Đến nay các nhà quan sát quốc tế về chiến sự Ukraine đều đưa ra kết luận Mỹ, EU và NATO đứng sau Ukraine để chống Nga. Họ cũng đánh giá cao Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – về tài năng lãnh đạo cùng với tinh thần yêu nước và sự dũng cảm của ông, xua tan những ý nghĩ coi ông chỉ là một diễn viên hề. Song nhìn ở khía cạnh khác lại thấy chính nhờ tài diễn xuất xuất sắc trong vai hề của ông khiến ông trở thành một Tổng thống có những quyết định khiến cho dư luận phải sửng sốt – đã hơn 3 tháng chiến tranh, đất nước ông vẫn đứng vững. Mỹ và NATO, EU vẫn không rời bỏ ông, hơn thế nữa Mỹ và đồng minh ra sức viện trợ cho ông về tiền bạc và vũ khí hiện đại và trừng phạt Nga theo lời kêu gọi của ông.

Vậy, vì sao ông Zelensky làm được những điều tưởng như không thể đối với Mỹ và EU trong 4 tháng vừa qua (24/2 – 30/06/22), chưa có Tổng thống nước nào làm được.

Một là: Khi Nga đưa quân vào Ukraine ngày 24/2/2022, ông Zelensky đã lên tiếng tố cáo Nga xâm lược và kêu gọi Liên hợp quốc và phương Tây lên án, bao vây, trừng phạt Nga. Ngay lập tức Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp dưới sự chủ trì của Tổng thư ký Antonio Guterres và đã có 37 nước bỏ phiếu lên án Nga xâm lược, tạo ra bầu không khí cô lập Nga trên trường quốc tế, theo đó Mỹ và EU ra lệnh trừng phạt Nga, cắt đứt không cho Nga giao dịch qua hệ thống SWIFT, cấm xuất khẩu hàng hóa. Mỗi khi Nga đẩy mạnh hoạt động quân sự, ông Zelensky lại yêu cầu Mỹ và EU bổ sung lệnh trừng phạt Nga. Mỹ và EU đáp ứng rất tích cực. Đến 03/06/2022, khối này đã tung ra 6 gói trừng phạt với Nga, được coi là khốc liệt chưa từng có với trên 10 ngàn lệnh, tập trung vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, xuất nhập khẩu, trong đó nặng nề nhất là gói trừng phạt năng lượng, cấm Nga bán dầu và khí cho các nước EU. Không dừng ở các lĩnh vực trên, lệnh trừng phạt của Mỹ và EU còn nhằm vào các công dân Nga bao gồm Tổng thống Putin, các nhân vật chủ chốt trong Chính phủ, quốc phòng, ngoại giao; trừng phạt các tỷ phú, cấm họ làm ăn ở các nước EU và Mỹ, tịch thu tài sản và đóng băng tiền gửi ngân hàng của họ. Lệnh trừng phạt còn mở rộng cấm Nga tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa… quốc tế. Ông Zelensky hối thúc Mỹ và EU tiếp tục trừng phạt Nga mạnh hơn nữa, chỉ triệt Nga về kinh tế mới buộc Nga phải rút quân khỏi Ukraine, Nga mới đầu hàng. Hiện nay theo các nguồn tin, EU đang nghiên cứu để tung ra gói thứ 7 trừng phạt Nga.

Vấn đề thứ hai là viện trợ vũ khí cho Ukraine: Các nhà quan sát nhận định rằng ông Zelensky đứng vai trò điều hành Mỹ và NATO thực hiện viện trợ vũ khí cho Ukraine. Ông khẳng định với các nước phương Tây rằng: Mỹ và NATO phải gấp rút cung cấp vũ khí hạng nặng như xe tăng, pháo tự hành, tên lửa tầm xa để ông đánh Nga. Ông Zelensky cũng thẳng thừng phê phán vị Tổng thống hoặc Thủ tướng nào chậm trễ viện trợ vũ khí cho Ukraine như Đức, kể cả Mỹ, và một số thành viên NATO khác. Quan sát thấy rằng Mỹ và NATO đã đáp ứng lời yêu cầu của Zelensky: Một lượng lớn vũ khí của Mỹ, Anh, Pháp, Đức và một số thành viên NATO ở phía Đông đã liên tiếp chuyển vào Ukraine trong hơn 3 tháng qua, bao gồm xe tăng, pháo tự hành, tên lửa tầm xa… trị giá hàng chục tỷ đô la. Riêng Hoa Kỳ, Quốc hội đã thông qua gói viện trợ 40 tỷ USD, bao gồm viện trợ vũ khí cho Ukraine. Trước đó, nước này đã viện trợ hàng chục tỷ đô la cho Ukraine. Quốc hội Hoa kỳ cũng kích hoạt luật cho vay từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai để giúp cho vũ khí của Mỹ được chuyển vào Ukraine nhanh chóng hơn.

Tuy vậy, ông Zelensky vẫn tỏ ra tức giận, phê phán thái độ do dự của Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz vì chưa đưa ra quyết định viện trợ cho Ukraine tên lửa tầm xa do lo ngại Ukraine sẽ sử dụng loại tên lửa này bắn sang Nga. Ông Zelensky đã phản đối mạnh mẽ và chỉ trích gay gắt Tổng thống Pháp, Đức là hai nước chủ chốt của EU đã không viện trợ cho Ukraine nhiều loại vũ khí tiên tiến và xe tăng…

Vấn đề thứ 3: Có vẻ Mỹ và đồng minh của Mỹ rất chiều lòng ông Zelensky về đối ngoại – họ đã đáp ứng yêu cầu về các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa các nguyên thủ các nước EU. Trong tháng 3 – 4/2022, hầu hết các nguyên thủ Anh, Ba Lan, Bulgaria, Áo, Séc… đều đến Kiev hội đàm với ông Zelensky và chứng kiến những tổn thất do Nga gây ra. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đến Kiev gặp các quan chức Ukraine. Riêng Mỹ, Chủ tịch Hạ viện, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng đến Kiev cùng một lúc. Trước đó, ông Biden đã đến Ba Lan gặp ông Zelensky và đưa ra cam kết viện trợ cho Ukraine. Đáng chú ý là Quốc hội các nước Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Nhật Bản, Bulgaria, Mỹ… đã tạo điều kiện cho ông Zelensky phát biểu trực tuyến để khích lệ Quốc hội các nước này đứng về phía Ukraine lên án Nga và kêu gọi viện trợ cho Ukraine. Hoạt động của ông Zelensky đã tạo được tiếng vang lớn trước dư luận quốc tế, ông được nhìn nhận là người hùng chống Nga.

Ông Zelensky được EU mời tham dự các hội nghị của EU, NATO mặc dù không phải là thành viên. Ông cũng được mời dự Hội nghị kinh tế DAVOS và Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) tại Singapore mới đây. Tại các hội nghị này, ông đã được ưu tiên lên diễn đàn chống Nga rất quyết liệt, đồng thời cũng phê phán mạnh mẽ những quốc gia không tích cực ủng hộ ông như Hungary, Đức và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger khi ông này phát biểu Ukraine lúc này phải đổi đất lấy hòa bình.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến tại cuộc họp thường niên năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 23/5/2022. Ảnh: AFP

