Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 đã họp trong 3 ngày, từ 16 – 18/2/2024 tại Munich, Liên bang Đức. Đây là Hội nghị hàng năm, bắt đầu từ năm 1963, với sự khởi xướng của Mỹ, Đức và một số thành viên của NATO. Hội nghị lần thứ 60 năm 2024 có chủ đề “thông qua đối thoại, thúc đẩy hòa bình” (Peace through Dialogue), có trên 700 đại biểu đến từ 120 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, trong đó có 50 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ; có sự hiện diện của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thống Ukraine Zelensky, Tổng thống Israel Isaac Horzog, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, lãnh đạo của NATO và EU, cùng với nhiều Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Cố vấn An ninh quốc gia. Nga, Iran và Triều Tiên không được mời dự. Hội nghị, dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Tây Ban Nha và Cố vấn an ninh của Tổng thống Pháp, thảo luận các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, chuỗi cung ứng và an ninh kinh tế, trí tuệ nhân tạo, cải cách Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; nội dung được quan tâm nhất là vấn đề Ukraine, mở rộng NATO và nguy cơ ở Trung Đông.

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị quốc tế lên cao hơn bao giờ hết; kinh tế toàn cầu trì trệ, giảm phát kéo dài. Cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, nguy cơ xung đột Nga – NATO, thậm chí là xung đột hạt nhân được cập nhật hàng ngày, khả năng xung đột quân sự Hamas – Israel mở rộng thành chiến tranh Trung Đông lần thứ ba càng gần kề. Về kinh tế, báo cáo tháng 1/2024 của Liên hợp quốc (LHQ) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 2,7% năm 2023 xuống 2,4% năm 2024 và dù năm 2025 tăng lên 2,7% vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 3% của thời kỳ trước Covid-19. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ giảm từ 2,5% năm 2023 xuống 1,4% năm 2024; tăng trưởng của EU chỉ đạt 1,2%; của Nhật Bản giảm từ 1,7% xuống 1,2%; của khu vực Đông Á, vốn là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ 4,9% xuống 4,6%; của Trung Quốc giảm từ 5,2% xuống 4,7% năm 2024 và tiếp tục giảm xuống 4,1% trong năm 2025; Ấn Độ, nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cũng giảm từ 6,3% năm 2023 xuống 6,2% năm 2024. Nhìn chung Hội nghị Munich lần này diễn ra trong không khí bi quan bao trùm, an ninh bất an, kinh tế sa sút.

Cũng giống như mọi năm, lần này Ủy ban trù bị Hội nghị cũng đưa ra “Báo cáo” trù bị trước khi chính thức khai mạc Hội nghị. Báo cáo trù bị lần này có tiêu đề: “Báo cáo an ninh Munich 2024: thất bại và thất bại?” (Munich Security Report 2024: Lose-Lose?). Đáng chú ý là các báo cáo trù bị các Hội nghị an ninh Munich từ 2020 đến nay đều mang đậm màu sắc bi quan, báo cáo 2020 với chủ đề “sự mất mát của phương Tây”, năm 2022 xuay quanh việc tìm cách “thoát khỏi cảm giác không được hỗ trợ”, năm 2023 nhấn mạnh đến nguy cơ của “Chủ nghĩa cơ hội”, năm nay là “thất bại và thất bại”, đều toát lên sự phản tỉnh của giới nghiên cứu phương Tây về một thế giới đang biến đổi đến chóng mặt hiện nay và nỗi lo đối với chiều hướng đi xuống của uy quyền phương Tây. Từ Hội nghị có thể thấy hai vấn đề trọng điểm mà giới quan sát chú ý: Một là, trong tình hình đầy những nhân tố bất xác định hiện nay, Liên minh xuyên Đại Tây dương (NATO) do Mỹ cầm đầu sẽ lựa chọn hành động như thế nào để có thể tác động mang tính dẫn dắt hướng đi của thế giới trong tương lai? Liệu có thúc đẩy được hòa bình? Hai là tái tiếp xúc Trung – Mỹ tại Hội nghi đã đưa ra những tín hiệu gì mới?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2024. Ảnh: Agence France-Presse

Báo cáo trù bị của Hội nghị này được công bố vào ngày 12/2, trước khi Hội nghị chính thức khai mạc 4 ngày. Báo cáo nhấn mạnh, “cùng với sự gia tăng của căng thẳng địa chính trị và sự châm lại của nền kinh tế, tinh thần hợp tác quốc tế đang bị tổn thương, nhiều quốc gia đang bắt đầu xem xét lại vai trò và sách lược của họ trên vũ đài quốc tế, ngày càng tập trung cho bảo vệ lợi ích của bản thân họ, cho dù cơ sở đã nâng đỡ cho trật tự quốc tế lâu nay có bị phá hoại, họ cũng mặc kệ”. Báo cáo cho rằng đây không phải là hiện tượng cá biệt quốc gia, vùng hoặc khu vực nào mà là hiện tượng chung mang tính toàn cầu; Từ xung đột quân sự ở châu Âu, đến sự căng thẳng an ninh ở Trung Đông rồi đến sự an toàn của các chuỗi cung ứng toàn cầu đều nói lên điều này. Tất cả đều phản ánh một thực tê rộng lớn hơn: Trong môi trường quốc tế hiện nay, đang thiếu vắng các cơ chế, các quy tắc đa phương có hiệu lực, cùng với đó là sự giảm sút lòng tin đối với những cơ chế, những quy tắc hiện có, Báo cáo điều tra theo “chỉ số an ninh Munich” (Munich Security Index) cho kết quả: đa số dân chúng tại các nước G-7, BRICS (trừ Nga) và Ukraine đều cho rằng trong 10 năm tới, quốc gia của họ càng mất an ninh, kinh tế sẽ càng xấu đi. Dân chúng Ukraine tỏ thái độ bi quan về tương lai an ninh và phồn vinh kinh tế của nước họ, cho thấy họ không còn chịu đựng nổi cái giá mà họ phải trả cho sự tiếp tục kéo dài chiến tranh. Báo cáo trù bị của Hội nghị nhận định, Chủ nghĩa lạc quan được hình thành sau Chiến tranh lạnh về hòa bình ổn định và phát triển kinh tế đã tiêu tan, thế giới đang đứng trước nguy cơ “hai thua” (thua cả về an ninh và cả về kinh tế); đây có thể là sự khái quát về chủ nghĩa bi quan mới, đã bao trùm toàn bộ Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60.

Phái đoàn hùng hậu nhất tại Hội nghị là phái đoàn Mỹ, gồm 48 đại biểu trong đó có Phó Tổng thống Harris, Ngoại trưởng Blinken, Cố vấn An ninh của Tổng thống Sullivan, Bộ trưởng Quốc phòng Austin, Cố vấn của Tổng thống về biến đổi khí hậu John Kerry, Đặc sư về an toàn lương thực toàn cầu Cary Fowler cùng Cựu Chủ tịch Hạ Viên Nancy Pelosi và nhiều nghị sĩ Quốc hội thuộc cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, nhiều học giả, đại diện các tổ chức phi chính phủ. Đáng chú ý là trước khi Hội nghị khai mạc, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, nếu ông ta thắng cử, những thành viên NATO không có ngân sách quốc phòng đạt 2% GDP thì sẽ không được Mỹ bảo vệ trước cuộc tấn công của Nga vào NATO, nếu nó xẩy ra. Tuyên bố này của ông Trump đã gây xôn xao và lo ngại cho châu Âu và các đồng minh của Mỹ. Cùng với tuyên bố của Trump, Quốc hội Mỹ không thông qua được Luật viện trợ nước ngoài, khoản 50 tỉ USD viện trợ cho Ukraine cũng bị gác lại, viện trợ tài chính của EU cho Ukraine đã vượt qua Mỹ… khiến đồng minh châu Âu của Mỹ lo ngại Mỹ sẽ bỏ rơi họ, nhất là Ukraine.

Tại Hội nghị, Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi đồng minh “không được bỏ rơi Ukraine”. Do vậy, có thể nói, Mỹ cử một đoàn đại biểu hùng hậu, có quyền uy như vậy đến Hội nghị trước hết là nhằm làm yên lòng đồng minh châu Âu và nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ trong bảo đảm an ninh toàn cầu, nghĩa là vì lợi ích của Mỹ chứ không phải là “đối thoại để thúc đẩy hòa bình” như chủ đề của hội nghị. Trong phát biểu của mình, Phó Tổng thống Mỹ Harris khẳng định quyết tâm của Mỹ trong “đối kháng với “Chủ nghĩa uy quyền” và “Chủ nghĩa biệt lập”, ám chỉ đối kháng với Nga, Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ sẽ cùng với đồng minh “bảo vệ dân chủ và các quy phạm quốc tế”, theo các tiêu chí của Mỹ. Không thấy bóng dáng của một phương án nào nhằm “thúc đẩy hòa bình”. Đáng nói hơn là ngày 26/2, ngay sau Hội nghị, Tổng thống Pháp Marcon đã đưa ra một tuyên bố “động trời” rằng “NATO không loại trừ khả năng đưa quân đến trực tiếp hỗ trợ Ukraine trên chiến trường”. Khi mà thế giới e rằng ông Marcon có thể đã nhầm lẫn thì chính ông ta, Tổng thống Pháp Marcon, ngày 29/2 lại lên tiếng khẳng định ông ta “không lỡ lời” mà đã suy nghĩ kỹ từng câu từng chữ trước khi đưa ra tuyên bố trên. Nhiều người thắc mắc, không hiểu đây là động tác cốt để được nổi tiêng của cá nhân ông Marcon hay là đại diện cho tư duy của giới lãnh đạo NATO, của Mỹ và phương Tây nói chung? Nếu vậy rõ ràng NATO và phương Tây định “thúc đẩy hòa bình” bằng tiếp tục kéo dài chiến tranh, diệt bằng được nước Nga mới thôi chứ không phải “thông qua đối thoại”, trái với tôn chỉ của Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2024, Tổng thống Ukraine Zelensky nói rằng nếu Ukraine thua Nga trong cuộc chiến tranh này thì đó sẽ là “thảm họa” không chỉ với Kiev mà với cả các quốc gia khác nữa. Ảnh: AP

Về Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Blinken hội đàm với Tổng thống Israel Isaac Horzog mà không tiếp xúc với Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cùng có mặt tại Hội nghị. Blinken nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tạo ra cảm giác được an ninh cho Israel, cổ vũ cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Ả rập Xeut. Blinken cũng nhắc tới sự cần thiết phải xây dựng một “quốc gia Palestine”. Trong hội đàm với Tổng thống Israel, hai bên đã thảo luận về những nỗ lực để đạt đến hiệp định trao đổi con tin và thực hiện ngừng bắn để có thể đưa càng nhiều hàng viện trợ nhân đạo vào khu vực Gaza, ngoài ra còn đề cập đến vấn đề cơ cấu quản trị Gaza sau cuộc chiến. Blinken không có bất cứ động tác gây áp lực nào với Israel buộc nước này ngừng tấn công quân sự, gây ra thảm họa nhân đạo ngày càng nghiêm trọng tại dải Gaza. Dư luận cho rằng, trên thực tế Mỹ đang đứng về phía Israel, trở ngại lớn cho việc thúc đẩy hòa bình tại khu vực Trung Đông.

Hội nghị coi cuộc chiến Nga – Ukraine và xung đột Trung Đông là chủ đề chính của Hội nghị nhưng lại không mời hai nhân tố chi phối chủ yếu cho việc tái tạo hòa bình tại Châu Âu và Trung Đông là Nga và Iran tham dự. Điều này trái với logic thông thường, giả thử hội nghị có đạt được một phương án hòa bình tại châu Âu và Trung Đông đi chăng nữa thì sẽ lấy ai để thực hiện khi hai nhân tố chi phối chủ yếu trên không có tiếng nói của họ trong phương án ấy! Thực tế cho thấy Mỹ và phương Tây đã và đang tìm mọi cách để hạ gục nước Nga, loại bỏ Putin nhưng ý đồ đó hầu như đã thất bại, nước Nga của Puitn không những vẫn đứng vững mà còn phát triển nhanh hơn, vững hơn mọi dự báo của thế giới. Các nhà tổ chức Hội nghị còn dùng “tiểu tiết” mời vợ góa của “lãnh tụ” phe đối lập Nga Alexei Navalny phát biểu tại Hội nghị đòi truy tố Putin về cái chết của nhân vật này nhưng xem ra cũng không có mấy ảnh hưởng trong dư luận. Sau tuyên bố nói trên của Tổng thống Pháp Marcon, phía Nga đã phản ứng dữ dội. Ngày 29/2, Putin tuyên bố, các nhà lãnh đạo phương Tây không hiểu rằng sự can thiệp của họ vào công việc nội bộ của Nga (chỉ việc đưa quân đội NATO tham chiến ở Ukraine) tiềm ẩn những nguy cơ lớn đến mức nào, và ông cảnh cáo, “Nga cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Những diễn biến hiện nay có thể dẫn đến cuộc xung đột hạt nhân và sự hủy diệt của nền văn minh thế giới”. Putin còn nhắc nhở các chính trị gia phương Tây chớ quên số phận của Adolf Hiller và Hoàng đế Napoleon của nước Pháp  đã thất bại khi tấn công vào nước Nga trong quá khứ và thêm rằng, hậu quả bây giờ còn bi thảm hơn rất nhiều. Mỹ và phương Tây cũng đang thiết kế phương án tịch thu khối tài sản 300 tỉ USD của Nga đang bị Mỹ và châu Âu nắm giữ để cung cấp cho Ukraine. Hành động này không khác gì đổ thêm dầu vào lửa trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Nga coi đây là “hành động ăn cướp”, “hành động trộm cắp” và sẽ có đáp trả tương xứng.

Iran là cường quốc khu vực Trung Đông, là một trong những trụ cột của liên minh Ả rập và thế giới Hội giáo, không có tiếng nói và vai trò của Iran, bất cứ một giải pháp hòa bình nào cho khu vực Trung Đông đều sẽ bất khả thi.

Hội nghị An ninh Munich 2024 kết thúc mà không mang lại triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như ở Dải Gaza. Hình ảnh nạn đói ở Dải Gaza hiện nay. Ảnh: DailySabah

Thực tế đã cho thấy Hội nghị An ninh Munich đã và sẽ không thực hiện được mục tiêu “thông qua đối thoại để thúc đẩy hòa bình” mà Hội nghị đã đề ra; thế giới sẽ càng bị chia rẽ, sự hình thành “hai trận tuyến” trên bản đồ thế giới càng trở nên rõ ràng, an ninh càng bất an và không giúp ích gì cho khôi phục kinh tế toàn cầu đang gồng mình để ra khỏi suy thoái. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký LHQ Atonio Guterres nhấn mạnh thế giới đang đối mặt với những thách thức mang tính thực chất; so với 75 năm đã qua, thế giới càng chia rẽ hơn. Giờ đây, một số nước thiếu trách nhiệm, muốn làm gì thì làm theo ý mình. Song giờ đây, cũng là cơ hội để xây dựng một trật tự thế giới càng bao dung, tòan diện và có hiệu quả hơn, để cho nó phục vụ tất cả mọi người, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Biết bao giờ giấc mơ này của Tổng thư ký LHQ mới trở thành sự thật!

Hội nghị An ninh Munich 60 năm qua chủ yếu do phương Tây điều hành dưới sự chi phối cuả tư duy Mỹ và của NATO, một liên minh quân sự đang tồn tại trái với xu hướng của thời đai, khi mà Chiến tranh lạnh và khối WASA đã kết thúc hơn hai thập kỷ. Có lẽ đó là nguyên nhân căn bản của sự không thành công của Hội nghị An ninh Munich.

Trong khi đó Trung Quốc hết sức tận dụng cơ hội này để nâng cao vị thế của họ trên trường quốc tế. Chủ nhiệm Văn phòng Công tác Đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã thay mặt Trung Quốc dự Hội nghị này, đã tranh thủ tuyên truyền chính sách đối ngoại của mình, phục vụ cho cuộc tập hợp lực lượng mới của Trung Quốc, chủ yếu nhằm vào thế giới phương Tây; nâng cao uy tín và vai trò của Trung Quốc trong một thế giới đang “đại biến” theo cách diễn đạt của họ.  Phát biểu tại Hội nghị, Vương Nghị đã trịnh trọng tuyên bố: “Tại đây, tôi muốn truyền đi một thông điệp, dù phong ba quốc tế biến chuyển thế nào chăng nữa, với tư cách là một nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc trước sau vẫn giữ vững tính liên tục, tính ổn định và phương hướng lớn trong chính sách của mình; Trung Quốc kiên trì đóng vai trò là một lực lượng ổn định trong một thế giới đang chao đảo: lực lượng ổn định trong thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các nước lớn, lực lượng ổn định trong giải quyết các điểm nóng, trong tiến trình tăng cường hệ thống quản trị toàn cầu và trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuyên bố của Vương Nghị khá hấp dẫn vì nó gần với chủ đề đối thoại của Hội nghị hơn, đề cập đến 4 lĩnh vực cốt lõi của an ninh toàn cầu đương đại: hợp tác giữa các nước lớn, giải quyết các điểm nóng, tăng cường hệ thống quản trị toàn cầu và phát triển kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên điều dư luận quan tâm hơn là cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Vương Nghị và Blinken bên lề Hội nghị (vào ngày 16/2) đã phát đi những tín hiệu gì mới. Bên cạnh những xung khắc cố hữu giữa hai nước như Trung Quốc phản đối sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề Đài Loan và Biển Đông, phản đối các lệnh trừng phạt “đơn phương vô lý” của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, chỉ trích chính sách kiềm chế Trung Quốc phát triển khoa học công nghệ của Mỹ, đặc biệt là trên lĩnh vực bán dẫn… Vương Nghị và Blinken đại thể đã thống nhất về chủ đề cuộc gặp: Thông qua đối thoại và tiếp xúc thường xuyên, dưới sự dẫn dắt chiến lược của hai nguyên thủ, thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ phát triển theo quỹ đạo lành mạnh, ổn định và bền vững. Đây là nội dung bao trùm cuộc gặp. Blinken đồng ý đối thoại Mỹ – Trung là một phần của các cố gắng bảo đảm con đường tiếp xúc mở cửa và quản lý quan hệ cạnh tranh giữa hai nước. Cả hai bên đều không lảng tránh những vấn đề gây cấn trong quan hệ Trung – Mỹ nhưng tiếp cận chúng với thái độ ôn hòa khác trước, kể cả trong vấn đề Đài Loan mà Trung Quốc luôn cho là “trở ngại lớn nhất trong quan hệ Trung – Mỹ”; Vương Nghị và Blinken đều đề cập tới tầm quan trọng của việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan và khu vực Biển Đông. Cả hai bên đều dùng những cụm từ tốt đẹp để mô tả cuộc gặp này: Phía Trung Quốc dùng cụm từ “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng”, phía Mỹ sử dụng cụm từ “Candid” (thẳng thắn), “Constructive” (mang tính xây dựng), chỉ thiếu từ “thực chất” nhưng không khác là bao so với cách diễn đạt của Trung Quốc, mặc dù tâm điểm an ninh mà hai bên quan tâm có khác nhau: với Mỹ là tập trung vào châu Âu, Trung Đông và Triều Tiên; còn với Trung Quốc, tâm điểm là vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau bên lề Hội nghị An ninh Munich 2024, Đức, tháng 2/2024. Ảnh: Reuters

Trong cuộc gặp với Vương Nghị hay trong phát biểu của Phó Tổng thống Harris tại Hội nghị, phía Mỹ đều tỏ ra muốn theo hướng hòa dịu mà nguyên thủ Trung – Mỹ đã mở ra từ cuộc gặp Bali đến cuộc gặp San Francisco, cố tránh xung đột và tỏ tư thế mở cửa trong đối thoại, tiếp xúc. Mặc dù quan hệ Trung – Mỹ trước mắt còn cách xa viễn cảnh San Fracisco nhưng có tiến bộ lớn so với cuộc gặp tại Hội nghị an ninh Munich 2023 ; lúc đó do sự kiện Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc, quan hệ hai bên rất căng thẳng, cuộc gặp không đi đến kết quả gì, cuộc viếng thăm Trung Quốc của Blinken đã được thiết kế từ trước sau đó cũng bị bãi bỏ.

Tờ “Hoa Nam buổi sáng” nhận xét, dưới sự tan băng của quan hệ Trung – Mỹ, thái độ của Vương Nghị đã ôn hòa hơn so với năm ngoái. Hội nghị Minich là một diễn đàn đúng lúc để hai bên thể hiện điều này. Mỹ – Trung bảo đảm tiếp xúc, hợp tác, giữ mối liên hệ với thế giới là sự lựa chọn để đi đến ổn định hơn, bền vững hơn quan hệ hai nước trong năm 2024. Nhận xét này có lẽ là phù hợp với các diễn biến mới trong quan hệ Trung – Mỹ gần đây. Có thể nói, cả Trung Quốc và Mỹ đã có nhận thức chung cùng đi trên con đường từ Bali đến San Francisco, để trở lại “quỹ đạo bình thường” trong quan hệ hai nước, mà cuộc gặp Vương Nghị-Blinken tại Munich đã phát đi một tín hiệu tích cực mới trên con đường đó. Tất nhiên đây không phải là một con đường bằng phẳng, thuận buồm xuôi gió nhưng điều cơ bản có lẽ là cả hai bên Trung – Mỹ đã ý thức được những khó khăn thách thức mà họ phải vượt qua để cùng đi trên con đường đó và người ta đã có thêm lý do để chờ đợi điều này.

Từ thực tế Hội nghị Munich lần này và những diễn biến của tình hình chính trị an ninh quốc tế trước và sau Hội nghị, có thể đi đến hai kết luận: Một là, Hội nghị An ninh Munich năm 2024 đã không thực hiện được mục tiêu của Hội nghị là “thông qua đối thoại để thúc đẩy hòa bình”. Hai là muốn thúc đẩy hòa bình ổn định bền vững, không thể chỉ trông chờ vào Mỹ và phương Tây, đặc biệt là NATO. Với sự chi phối của Mỹ và phương Tây – một phương Tây đang sa sút, thế giới sẽ còn phải chứng kiến cục diện “an ninh càng bất an, hòa bình càng mất ổn định, phát triển càng đi vào ngõ cụt”. Trật tự thế giới cần phải thay đổi, vai trò của các nước đang phát triển phải được nâng cao đúng tầm, lực lượng yêu chuộng hòa bình một cách chân chính phải có vị trí xứng đáng trong bảo vệ, thúc đẩy an ninh, hòa bình và phát triển toàn cầu.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC