Dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ Việt – Mỹ có những bước phát triển mới. Tổng thống Trump đã có hai chuyến thăm tới Việt Nam và trong cả hai chuyến công du này, ông đều ca ngợi sự phát triển của Việt Nam, coi Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực Châu Á.

Mới đây nhất, vào tháng 6, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề sự kiện G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định lại một lần nữa rằng luôn ủng hộ việc thúc đẩy  quan hệ hợp tác song phương và đề nghị xây dựng quan hệ thương mại cân bằng, cùng có lợi. Ông Trump cũng hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ Việt Nam chống gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại.

Nhiều người cho rằng với những phát biểu như vậy Việt Nam sẽ khó có thể là đối tượng trong cuộc chiến thương mại mà Mỹ đang phát động nhắm vào Trung Quốc. Nhưng gần đây, Trump lại bất ngờ tuyên bố trong phỏng vấn với đài Fox ngày 26 tháng 6 rằng: “Nhiều công ty đang chuyển sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng tôi còn tệ hơn Trung Quốc.” Khi được hỏi có muốn đánh thuế Việt Nam không, Tổng thống Mỹ đã không loại  bỏ khả năng này và nói: “Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều, nhưng họ gần như là kẻ lợi dụng tệ nhất.”

Hoa Kỳ đã tăng thuế 450% lên mặt hàng thép nhập vào Việt Nam từ Hàn Quốc, Đài Loan để xuất Mỹ (Ảnh minh họa)

Mới nhất, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội Adam Sitkoff cũng cho biết thặng dư thương mại của Việt Nam so với Mỹ là 40 tỉ đôla trong năm 2018 và có thể tăng 40% năm nay, biến Việt Nam thành một trong năm quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, vì thế dễ trở thành mục tiêu tăng thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Những tuyên bố này làm cho những người đang lạc quan về triển vọng Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung bị bất ngờ. Không chỉ dừng lại ở lời nói, phía Mỹ đã có hành động ngay sau đó, tăng thuế nhập thép xuất từ Việt Nam. Cụ thể, Hoa Kỳ nâng mức thuế mới lên đến 456,23% đối với mặt hàng thép chống gỉ, thép cán nguội nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan để sản xuất tại Việt Nam và xuất sang Mỹ. Đây là mức thuế cao nhất dành cho sản phẩm thép xuất từ Việt Nam trong vòng 4 năm vừa qua. Các hãng thông tấn quốc tế đưa tin Mỹ áp đặt mức thuế mới lên một số sản phẩm thép từ Việt Nam vì cáo buộc Hàn Quốc và Đài Loan chuyển hàng của nước này tới Việt Nam gia công và sau đó xuất hàng sang Mỹ. Hồi tháng 5 năm 2018, Mỹ cũng đã đánh thuế chống bán phá giá 200% và thuế chống trợ cấp gần 260% lên sản phẩm thép cán nguội sản xuất ở Việt Nam, sử dụng vật liệu từ Trung Quốc. Gần đây, Mỹ cũng liên tục cảnh báo Việt Nam đã để hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam xuất sang Mỹ nhằm lách thuế cao. Tại cuộc điện đàm mới nhất  với   Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin ,Phó  Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã  khẳng định Việt Nam sẽ giải quyết các vấn đề tài chính, thương mại và đầu tư mà Mỹ đang quan tâm.

Như một sự trùng hợp, trong thời gian ngắn vừa qua, hải quan Việt Nam đã phát hiện nhiều công ty của tư nhân Việt Nam nhập hàng từ Trung Quốc để dán nhãn mác xuất khẩu đi nước ngoài. Cơ quan chức năng xác định các doanh nghiệp này sử dụng hợp đồng mua bán ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho nhiều tờ khai quay vòng hóa đơn nhằm chứng minh xuất xứ (C/O) Việt Nam. Đây có thể chỉ là phần nổi của lối làm ăn gian dối của một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhập khẩu hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc để xuất đi Mỹ nhưng lại ghi nhãn mác Việt Nam để kiếm lời.

Nhiều nhà phân tích dự báo rằng khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung xảy ra, các nhà sản xuất Mỹ và Châu Âu sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước lân cận như Việt Nam. Nhưng thực tế, sự dịch chuyển này diễn ra chậm, trong khi dòng vốn và sự linh hoạt của các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng.

Các số liệu cho thấy đầu tư chính thức của Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng rất nhanh. Từ đầu năm tới nay, dòng vốn FDI từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, năm 2017, vốn FDI Trung Quốc và Hồng Kông chỉ đạt 3,7 tỷ USD; năm 2018 tăng lên 5,8 tỷ USD, nhưng chỉ 5 tháng đầu năm 2019, số vốn này đã lên tới 7,1 tỷ USD chiếm 42,4% vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

TRước đây, nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ nhưng nay đã có nhiều tập đoàn vốn lớn và kỹ thuật cao. Trong năm tháng đầu năm 2019, các dự án của nhà đầu tư Trung Quốc quy mô lớn đã đăng ký như: Dự án Chế tạo lốp xe radian toàn thép ACTR 280 triệu USD tại Tây Ninh; Dự án lốp Advance của nhà đầu tư Guizhou với tổng vốn đăng ký 214,4 triệu USD, tại Tiền Giang; Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) 3,85 tỷ USD; Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử với tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hồng Kông) làm chủ đầu tư tại Bắc Ninh…