Vấn đề thứ 4 là thông tin truyền thông. Ông Zelensky cũng rất “thành công” về lĩnh vực thông tin truyền thông. Với tài hùng biện của ông và sự biến ảo các sự kiện, các hãng thông tin phương Tây đã cung cấp cho thế giới về hình ảnh một đất nước Ukraine đang bị Nga tàn phá, người dân bị ly tán và chết chóc. Tất cả các sự kiện do ông Zelensky tung ra trên truyền thông như vụ thảm sát 300 người ở thị trấn Bucha hoặc vụ Nga cướp 100 ngàn tấn lúa mỳ của Ukraine chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken đã lên tiếng tố cáo Nga về sự vụ này. Các hãng truyền thông phương Tây như Reuters, RFA, CNN đưa tin tức thì để tác động vào dư luận thế giới. Ông Zelensky cũng quan hệ chặt chẽ với tỷ phú hãng xe điện Tesla Elon Musk. Ông tỷ phú này đã dành một kênh vệ tinh cho Ukraine, giúp cho giới quân sự nước này định vị được hoạt động quân sự của Nga trên lãnh thổ Ukraine để xác định mục tiêu tấn công quân đội Nga. Nhờ được sử dụng kênh vệ tinh này mà Ukraine đã kết nối với giới lãnh đạo Quốc hội các nước thành viên EU, NATO, Anh và Mỹ để có sự phối hợp chặt chẽ tấn công nước Nga. Ông Zelensky còn được cung cấp thông tin tình báo về hoạt động quân sự của Nga qua các kênh tình báo Mỹ, Anh, Ba Lan… giúp cho Ukraine củng cố được các tuyến phòng thủ và tấn công quân đội Nga, gây cho Nga nhiều tổn thất.

Vấn đề thứ năm là Ukraine ra nhập NATO – EU. Đây là mục tiêu được ông Zelensky nêu ra trước sự kiện 24/2 và ngay sau sự kiện đó ông đã yêu cầu phương Tây chấp nhận Ukraine vào khối EU và NATO. Chỉ sau vài ngày xảy ra sự kiện 24/2, Chủ tịch EU Ursula von der Leyen đã tới Kiev hội đàm với Tổng thống Zelensky và cung cấp cho ông này các tài liệu liên quan tới thủ tục gia nhập EU. Bà Ursula đã phát biểu công khai rằng việc Ukraine gia nhập EU có thể chỉ trong một hai tuần tới. Những người đứng đầu một số quốc gia thành viên EU như Ba Lan, Bulgaria… đã điện đàm hoặc gặp trực tiếp Zelensky để tỏ thái độ ủng hộ tích cực. Song thực tế đến nay vẫn chưa có quyết định của EU về vấn đề này do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số thành viên như Hà Lan, Hungary… với lý do Ukraine cần phải cải thiện về nhân quyền, nạn chống tham nhũng còn rất nặng nề trong giới lãnh đạo Ukraine.

Từ năm vấn đề nêu trên đây để giải đáp một câu hỏi là Ukraine dẫn dắt Mỹ, Anh và EU – hay ngược lại? Đây là vấn đề đã được các giới quan sát quốc tế bình luận nhiều trong hơn 4 tháng vừa qua. Có thể tóm gọn những điều giới quan sát tình hình đã đề cập đến đó là:

Cả Ukraine, Mỹ, Anh và EU có cùng mục tiêu đánh Nga. Ukraine muốn thắng Nga thì phải ngả về phương Tây. Về phía Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ, đối thủ chính là Nga. Cuộc cạnh tranh, đối đầu của Mỹ đối với Nga đã diễn ra từ nhiều năm nay, đặc biệt căng thẳng khi ông Biden, đảng Dân chủ lên nắm quyền nước Mỹ năm 2021. Đây cũng là thời điểm ông Zelensky đắc cử tổng thống Ukraine, là người kế thừa những di sản chống Nga của các đời Tổng thống trước và là người biểu thị chống Nga quyết liệt hơn và ngả hẳn về phương Tây. Sự gặp nhau ở mặt trận cùng chống Nga đã là tiền đề cho sự câu kết giữa Mỹ và các nước đồng minh với Ukraine. Mối quan hệ này sẽ giúp ông Zelensky thực hiện được mục tiêu chiếm lại bán đảo Crimea và xóa sổ 2 tỉnh ly khai Donetsk và Lugansk và gia nhập EU và NATO. Mối quan hệ này cũng sẽ có lợi cho Mỹ và các nước đồng minh, họ biến Ukraine thành đội quân ủy nhiệm đánh Nga và qua sự kiện 24/2 xảy ra ở Ukraine được coi là cơ hội để Mỹ và EU bao vây, cấm vận nền kinh tế Nga, cô lập Nga với quốc tế và cô lập Nga với các nước châu Âu.

Các nhà quan sát đã nêu ra một vấn đề là ai lợi dụng ai, ai chi phối ai? Và họ đã chỉ ra rằng ông Zelensky lợi dụng Mỹ và phương Tây, còn Mỹ và phương Tây vừa lợi dụng vừa chi phối mọi hoạt động của ông Zelensky, Tổng thống Ukraine. Đôi lúc Mỹ và đồng minh phương Tây tỏ ra thực hiện ngay những yêu cầu của ông Zelensky về các cuộc tiếp xúc ngoại giao, viện trợ khẩn cấp vũ khí… song ở đó chỉ mang tính sách lược, mang tính tuyên truyền hơn là sự tôn trọng thực sự. Bản chất là Mỹ, EU tạo ra kịch bản chi phối mọi hoạt động của Zelensky. Họ dồn mọi sức lực, về tài chính, vũ khí trị giá hàng chục tỷ đôla để thực hiện mục tiêu làm cho nước Nga suy yếu và sụp đổ.

Tuy nhiên, sau 4 tháng giằng co quân sự ở Ukraine và áp dụng các lệnh trừng phạt Nga đã gây cho Nga nhiều tổn thất, song Nga vẫn đứng vững. Trái lại nền kinh tế của Mỹ và nhiều nước phương Tây điêu đứng do giá cả leo thang, lương thực, năng lượng thiếu nghiêm trọng, lạm phát gia tăng, báo hiệu khủng hoảng kinh tế Mỹ có thể sẽ xảy ra. Trước những biến động ở hai phía, các nhà quan sát quốc tế cho rằng đã có sự chia rẽ, mỏi mệt trong nội khối EU, và Mỹ – từ Hội nghị Davos cho tới hoạt động ở Liên hợp quốc và trong giới lãnh đạo Pháp, Ý, Đức và kể cả Mỹ đã có ý kiến bàn tới một kịch bản chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Có tin họ đã có cuộc gặp mà không có đại diện của Ukraine. Điều này trái với tuyên bố của ông Biden trước đây là mọi vấn đề liên quan tới Ukraine phải bàn bạc với Ukraine.

Mấy ngày gần đây, có vẻ ông Zelensky đã nhận thấy sự mỏi mệt của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, ông vẫn hối thúc Mỹ và NATO tiếp tục viện trợ vũ khí để đảo ngược chiến sự ở Ukraine và ông tin rằng Nga sẽ thất bại nếu Mỹ và NATO không bỏ cuộc – ông sẽ không đàm phán với Nga, mặt khác ông Zelensky vẫn hối thúc EU chấp nhận để Ukraine vào khối EU. Nhưng qua phát biểu của Tổng thống Pháp, Hungary và Hà Lan thì con đường vào EU của Ukraine còn xa vời.

Khi viết bài này tôi nhớ lại một đoạn trong câu chuyện Tam Quốc Diễn Nghĩa của Trung Quốc. Chuyện được tóm tắt như sau: Sau khi bị thua trận ở Xích Bích, Tào Tháo cắm trại để chỉnh quân. Tào Thực là con của Tào Tháo cũng được giao nắm một đạo quân. Quân sư của Tào Thực là Dương Tu, ông là một trong số những quân sư rất giỏi của đạo quân Tào Tháo. Ông đoán trước được mọi sự việc. Một hôm Tào Thực được dự cuộc họp gồm các tướng lĩnh do Tào Tháo chủ trì. Khi về tới doanh trại, Dương Tu hỏi Tào Thực: Hôm nay Thừa Tướng nói gì, Tào Thực trả lời: “Thừa Tướng cầm chiếc chân gà giơ lên và nói kê cân”. Dương Tu nghe xong nói với Tào Thực: “Trận này ví như chân gà, toàn là xương và gân, ăn không nuốt được, bỏ thì tiếc, nhưng rồi cũng phải bỏ đi. Vậy là Thừa Tướng trước sau rồi cũng phải rút quân.” Thế là Tào Thực và Dương Tu hạ trại rút quân trước.

Vậy Ukraine có phải là chân gà của Mỹ và EU không? Thời gian sẽ trả lời câu hỏi này.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC