Hội nghị Bộ Chính trị (BCT) Đảng Cộng sản Trung Quốc họp ngày 30/8/2019 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tư (HNTW4) vào tháng 10/2019, chấm dứt sự đồn đoán kéo dài hơn một năm qua về thời điểm họp Hội nghị này. Như vậy là HNTW4 được triệu tập sau 20 tháng kể từ HNTW3 (2/2018), trái với quy định của “Điều lệ” Đảng, trong đó quy định HNTW họp ít nhất mỗi năm một lần. Chính sự khác thường này đã làm cho dư luận quốc tế đặc biệt chú ý đến HNTW4. Nay thời gian họp đã được xác định, các mối quan tâm của dư luận chuyển sang tập trung vào chủ đề, nội dung cuộc họp. Theo thông báo chính thức của Trung Quốc, tại HNTW4 lần này, ngoài việc nghe và thảo luận báo cáo công tác của Bộ Chính trị do Tập Cận Bình trình bày, Hội nghị sẽ tập trung nghiên cứu hai chủ đề: “kiên trì và hoàn thiện chế độ Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” và “một số vấn đề trọng đại về thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị nhà nước” của Đảng.
Các chủ đề này không phải là mới. HNTW3 khóa 18 họp tháng 11/2013 đã xác định mục tiêu tổng quát của Trung Quốc trong thời kỳ mới là “toàn diện đi sâu cải cách” với nội hàm là “hoàn thiện và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị nhà nước”. Vấn đề đáng quan tâm là tại sao Trung Quốc lại đưa ra chủ đề này cho HNTW4 vào thời điểm này và họ sẽ thực hiện các mục tiêu trên như thế nào trong bối cảnh thế giới đang trải qua những “biến đổi to lớn chưa từng có trong 100 năm qua” và Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức “chưa từng có” như cách hình dung của chính Tập Cận Bình.
HNTW4 họp trong bối cảnh khá đặc biệt. Từ tháng 3/2018 (sau HNTW3 khóa 19) đến nay, Trung Quốc không ngừng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Trước hết là cọ xát thương mại Trung Mỹ từ tháng 7/2018 nay đã biến thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện chứa đầy những yếu tố địa chiến lược. Đàm phán thương mại Trung Mỹ đã trải qua 12 vòng và hai bên đã thỏa thuận tiến hành vòng đàm phán thứ 13 vào tháng 10 nhưng chưa có gì chắc chắn là hai bên sẽ đạt được một hiệp định kết thúc cuộc chiến. Cái khó của Trung Quốc là luôn ở thế bị động đối phó trong cuộc chiến này và nếu Trung Quốc không có thêm những nhượng bộ làm hài lòng Mỹ thì Mỹ sẽ rất khó cùng với Trung Quốc đi đến một hiệp định cuối cùng và chiến tranh thương mại vẫn tiếp tục gặm nhấm nền kinh tế đang có dấu hiệu xuống dốc của Trung Quốc. Nhượng bộ đến đâu, nhượng bộ trên lĩnh vực nào và phương thức nhượng bộ như thế nào để vừa ra khỏi được cuộc chiến vừa giữ được “sĩ diện cường quốc”? Quả là không dễ dàng đối với Tập Cận Bình. Trong khi đó, từ tháng 6 năm nay, cuộc biểu tình và bạo lực đường phố phản đối sửa đổi “luật dẫn độ” ở Hongkong chưa có dấu hiệu chấm dứt, ngày càng có khả năng bùng phát thành một cuộc bạo động chính trị, tạo nên cục diện nghiêm trọng nhất tại Hongkong kể từ khi tô giới cũ này của Anh trở về với đại lục năm 1997. Tình hình Hongkong càng làm cho Mỹ có thêm lợi thế để gây sức ép với Bắc Kinh trong đàm phán thương mại, cộng thêm các vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Triều Tiên cùng với các vấn đề chính trị nội bộ khác như vấn đề Tây Tạng, Tân Cương… khiến Trung Quốc càng có ít khả năng lựa chọn hơn trong các quyết sách của mình. Hơn nữa, tháng 10 cũng là lúc Trung Quốc kỉ niệm 70 năm ngày quốc khánh, Trung Quốc có nhu cầu tổng kết lịch sử 70 năm qua, nhất là từ đại hội 18 đến nay, rút ra kinh nghiệm, bài học để vượt qua những khó khăn hiện tại và dè chừng cho một tương lai chưa hoàn toàn chắc chắn. Hơn nữa, HNTW4 cũng họp vào thời điểm chuẩn bị kết thúc thực hiện mục tiêu “toàn diện xây dựng xã hội khá giả” vào năm 2020 và mục tiêu “100 năm lần thứ nhất” vào năm 2021, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tròn 100 tuổi. Mặt khác, HNTW4 diễn ra trong lúc ban lãnh đạo Trung Quốc cũng cảm nhận được những dấu hiệu mới từ phía Mỹ, bao gồm các tín hiệu suy thoái của nền kinh tế Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều, sự “mềm đi” trong một số động thái đối ngoại như gặp lại Kim Jong Un, để mở khả năng gặp Tổng thống Iran, loại bỏ Cố vấn An ninh quốc gia khét tiếng “diều hâu” Bolton…Trung Quốc rất chú ý đến sự điều chỉnh của Trump, đó là do nhu cầu thắng cử tại bầu cử 2020 hay là mang ý nghĩa lâu dài trong chính sách đối ngoại của Mỹ? vì sự điều chỉnh này có ảnh hưởng trực tiếp và rất quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với TQ, trước hết là ảnh hưởng đến thái độ của Mỹ trong cuộc đàm phán thương mại cấp cao vòng 13 cũng diễn ra vào tháng 10 tại Washington.
Trong bối cảnh trên, HNTW4 qua 20 tháng chuẩn bị, không chỉ là một HNTW thông thường, không chỉ đề cập đến các vấn đề trong gần 2 năm qua mà còn mang tính tổng kết quá khứ, nhìn về tương lai từ góc độ thực hiện mục tiêu tổng quát “toàn diện đi sâu cải cách” với hai nội hàm chủ yếu là “hoàn thiện chế độ Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” và “hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị nhà nước” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng chính là cốt lõi chính trị của Trung Quốc trong suốt “thời đại mới” mà đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra.
Trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các kỳ HNTW4 thường có nội dung về các chủ đề trọng đại liên quan đến sự phát triển của Đảng và Nhà nước Trung Quốc: HNTW4 khóa 11 năm 1979 bàn về chủ đề phát triển nông nghiệp, cũng là lối thoát của TQ khi vừa ra khỏi cuộc đại loạn “cách mạng văn hóa”; HNTW4 khóa 12 vào tháng 9/1985 chủ yếu giải quyết hai chủ đề: Thảo luận và thông qua “Kế hoạch 5 năm lần thứ 7” và xác định các nguyên tắc thực hiện việc chuyển giao giữa các thành viên cũ và mới của cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. HNTW4 khóa 13 họp vào tháng 6/1989, trong bối cảnh ngay sau “sự kiện 4/6” (đàn áp sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn), Hội nghị này tập trung vào vấn đề nhân sự cấp cao, Giang Trạch Dân trở thành Tổng Bí thư của Đảng; HNTW4 khóa 14 họp vào mùa thu năm 1994 chủ yếu là về vấn đề xây dựng Đảng; HNTW4 khoá 15 thì tập trung vào chủ đề kinh tế, nghiên cứu vấn đề cải cách và phát triển xí nghiệp quốc hữu, là HNTW đầu tiên kể từ cải cách mở cửa chuyên bàn về cải cách và phát triển xí nghiệp quốc hữu. Hai HNTW 4 khóa 16 và 17 (họp 2004 và 2009) chủ yếu về chủ đề xây dựng Đảng; chủ đề của HNTW4 khóa 18 họp năm 2014 là “Y pháp trị quốc”, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy “pháp trị” làm chủ đề của một HNTW.
Chủ đề của HNTW4 khóa 19 này hầu như bao trùm lên tất cả, cả về xây dựng Đảng, đường lối cải cách phát triển, liên quan đến toàn bộ hệ thống chính trị, có thể phản ánh xu hướng chính trị của Trung Quốc trong cả một thời kỳ tiếp theo, trong đó “vai trò hạt nhân lãnh đạo” của Tập Cận Bình trở thành trung tâm của các vòng xoáy.
Từ sau HNTW3 khóa 18 (tháng 11/2013), trong thuật ngữ chính trị Trung Quốc, cụm từ “cải cách thể chế chính trị” hầu như không được sử dụng nữa, thay vào đó là “hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị nhà nước”. Trên thực tế, tại Trung Quốc hiện đã hình thành một “định chế chính trị”, gọi là “định chế Mao-Đặng-Tập”, trong đó Tập không thể so sánh về sức mạnh và ảnh hưởng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình nhưng Tập lại có ưu thế mang tính thời đại mà Mao và Đặng không có. Do có sức mạnh và ảnh hưởng áp đảo, Mao Trạch Đông đã loại bỏ được tất cả mọi đối thủ chính trị của mình; Đặng Tiểu Bình thì thông qua cải cách mở cửa, đưa yếu tố thị trường vào nền kinh tế, làm cho kinh tế Trung Quốc đạt được các bước nhảy vọt ngoạn mục, đưa vị thế của TQ lên tầm cao quốc tế và vì thế Đặng Tiểu Bình đã được tôn lên địa vị “cha đẻ của cải cách mở cửa”, được dân gian Trung Quốc tôn sùng là “Đặng Thanh Thiên” (ví Đặng như “Trời xanh”). Tập Cận Bình chưa có được cái “tầm” của hai vị tiền bối nhưng bản thân Tập không muốn đứng sau, càng không muốn là “cái bóng” của hai vị. Tập Cận Bình muốn dùng “hiện đại hóa hệ thống nhà nước và năng lực quản trị nhà nước”, một “ưu thế mang tính thời đại” mà Mao và Đặng chưa thể có, để “so cao thấp” với Mao, Đặng. HNTW4 khóa 19 có sứ mệnh thực hiện mong muốn này của Tập vì vậy có thể nói Hội nghị này hoàn toàn là Hội nghị của Tập Cận Bình, sẽ quyết định xu hướng chính trị của Trung Quốc trong tương lai trên cơ sở khẳng định sự thống lĩnh tuyệt đối của tư tưởng “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” của Tập Cận Bình.
Từ khi lên cầm quyền (từ đại hội 18, năm 2012), các bước đi của Tập Cận Bình đều theo hướng này. Trước hết là phát động cuộc “diệt ruồi đả hổ” long trời lở đất nhằm đánh vào hang ổ của các thế lực “quan tham”, vừa thu phục nhân tâm, vừa loại bỏ các phần tử không “ăn rơ” trong nội bộ, tạo “mặt bằng” cho bước thứ hai là tập trung quyền lực. Để tập trung quyền lực, Tập Cận Bình đã thực hiện một loạt các biện pháp mà các bậc tiền bối chưa nghĩ tới: sửa đổi Hiến pháp, hủy bỏ các hạn chế về niên hạn của Chủ tịch Nước đã được quy định trong Hiến pháp; xác lập địa vị “hạt nhân lãnh đạo” của Tập trong trung ương và của toàn Đảng; xác lập “Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình” làm “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước; Đưa ra các khái niệm “bốn ý thức” (ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức hạt nhân và ý thức phục tùng), “bốn tự tin” (tự tin về đường lối, tự tin về lý luận, tự tin về chế độ và tự tin về văn hóa), đặc biệt là “hai kiên quyết ủng hộ” (Kiên quyết ủng hộ địa vị hạt nhân của trung ương và của toàn đảng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình” và “Kiên quyết ủng hộ quyền uy và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của trung ương do Tập Cận Bình làm hạt nhân”). Với các thủ pháp này, Tập Cận Bình ngày càng xiết chặt khuôn khổ “y pháp trị quốc” và “y quy trị Đảng” (quản lý quốc gia theo luật pháp, quản trị Đảng theo quy định, điều lệ), gò các hoạt động của Đảng viên vào các tiêu chí “sinh hoạt chính trị trong Đảng”, qua đó, quyền uy càng được tập trung vào tay Tập hơn. Khi quyền lực đã được tập trung ở mức độ cao, Tập tính đến bước tiếp là tổ chức lại hệ thống chính trị, tạo cơ chế bảo đảm lâu dài cho quá trình thực thi quyền lực. Gần hai năm qua kể từ HNTW3 khóa 19, Tập Cận Bình đã phát động cuộc “cải cách cơ cấu Đảng và Nhà nước” rầm rộ trong toàn Đảng, toàn quốc. Trong thời gian này, Trung Quốc đã tổ chức lại 25 cơ cấu cấp Bộ ở trung ương, giải quyết được trên 60 tổ chức chồng chéo tồn tại nhiều năm nay; ở cấp Tỉnh, Thành, Huyện đã giảm được 6800 cơ cấu Đảng, Nhà nước, giảm 4800 biên chế hành chính (Tân Hoa xã, ngày 7/7/2019). Tập Cận Bình đánh giá cuộc cải cách cơ cấu Đảng và Nhà nước này đã tạo “cơ sở cho thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị nhà nước của Đảng” (Tập, tại Hội nghị “tổng kết cải cách cơ cấu Đảng nhà nước”, ngày 5/7/2019). Cơ chế đảm bảo này sẽ thông qua tiến trình thúc đẩy “hiện đại hóa hệ thông quản trị và năng lực quản trị nhà nước” để hình thành. Đây cũng chính là tham vọng của Tập Cận bÌnh đối với HNTW4 lần này.
Từ các thông tin chính thống của Trung Quốc, có thể hiểu, “hệ thống quản trị và năng lực quản trị nhà nước” là sự thể hiện tập trung của chế độ nhà nước và năng lực chấp hành chế độ đó. Với Trung Quốc, hệ thống quản trị nhà nước này phải được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, bao gồm các thể chế, cơ chế trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, văn minh sinh thái, xây dựng Đảng cùng với sự điều chỉnh của pháp luật pháp quy, cũng có nghĩa là một chế độ nhà nước hoàn chỉnh, có sự kết nối mật thiết và phối hợp chặt chẽ với nhau giữa các mắt xích của hệ thống. Năng lực quản trị nhà nước là năng lực vận dụng chế độ nhà nước để quản lý xã hội bao gồm cải cách, phát triển, ổn định trên các mặt nội chính, ngoại giao, quốc phòng, “trị Đảng trị quốc”…
Đích thân Tập Cận Bình đã giải thích, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị là phải thích ứng với sự thay đổi của thời đại, tức là vừa phải cải cách những thể chế cơ chế, pháp luật pháp quy không thích ứng với nhu cầu phát triển thực tiễn, vừa phải không ngừng xây dựng những thể chế cơ chế, pháp luật pháp quy mới, làm cho chế độ các mặt càng khoa học, càng hoàn thiện hơn, thực hiện chế độ hóa, quy phạm hóa, trình tự hóa hệ thống quản trị trên các mặt công tác của Đảng, Nhà nước và Xã hội. Tập nói, cần chuyển hóa các ưu thế về chế độ thành hiệu quả trong quản lý nhà nước, nâng cao trình độ chấp chính khoa học, chấp chính dân chủ và chấp chính theo pháp luật của Đảng. Tập nhấn mạnh, “Tình hình cải cách đang thay đổi, nhiệm vụ đang thay đổi, nhu cầu công việc cũng đang thay đổi, nhất thiết phải nhận thức chính xác và ứng phó một cách khoa học với các thay đổi đó đồng thời cần chủ động thay đổi minh”.
Hàm ý “hiện dại hóa” của Tập Cận Bình không chỉ là hiện đại hóa cơ cấu nhà nước và tố chất của quan chức nhà nước mà còn là hiện đại hóa đảng cầm quyền. Tại HNTW4, chắc chắn Tập sẽ xiết chặt hơn nữa việc “quản trị Đảng”, đưa các “quy cách trị Đảng” của ông trở thành nội dung chủ yếu của hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị nhà nước, từ đó trở thành tiêu chí rõ ràng của “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Tập Cận Bình”.
“Hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị nhà nước”, theo giải thích của Tập Cận Bình, là nội dung cốt lõi và là con đường để thực hiện việc “kiên trì và hoàn thiện chế độ Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Có thể nhân sắp đến kỉ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (2021), Tập muốn có đáp án cả về lý luận và thực tiễn cho một vấn đề tồn tại hơn 100 năm nay, đó là hiện thực hóa Chủ nghĩa xã hội. Trong 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc tập trung cao nhất, ưu tiên nhất cho phát triển kinh tế, lý luận về CNXH hiện thực chủ yếu vẫn là “mò đá qua sông” của Đặng Tiểu Bình. “Mò đá qua sông” đã có tác dụng nhất định trong thực tiễn cải cách mở cửa nhưng trong giai đoạn Chủ nghĩa xã hội phát triển như ngày nay của Trung Quốc, phải có một hệ thống lý luận hiện đại để thay thế. Hệ thống này, theo Tập Cận Bình, sẽ lấy “hiện đại hóa hệ thống quản trị” và “hiện đại hóa năng lực quản trị” nhà nước của đảng cầm quyền làm trọng tâm. Đây là điều khác biệt giữa Tập Cận Bình với các lãnh đạo tiền bối Trung Quốc và Tập muốn dùng sự khác biệt này để tô đậm “màu sắc Tập Cận Bình”, khẳng định vị trí của mình trong định chế chính trị Trung Quốc và cả trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tập Cận Bình hi vọng HNTW4 sẽ đóng vai trò đột phá của tiến trình này, tạo cơ sở để xóa bỏ mọi nghi ngờ, lo ngại của dư luận, nhất là của nội bộ Trung Quốc về “tính ưu việt của Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, “Trung Quốc sẽ đi con đường nào, dương cao ngọn cờ nào?” đem lại lòng tin mới cho một Đảng lớn có 100 năm lịch sử và gần 100 triệu đảng viên như Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tham vọng lớn, quyết tâm cao, vấn đề còn lại là điều kiện và khả năng thực hiện.
Từ sau đại hội 19 đến nay, Trung Quốc luôn phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn từ mọi phía. Càng nhiều thách thức, các khiếm khuyết trong hệ thống chấp chính và năng lực chấp chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc càng bộc lộ rõ. Thực tế dường như đã làm cho Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc cảm nhận được rằng, đã đến lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc phải rà lại hệ thống của mình, phải thực sự cầu thị hơn để đẩy nhanh quá trình tự hoàn thiện, tự nâng cao mình nếu như họ muốn bước vào “thời đại mới”, muốn tiến đến trung tâm của vũ đài quốc tế như thiết kế của đại hội 19.
Đó có thể là một sự “phản tỉnh” của lãnh đạo Trung Quốc, một sự phản tỉnh không dễ gì có được đối với một Đảng luôn tự coi mình là “chân chính duy nhất” như Đảng Cộng sản Trung Quốc; nhưng làm sao biến những phản tỉnh đó thành nhận thức chung của từng Đảng viên, của toàn Đảng, để từ đó đi đến những thành quả thật sự trong quá trình hiện đại hóa hệ thống và năng lực quan trị nhà nước sẽ là một quá trình lâu dài và còn đầy khó khăn
Sự chậm lại kéo dài của tăng trưởng kinh tế, cách xử lý trong cuộc đối đầu Trung-Mỹ, xu hướng ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng, Hongkong, Đài Loan, hậu quả của những cuộc đấu tranh nội bộ…đang chia rẽ nội bộ Trung Quốc, đang xói mòn lòng tin đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và cá nhân Tập Cận Bình. Có thể có những đánh giá khác nhau về mức độ nghiêm trọng của vấn đề nhưng có lẽ sự chia rẽ đó đã là một sự thực hiển nhiên, hơn nữa, đang có môi trường để phát triển tại Trung Quốc. Trong khi đó, sự tập trung quyền lực của Tập Cận Bình đã đến mức chuyên chế, mất dần tính “dân chủ” trong nguyên tắc “tập trung-dân chủ” của Đảng, gây bất bình trong nội bộ, mặc dù bên ngoài nhiều người vẫn phải hô “hai ủng hộ” ( ủng hộ “địa vị hạt nhân” của Tập Cận Bình” và ủng hộ “quyền uy và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của trung ương do Tập Cận Bình làm hạt nhân”). Họ cho rằng quá trình “hiện đại hóa” này cũng chỉ để bảo đảm cho quyền uy của Tập Cận Bình thêm tuyệt đối hóa mà thôi.
Trong bối cảnh đó, tiến trình thúc đẩy “hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị” theo kịch bản của Tập Cận Bình sẽ không dễ dàng thực hiện, cản trở chủ yếu đến từ ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Dù sao, “hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị nhà nước” cũng là một bước tiến trong tư duy cầm quyền của Tập Cận Bình. HNTW4 khóa 19 sẽ là một cột mốc lớn trong tiến trình này. Hiện Trung Quốc đang có rất nhiều vấn đề đối ngoại bức bách nhưng HNTW4 lần này sẽ chủ yếu là giải quyết các vấn đề đối nội, với tham vọng là thống nhất tư tưởng và hành động toàn Đảng dưới ngọn cờ của Tập Cận Bình. Sau Hội nghị này, có thể Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa tiến trình “đi sâu cải cách toàn diện”, kể cả trên lĩnh vực chính trị, đặc biệt là vấn đề nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng; vừa đáp ứng những yêu cầu đối phó trước mắt, vừa đảm bảo cho phát triển ổn định lâu dài. Dù vẫn còn những bất đồng nhưng quyền uy của Tập Cận Bình cơ bản sẽ được củng cố thêm, vấn đề cấp bách của Tập Cận Bình là làm thế nào xây dựng một hệ thống chính trị thích ứng với việc duy trì và thực thi quyền lực đó. Các vấn đề đối ngoại có thể sẽ được đề cập nhưng không phải là chủ đề của Hội nghị này và sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào trong chính sách đối ngoại của TQ được đưa ra tại HNTW4./.
Theo Tạp chí Phương Đông