Vẫn đang có  nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và Hồng Kông gồm cả những công ty quy mô lớn đang sang tìm hiểu thủ tục đầu tư ở Việt Nam. Các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua, thuê đất đai, mở nhà máy để sản xuất nông nghiệp, hàng công nghiệp để xuất khẩu. Tình hình nêu trên cho thấy một xu hướng là doanh nghiệp Trung Quốc đang tranh thủ đưa vốn sang Việt Nam lập các nhà máy hoặc mua cổ phần ngày càng phổ biến, bởi đây là con đường nhanh nhất để gia nhập thị trường Mỹ. Qua việc thâu tóm, mua lại những doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc dễ dàng xuất hàng sang Mỹ mà không phải chịu thuế cao. Họ chỉ cần có nhà máy sản xuất ở Việt Nam và mặc nhiên trở thành hàng Việt Nam để xuất đi Mỹ.

Tính đến thời điểm này, các nhà đầu tư Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore để trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong 5 tháng qua. Đáng chú ý, trong 7 dự án lớn có tới 5 dự án của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Tờ South China Morning Post đã dẫn lời các học giả  Trung Quốc chỉ rõ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ khiến các nhà sản xuất của Trung Quốc tìm cách “đào thoát” sang Ấn Độ và Việt Nam. Trong tương lai gần, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc  vào Việt Nam sẽ dâng cao hơn nữa.

Với xu hướng này,  nhân tố Trung Quốc trong hàng hoá Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, và mặc nhiên sẽ mang nhãn mác Việt Nam để vào thị trường Mỹ. Nếu điều này xảy ra chắc chắn Mỹ sẽ không bỏ qua vì việc này gắn liền với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Mỹ sẽ áp dụng lệnh trừng phạt thông qua biện pháp đánh thuế cao đối với các loại mặt hàng này để trừng phạt Trung Quốc. Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ sẽ cắt đường buôn bán với Việt Nam, mặc dù có thể nằm ngoài ý muốn của Tổng thống Donald Trump. Chính quyền Trump  sẽ không chỉ  đe doạ suông mà có thể trên thực tế, Việt Nam sẽ trở thành đối tượng trừng phạt về thương mại nếu Mỹ cho rằng nhiều hàng hoá Trung Quốc được dán nhãn Việt Nam để xuất sang  Mỹ, hoặc có quá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng việc đầu tư vào Việt Nam để lách thuế.

Hải quan Việt Nam gần đây phát hiện nhiều doanh nghiệp dán nhãn sản xuất tại Việt Nam cho hàng Trung Quốc

Thật trớ trêu, trước đây cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta đã chịu ảnh hưởng to lớn bởi quan hệ Mỹ – Trung. Nay lịch sử lặp  lại, cuộc đối đầu Mỹ Trung mà trong tâm là chiến tranh thương mại nay lại kéo Việt Nam vào vòng xoáy nguy hiểm này. Việc Trung Quốc phá giá sâu đồng Nhân dân tệ gần đây xuống mức 7 NDT ăn 1 USD càng đẩy xuất khẩu Việt Nam vào thế khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Những cơ hội được đánh giá lạc quan có thể bị thay thế bằng những nguy cơ đến cả từ Trung Quốc và Mỹ. Đó không phải là đánh giá thiếu cơ sở, nó đang hiện hữu, lúc này cần tỉnh táo để nhận diện nó. Mọi biện pháp của ta lúc này là thoát khỏi vòng xoáy của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung.

Trong bài viết này chưa đi sâu phân tích làm rõ cần làm gì để tránh trở thành đối tượng bị trừng phạt thương mại của chính quyền Trump. Song điều mà Chính phủ cần phải làm ngay là thức tỉnh ý thức của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp không vì lợi ích nhỏ mà làm tổn hại lợi ích quốc gia dân tộc. Dân không ủng hộ thì rất khó ngăn hàng Trung Quốc thẩm lậu và sẽ không có sự ổn định để phát triển. Chính phủ cũng cần có những chính sách cụ thể hơn nữa đối với đầu tư nước ngoài, ta vẫn mở cửa, nhưng mở ở lĩnh vực nào, vào ngành sản xuất nào, địa phương nào cho có lợi nhất và đảm bảo phát huy nguồn lực nội trong việc sản xuất hàng hoá xuất khẩu. Một vấn đề quan trọng nữa là giải toả những đánh giá sai lầm có thể có từ phía Mỹ. Các cơ quan của Chính phủ cần thông qua cơ quan đại diện ngoại giao, phòng thương mại Hoa Kỳ và các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở Việt Nam để chuyển tải thông tin tới Chính phủ Hoa Kỳ, củng cố lòng tin vào việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và những biện pháp mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam đang triển khai để đảm bảo minh bạch nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Thời cơ và cơ hội để phát triển đất nước vẫn đang đến với đất nước ta. Tuy nhiên, việc tận dụng nó sẽ phụ thuộc vào chủ nhân có sẵn lòng tiếp nhận nó hay không, đặc biệt không để các nước lớn có nhận thức sai lầm về mối quan hệ của Việt Nam đối với họ./.

N.V.H.

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC