Thông thường mỗi kỳ 5 năm đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc đều có 7 Hội nghị Trung ương, trong đó Hội nghị Trung ương 3 (HNTW3) và Hội nghị TW6 là được chú ý nhất, đặc biệt là HNTW3 thường đưa ra những quyết sách kinh tế quan trọng nhất, ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tiến trình phát triển của kinh tế xã hội Trung Quốc.

Từ cải cách mở cửa 1978 đến nay Trung Quốc đã tiến hành 10 Hội nghị TW3:

– HNTW3/Khóa XI (tháng 12/1978): Chuyển trọng điểm công tác của toàn đảng sang xây dựng hiện đại hóa XHCN.

– HNTW3/Khóa XII (tháng 10/1984): Bắt đầu toàn diện cải cách kinh tế lấy thành thị làm trọng tâm.

– HNTW3/Khóa XIII (tháng 9/1988): Quản trị môi trường kinh tế, chỉnh đốn trật tự kinh tế.

– HNTW3/Khóa XIV (tháng 11/1993): Xác lập thể chế kinh tế thị trường XHCN.

– HNTW3/Khóa XV (tháng 10/1998): Thúc đẩy cải cách phát triển nông thôn.

– HNTW3/Khóa XVI (tháng 10/2003): Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN.

– HNTW3/Khóa XVII (tháng 10/2008): Tập trung nghiên cứu vấn đề thúc đẩy cải cách phát triển nông thôn.

– HNTW3/Khóa XVIII (tháng 11/2013): Tiêu điểm là đi sâu cải cách toàn diện.

– HNTW3/Khóa XIX (tháng 2/2018): Thúc đẩy cải cách phát triển nông thôn.

– HNTW3/Khóa XX (tháng 7/2024): Thúc đẩy đi sâu cải cách toàn diện thêm một bước, thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

Trong đó có hai HNTW3 được coi là “bước ngoặt thời đại”:

– HNTW3/Khóa XI (tháng 12/1978), bắt đầu thời kỳ lịch sử mới: chuyển trọng tâm công tác từ “lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh” sang “cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa XHCN”; trên thực tế là chấm dứt “thời đại Mao Trạch Đông”.

– HNTW3/Khóa XVIII (tháng 11/2013):  Hội nghị thông qua “Nghị quyết về một số vấn đề trọng đại đi sâu cải cách toàn diện”, được coi là “Tổng cương lĩnh của tiến trình cải cách mới của Trung Quốc”; bắt đầu một thời đại mới: đi sâu cải cách toàn diện và “làm cho thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ tài nguyên quốc gia”, chính thức bước vào “Thời đại mới” của Tập Cận Bình.

HỘI NGHỊ TW3/KHÓA XX:

Hội nghị Bộ Chính trị ngày 27/6/2024 quyết định triệu tập HNTW3/Khóa XX từ 15-18/7/2024, tại Bắc Kinh. Trước đó gần hai tháng, ngày 30/4, Bộ Chính trị cũng đã họp bàn và quyết định họp HNTW này vào tháng 7/2024 nhưng không nói thời gian cụ thể.

Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Khóa XX ở Bắc Kinh, ngày 18/7/2024. Ảnh: Tân Hoa xã

1. Bối cảnh Hội nghị TW3/Khóa XX

(i) Thời gian họp Hội nghị đã bị chậm lại gần 1 năm (theo thông lệ, đáng ra Hội nghị này đã phải họp vào khoảng tháng 9/2023) vì Trung Quốc đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức cả bên trong và bên ngoài:

– Bên trong, kinh tế giảm tốc kéo dài, nguy cơ nhà đất bùng phát, tỉ lệ thất nghiệp cao, nguy cơ nguồn nhân lực do lão hóa dân số; kinh tế tư doanh giảm sút lòng tin về tiền đồ phát triển của mình; thiên tai nghiêm trọng, khi Trung Quốc đang ở năm bản lề để kết thúc Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025); nội bộ phát sinh nhiều vấn đề: nhiều biến động nhân sự cấp cao tại Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, lực lượng tên lửa và nhiều tướng lĩnh cấp cao của quân đội bị xử lý; nội bộ còn nhiều ý kiến khác nhau về phương hướng phát triển kinh tế trong 5 – 10 năm tới; lòng tin của xã hội vào tăng tưởng kinh tế, vào tiền đồ của cải cách giảm sút…

– Bên ngoài: xung đột địa chính tri leo thang, Mỹ/phương Tây tăng cường tập hợp lực lượng đối phó Trung Quốc; kinh tế toàn cầu hồi phục yếu, chưa chắc chắn; cạnh tranh Trung – Mỹ; vấn đề Đài Loan, Biển Đông… diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến bố trí chiến lược của Trung Quốc; Dư luận quốc tế chờ đợi các quyết sách của Trung Quốc thông qua HNTW3/Khóa XX để ứng phó thách thức trước mắt.

Các yếu tố trên, nhất là các yếu tố nội bộ khiến lãnh đạo Trung Quốc phải cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, đưa ra quyết sách đối phó.

(ii) Nhu cầu tạo dấu ấn sâu sắc cho HNTW3 đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ ba của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, chuẩn bị tư tưởng cho giai đoạn “ổn định tăng trưởng” và “phát triển theo hướng sức sản xuất chất lượng cao mới”; đồng thời cũng chuẩn bị tinh thần cho Hội nghị Đảng các cấp, tiến đến Đại hội XXI.

(iii) Lãnh đạo Trung Quốc tập trung đặc biệt cho HNTW3:

– Bộ Chính trị (BCT) đã có hai cuộc họp liên quan đến HNTW3 (30/4 và 27/6/2024), chỉ đạo về phương hướng, mục tiêu và nội dung của Hội nghị này.

– Nhiều động tác “dọn dẹp môi trường” chuẩn bị cho Hội nghị: Về kinh tế, Chính phủ đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế lớn, giải cứu nguy cơ nhà đất… tổng cộng chi tới 220 tỉ USD (kể cả phát hành công trái dài hạn 140 tỉ USD, Ngân hàng TW chi 300 tỉ NDT (41,3 tỉ USD) cho vay lãi suất thấp để mua nhà…). Về chính trị, đáng chú ý là tập trung cho chỉnh đốn quân đội: từ 17-19/6, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành Hội nghị công tác chính trị trong quân đội đầu tiên trong 10 năm qua tại Diên An. Tổng Bí thư (TBT) Tập Cận Bình nhấn mạnh “kiên trì Đảng lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội”, làm rõ “quân đội quyết không phải là nơi ẩn nấp của những phần tử hủ bại”, ông Tập Cận Bình còn chỉ rõ, tình hình thế giới, trong nước, nội tình Đảng, quân đội hiện nay đều đang “thay đổi phức tạp, sâu sắc”, “ quân đội Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức đan xen phức tạp, một phút cũng không được ngừng thúc đẩy “lấy chính trị xây dựng quân đội”. Từ sau Đại hội XX đến trước HNTW3, ông Tập Cận Bình đã đi khảo sát hàng chục tỉnh, thành khắp toàn quốc, chủ trì 9 cuộc Hội thảo về các vấn đề liên quan đến HNTW3.

2. Nội dung và mục tiêu của Hội nghị

– TBT Tập Cận Bình thay mặt BCT trình bày Báo cáo về công tác của BCT và thuyết trình về Dự thảo Nghị quyết TW về đi sâu cải cách toàn diện thêm một bước, thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Hội nghị đã hoàn toàn khẳng định kết quả công tác của BCT từ sau Đại hội XX.

– Hội nghị đã thảo luận xoay quanh chủ đề “ toàn diện đi sâu cải cách thêm một bước, thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” và thẩm định, thông qua Dự thảo nghị quyết về vấn đề này theo hướng làm cho nghị quyết này trở thành văn kiện mang tính cương lĩnh chỉ đạo đi sâu cải cách toàn diện thêm một bước trong tình hình mới; thể hiện đầy đủ quyết tâm của lãnh đạo Trung Quốc đối với tiến trình hoàn thiện và phát triển chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc; thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia. Hội nghị khẳng định trước mắt và một thời kỳ tiếp theo là thời kỳ then chốt lấy “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” thúc đẩy toàn diện tiến trình xây dựng cường quốc và tiến hành công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.

Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ -Trung diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến bố trí chiến lược của Trung Quốc. Hình ảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. Ảnh: CNN

Về cải cách, Hội nghị nhấn mạnh hai khâu: “Đi sâu” và “toàn diện”: kiến tạo thể chế kinh tế thị trường XHCN trình độ cao, kiện toàn thể chế cơ chế phát triển kinh tế chất lượng cao, xây dựng thể chế cơ chế hỗ trợ sáng tạo toàn diện, kiện toàn hệ thống quản trị kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế cơ chế phối hợp phát triển thành thị nông thôn, hoàn thiện hệ thống cơ chế mở cửa đối ngoại trình độ cao, kiện toàn hệ thống chế độ dân chủ nhân dân, hoàn thiện hệ thống pháp trị XHCN đặc sắc Trung Quốc, đi sâu cải cách hệ thống cơ chế văn hóa, kiện toàn hệ thống chế độ bảo đảm và cải thiện dân sinh, đi sâu cải cách thể chế văn minh sinh thái, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống và năng lực an ninh quốc gia, tiếp tục đi sâu cải cách quốc phòng và quân đội, nâng cao trình độ lãnh đạo của Đảng…

Hội nghị đã xác định mục tiêu tổng thể của toàn diện đi sâu cải cách thêm một bước là tiếp tục hoàn thiện và phát triển chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc, Đến 2035 hoàn thành việc xây dựng toàn diện thể chế kinh tế thị trường XHCN trình độ cao; chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc càng thêm hoàn thiện, cơ bản thực hiện hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị quốc gia, cơ bản thực hiện hiện đại hóa XHCN, đặt cơ sở chắc chắn cho việc xây dựng thành công toàn diện cường quốc XHCN hiện đại vào giữa thế kỷ. Hội nghị đề ra mục tiêu đến 2029, kỉ niệm 80 năm ngày thành lập nước, sẽ hoàn thành các nhiệm vụ cải cách mà Nghị quyết này đề ra.

Về “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, Hội nghị chỉ rõ, phát triển chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của tiến trình xây dựng toàn diện cường quốc hiện đại XHCN; Giáo dục, Khoa học kỹ thuật, nhân tài là cơ sở mang tính chiến lược của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc; Hội nghị nêu bật các thuộc tính và đặc trưng của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc: hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là hiện đại hóa hài hòa lẫn nhau giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần, là hiện đại hóa cộng sinh hài hòa giữa con người và tự nhiên; là hiện đại hóa theo con đường phát triển hòa bình… Với các đặc trưng: phối hợp phát triển thành thị nông thôn là yêu cầu tất yếu, mở cửa là tiêu chí nổi bật, phát triển chế độ dân chủ nhân dân là yêu cầu bản chất, pháp trị là sự bảo đảm quan trọng, cải thiện dân sinh là nhiệm vụ quan trọng của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Hội nghị khẳng định, an ninh quốc gia là cơ sở quan trọng để hiện dại hóa kiểu Trung Quốc đi ổn đi xa; hiện đại hóa quốc phòng và quân đội là một bộ phận hợp thành quan trọng của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, bao trùm lên tất cả. Hội nghị nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng là sự bảo đảm căn bản của toàn diện đi sâu cải cách thêm một bước và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

Khi giải thích về Nghị quyết của HNTW3 lần này, TBT Tập Cận Bình nói, Nghị quyết này nhằm tới mục tiêu cơ bản thực hiện hiện đại hóa XHCN vào năm 2035 và bố trí các biện pháp cải cách trọng điểm trong 5 năm tới. TBT Tập Cận Bình nêu lên 5 đặc điểm, cũng là trọng điểm của Nghị quyết này: (i) Chú trọng phát huy vai trò dẫn dắt của cải cách thể chế kinh tế, đặt việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN trình độ cao vào vị  trí nổi bật (ii) Chú trọng kiến tạo thể chế cơ chế ủng hộ toàn diên sáng tạo; nhấn mạnh đi sâu cải cách tổng hợp giáo dục, đi sâu cải cách thể chế cơ chế phát triển nhân tài, nâng cao hiệu quả chỉnh thể của hệ thống sáng tạo quốc gia (iii) Chú trọng cải cách toàn diện, cải cách lĩnh vực dân chủ và pháp trị, cải cách thể chế văn hóa, kiện toàn hệ thống chế độ bảo đảm và cải thiện dân sinh, cải cách thể chế văn minh sinh thái…(iv) Chú trọng đồng bộ giữa phát triển và an ninh, đảm bảo an ninh quốc gia là cơ sở quan trọng cho hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đi ổn đi xa (v) Chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cải cách, coi lãnh đạo của Đảng là sự bảo đảm căn bản của toàn bộ quá trình này. Nghị quyết cũng đề ra việc tập trung giải quyết vấn đề cán bộ làm sai, không làm, không dám làm, không biết làm; kiện toàn cơ chế cùng điều tra cùng xử lý đối với các hành vi tác phong bất chính và tham nhũng hủ bại, làm phong phú thêm các biện pháp hữu hiệu đề phòng tham nhũng kiểu mới và tham nhũng ngầm.

Hội nghị lần này rất coi trọng vấn đề an ninh quốc gia trong tình hình mới, nhấn mạnh phải đồng bộ giữa phát triển và an ninh, thực hiện tốt đề phòng các nguy cơ, tăng cường dẫn dắt dư luận, đề phòng hóa giải nguy cơ về hình thái ý thức, đối phó hiệu quả với những thách thức từ bên ngoài, dẫn dắt tiến trình quản trị toàn cầu, chủ động kiến tạo môi trường bên ngoài có lợi cho Trung Quốc. Phát biểu tại Hội nghị, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, tình hình trong và ngoài nước trước mắt phức tạp, nhiều biến số, Trung Quốc đứng trước thời cơ và thách tức chưa từng có, phải kiên định thúc đẩy cải cách mở cửa, lấy sáng tạo chế độ thúc đẩy phát triển chất lượng cao, đảm bảo chắc chắn quốc gia ổn định lâu dài, nhân dân an cư lạc nghiệp.

Hội nghị cũng đặt vấn đề tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), thực hiện tốt các công tác chuẩn bị hoạch định Quy hoạch 5 năm lần thứ 15 (2026-2030).

– Hội nghị đã giải quyết một số vấn đề nội bộ: Đưa 3 ủy viên dự khuyết dự khuyết lên ủy viên Trung ương chính thức; chấp nhận từ chức của Tần Cương và đưa Tần Cương ra khỏi Trung ương; thông qua báo cáo của Quân ủy Trung ương về các trường hợp vi phạm của Lý Thượng Toàn (Bộ trưởng Quốc phòng), Lý Ngọc Siêu (Tư lệnh Lực lượng tên lửa), Tôn Kim Minh (Tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa), khai trừ ra khỏi Đảng ba nhân vật này.

Hội nghị nhấn mạnh, học tập quán triệt tốt tinh thần của HNTW3/khóa XX là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn quốc trước mắt và một thời kỳ tiếp theo.

3. Những trọng tâm và điểm mới của HNTW3/Khóa XX

(i) HNTW3/Khóa XX đã nhấn mạnh các vấn đề trên 4 mặt:

– Trước hết là vấn đề sáng tạo, làm thế nào giải quyết được vấn đề năng lực sáng tạo trong phát triển của Trung Quốc, Hạt nhân của phát triển chất lượng cao là sáng tạo, hạt nhân của sức sản xuất chất lượng mới cũng là sáng tạo; nếu cải cách không giải quyết được vấn đề sáng tạo, cải cách sẽ không năm được cốt lõi của cải cách…

– Thứ hai là vấn đề thị trường, thị trường phải có sức sống, phải nhất thể hóa, phải kết nối thị trường trong nước và thị trường quốc tế…

– Thứ ba là vấn đề quản trị, làm thế nào làm cho toàn bộ quá trình quản trị quốc gia được tiến hành và phát triển trong khuôn khổ trật tự cùng với tiến trình phát triển quốc gia và bảo đảm dân sinh; lấy quản trị thúc phát triển, lấy quản trị nâng cao hiệu quả, chất lượng phát triển…

– Thứ tư là vấn đề dân sinh, coi giải quyết các vấn đề dân sinh, giải quyết sự mất cân bằng, không đầy đủ của phát triển, thúc đẩy cùng giàu lên là những nhiệm vị then chốt của cải cách mở cửa của Trung Quốc.

Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung quốc xác định kể từ nay, nhiệm vụ trung tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc là thúc đẩy toàn diện sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa bằng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Ảnh: THX

(ii) Hội nghị cũng đi sâu nghiên cứu, giải quyết 6 vấn đề nóng, mới:

– Phát triển “Sức sản xuất chất lượng mới”: phải phù hợp với trạng thái sức sản xuất tiên tiến của “quan điểm phát triển mới”, vừa phải cải tạo nâng cấp sản nghiệp truyền thống, đồng thời phải bồi dưỡng tăng cường sản nghiệp mới, xây dựng sản nghiệp tương lai; tăng cường hỗ trợ đầu tư cho các lĩnh vực có độ rủi ro cao.

– Chế độ sở hữu kinh tế: Vừa nắm chắc và tăng cường vai trò chiến lược của xí nghiệp quốc hữu, vừa thúc đẩy, “ưu hóa môi trường kinh doanh” cho các xí nghiệp dân doanh. Cải cách x/n quốc hữu nhấn mạnh “làm mạnh, làm tốt, làm lớn”; Kinh tế dân doanh cần được tăng cường hơn, đẩy nhanh tiến trình lập pháp thúc đẩy kinh tế dân doanh và dẫn dắt xí nghiệp dân doanh tham gia vào các công trình quốc gia lớn, kích hoạt tinh thần của các doanh nghiệp dân doanh.

– Tiến hành đợt cải cách tài chính –  thuế mới: Trọng điểm đặt vào cải cách chế độ thuế, phân chia quyền hạn Trung ương – địa phương… thúc đẩy cải cách thuế tiêu dùng, thuế giá trị gia tăng và thể chế dự toán, nhất là dự toán kinh doanh vốn quốc hữu.

– Phân bổ tài nguyên: Chủ yếu trước mắt là giải quyết khó khăn trên lĩnh vực nhà đất; phương hướng cải cách thể chế, chỉ tiêu sử dụng đất cần ưu tiên một cách thích đáng các khu vực phía Đông, nhất là các khu vực đóng góp cao cho GDP và thu hút lao động nhiều từ các địa phương khác. Trong phát triển nhất thể hóa thành thị nông thôn, cải cách cần chú ý sự đồng bộ giữa thành thị hóa kiểu mới và chấn hưng nông thôn; một mặt đẩy nhanh thị dân hóa số nông dân di chuyển ra thành thị, mở rộng chính sách hộ khẩu… Mặt khác ở nông thôn, tiếp tục thúc đẩy tăng thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực…

– Cải thiện dân sinh, chú ý giải quyết các tồn tại trong lĩnh vực nhà đất, một mặt mở rộng phạm vi quyền hạn giải quyết vấn đề bất động sản, thúc đẩy các thành phố cấp Huyện trở lên làm việc này; mặt khác, do  nhu cầu về vốn tăng cao, tài chính trung ương nên tăng thích đáng các khoản hỗ trợ mua nhà

– Mở cửa trình độ cao: tăng cường mở cửa mang tính chế độ hóa. thúc đẩy sự chuyển biến từ mở cửa đối với hàng hóa sang mở cửa mang tính chế độ (quy tắc, quy chế, tiêu chí…). Chế độ hóa mở cửa có thể là trọng điểm của mở cửa trong tương lai, đặc biệt phải chú ý việc thích ứng với tiến trình Trung Quốc tham gia CPTPP và DEPA (Hiệp định đối tác kinh tế số).

4. Đánh giá chung

4.1. Ý nghĩa của HNTW3/Khoá XX

– HNTW3 lần này là sự tiếp tục “toàn diện đi sâu cải cách” của HNTW3/Khóa XVIII (2013) và là trang mới mang tính lịch sử của quá trình thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Đây là sự bố trí chiến lược quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tiến trình xây dựng toàn diện quốc gia hiện đại hóa XHCN; Hội nghị đã chỉ rõ phương hướng phát triển của Trung Quốc trong 5-10 năm tới và một thời gian tiếp theo; tạo nên sự bảo đảm về chính trị và tổ chức cho bước phát triển mới của Trung Quốc. Đây cũng là Hội nghị đi sâu quán triệt tinh thần Đại hội XX, chi tiết hóa việc thực hiên sự bố trí chiến lược mà Đại hội XX đã đề ra, thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ hai của Trung Quốc.

– HNTW3 lần này đã tập trung đi sâu vào các vấn đề lý luận và thực tiễn của tiêu điểm “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Từ sau Đại hội XX, tầng quyết sách Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh, thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc trên cơ sở phát triển chất lượng cao. HNTW3 lần này đã đóng vai trò thiết kế thượng tầng của quá trình này trong thồi kỳ mới.

– Hội nghị đã chỉ ra các trọng điểm cải cách: Một là cải cách đi liền với “thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, với mục tiêu tổng quát là “hoàn thiện và phát triển chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc, thúc tiến hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị quóc gia”. Hai là cải cách phải “tập trung vào các vấn đề mang tính toàn cục và tính chiến lược”. Ba là điểm đột phá khẩu của cải cách phải từ những vấn đề cấp thiết của nhân dân như việc làm, tăng thu nhập, học hành, chăm sóc ý tế, nhà ở, nhà trẻ, viện dưỡng lão và những vấn đề liên quan đến an toàn tính mệnh, tài sản của nhân dân.

4.2. Ảnh hưởng của HNTW3/Khoá XX

(i) Ảnh hưởng đối với bản thân Trung Quốc:

– Bổ sung, hoàn chỉnh đường lối, hướng đi cả về lý luận và thực tiễn trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động phức tạp, thách thức nhiều hơn cơ hội; nâng cao nhận thức chung, củng cố thêm lòng tin vào tiền đồ đất nước, vào vai trò “hạt nhân” của Tập Cận Bình, vào vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế; tạo thêm động lực cho phát triển và xây dựng Đảng, củng cố nội bộ. HNTW3 lần này cũng là một bước chuẩn bị để thống nhất tư tưởng, nhận thức của toàn Đảng trước khi bước vào Hội nghị các cấp, tiến tới Đại hội XXI của Đảng.

– Trong nội bộ Trung Quốc, bên cạnh sự khẳng định, đề cao cũng có những đánh giá thận trọng, dè dặt đối với HNTW3 lần này: Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển quốc gia Đại học Bắc Kinh, Ủy viên Ủy ban chính sách tiền tệ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Hoàng Ích Bình cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, “Tất cả dường như có nghĩa là An ninh quốc gia càng quan trọng hơn trước, chúng ta không nên kỳ vọng một cuộc cải cách tự do hóa rất mạnh dạn, được dẫn dắt bởi thị trường”. Học giả này cho rằng, khả năng về một cuộc cải cách mang tính đột phá không cao, không kỳ vọng HNTW3 lần này cũng mang tính khai sáng như HNTW3/Khóa XI năm 1978 vì các nhà lãnh đạo sẽ thực hiện một chính sách cải cách mang tính tiệm tiến chứ không phải là cấp tiến. Chuyên gia Ngân hàng Lary Hu nói, “Hội nghị này là một hội nghị thuyết giáo về chính sách chứ không phải là một Hội nghị để giải quyết các vấn đề kinh tế cụ thể”.

Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn về đầu tư, khoa học công nghệ, dân số, việc làm. Hình ảnh một hội chợ việc làm ở Trùng Khánh, Trung Quốc, tháng 4/2023 – Ảnh: Getty/CNBC.

HNTW3/Khóa XX cũng cho thấy Trung Quốc hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, kể cả trên lĩnh vực hình thái ý thức; môi trường quốc tế và thực trạng kinh tế – chính trị nội bộ Trung Quốc vẫn chứa đựng nhiều nhân tố bất xác đinh, không dễ để triển khai một cách suôn sẻ các quyết sách của HNTW3 lần này, không loại trừ Trung Quốc sẽ phải có những điều chỉnh cần thiết trong quá trình thực hiện.

(ii) Ảnh hưởng quốc tế và khu vực:

– Hội nghị đã tập trung sự chú ý quan sát của thế giới, đánh giá về Trung Quốc trong tình hình mới; nhiều đánh giá tích cực, cũng có những đánh giá tiêu cực. Các nhà đầu tư toàn cầu rất quan tâm (năm 2023 đã có 68 tỉ USD đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc rút khỏi Trung Quốc), quan tâm đến mọi hàm ý thay đổi của chính sách kinh tế như quan hệ tài chính giữa trung ương và địa phương, giải pháp cho ngành nhà đất, tiền đồ của kinh tế tư doanh (phi quốc hữu), chính sách thúc đẩy tự chủ khoa học công nghệ, ứng phó với xu thế lão hóa dân số… trực tiếp liên quan đến chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài; trong đó trọng điểm quan tâm là về cải cách tài chính (đợt cải cách tài chính – thuế mới), tiếp đến là vấn đề nhà đất.

Học giả nước ngoài tập trung vào 3 vấn đề: HNTW3/Khóa XX sẽ đưa ra những biện pháp mang tính tổng hợp, tính cụ thể nào để ứng phó với các thách thức trước mắt? có trình bày rõ ràng hơn về phương hướng phát triển cụ thể của kinh tế Trung Quốc, nhất là về “phát triển chất lượng cao” và “sức sản xuất chất lượng mới”?; Đưa ra những chính sách mới nào thúc đẩy hợp tác khu vực, hợp tác quốc tế. Các công ty nổi tiếng của Mỹ đã có kế hoạch đi thăm Trung Quốc ngay sau Hội nghị này kết thúc và dự kiến găp Vương Nghị và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào để cập nhật tính hình…

“Liên hợp buổi sáng” ngày 30/4/2024 cho rằng, HNTW3 này sẽ “định hình hướng cải cách 5-10 năm tới, tìm kiếm sự cân bằng giữa nguy cơ và thời cơ”. Nhiều hãng cho rằng, quyết tâm, chiều sâu và chiều rộng của đi sâu cải cách của Trung Quốc là chưa từng có; Không chỉ ảnh hưởng đến tiền độ vận mệnh của Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đên tương lai phát triển của thế giới; cho rằng HNTW3 này đã tạo cơ hội nghiên cứu áp dung “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, nhất là với thế giới đang phát triển; khẳng định về chiến lược mở cửa trình độ cao, đặc biệt là “mở cửa mang tính chế độ” sẽ làm cho mở cửa được chế độ hóa, ổn định hơn…

Đặc biệt, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đánh giá rất cao Trung Quốc thông qua Hội nghị này: Ngày 4/7/2024, trong cuộc gặp ông Tập Cận Bình tại Kazastan, ông nói “Tương lai của nhân loại phần lớn được quyết định bởi Trung Quốc”. Thế giới phổ biến cho rằng HNTW3 này sẽ mở ra tiền đồ xán lạn cho thực hiện hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng sâu sắc, mang lại sự ổn định quý báu cho thế giới đang rối loạn phức tạp, tạo ra càng nhiều cơ hội phát triển, càng nhiều “động lực Trung Quốc” cho phát triển phồn vinh của nhân loại.

Nhưng cũng có nhiều đánh giá tiêu cực: Nghiên cứu viên Đại học Quốc lập Singapore Trần Cương dự báo, HNTW3 sẽ tuyên bố “cải cách” nhưng không phải là thứ cải cách mà các các xí nghiệp tư doanh mong muốn. Lý Hằng Thanh, học giả kinh tế thuộc Sở nghiên cứu “Tin tức và chiến lược” Washington cho rằng, HNTW3 đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ ba sau sửa đổi Hiến pháp của Tập Cận Bình, không được pháp chế hóa, quyền lực không được kiểm soát, sẽ không có gì là mang tính đột phá và tính sáng tạo.

(iii) Gợi ý đối với Việt Nam:

– Trung Quốc xác định vị trí vai trò của cải cách: là pháp bảo để Trung Quốc đuổi kịp thời đại, là nhân tố quyết định thành bại của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Trong 10 năm qua, Tập Cận Bình đã chủ trì 72 cuộc họp của Ủy Ban đi sâu cải cách Trung ương, đưa ra trên 600 văn bản chỉ đạo về cải cách và trên 3000 phương án cải cách… góp phần quan trọng để Trung Quốc đạt được các thành tựu như ngày nay. HNTW3 lần này có nhiều vấn đề mới về lý luận và thực tiễn (như vấn đề “phát triển chất lượng cao”, quan điểm “sức sản xuất chất lượng mới”, “mở cửa mang tính chế độ”…), ta có thể trao đổi hoặc phối hợp nghiên cứu với Trung Quốc về các vấn đề này.

– Do những biến đổi phức tạp của địa chính trị thế giới, đặc biệt là sự gia tăng liên kết Mỹ/phương Tây chống phá Trung Quốc, nhu cầu tập hợp lực lượng mới của Trung Quốc càng trở nên bức thiết, trong đó vai trò vị trí của Việt Nam càng được khẳng định, sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy quan hệ hai nước. Sau HNTW3/Khóa XX, cơ hội và không gian hợp tác phát triển Trung Việt có thể sẽ nhiều hơn, lớn hơn, ta cần kịp thời nắm bắt.

– Việt Nam cần có phương án và lịch trình cụ thể thúc đẩy “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” và  thực hiện “Cộng đồng chia sẻ tương lai” Việt Trung một cách thiết thực, hiệu quả trong tình hình mới. Cần nghiên cứu, chuẩn bị tốt chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các lãnh đạo mới của Việt Nam, mang lại những kết quả thiết thực, xứng tầm với quan hệ hai nước trong tình hình mới; mặt khác cần tăng cường phối hợp, hợp tác với Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế, trong CPTPP, DEPA, RCEP…■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC