Lịch sử để làm gì?

Nguyễn Văn Hưởng

Sinh ra trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, thế hệ chúng tôi không phải ai cũng có điều kiện được đào tạo bài bản từ trường lớp. Điều ấy đúng với những người hoạt động thực tiễn từ rất sớm như tôi.

Mười năm tuổi trẻ của mình, tôi hoạt động trên chiến trường phía Nam và Campuchia. Lo đối phó với những khốc liệt thời hậu chiến, tôi trưởng thành phần nhiều từ công việc chứ không phải hàn lâm.

Tuy vậy, không ai có thể phát triển mà không tự khai hoá bản thân nhờ đọc. Khi tiến quân vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, tôi rất tiếc khi thấy biết bao tài liệu lịch sử và sách vở quý của các sứ quán nước ngoài ở Campuchia bị quân Khmer Đỏ đốt hết. Pol Pot “căm ghét” tri thức và không muốn bất kỳ luồng tư tưởng nào khác với lập trường của Khmer Đỏ còn tồn tại. Sự hẹp hòi này chính là nguyên nhân của diệt chủng và đói nghèo.

Tôi nhận thức được điều đó từ rất sớm. Sau này, trong suốt sự nghiệp của mình với tư cách người đứng đầu ngành An ninh của Việt Nam, đi tới đâu tôi cũng yêu cầu mua sách, tìm tài liệu. Đặc biệt khi ra nước ngoài, tôi nói anh em phải đi mua sách, chú trọng vào những cuốn giúp chúng ta hiểu hơn về lịch sử và chính trị, từ góc nhìn phía bên kia. Thay vì chỉ nghe những gì đã quen tai, chúng ta phải học cách mở rộng kiến thức từ những quan điểm khác, góc nhìn khác.

Với tài liệu quan tâm nhưng ở những ngôn ngữ mình chưa thạo, tôi thường yêu cầu dịch hết để tôi đọc. Những tài liệu đã giải mật và những cuốn sách lịch sử từ phía khác đã giúp tôi có một hình dung tốt hơn về nhiều vấn đề, đặc biệt là bối cảnh địa chính trị được định hình bởi sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong suốt thế kỷ XX.

Nhờ các tài liệu từ Mỹ mà chúng ta hiểu sâu sắc rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam đối với Mỹ không chỉ là cuộc “xâm lược” theo kiểu chiếm lãnh thổ mà là nỗ lực ngăn chặn “ý thức hệ” sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cũng nhờ tài liệu từ cả Mỹ và Trung Quốc mà chúng ta hiểu được tại sao đất nước lại bị phân chia ở vĩ tuyến 17 theo Hiệp định Geneve. Cuộc chiến năm 1979 cũng chỉ có thể được làm rõ nếu chúng ta đọc hồi ký và phân tích của nước ngoài.

Có những vấn đề luôn bị coi là “nhạy cảm” nhưng nếu không dám nhìn nhận thẳng thắn thì không bao giờ chúng ta có nền khoa học lịch sử. Lịch sử phải là khoa học dựa trên dữ kiện đúng, chứ không phải là một quan điểm chính trị.

Khi đã về hưu, tôi mở một thư viện tư nhân để mọi người có thể đọc những tư liệu và sách tôi đã lưu trữ cũng như được anh em bạn bè nhiều nơi ở nước ngoài gửi tặng. Thư viện chưa có đông đảo bạn đọc do chủ đề lịch sử không phải lúc nào cũng được đại chúng quan tâm nhiều, nhưng tôi cảm thấy mình vẫn làm một việc có ý nghĩa.

Sách vở như một hạt mầm rất nhỏ gieo xuống, nhưng có thể nở thành một cây to hoặc một cánh rừng trong tương lai.

Điều ấy rất đúng với sách lịch sử. Đối với cá nhân tôi, lịch sử giúp tôi rất nhiều trong công việc của mình khi đàm phán với các phái đoàn ngoại giao, an ninh quốc tế. Làm sao để thấu hiểu quan điểm của họ nhưng cũng giải thích được lập trường của Việt Nam là vấn đề đòi hỏi sự hiểu biết rộng về bối cảnh lịch sử. Mỗi quốc gia có một điều kiện lịch sử và văn hoá khác nhau, không thể áp đặt giá trị của nước này lên nước khác, nhưng cũng rất cần tôn trọng những giá trị phổ quát của nhân loại. Lịch sử dạy chúng ta hơn ai hết chân lý đó.

Đối với cả quốc gia, lịch sử cho chúng ta những bài học mang tính quyết định đến vận mệnh dân tộc. Ở Hội nghị Geneve năm 1954, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà còn non trẻ nên từ việc tham gia Hội nghị tới quá trình đàm phán đều phụ thuộc nhất định vào sự sắp đặt của các nước lớn. Chúng ta rất kiên định với lập trường của mình nhưng đây là hội nghị đa phương, và sức mạnh của các cường quốc buộc Việt Nam phải chấp nhận phân chia ở vĩ tuyến 17 với điều khoản tổng tuyển cử thống nhất đất nước sau hai năm. Lời hứa đó không được thực hiện khiến Việt Nam phải mất thêm hai mươi năm xương máu nữa mới thống nhất được tổ quốc.

Nhưng chính nhờ bài học ở Geneve mà tại Hội nghị Paris, chúng ta kiên quyết đàm phán song phương với Mỹ chứ không chấp nhận bất kỳ sắp đặt đa bên nào khác. Bài học lịch sử to lớn từ Geneve đã phát huy giá trị. Cuộc thương lượng song phương khiến Mỹ buộc lòng chấp nhận ký vào hiệp định năm 1973, rút hết quân đội khỏi miền Nam Việt Nam, tạo tiền đề cho cuộc tổng tấn công thống nhất đất nước vào năm 1975. Đó là giá trị của bài học lịch sử.

Quang cảnh Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, 1973. (Ảnh tư liệu)

Học lịch sử là để hiểu về quá khứ. Nhưng hiểu để làm gì? Tôi rất tâm đắc với câu nói của cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, người đã yêu thích, tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử từ rất sớm. Ông viết: “Tương lai chỉ có được bằng sự hiểu biết quá khứ”, hay nói cách khác, kiến thức về quá khứ kiến tạo tương lai chúng ta. Tôi nghĩ chính lịch sử chứ không phải cái gì khác sẽ đóng vai trò quan yếu giúp Việt Nam có một cái nhìn cân bằng hơn, viễn kiến hơn, tự chủ và giữ được độc lập trong quan hệ với các nước lớn trong tương lai.

Lịch sử quan trọng như vậy nhưng một thức tế khiến tôi không vui là sự quan tâm của giới trẻ tới bộ môn lịch sử được giảng dạy trong nhà trường còn hạn chế. Một phần nguyên nhân chính là sự khô cứng và một chiều trong cách viết và dạy về lịch sử. Nếu người dạy sử luôn nhớ rằng lịch sử còn chứa đựng cả góc nhìn từ bên kia, và vì đa chiều nó mới có nhiều luận điểm và câu chuyện hấp dẫn. Tôi đặc biệt say mê khi đọc những tài liệu giải mật của Mỹ, Pháp, Trung Quốc viết về những tính toán ở Việt Nam trong thế kỷ trước. Rất tiếc, chúng ta chưa có đúc kết toàn diện và đa chiều về lịch sử Việt Nam, ít nhất trong thế kỷ XX, dựa trên những tài liệu quan trọng này.

Có nhìn vào sử liệu từ phía đối diện, chúng ta mới soi chiếu lại chính mình. Quá trình này giống như soi gương vậy. Đại thi hào Nguyễn Du viết “Mà trong lẽ phải có người có ta”. Lịch sử từ góc nhìn khác giúp chúng ta hiểu tính toán của nước khác, cũng là nhìn thấy mình rõ hơn, để hành xử cân bằng và hợp lý hơn.

Nhưng điều này cũng quan trọng không kém: ta không được phụ thuộc vào lịch sử, không thể là “tù nhân của lịch sử” bởi không có gì giống hệt như nhau. Nhưng tôi thấy có nhiều quan điểm hiện nay đang đi theo hướng “thổi phồng” lịch sử. Sự vẻ vang đã từng của lịch sử không làm nên tương lai. Nhiều đế chế hùng mạnh và vinh quang một thời cũng đã biến mất theo dòng thời gian. Cái chúng ta cần là những bài học thực tế từ lịch sử chứ không phải những rao giảng “đạo lý” chung chung, như cách cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand diễn đạt, “một lịch sử thiếu đạo lý có nguy cơ trở thành hình mẫu xấu”, nhưng “đạo lý suông lại là một thứ khác, không phải là lịch sử”.

Người Việt luôn tự hào về lịch sử của mình. Niềm tự hào ấy thật chính đáng nhưng không nên cứ mãi ngợi ca quá nhiều truyền thống hào hùng ấy, trong bối cảnh đất nước đang còn nhiều việc thực tế phải làm để phát triển kinh tế và cải thiện vị thế của mình. Bây giờ là lúc phải tìm trong lịch sử những giá trị đã từng giúp Việt Nam có được vị thế nhất định trong quá khứ. Ít ai nghĩ miền Trung Việt Nam trong giai đoạn Đàng Trong – Đàng Ngoài đã từng là một trung tâm thương mại lớn của khu vực, điểm trung gian buôn bán giữa Nhật Bản, Trung Hoa và nhiều nước châu Âu.

Đọc, học lịch sử để kiếm tìm những bài học nhằm xây dựng những giá trị của chính chúng ta. Đó mới là giá trị thực sự của sử mà chúng ta cần khai thác.

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC