Trong chuyến thăm cuối tháng 11/2023 tới Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Kishida đã thông báo Việt Nam – Nhật Bản nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: “Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ.” Trong khi đó, Thủ tướng Kishida khẳng định Nhật Bản cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự chủ, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công”, cũng như tầm quan trọng của Việt Nam trong triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Kishida tại buổi họp báo công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, tháng 11/2023. Ảnh: TTXVN

Trong Tuyên bố chung, hai lãnh đạo đều đánh giá kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã có sự phát triển ấn tượng, mạnh mẽ và toàn diện. Thực chất, Việt Nam và Nhật Bản đã có mối quan hệ gắn kết lâu dài trong lịch sử. Thế kỷ XVII, nhiều thương thuyền của Nhật Bản đã cập cảng Hội An và tiến hành nhiều hoạt động buôn bán tại đây trong nhiều thập kỷ. Thương nhân Araki Sotaro thậm chí đã được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái và ảnh hưởng của bà vẫn thể hiện rất rõ trong văn hoá của vùng Nagasaki, Nhật Bản. Đầu thế kỷ XX, vào tháng 1/1905, nhà cách mạng Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông Du, đưa khoảng 200 thanh niên yêu nước Việt Nam sang Nhật Bản học tập, nhận được nhiều hỗ trợ của Nhật vào những thời điểm khó khăn nhất.

Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Nhật Bản thuộc phe phát xít và đã tiếp quản Việt Nam trong một giai đoạn. Vươn lên từ đổ nát của chiến tranh thế giới, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, Nhật Bản sớm phát triển thành quốc gia hàng đầu về kinh tế, hiện vẫn là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Khi Việt Nam chuẩn bị kết thúc chiến tranh với Mỹ, Nhật Bản đã là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cụ thể, vào ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao trong lễ ký kết tại Paris, Pháp.

Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam thăm Nhật Bản và năm 1994, Thủ tướng Murayama Tomiichi trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thăm chính thức Việt Nam. Từ đó tới nay, hầu hết các đời Thủ tưởng Nhật Bản đều luôn chọn thăm Việt Nam vào những thời điểm quan trọng. Các Thủ tướng Nhật Bản đã thăm Việt Nam tổng cộng 12 lần. Về phía Việt Nam, từ năm 1973, các Tổng Bí thư Việt Nam đã thăm Nhật Bản 4 lần, Chủ tịch nước thăm 4 lần, Thủ tướng thăm 21 lần và Chủ tịch Quốc hội thăm 4 lần.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Miyazawa Kiichi trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản năm 1993. Ảnh: TTXVN

Năm 2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Nhật Bản và đã cùng Thủ tướng Nhật Bản Aso Taro đã ký tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Tới năm 2014, quan hệ đối tác chiến lược này được nâng cấp với chuyến thăm cấp nhà nước Nhật Bản vào tháng 3/2014 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về thiết lập “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”.

Các dấu mốc quan trọng nói trên thể hiện mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và rất thực chất giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhật Bản viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 1992 và trở thành nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ hai, nhà đầu tư số ba, đối tác du lịch thứ ba, thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam khoảng 24 tỉ đôla vốn ODA.

Nhật Bản cũng là đối tác ký nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam, gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Có thể nói, cả Việt Nam và Nhật Bản đều coi nhau là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài. Hiểu về mối quan hệ đặc biệt này phải xét trên bình diện địa chính trị rộng hơn của cả khu vực và thế giới.

Nhật Bản là quốc gia nghèo tài nguyên và bị tàn phá trong Chiến tranh Thế giới hai, nhưng với sức mạnh dân tộc và nhờ quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, Nhật phát triển nhanh chóng trở thành một cực mạnh ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tại đây, Nhật có những mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc và với tư cách một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, Nhật đã có chính sách đối ngoại quyết liệt, cùng sát cánh với Mỹ để cân bằng lực lượng trong khu vực trước sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc.

Nhật xác định ASEAN là đối tác đa phương quan trọng cần phối hợp để thực thi chính sách đối ngoại của mình và Việt Nam chính là nước quan trọng hàng đầu trong ASEAN để có thể hợp tác. Trong cả những tình huống Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại như rút khỏi TPP, Nhật vẫn đóng vai trò đầu tầu dẫn dắt để ký kết được Hiệp định CPTPP như một liên kết địa kinh tế, địa chính trị nền tảng trong khu vực. Tất cả điều này đều thể hiện mong muốn đóng vai trò lớn hơn của Nhật trên trường quốc tế, cùng với Mỹ xác lập chỗ đứng mạnh mẽ hơn ở châu Á – Thái Bình Dương.

Lễ khánh thành cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thuộc tuyến đường vành đai 3 vào tháng 10/2020, một dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản. Ảnh: JICA

Là quốc gia Đông Bắc Á, Nhật Bản xác định chính sách hướng về các nước phía Nam châu Á như địa bàn ảnh hưởng chiến lược. Trong chính sách hướng Nam này, ít quốc gia nào thuận lợi hơn Việt Nam để Nhật tăng cường hợp tác.

Thứ nhất, Việt Nam có vị thế địa chính trị đặc biệt, nằm ở cửa ngõ ASEAN, cũng có nhiều biển đảo đang ở các khu vực tranh chấp như Nhật Bản. Vị thế địa chính trị này khiến Nhật Bản rất muốn tăng mạnh hợp tác để cùng Việt Nam tạo ra sự ổn định địa chính trị trong khu vực, đảm bảo an ninh hàng hải trên biển. Điều này đã được nói rất rõ trong thông cáo chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa qua, theo đó, Thủ tướng Kishida giải thích Nhật Bản đã thiết lập khuôn khổ hợp tác mới, có tên là “Viện trợ an ninh chính thức” (OSA) nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh, và đóng góp vào việc duy trì và củng cố hòa bình và an ninh quốc tế. Nhật Bản cùng Việt Nam tiến hành các hoạt động củng cố an ninh trên biển như huấn luyện chung, chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực của lực lượng Cảnh sát biển hai nước. Hai lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên thượng tôn pháp luật và bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông, tái khẳng định tầm quan trọng của việc tránh có các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép và làm gia tăng căng thẳng. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động kinh tế hợp pháp không bị cản trở trên Biển Đông, tự kiềm chế và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Thứ hai, người dân Việt Nam cần cù lao động, có trình độ chuyên môn cao và Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên, có đường thông ra biển dài rộng, nên rất thuận lợi để doanh nghiệp Nhật Bản tới mở rộng kinh doanh, đưa Việt Nam thành trung tâm gia công cho các nhà sản xuất Nhật Bản, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Vì vậy, đến tháng 9/2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 71,3 tỷ USD với 5.198 dự án còn hiệu lực, xếp thứ 3 trong số 143 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu rất khó khăn.

Thứ ba, Việt Nam có nền văn hoá đạo Khổng rất gần gũi với văn hoá Nhật. Chính vì thế, doanh nhân và doanh nghiệp Nhật rất được hoan nghênh tại Việt Nam. Các hãng xe Nhật Bản như Toyota, Nissan, Honda được ưa chuộng rộng rãi ở Việt Nam. Phim ảnh, văn hoá Nhật Bản có ảnh hưởng không nhỏ tại Việt Nam. Nhật Bản có sức thu hút rất đặc biệt với Việt Nam.Tất cả những điều này tạo cơ sở rộng rãi để hai nước gắn bó hơn nữa về cả kinh tế, văn hoá và giáo dục. Hiện có 51.000 lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt khoảng 520.000 người, đứng thứ hai sau Trung Quốc. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở bậc trung học cơ sở từ năm 2003, tiểu học từ năm 2019. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ lớn nhất cho ngành giáo dục – đào tạo của Việt Nam thông qua các chương trình ODA. Văn hoá sẽ tạo nền tảng để hai nước gắn bó hơn nữa trong tương lai.

Như vậy, việc nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nhật Bản là đúng thời điểm, thể hiện rõ sự gắn bó mật thiết ngày một gia tăng giữa hai quốc gia cả về chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hoá. Việt Nam tạo cơ hội để các doanh nghiệp Nhật đứng chân lâu dài, bền vững, hiệu quả trên đất nước Việt Nam, đồng thời Nhật cũng giúp Việt Nam tạo ra môi trường sinh thái công nghệ cao, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm công nghệ chất lượng cao, thân thiện môi trường.

Những hợp tác được tăng cường giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực là vì lợi ích của nhân dân hai nước, không nhằm chống lại bên thứ ba, ngược lại, đóng góp vào ổn định, hòa bình và thịnh vượng của khu vực châu Á và trên thế giới.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC