Chúng ta vừa trải qua một năm 2023 đầy biến động, đặc biệt là những biến động địa chính trị có tác động quyết định đến kinh tế thế giới. Nền kinh tế thế giới phải chịu tác động của đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraine, khủng hoảng giá sinh hoạt và gần đây nhất là cuộc tấn công của Hamas vào Israel và cuộc phản công của Israel. Những sự kiện này phủ bóng tối lên kinh tế thế giới năm 2023 và có thể cả những năm tiếp theo. Tuy nhiên có những khó khăn như đứt gẫy trên thị trường năng lượng và lương thực do các cuộc xung đột địa chính trị gây ra và chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nước, kinh tế thế giới đã tăng trưởng chậm lại nhưng không chững lại. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì kinh tế thế giới đang “chậm rãi tiến chứ không chạy đua nước rút”.

Đến tháng Mười, nhiều nhà kinh tế vẫn cho rằng lạm phát đã phần nào được kiểm soát. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, đặc biệt là ở những nước đang phát triển và mới nổi.

Cũng theo dự báo mới nhất của IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại, giảm từ 3,5% trong năm 2022 xuống còn 3,0% năm 2023 và dự kiến sẽ chỉ tăng 2,9% năm 2024. Con số dự báo cho năm 2024 đã giảm 0,1% so với dự báo tháng Bẩy của chính cơ quan này. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 1961 cho đến nay. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) còn dự báo tăng trưởng thấp hơn cho hai năm 2024 và 2025 cho dù tăng trưởng của Mỹ đã lên cao trong quý III năm 2023, lên đến 5,2%.

Dự báo tăng trưởng GDP của các khu vực trên thế giới (theo tỉ lệ %). Nguồn: World Economic Outlook, IMF, tháng 10/2023.

Lạm phát vẫn tiếp tục giảm, từ 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm nay và dự kiến sẽ là 4,8% trong năm 2024. Lạm phát ở các nước châu Âu đã giảm nhiều so với dự đoán trước đây, chỉ ở mức 2,4% trong tháng 11 so với 2,9% trong tháng 10.

IMF cũng cho rằng có sự khác biệt trong tăng trưởng kinh tế giữa các nước. Những nước có khó khăn là nước công nghiệp phát triển. Mỹ là nước tăng trưởng kinh tế cao bất ngờ. Quý III vừa qua, Mỹ tăng trưởng 4,9%, vượt xa tăng trưởng quý II là 2,1% và cao hơn dự báo cho quý trước đây là 4,2% nhờ đầu tư và tiêu dùng tăng. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro giảm đi. Nhiều nước có nền kinh tế mới nổi đã tăng trưởng trừ Trung Quốc. Trung Quốc đang gặp phải nhiều khó khăn do khủng hoảng bất động sản và lòng tin người tiêu dùng suy yếu.

IMF cũng cho rằng trong năm 2023 có ba lực tác động đến phát triển kinh tế thế giới. Đó là (1) dịch vụ đang phục hồi nhanh chóng; (2) kinh tế phát triển chậm dần là do các nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm giảm lạm phát; (3) lạm phát và hoạt động kinh tế bị định hình bởi cú sốc về giá hàng hoá trong năm 2022.

Trong nhiều năm, nhu cầu dịch vụ cao đã hỗ trợ kinh tế dịch vụ tăng. Một trong những dịch vụ quan trọng với nhiều nước là du lịch, đặc biệt là Pháp và Tây Ban Nha, những nước có tỷ trọng thu nhập từ du lịch cao. Tuy nhiên, ở thời điểm này, ngành công nghiệp đang đi xuống kéo theo ngành du lịch giảm đi. Theo dự báo thì du lịch sẽ tiếp tục đi xuống vào năm 2024 và thị trường lao động và hoạt động kinh tế cũng sẽ giảm sút.

Trong hai năm vừa qua, các nước đều áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ để duy trì lạm phát ở mức thấp. Điều này có tác động tiêu cực. Điều kiện tín dụng chặt chẽ đang là gánh nặng cho thị trường bất động sản, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Nhìn lại năm 2023, chúng ta thấy những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế đã giảm đi nhiều. Tổ chức Y tế Thế giới đã thông báo Covid-19 không còn được coi là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu và số ca mắc và nhập viện Covid-19 có vẻ giảm ở một số nước. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy trong đại dịch đã trở lại bình thường với giá và thời gian vận chuyển đã quay trở lại mức trước đại dịch. Điều kiện tài chính toàn cầu đã dễ dàng hơn do các cơ quan quản lý của Thuỵ Sĩ và Mỹ đã có những biện pháp mạnh vào tháng 8 để ngăn chặn biến động trong ngành ngân hàng.

Nhờ vậy, GDP toàn cầu đã tăng 3,4% trong quý II năm 2023 so với năm 2022. Kinh tế phục hồi còn nhờ tiêu dùng tăng và thị trường lao động tích cực ở Mỹ cũng như hoạt động kinh tế mạnh ở các nền kinh tế có ngành giao thông vận tải và du lịch phát triển như Ý, Mehico và Tây Ban Nha. Tăng trưởng trong những ngành này cân bằng giảm sút ở lĩnh vực sản xuất nhạy cảm với biến động tỷ giá.

Tăng trưởng kinh tế của khu vực sử dụng đồng euro được dự báo ở mức thấp, mặc dù lạm phát đã được kiểm soát so với năm 2022. Ảnh minh họa: Bloomberg

Tuy vậy, trước mắt vẫn có những làn gió ngược chiều: (1) tiền tiết kiệm giảm trong giai đoạn đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến. Điều này dẫn đến tình trạng không đủ nguồn lực cho các hộ gia đình để đối phó với giá cả sinh hoạt cao và cho các công ty vay tín dụng để sản xuất. (2) tình trạng chậm phục hồi hoàn toàn lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là đi lại của người dân. Số lượt khách du lịch đã tăng dần đến mức trước đại dịch ở nhiều nước. Ở những nước du lịch phục hồi, kinh tế tăng trưởng khi du lịch đóng góp tỷ lệ cao vào GDP. Tuy nhiên, khi phục hồi hoàn toàn, tỷ lệ này sẽ giảm và đóng góp cho tăng trưởng GDP cũng sẽ giảm. (3) tăng trưởng chậm trong lĩnh vực chế tạo: dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng chậm hay suy giảm trong lĩnh vực chế tạo thể hiện trong sản xuất công nghiệp giảm, đầu tư đi xuống và thương mại hàng hoá quốc tế sụt. Tình trạng này bắt nguồn từ xu hướng dịch chuyển sau đại dịch sang sử dụng dịch vụ, cầu yếu do giá cả sinh hoạt đắt đỏ, chấm dứt chính sách hỗ trợ trong thời gian khủng hoảng, tín dụng siết chặt và bất ổn cũng như tình trạng phân mảng địa chính trị ngày càng tăng.

Điều này dẫn đến việc tăng trưởng khác nhau ở những nền kinh tế khác nhau. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đồng Euro chỉ là 0,7% trong năm 2023, thấp hơn dự báo của nhiều thể chế kinh tế và tài chính. Đức hiện đang bị tăng trưởng âm (-0,4%) do sản xuất đình trệ ở những khu vực nhạy cảm với lãi suất, cầu hàng xuất không cao. Anh sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% năm 2023 so với mức 4,1% năm 2022. Trong khi đó, Nhật Bản sẽ tăng 2,0% năm 2023 so với 1,0% năm 2022 nhờ cầu tăng, du lịch quốc tế vào Nhật Bản tăng mạnh và chính sách điều chỉnh tốt. Các nền kinh tế mới nổi cũng không tăng trưởng cao, chỉ ở mức 4,0%. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế ở các nước năm 2023 đã không được như kỳ vọng và có khác biệt giữa các khu vực và các nước.

Dự báo tăng trưởng GDP ngắn hạn là thấp hơn nhiều so với năm 2023 và trung hạn là thấp nhất trong nhiều thập kỷ. IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu là 3,1% năm 2028. Chính vì thế, nhiều nhà kinh tế cho rằng kinh tế thế giới hồi phục hoàn toàn quay trở lại mức trước đại dịch là rất khó có thể đạt được. Điều này đã đúng trước khi cuộc xung đột Nga và Ukraine nổ ra ngày 24/2/2022 và trước khi lạm phát tăng cao năm 2023 và nay thì càng đúng hơn.

Thương mại toàn cầu hiện ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Tăng trưởng thương mại năm 2023 chỉ là 0,9% so với 5,1% năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình là 4,9% trong giai đoạn 2000-2019. Lý do chính không chỉ là do nhu cầu hàng hoá toàn thế giới giảm sút mà là chuyển đổi trong cơ cấu cầu thiên về dịch vụ, đồng đô la lên giá và biện pháp hạn chế thương mại gia tăng.

Tăng trưởng kinh tế trong những năm sắp tới còn nhiều thách thức. Trước hết là nhiều khả năng Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc cần một chính sách có hiệu quả sẽ phải duy trì được ổn định tài chính thông qua việc đẩy nhanh thay đổi cơ cấu của các công ty bất động sản, tạo điều kiện cho các công ty này hoàn thiện những dự án đang thực hiện và giải quyết căng thẳng về tài chính ở cấp địa phương. Những biện pháp này sẽ giúp khôi phục lòng tin của người tiêu dùng cũng như của doanh nghiệp.

Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế của nước này. Ảnh minh họa

Giá hàng hoá có thể dao động nhiều vì những cú sốc về địa chính trị và khí hậu. Hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nóng và hạn hán xảy ra trong năm 2023 giữa hiện tượng nhiệt độ toàn cầu tăng đến mức kỷ lục là những điều sẽ có thể lặp lại trong năm 2024 và những năm sau nữa. Thất thu nông phẩm ở nhiều nước sẽ dẫn đến giá lương thực cao và mất an ninh lương thực. Hiện tượng El Nino thường làm giá lương thực tăng khoảng 6% mỗi năm là một mối lo. Xung đột ở Ukraine và căng thẳng địa chính trị ở những nơi khác có thể được đẩy lên cao hơn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm dao động giá lương thực, nhiên liệu, phân bón và các loại hàng hoá khác. Hạn chế xuất khẩu nông phẩm để giảm giá có khả năng làm tăng thêm biến động giá. Giá dầu tăng do sản lượng dầu giảm có thể làm cho hoạt động kinh tế bớt đi và lạm phát tăng.

Lạm phát cũng sẽ vẫn tiếp tục. Thị trường lao động giảm và đòi hỏi tăng lương có thể làm lạm phát tiếp tục đe dọa nền kinh tế thế giới. Với những nước kinh tế đã tăng trưởng trong hai năm qua thì vẫn có dư địa để điều chỉnh trước việc tăng lương mà không gây ra tăng giá cả. Tuy nhiên trên toàn thế giới, lạm phát sẽ vẫn tiếp tục, gây áp lực cho lương và giá.

Tình trạng phân mảng địa kinh tế đẩy mạnh, ngăn cản hợp tác đa phương. Tình trạng chia cắt kinh tế thế giới thành khối ngày càng mạnh giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine và những căng thẳng địa chính trị khác. Điều này có tác động đến thương mại hàng hoá quan trọng như chất khoáng; chu chuyển vốn, công nghệ và công nhân qua biên giới. Về dài hạn, tình trạng phân mảng có thể làm giảm GDP hàng năm toàn cầu đến 7%, có tác động xấu đến hợp tác đa phương trong lĩnh vực cung cấp hàng hoá công cần thiết như hoạt động chống lại biến đổi khí hậu và các đại dịch có thể xảy ra cũng như việc cung cấp năng lượng và lương thực.

Một điểm đáng chú ý là tình hình kinh tế khó khăn hơn có thể sẽ dẫn đến bạo động xã hội. Từ năm 2019, bạo động xã hội như biểu tình, bạo động và phản kháng đã giảm. Tuy nhiên trong tương lai do giá cả nhiên liệu và lương thực tăng, bạo động xã hội có thể lại xảy ra nhiều hơn. Điều này tác động xấu đến hoạt động kinh tế với các nước, đặc biệt là các nước không đủ nguồn lực để có chính sách giảm thiểu tác động của nó. Bạo động xã hội còn gây khó khăn cho việc thực hiện cải cách cần thiết, kể cả những cải cách chuyển đổi năng lượng.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng thế giới chúng ta đang sống được định hình bởi ba xu hướng. Đó là thế giới không có khả năng đạt được tăng trưởng liên tục và bao trùm và tôn trọng hành tinh chúng ta; thế giới liên tục mắc sai lầm trong chính sách đối nội; và thế giới luôn thiếu hoạt động phối hợp chính sách hữu hiệu vào thời điểm cần có hành động tập thể để đối phó với những thách thức chung. Những xu hướng này có tác động địa chính trị, xã hội, chính trị, thể chế, tài chính và kinh tế sâu rộng.

Tuy nhiên, thế giới không chỉ có điều xấu mà còn có điều tốt lành. Một trong những điều tốt lành đó là thế giới chúng ta có đủ khả năng giải quyết những vấn đề này để biến nguy thành cơ (hội). Để tiến hành những chuyển đổi quan trọng để đạt được mục tiêu trên, trong giới tinh hoa thế giới cần phải có những người có tầm nhìn chính trị ở cấp độ quốc gia và nhận thức được những thách thức thế giới đang gặp phải. Nếu không, chúng ta có nguy cơ sẽ để lại cho con cháu mình một thế giới bất ổn về kinh tế và tài chính, bạo động chính trị trong nước và biến động địa chính trị.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC