. Việc triển khai thực hiện tốt Hiệp định sẽ khẳng định không chỉ uy tín, sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, mà còn mang lại những lợi ích chiến lược to lớn cho nước ta trong bối cảnh một thế giới đang có nhiều biến động mang tính bão táp và thay đổi sâu sắc./.