Có những bằng chứng rõ ràng cho thấy từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, thế giới có những biến động vượt ra khỏi tầm nhìn của các quốc gia. Thế giới chưa có đủ thông tin về những gì ông Trump đã làm cho nước Mỹ, nhưng những gì ông đã làm đối với thế giới đã hiển hiện ngày càng rõ hơn.

Tự thân ông là người giương ngọn cờ dân túy để thắng cử, nước Mỹ đã cổ vũ cho chủ nghĩa dân túy, dân tộc chủ nghĩa sống lại ở nhiều nước đến mức những người theo chủ nghĩa này ra tranh cử ở nhiều nước phương Tây như Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha… Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo này mới gây ra cơn địa chấn chính trị chứ chưa thắng cử. Đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc ở Anh trỗi dậy đã dẫn dắt nước Anh rời khỏi EU. Ông Trump đã không ngừng cổ vũ cho trường hợp này và thúc đẩy hợp tác hậu BREXIT ở nước Anh. Ông từng phát biểu ở Liên Hợp Quốc cổ vũ cho quan điểm đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Ông Trump phản đối toàn cầu hóa, đề cao chủ nghĩa biệt lập, quan hệ song phương, ông phê phán vai trò của Liên Hợp Quốc, đòi phải cải tổ lại tổ chức này. Đối với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, ông cho rằng tổ chức này đã làm hại cho nước Mỹ và có lợi cho Trung Quốc. Để tiết chế WTO, một mặt ông đòi phải cải tổ lại hoặc phải giải tán tổ chức này. Ông đã ban hành chính sách bảo hộ mậu dịch cho hàng hóa Mỹ, gây nhiều khó khăn cho các nước, dẫn đến việc Mỹ bị khởi kiện tại WTO.

Chính sách quân sự của Tổng thống Trump đã khiến quan hệ Mỹ – NATO rạn nứt

Vì nước Mỹ, ông Trump đã trút bỏ trách nhiệm quốc tế mà những người tiền nhiệm của ông đã thiết lập được trước đây với các nước. Các quốc gia đều sốc khi ông tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Biến đổi Khí hậu Toàn cầu, Hiệp định Thương mại Châu Á – Thái Bình Dương TPP, Hiệp định Kiểm soát Hạt nhân với Iran do cựu Tổng thống Obama đã ký trước đây, và cuối năm 2019, ông Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Kiểm soát Tên lửa tầm trung với Nga và tuyên bố sẽ cân nhắc rút khỏi Hiệp ước Kiểm soát Vũ khí hạt nhân chiến lược và Hiệp ước “Bầu trời mở”. Hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phá vỡ trật tự thế giới, thế giới sẽ khó kiểm soát đối với các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh toàn cầu đến từ các nước có vũ khí hạt nhân. Các cuộc xung đột đã xảy ra liên quan đến vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ, tranh chấp thương mại sẽ lan rộng. Trong hoàn cảnh đó, thế giới không thể không có chiến tranh giữa các nhóm dân tộc, tôn giáo lan rộng ra ngoài đường biên giới giữa quốc gia. Những căng thẳng về di dân, về khủng bố, phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, các cuộc cách mạng chính trị sẽ nổ ra như bước tiến của thời đại, chủ nghĩa dân tộc sẽ nổi lên mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Ông Trump quyết tâm ngăn chặn sự phát triển kinh tế của Trung Quốc mà ông cho là mối đe dọa cho an ninh nước Mỹ. Cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc do ông phát động đã và đang diễn ra gay gắt, quyết liệt, vượt khỏi tầm của cuộc tranh chấp thương mại thông thường. Ngoài việc áp thuế cao các hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, ép Trung Quốc phải tăng lượng nhập khẩu nông sản của Mỹ, gây áp lực để các doanh nghiệp Mỹ phải rút khỏi Trung Quốc, cuộc chiến này đã mở rộng đòn tấn công vào kỹ thuật công nghệ cao của Trung Quốc với nhiều quyết định cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc, và vận động các nước đồng minh của Mỹ ở Châu Âu, Châu Á chấm dứt các dự án đã ký với Huawei. Những đòn tấn công này gây cho Trung Quốc nhiều thiệt hại trên lĩnh vực phát triển các ngành công nghệ kỹ thuật cao. Cuối năm 2019, cuộc chiến có vẻ hạ nhiệt khi Mỹ hoãn áp thuế hàng hóa Trung Quốc, đổi lấy Trung Quốc miễn thuế nhập khẩu của mặt hàng nông nghiệp của Mỹ, nhưng có thể đây cũng chỉ là hòa hoãn tạm thời theo tính toán của hai nước lớn ở thời điểm này.

Khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khởi sự, người ta nghĩ rằng ông Trump chỉ nhằm vào Trung Quốc, đó là một nhận thức sai lầm, khi ông Trump công bố đánh thuế cao hàng hóa của Canada, Mexico và sửa đổi Hiệp định thương mại Bắc Mỹ do các đời Tổng thống Mỹ đã ký với hai nước này. Sau Canada và Mexico, đến lượt Liên minh Châu Âu có nhiều mặt hàng bị áp thuế cao như thép, ô tô của Đức, rượu vang, phô mai, và động cơ máy bay của Pháp. Sau EU bị Mỹ coi là đối thủ kinh tế, đến lượt Nhật, Hàn Quốc cũng bị ông Trump đánh thuế cao trên các các mặt hàng như thép, ô tô.

Không chỉ áp thuế vào hàng hóa nhập vào Mỹ lên các quốc gia khác, Mỹ còn gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế để gây áp lực như đối với Nga, Triều Tiên, Iran, Cuba, Venezuela. Với một chính sách kinh tế mang đầy tính áp đặt, xen lẫn đe dọa và trừng phạt đối với nhiều quốc gia, hệ quả là trong khi Mỹ kiếm được nhiều lợi nhuận thì nền kinh tế các nước khác như Trung Quốc, Nhật, Hàn và nhiều nước Châu Âu suy giảm nghiêm trọng, tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, nạn thất nghiệp gia tăng, giá hàng tiêu dùng, giá xăng dầu do bị cấm vận đã tăng mạnh, làm bùng lên các cuộc bạo loạn ở nhiều nước như Iran, Chile, Bolivia, Venezuela, Iraq, Ấn Độ, Pháp, v.v. Các cuộc biểu tình, bạo loạn gây bất ổn chính trị ở nhiều nước, nhiều tổng thống, thủ tướng đã phải từ chức.

Về quân sự năm 2019, ông Trump đã thực hiện được mục tiêu gây áp lực với các nước đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật, Hàn Quốc, NATO phải gánh vác chi phí lên tới hàng chục tỉ đôla cho quân Mỹ đồn trú ở các căn cứ quân sự tại những nước này. Ở Trung Đông, trong khi tích cực ủng hộ Israel xâm chiếm lãnh thổ nước khác, ông Trump thực hiện chương trình rút quân Mỹ khỏi Syria và Afghanistan, và phản ứng có mức độ trước hành động của Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ và bắt giữ tàu chở dầu của Anh. Chính sách quân sự của ông Trump đang gây ra sự bất đồng giữa Mỹ và các nước đồng minh về chiến lược toàn cầu, sự rạn nứt quan hệ ngày càng tăng giữa các nước trong khối NATO với Mỹ, như Tổng thống Pháp Macron đã nhận xét: “NATO chết não.” Mỹ không còn là cái ô của các nước phương Tây. NATO đang tìm hướng đi mới cho mình khi Nga đang tích cực cải thiện quan hệ với NATO, cùng nhau bảo vệ an ninh ở Châu Âu mặc dù còn nhiều bất đồng.

Rõ ràng vai trò đứng đầu thế giới của Hoa Kỳ đang giảm đi, tạo ra nhiều khoảng trống quyền lực trên thế giới. Khi Mỹ rút dần vai trò và cam kết của mình ở các tổ chức và hiệp ước quốc tế, các nước Trung Quốc, Nga, Nhật đang đóng vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế, sử dụng quyền lực chính trị, kinh tế lớn hơn. Đặc biệt, Trung Quốc với 1,6 tỷ người vào giữa thế kỷ 21 có thể có tổng sản phẩm quốc nội sẽ vượt Mỹ. Đối với Tây Âu, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc thực sự sẽ là một cường quốc đáng được tính tới.

Trong khi EU có thể có nhiều cải cách nội khối để giữ được vai trò chính trị, kinh tế lớn hơn hậu BREXIT, thì các nước vẫn bị coi là “các nước thứ ba” như Ấn Độ,  Brazil, Nigeria sẽ phát triển mạnh cả về dân số lẫn sức mạnh kinh tế, đang vươn lên để trở thành lực lượng chủ yếu trong quan hệ quốc tế, đảm nhận vai trò chính trị, kinh tế lớn hơn ở các khu vực Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latin.

Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực tiềm ẩn đe dọa hòa bình và an ninh trong vùng, trước sự cạnh tranh chiến lược của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng đảm bảo hòa bình, an ninh cho khu vực. Với sức mạnh kinh tế và chính trị đang được tăng cường, ASEAN đang vươn lên giữ vai trò trung tâm kết nối nguồn lực giữa các nền kinh tế Á – Âu và các cường quốc. Việt Nam đang trở thành trung tâm khi đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN 2020 và những năm sau này.

Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Những thiết chế của quan hệ quốc tế đang bị xô đẩy tạo ra mối quan hệ mới phù hợp với thế giới ngày nay.  Không có sự cạnh tranh và đe dọa về tư tưởng, ý thức hệ nữa, thế giới vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa xu hướng toàn cầu hóa với quan điểm quốc gia dân tộc của một cường quốc có sức mạnh kinh tế, quân sự đứng đầu, đó là Hoa Kỳ. Trong hệ thống quan hệ quốc tế trước đây do 5 cường quốc chi phối (5 nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp), ngày nay  nhiều quốc gia nhỏ đã vươn lên, đòi hỏi phải có vai trò trong trật tự quốc tế để cân bằng lực lượng ở các khu vực cũng như cạnh tranh với nhau. Do vậy hệ thống quốc tế được hình thành sau Chiến tranh Lạnh dựa trên cơ sở sức mạnh quân sự và hạt nhân của các cường quốc không còn là hệ thống duy nhất, nó đang chuyển dịch sang một hệ thống dựa trên an ninh tập thể, với sức mạnh của công cụ kinh tế, chính trị và quân sự. Quan hệ giữa các quốc gia sẽ dựa trên các quy định của pháp luật, việc giải quyết ngăn chặn xung đột sẽ do các cơ quan đa phương, với vai trò của Liên Hợp Quốc được tổ chức, củng cố lại cùng với các tổ chức khu vực mới mở rộng.

Trong khi Mỹ vẫn đang là hùng mạnh nhất thế giới, Mỹ vẫn sống trong một thế giới đa cực, ngày càng phụ thuộc vào nhau, không một quốc gia nào kể cả Mỹ có thể đứng một mình trong một thế giới trong đó các quốc gia gắn bó chặt chẽ với nhau về kinh tế, môi trường và an ninh. Donald Trump không thể đi ngược lại xu thế này, các chính sách của Hoa Kỳ thực hiện đối với các nước vừa qua là cách vận hành nhằm đạt lợi ích ngắn hạn cho nước Mỹ. Điều đó sẽ không phù hợp với xu thế của thế giới và các giá trị truyền thống của nước Mỹ. Nên về lâu dài, nước Mỹ phải thay đổi, phải hợp tác với các nước, không cưỡng được xu thế toàn cầu hóa.

Phải cần có một thời gian dài nữa mới có thể định hình được trật tự thế giới mới. Các cường quốc, các quốc gia mới nổi sẽ còn phải trải qua các cuộc cạnh tranh quyết liệt để phân định quyền lợi quốc gia và vị trí, vai trò trong quan hệ quốc tế – và dung hòa được các giá trị, các nền văn minh của nhân loại khi đã bị ảnh hưởng nhiều từ các hệ phái tôn giáo khác nhau. Các mối quan hệ giữa các quốc gia, sự điều chỉnh chiến lược của các nước, nhất là các cường quốc, phải hướng tới được mục tiêu chung là (1) đảm bảo cho các quốc gia không bị đe dọa ngoại xâm, biên giới lãnh thổ không bị thay đổi bằng vũ lực. (2) Xây dựng một cơ chế giải quyết các xung đột khu vực, xung đột giữa hai quốc gia, và xung đột trong các quốc gia mà không có hành động đơn phương can thiệp của các cường quốc. (3) Các nước đang phát triển cần phải được hỗ trợ kỹ thuật, tài chính quốc tế để đẩy nhanh tốc độ kinh tế xã hội mà không bị ràng buộc chính trị và lệ thuộc. (4) Môi trường của thế giới phải được bảo vệ đảm bảo cho sự phát triển biển vững và cuộc sống của nhân loại.

Thế giới cần có hòa bình, cần phải có sự hợp tác vì mục tiêu chung và sự phát triển bền vững của các quốc gia. Tuy nhiên, có một thực tế là thế giới bị lệ thuộc bởi tầm nhìn của các vị lãnh đạo quốc gia. Hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu ở Madrid vào tháng 12 năm 2019 vừa qua đã nói lên điều đó. Chỉ có các vị lãnh đạo có tầm nhìn vì sự phát triển chung của nhân loại thì mục tiêu trên mới thực hiện được. Với diễn biến quốc tế hiện tại thì rất khó tiên đoán và rất khó kiểm soát các cuộc xung đột trong quan hệ giữa các quốc gia, nếu như mỗi nước chỉ biết lợi ích của quốc gia mình, các cường quốc vẫn chỉ coi mình là người lãnh đạo thế giới duy nhất, thì cuộc tranh giành ảnh hưởng sẽ không có hồi kết và rất khó kiểm soát cuộc chiến tranh hạt nhân nếu như không có một cơ chế kiềm chế nó./.

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC