Hiện nay, thế giới vẫn đang chịu sự chi phối của trật tự đơn cực do Mỹ dẫn dắt. Điều đó có nghĩa là Mỹ có thể khống chế và áp đặt mọi nguyên tắc, giá trị của Mỹ và phương Tây lên toàn cầu để phục vụ lợi ích của mình. Mỹ thực hiện vai trò bá chủ này không chỉ thông qua tiềm lực, sức mạnh quân sự, kinh tế vững chắc, mà còn tạo ra xung quanh mình một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế toả đi khắp nơi trên thế giới. Và đặc biệt, vai trò bá chủ của Mỹ đối với thế giới chủ yếu có được là nhờ vào đồng đô la.

Nói cách khác, chính sức mạnh của đồng đô la đã buộc nền thương mại, kinh tế thế giới phải phụ thuộc Mỹ. Hầu hết các quốc gia, châu lục thế giới đều chịu ảnh hưởng từ cơ chế này. Thực tế cho thấy, đồng đô la đã ngự trị trên thế giới từ đầu những năm 1971 đến nay. Chính việc khống chế, nắm trong tay đồng tiền có sức ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ tới thương mại, tài chính, kinh tế thế giới… mà Mỹ có thể toàn quyền thao túng các nước đồng minh, khiến họ phụ thuộc vào Mỹ và giúp Mỹ đảm bảo được quyền lợi, cũng như xây dựng nền tảng địa chính trị của mình ở khắp nơi.

Đại diện của OPEC tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Hoa Kỳ vào tháng 3/1974, chấm dứt cuộc Khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Nước Mỹ tiếp tục thống trị thương mại thế giới bằng đồng đô la gắn liền với các giao dịch dầu mỏ. Ảnh: Everett Collection/age fotostock

Nhận thức về việc thoát khỏi ảnh hưởng của đồng đô la

Qua hai cuộc cách mạng công nghiệp lớn ở thế kỉ XIX – XX, nước Mỹ giàu lên nhanh chóng nhờ sở hữu những công nghệ hiện đại, đặc biệt là về quốc phòng, dầu khí, khoáng sản, công nghiệp nặng… Các nước muốn trao đổi những công nghệ này với Mỹ buộc phải thanh toán bằng đồng đô la. Nhờ vậy, đồng tiền của Mỹ đã trở thành đồng tiền thống trị các giao dịch, thanh toán quốc tế, và là đồng tiền trung gian được sử dụng nhiều nhất trong các trao đổi thương mại, kinh tế giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chủ nghĩa bá quyền phương Tây dựa trên nền tảng cơ bản là đồng đô la “quyền lực”, với sự hậu thuẫn có tính bản vị của dầu mỏ. Điều này vốn dĩ bắt nguồn từ những cam kết giữa Chính phủ Hoa Kỳ và các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới tại Trung Đông, đặc biệt là Ả Rập Xê Út. Vào những năm 1970, Mỹ và các nước Trung Đông đã thiết lập một cam kết rằng, bất kì một quốc gia nào tham gia thương mại về dầu mỏ đều phải sử dụng đồng đô la để thanh toán. Ngoài ra, họ sẽ không chấp nhận thanh toán bằng bất cứ một đồng tiền nào khác. Sau này, Tổng thống Nixon còn bỏ luôn cả bản vị vàng, không trao đổi, thanh toán thương mại bằng vàng. Nước Mỹ chính thức dựa hẳn vào đồng đô la để giao dịch với thế giới. Quyết định này, cộng với sức mạnh quân sự của Mỹ lúc đó, đã khiến thế giới buộc phải đưa đồng đô la trở thành đồng tiền bản vị trung gian trong các giao dịch quốc tế. Cũng kể từ đó, Mỹ đã chính thức củng cố vị thế bá chủ và tiến hành kiểm soát, thao túng thế giới dựa trên đồng tiền này.

Với một lợi thế khổng lồ, đồng đô la đã trở thành thứ vũ khí đắc lực giúp Mỹ thi hành lệnh trừng phạt các quốc gia đối đầu, thù địch. Một khi các nước này không tuân thủ các chính sách, đường lối của Mỹ, thì họ cũng không thể buôn bán, trao đổi với Mỹ bằng đồng đô la, và lượng dự trữ đô la trong nước cũng sẽ giảm đi đáng kể, khiến họ khó thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế. Cách trừng phạt này không những giáng đòn đánh lớn về mặt kinh tế mà còn có thể gây ra những bất ổn chính trị, dẫn đến sụp đổ chế độ ở các nước này. Nhờ đó, Mỹ có thể loại bỏ những chính quyền không thân Mỹ và phương Tây để thiết lập những chính quyền mới, chấp hành sự dẫn dắt của Mỹ, giúp Mỹ duy trì trật tự đơn cực.

Đó chính là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc nhiều quốc gia trên thế giới bị trói buộc vào đồng đô la, và đồng tiền này đã trở thành đơn vị tiền tệ thống trị toàn cầu trong suốt hơn nửa thế kỉ nay. Đồng đô la đã trở thành đồng tiền thanh toán và dự trữ ở nhiều quốc gia, mà không một đồng tiền nào khác có được lợi thế lớn như vậy. Hiện nay, các giao dịch quốc tế đều được thực hiện thông qua hệ thống chuyển tiền SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunications) do Mỹ và phương Tây kiểm soát.

Điều đó càng khiến cho các quốc gia dễ gặp rủi ro, bị động trong giao dịch thương mại, và họ đã chán ngán việc hệ thống tiền tệ, tài chính thế giới chỉ xoay quanh một đồng tiền duy nhất. Sự phẫn nộ nổ ra ở nhiều nơi. Nhiều quốc gia đã thấy được mối nguy hiểm của thế giới đơn cực do Mỹ giữ vai trò bá chủ, nắm trong tay đồng tiền có thể làm điêu đứng các nền kinh tế – chính trị khác. Bây giờ, đã đến lúc các nước trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia mới nổi, tìm lại vị thế của mình và tiến hành một công cuộc cải tổ trật tự thế giới theo xu hướng đa cực.

Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ, quốc gia này đã xây dựng cho mình tiềm lực kinh tế ngang bằng với Mỹ. Theo đó, sức mạnh quân sự và những giá trị văn hoá, quyền lực mềm của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng nhất định trên toàn cầu.

Ở châu Âu, sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga mới phải sống trong cảnh bị Mỹ và phương Tây chèn ép, cản trở sự phát triển trên nhiều phương diện. Song sang tới thế kỷ XXI, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, đã dần khôi phục lại những thành tựu kinh tế, quân sự, văn hoá, hồi sinh thành một cường quốc mới trên thế giới. Tuy tiềm lực kinh tế của Nga hiện vẫn chưa bằng được Mỹ và Trung Quốc, nhưng đây vẫn là một quốc gia vươn lên mạnh mẽ chỉ ở châu Âu, với một nền quốc phòng vững mạnh, liên tục được củng cố, phát triển. Nga hiện đang sở hữu lực lượng quân sự và sức mạnh hạt nhân có thể được coi là mạnh nhất thế giới, xét về cả quy mô, cơ cấu lẫn chất lượng. Đặc biệt, tiền thân của nước Nga là Liên Xô đã từng giữ ngôi vị “bá chủ” thế giới.

Với sự phát triển mau chóng và vượt bậc đó, Nga và Trung Quốc đều hình thành một nhận thức chung là họ sẽ không chịu sống trong một thế giới đơn cực, nơi mọi nguyên tắc, luật chơi đều do một quốc gia duy nhất là Mỹ dẫn dắt. Điều đó có nghĩa là, Nga và Trung Quốc hoàn toàn không chấp nhận những luật lệ mà do Mỹ đã đặt ra để chi phối toàn cầu.

Các nước này đã đi đến một quyết định chung là phải xoá bỏ thế giới đơn cực, lật đổ vai trò bá chủ của Mỹ để tạo ra một thế giới đa cực, nơi mà tất cả các quốc gia đều có thể tự chủ, độc lập, có đủ tư cách tham gia vào tất cả những vấn đề toàn cầu. Dù là một nước nhỏ, nền kinh tế không tăng trưởng cao, song họ vẫn có đầy đủ khả năng tham gia, đóng góp tiếng nói của mình vào những vấn đề chung của nhân loại, thay vì phải dò xét và tuân thủ theo ý kiến của Mỹ. Điều này chỉ có thể được tạo ra thông qua những thay đổi, cải cách về cách thức hoạt động của Liên hợp quốc, với những thiết chế chung mới được đưa ra, nhấn mạnh vào sự tham gia của tất cả các quốc gia, chứ không phải chỉ có tiếng nói của Mỹ được đề cao như hiện nay.

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm BRICS lần thứ 14 qua cầu truyền hình ngày 23/06/2022, tại Bắc Kinh, Trung Quốc (5 nhà lãnh đạo Nam Phi, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nga từ trái sang phải, từ trên xuống dưới). Ảnh: AP – Li Tao

Thực tế cho thấy, trong suốt hơn chục năm vừa qua, Nga và Trung Quốc đã liên tục thành lập các nhóm quốc gia khác nhau để truy cầu những tiếng nói độc lập, bên cạnh các diễn đàn toàn cầu đã chịu sự ảnh hưởng từ Mỹ. Có thể kể đến tổ chức CSTO (Tổ chức An ninh các nước Liên Xô cũ), liên minh kinh tế Á – Âu, chiến lược Vành đai – Con đường do Trung Quốc thiết lập ra, đã góp phần tạo dựng được những mối quan hệ mới với các nước Nam bán cầu, nhất là những nước đang khao khát thoát khỏi sự bá chủ của Mỹ như Ấn Độ, Nam Phi, Brazil. Năm 2010, họ thống nhất được một khối nước mới, gọi là khối BRICS, với tên viết tắt ban đầu là BRICS bao gồm chữ cái đầu của 5 quốc gia: Brasil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, Nam Phi.

Đó là nền tảng hình thành một cực mới, đối trọng với khối G7 do Mỹ dẫn dắt. Kể từ ngày 01/1/2024, một số nước châu Phi và Trung Đông, bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã chính thức gia nhập vào tổ chức này. Tất cả đều chung một mục tiêu xoá bỏ chủ nghĩa bá quyền phương Tây, vốn đã được cụ thể hoá qua một đại diện là tổ chức G7 – bao gồm 7 nền công nghiệp tiên tiến, giàu có nhất thế giới, do Mỹ lãnh đạo (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada). Ngoài vấn đề phi đô la hoá, muốn lật đổ chủ nghĩa bá quyền, thì phải có một nền tảng nào đó, hoặc một công cụ để khắc chế chủ nghĩa bá quyền của nhóm G7 này, và khối BRICS ra đời trong bối cảnh đó.

Đến nay, các thảo luận trọng tâm của khối BRICS đã bàn tới các giải pháp nhằm đảm bảo sự thiết lập nền tảng cho một thế giới đa cực ngày càng được củng cố và phát triển. Từ nay đến cuối năm 2024, các quốc gia chủ chốt như Nga, Trung Quốc, Nam Phi… sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể về việc xây dựng và duy trì trật tự thế giới đa cực. Quan sát về quá trình hình thành và sự phát triển của thế giới đa cực, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những khái niệm then chốt mà họ cho là tiền đề phải đi tới để có được nền tảng đa cực. Một trong số đó chính là “phi đô la hoá”. Các nhà nghiên cứu cho biết, chừng nào thương mại, kinh tế toàn cầu còn phải phụ thuộc vào đồng đô la của Mỹ, thì không bao giờ hình thành được một thế giới đa cực công bằng, văn minh.

Thực thi ý tưởng phi đô la hoá bằng đồng tiền riêng của khối BRICS

Thời gian vừa qua, những quốc gia mong muốn thúc đẩy hình thành trật tự đa cực đã khởi động rất nhiều chương trình nhằm thúc đẩy, tạo ra sự đối trọng với Mỹ. Một trong số đó là ý tưởng cho ra mắt đồng tiền chung của khối BRICS, được gọi là “5R” (lấy cảm hứng từ 5 loại tiền tệ đều bắt đầu từ chữ cái “R” của 5 nước sáng lập, bao gồm đồng Reais của Brazil, đồng Rub của Nga, đồng Rupee của Ấn Độ, đồng Renminbi của Trung Quốc, đồng Rand của Nam Phi). Việc tạo ra đồng tiền chung của khối BRICS nằm trong mục tiêu thiết lập một đơn vị thanh toán riêng, cạnh tranh với đồng đô la, góp phần thực hiện chính sách “phi đô la hoá”.

Điều đó có nghĩa là, nếu đồng tiền 5R được ra mắt, thì sẽ có một loạt các quốc gia khác nhau về nền tảng kinh tế, văn hoá, mức độ phát triển… song lại có khả năng cùng sở hữu một đồng tiền mang giá trị chung. Đây là một thách thức lớn được đặt ra cho khối BRICS, song nó cũng cho thấy tham vọng và quyết tâm của khối này trong việc tìm ra một giải pháp tiền tệ mới nhằm hạn chế ảnh hưởng của đồng đô la trong hệ thống thanh toán quóc tế. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy nỗ lực của khối BRICS trong việc tập trung xây dựng nền tảng tài chính cho các nước thành viên, tạo điều kiện tiến tới ra mắt một đồng tiền chung toàn khối.

Những năm vừa qua, rõ ràng, khối BRICS đã không sử dụng một đồng tiền kĩ thuật số nào trong số các đồng tiền điện tử mới được giới thiệu trên toàn thế giới, mặc dù những đồng tiền này cũng đã cho thấy một số ưu thế trên lĩnh vực thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, thay vì dễ dàng chấp nhận một đồng tiền đã có sẵn với nhiều rủi ro không thể kiểm soát được, khối BRICS luôn đề cập tới việc hình thành một đồng tiền riêng để sử dụng trong các giao dịch giữa các nước thành viên và giữa khối BRICS với các nước quốc gia không thuộc khối này.

Đại sứ Nga tại Nam Phi Ilya Rogachev đã trao tặng mẫu tiền giấy “5R” của khối BRICS cho Đại sứ UAE Mahash Saeed Al Hameli trong cuộc gặp hồi tháng 9/2023, nhân dịp UAE sắp gia nhập BRICS. Ảnh: Bloomberg

Tháng 4/2024, hãng thông tấn TASS đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) năm 2024 tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan, thuộc LB Nga, khi đó, nước Nga đã hoàn chỉnh tổ chức Nhà nước sau khi Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử hồi tháng 3/2024. Qua đó, ông Vladimir Putin cũng đã đặt ra một số vấn đề cần tập trung trong chương trình nghị sự của BRICS vào tháng 10 tới. Ngoài những vấn đề về tổ chức, kết nạp, thì BRICS sẽ thảo luận sâu về việc thiết lập nền tảng phi đô la hoá.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc từ ngày 16 – 17/6, Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với chủ đề phi đô la hoá, tiến tới hình thành đồng tiền chung của khối BRICS trong khuôn khổ. Kết thúc cuộc hội đàm, một tuyên bố chung đã được công bố về việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga – Trung Quốc. Tuyên bố này nhấn mạnh, Nga và Trung Quốc “sẽ tận dụng tối đa tiềm năng của quan hệ song phương để thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực công bằng, bình đẳng, dân chủ hoá quan hệ quốc tế”.. Nhiều học giả trên thế giới cho rằng, nếu khái niệm về đồng tiền chung của khối BRICS ra đời, nó sẽ trở thành một “quả bom” thực sự, gây ra một chấn động lớn cho công cuộc phi đô la hoá.

Theo thông tin từ Nga, nước này đang thúc đẩy việc công bố khái niệm “5R”. Họ coi đây là một trong những nền tảng của hệ sinh thái tiền tệ mới, có khả năng tích hợp và quy đổi trung gian cho nhiều đồng tiền khác nhau trên thế giới. Hệ sinh thái tiền tệ phi tập trung này sẽ hoạt động theo cơ chế đa quốc gia, phi tập trung, do đó có tính mở và hứa hẹn thu hút được nhiều người sử dụng. Điều này giúp “5R” tạo ra được một cơ chế đối trọng với đồng đô la của Mỹ – vốn chỉ tập trung vào một quốc gia, do một ngân hàng in tiền.

Nếu hệ sinh thái “5R” ra đời, thì các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước Nam bán cầu khối BRICS và các nước đang phát triển sẽ có khả năng dựa vào một đơn vị tiền tệ (unit) mới, với tính chất phi tập trung, mà không một quốc gia hay một trung tâm đầu não duy nhất nào có thể kiểm soát được. Theo các nhà kinh tế Nga, khi đồng tiền này hoạt động với nguyên tắc phi tập trung, thì việc quy đổi và thanh toán sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Đặc biệt, đồng tiền này còn giúp đảm bảo sự an toàn cho các giao dịch quốc tế, tránh được các cơ chế tập trung quyền lực tài chính, lạm dụng quyền lực này để kiểm soát, chi phối và thống trị nền kinh tế toàn cầu.

Theo chuyên gia Nga công bố, họ sẽ sử dụng công nghệ OTP, kết nối các giao dịch với những máy chủ đặt ở một số nước, để từ đó vận hành và điều khiển hệ thống chuyển đổi tiền tệ khi thanh toán. Thông thường, nếu máy chủ chỉ đặt ở một nơi duy nhất, khi có bất kì một vấn đề nào xảy ra với máy chủ, những máy khách còn lại cũng có thể phải ngừng hoạt động. Nói cách khác, máy chủ có khả năng thao túng hoạt động của toàn bộ hệ thống. Tuy nhiên, nếu cơ chế tiền tệ phi tập trung được thiết lập, thì tất cả các giao dịch ngân hàng ở các quốc gia không cần phải phụ thuộc vào một trung tâm duy nhất, mà vẫn có thể liên hệ, lấy được các dữ liệu từ những máy khác trong hệ thống. Điều này góp phần khắc phục được cơ chế thao túng, kiểm soát hệ thống của một đầu não độc quyền, đồng thời giúp cho các giao dịch được xử lý một cách nhanh chóng, hiệu quả, giảm thiểu được những rủi ro không đáng có.

Ban đầu, hệ thống quản trị thanh toán đô la do Mỹ điều hành cũng có những ưu điểm nhất định, liên tục được cập nhật và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, trái với những hiệu quả đạt được trong giai đoạn đầu, sự độc quyền về quản trị thanh toán đã khiến Mỹ dễ dàng lợi dụng đặc quyền này để thao túng, “bóp chết” những tổ chức, cá nhân nước ngoài mà Mỹ xem là gây bất lợi cho mình. Khi hệ thống bị xâm nhập, những rủi ro về an ninh mạng đã đe doạ toàn bộ hệ thống. Rõ ràng, việc độc quyền kiểm soát tiền tệ và hệ thống thanh toán trung gian bằng đồng tiền đó, sẽ mang lại nhiều bất cập hơn là sự lành mạnh, an toàn cho những người sử dụng.

Thực tế cho thấy, một số hãng công nghệ lớn của Mỹ đã nhận thức được điều này và xây dựng hệ thống của mình theo hướng phân tán sự kiểm soát, thông qua nhiều máy chủ ở khắp nơi trên thế giới. Hệ thống Microsoft, Mega, Google… có các máy chủ khác nhau tại Mỹ, Singapore, Anh… Nếu máy chủ ở một nơi bị tấn công, thì dữ liệu ở những nơi khác vẫn được bảo mật an toàn.

Điều đó chứng tỏ, không chỉ chính trị mà công nghệ thế giới cũng đang vận hành theo xu hướng phi tập trung hoá. Do vậy, những khái niệm mà khối BRICS đưa ra về kinh tế, tài chính, tiền tệ, thương mại điện tử… cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế chung, là việc thanh toán, giao dịch trên thế giới sẽ không còn phụ thuộc vào một trung tâm đầu não duy nhất, mà sẽ được đa dạng hoá, nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hạn chế tối đa rủi ro thanh khoản. Hệ thống tiền tệ mới “5R” hoạt động theo xu hướng này còn cho thấy tính ưu việt trong việc liên kết các đơn vị tiền tệ ở các quốc gia với những cấp độ quy đổi khác nhau, giúp mỗi nước vừa có thể giao dịch bằng đồng tiền chung, vừa giữ được đơn vị tiền tệ độc lập của nước mình. Chiến lược phi đô la hoá, phi tập trung tiền tệ được xây dựng dựa trên cơ chế này.

Nhiều nguồn tin cho biết, những nước đứng đầu khối BRICS đã tổ chức các thảo luận về quá trình phi đô la hoá bằng cơ chế thanh toán mới trong suốt nhiều năm trở lại đây, từ các hội đồng kinh doanh, hội đồng thương mại, tài chính… cho đến các cuộc gặp song phương giữa nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên trong khối. Việc BRICS đã làm việc trong suốt nhiều năm liền chứng tỏ, khối này tỏ ra rất nghiêm túc với mục tiêu phi đô la hoá, và mong muốn xúc tiến thi hành các chính sách liên quan càng sớm càng tốt. Mặc dù không rõ tiến độ thực thi chính sách này đến đâu, song có thể thấy, với công bố thực hiện mục tiêu đầu tiên vào năm 2025, Nga – nước chủ tịch khởi xướng phi đô la hoá – đã đưa ra những thông tin cơ bản và giải thích những khái niệm then chốt về chính sách này. Điều đó cho thấy, hệ thống tiền tệ mới của BRICS rất có thể sẽ sớm đi vào hoạt động trong những năm tới.

Khối BRICS, dẫn đầu là Nga, coi “5R” là một giải pháp có hiệu quả hơn rất nhiều so với đồng đô la, bởi đặc tính xuyên biên giới, đa dạng hoá thanh toán bằng các đồng tiền có giá trị không tương đương. Theo thông tin ban đầu, đơn vị mà BRICS đưa ra, sẽ hoàn toàn khác biệt với các hệ thống tiền tệ khác. Hệ thống này chống lại sự độc quyền của một đồng tiền cụ thể, và không cho phép bất kì quốc gia nào được sở hữu một máy chủ giao dịch duy nhất. Mỗi một quốc gia đều có quyền quyết định và sử dụng và quản lý hệ thống này theo cách của mình, bằng đồng tiền mà mình đang sở hữu.

Điều đó cũng có nghĩa là hệ thống này cho phép các quốc gia tự kiểm soát và tham gia xử lý tận gốc vấn đề thao túng giá cả, nhất là trong các giao dịch thương mại liên quan đến những mặt hàng như lương thực, năng lượng… Trong tương lai, nền tảng hứa hẹn sẽ trở thành một “sàn giao dịch” công bằng, uy tín nhất từ trước đến nay. Và đặc biệt, nó góp phần giải quyết được vấn đề thương mại liên Á – Âu theo ý đồ của BRICS, giúp mọi người dân ở các quốc gia thuộc thuộc khối này dễ dàng tiến hành mua bán, trao đổi một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiện lợi mà không gặp phải bất kì rủi ro, hạn chế nào.

Nếu hệ thống sinh thái tiền tệ mới này đảm bảo được đúng những gì được đưa ra trong khái niệm mà BRICS công bố, thì đây sẽ là hệ thống tiền tệ đầu tiên có khả năng đứng độc lập, không chịu lệ thuộc vào hệ thống tài chính của bất kì quốc gia nào trên thế giới. Và tất cả những giao dịch của những người tham gia vào hệ thống này đều sẽ không bị kiểm soát, chi phối bởi nền chính trị, kinh tế của một nước cụ thể như các mà Mỹ thao túng thế giới bằng đồng đô la trước kia. Hơn thế nữa, hệ thống này hoàn toàn có thể quy đổi được dựa trên bản vị vàng và một số loại tiền tệ quan trọng trên thế giới, cũng có thể thanh toán bằng tiền mặt chứ không phải chỉ có giá trị kĩ thuật số như các đồng tiền ảo hiện nay. Do đó, nhìn tổng thể, đây là một phương thức thanh toán linh hoạt bậc nhất, dựa trên cơ chế giao dịch phi tập trung mà trong thời gian vừa qua, rất nhiều nhà quan sát và các chuyên gia dự báo tài chính đều bày tỏ sự quan tâm tới ý tưởng này.

Một số thách thức đặt ra cho việc hiện thực hoá đồng tiền mới của BRICS

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là, để hình thành được một hệ thống tiền tệ như vậy, đòi hỏi phải có sự tham gia của rất rất nhiều quốc gia, với nguồn nhân lực khổng lồ để xây dựng, vận hành hệ thống. Bên cạnh đó, việc thành lập một đội ngũ giám sát và thực thi các vấn đề bảo mật thông tin cũng rất quan trọng, nhằm đem lại lợi ích tối đa cho toàn bộ hệ thống và cho tất cả các quốc gia tham gia hệ sinh thái này. Việc điều tiết hệ thống nhằm tránh được sự kiểm soát, chi phối như của đồng đô la trước đây, nhất là ở các nước có nền kinh tế phát triển trong khối, sở hữu thặng dư thương mại lớn, cũng là một vấn đề đáng bàn luận xoay quanh việc hình thành và phát triển hệ thống này.

Trung Quốc là một quốc gia thuộc khối BRICS có thặng dư thương mại lớn. Đồng nhân dân tệ (renminbi) cũng được xem là một trong những đồng tiền đang được thế giới “săn đón”. Đồng rub của Nga cũng đang trở nên phổ biến trong thanh toán và dự trữ tài chính ở một số nước thuộc khu vực Đông Âu. Do đó, giao dịch phi đô la trong nội bộ khối BRICS với sự tham gia của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, phải được tính toán kĩ lưỡng để không có sự kiểm soát chéo lẫn nhau dựa trên những ưu thế sẵn có về tiền tệ.

Trên thực tế, các cuộc mua bán trước đây giữa ba nước Ấn Độ – Nga – Trung Quốc, đòi hỏi một số nước phải tích luỹ đồng nội tệ của những nước khác. Thí dụ, Ấn Độ muốn mua dầu khí của Nga thì phải tích trữ nhiều đồng rub. Ngược lại, sản phẩm của Ấn Độ bán vào Nga – Trung Quốc không thể dùng đồng rupee của Ấn Độ, mà phải quy đổi thành đồng rub hoặc nhân dân tệ. Tình trạng này khiến cho các giao dịch thương mại của một số nước trong khối bị hạn chế, trong khi những nước khác, vốn sở hữu đồng tiền chiếm nhiều ưu thế thanh toán, lại có lợi hơn khi các nước khác phải dự trữ đồng tiền của mình.

Mặc dù người Nga đã rất cố gắng để đảm bảo quyền lợi thương mại của Ấn Độ, song họ cũng không có nhu cầu sử dụng đồng tiền rupee, nên việc giải quyết các giao dịch, thanh toán với Ấn Độ đều phải quy đổi sang đồng rub. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới xung đột thương mại Nga – Ấn trong thời gian qua. Về phía mình, Ấn Độ cũng có những lợi thế riêng khi trở thành một nước xuất khẩu nhiều mặt hàng quan trọng, bao gồm lương thực, thực phẩm, khiến giá trị đồng tiền của họ đã gia tăng đáng kể so với một số khác trong khối BRICS.

Do đó, nếu hệ thống thanh toán nội bộ ra đời, nó sẽ góp phần khắc phục được những hạn chế này. Một số nước thuộc BRICS có thể sẽ cần dự trữ đồng rupee của Ấn Độ, cụ thể như Ai Cập – vốn nhập khẩu một lượng lương thực lớn từ Ấn Độ. Khi hệ thống này được mở ra, đồng tiền rupee vốn khó sử dụng trên thế giới, có thể được chuyển đổi thành đồng tiền trung gian, giúp Ấn Độ dễ dàng bán được hàng hoá của mình. Hệ thống tiền tệ mới nếu được nhân rộng sẽ đem lại lợi ích lớn cho các nước vốn có đồng tiền không phổ biến, nhất là các quốc gia ngoài BRICS.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) đón Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi trong chuyến thăm New Delhi vào tháng 1/2023, trong bối cảnh Ai Cập trở thành nước nhập khẩu lương thực lớn nhất của Ấn Độ, và Ai Cập cũng đang xúc tiến để gia nhập khối BRICS vào đầu năm 2024. Ảnh: PTI

Dễ nhận thấy, vấn đề “5R” không chỉ dừng lại ở việc giải quyết quan hệ thanh toán trong nội bộ khối BRICS như đã nêu ở trên, mà còn đặt ra một giải pháp tham vọng, nhằm giải quyết tận gốc mọi vấn đề giao dịch thương mại có tính toàn cầu. Giả sử, Ấn Độ có đồng rupee, Nga có đồng rub, Trung Quốc có đồng nhân dân tệ… Theo cách hoạt động của hệ thống này, khi Ấn Độ cầm đồng rupee chuyển vào hệ thống thanh toán mới, thì hệ thống có thể quy đổi và chuyển đồng rupee sang đồng tiền chung “5R” theo giá trị tương ứng. Nếu người Nga chuyển các đồng rub vào hệ thống, thì hệ thống cũng sẽ tự động quy đổi ra giá trị hối đoái tương đương.

Với cơ chế này, bất kì loại tiền nào trong khối BRICS cũng có thể chuyển đổi ra đồng tiền mới “5R”, và ngược lại, tiền “5R” hoàn toàn có khả năng quy đổi ra đồng tiền nội địa của bất kì quốc gia nào, thông qua hệ thống quy đổi tỉ giá chung, mà không cần phải sử dụng đồng đô la như trước đây.

Như vậy, về nguyên tắc, đây là một hệ thống rất linh hoạt và thậm chí có tính lí tưởng, khi mỗi nước đều có thể gửi trực tiếp đồng tiền nội địa của mình vào đây để giao dịch quốc tế ở bất cứ đâu họ muốn. Tuy nhiên, việc thực thi sẽ rất khó khăn, nhất là khi không có một hệ thống quy đổi tỉ giá hối đoái làm chuẩn. Vấn đề niềm tin và giám sát trong hệ thống cũng đặt ra những thách thức nan giải.

Dự án phi đô la hoá của BRICS hiện vẫn đang là khái niệm tiền tệ rất sơ khởi, nhận thức được nó là một nền tảng trao đổi tiền tệ qua một giá trị trung gian mà không cần một loại tiền cố định “làm chuẩn”. Một quốc gia bất kì khi muốn đăng kí vào giao dịch thương mại này, thì được bảo chứng của các ngân hàng Trung ương để được phép đưa tiền vào, nhận được tiền ra quy đổi dựa vào các công ước chung đã tham gia kí kết.

Tóm lại, câu chuyện tiền tệ này được phía Nga giải thích: Nó là hệ thống tiền tệ phi tập trung. Chi phí giao dịch của nó chắc chắn sẽ thấp hơn rất nhiều so với giao dịch trung tâm tập trung. Toàn bộ hệ thống này đều tự động, người sử dụng chỉ cần quét mã QR, cho nên nó không chịu bất kì sự chi phối nào như nền tảng thanh toán đồng đô la qua SWIFT. Mỹ và phương Tây cũng không thể cấm vận, khống chế các nước khác bằng đồng đô la như trước. Đặc biệt, hệ thống tiền tệ này đã giải quyết được vấn đề tiền nội tệ của các nước, giúp những đồng tiền này có thể được sử dụng trực tiếp vào việc mua bán, trao đổi chung trong khối BRICS.

Tuy nhiên, cần thấy rằng, việc vận hành một hệ thống đồ sộ như vậy đòi hỏi phải xử lý khối lượng thông tin và thao tác chuyển đổi rất phức tạp. Ngoài ra, việc thiết lập cơ chế luật pháp chung cũng đòi hỏi phải có thời gian thảo luận để đưa ra một giải pháp phù hợp. Hiện nay, mỗi nước thuộc khối BRICS đang sở hữu những đồng tiền khác nhau, hệ thống ngân hàng và số lượng vàng… cũng khác nhau. Do đó, từ khâu chuẩn bị, đề ra các khái niệm, quy tắc cho đến khi đưa hệ thống đi vào vận hành, cũng cần một khoảng thời gian rất dài để tính toán, cân nhắc. Bên cạnh khối lượng công việc, công đoạn, đội ngũ nhân lực cực kì lớn, sự hợp tác và phải độ tin tưởng giữa những người xây dựng hệ thống cũng là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bại của “dự án thế kỉ” này.

Các nhà quan sát cho rằng, ý tưởng đầu năm 2025, khối BRICS có thể đưa ra một đồng tiền mới và hệ thống thanh toán mới, chính là “quả bom tấn” để tiến tới phi đô la hoá. Tuy nhiên, để hiện thực hoá được ý tưởng này, thì đòi hỏi phải trải qua một quá trình vô cùng gian truân, nhất là trong bối cảnhđồng đô la của Mỹ vẫn đang ngự trị và chiếm ưu thế lớn. Hiện tại, thế giới vẫn phải sử dụng đô la làm đồng tiền thanh toán thương mại. Vì vậy, phi đô la hoá là một dự án khả thi của khối BRICS, nhưng không thể một sớm một chiều thực hiện được. Con đường tiến tới thế giới đa cực vẫn là cả một hành trình lâu dài, với đầy rẫy thách thức, song cũng không kém phần thú vị và xứng đáng để dấn thân.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC