Cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như các số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy tình hình kinh tế xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 giữ được sự ổn định nhưng còn nhiều điểm cần cải thiện. Nên nhìn nhận sự chững lại của nền kinh tế hiện nay như thế nào?

Theo các nhà kinh tế của Ngân hàng thế giới, do nhu cầu bên ngoài tiếp tục yếu và những bất ổn toàn cầu đang có tác động bất lợi đến nền kinh tế, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều bị thu hẹp, và sản xuất công nghiệp chậm lại.

Thứ nhất, trong lĩnh vực xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa thấp hơn 6% so với một năm trước do nhu cầu bên ngoài yếu. Nhập khẩu giảm 18,4% trong tháng 5/2023 (so với cùng kỳ năm trước), phản ánh nhu cầu đối với nguyên liệu đầu vào của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tiếp tục chậm lại. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng không tăng trưởng mạnh. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thứ hai, sản xuất công nghiệp chững lại trong sáu tháng đầu năm. Theo đánh giá của các nhà kinh tế thế giới, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam suy yếu phần lớn là do sản xuất bị thu hẹp trên diện rộng – bao gồm may mặc, giày dép, gỗ và giấy, điện tử, máy móc, xe có động cơ và đồ nội thất – phản ánh tình trạng xuất khẩu tiếp tục suy yếu. Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận khu vực công nghiệp và xây dựng đối mặt với nhiều khó khăn. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 là 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 – 2023. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,37%. Ngành khai khoáng giảm 1,43%.

Thứ ba, theo Ngân hàng Thế giới, dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại. Cập nhật của Ngân hàng Thế giới ghi nhận cam kết FDI giảm xuống còn 1,98 tỷ USD vào tháng 5/2023, giảm 42,3% so với tháng 4 khi những bất ổn toàn cầu tiếp tục có tác động đến niềm tin của nhà đầu tư. Cam kết FDI lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 10,9 tỷ USD, thấp hơn 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng cục Thống kê cũng cập nhật tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam không khả quan, tính đến ngày 20/6/2023 đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, nhưng chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 12 năm từ 2011 tới 2023. Như vậy, tốc độ tăng trưởng vẫn duy trì nhưng có dấu hiệu chậm lại.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, để khắc phục cần phân tích những nguyên do đang dẫn tới thực trạng này?

Thứ nhất, nền kinh tế tăng trưởng chậm do chuyển đổi trong quản trị đã không kịp thời so với diễn biến mau lẹ của tình hình hậu Covid-19. Trong giai đoạn Covid-19, các doanh nghiệp đều dừng lại, kinh doanh đình trệ từ xuất khẩu tới sản xuất trong nước. Khi mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường thì những chính sách thúc đẩy đã không kịp chuyển biến theo. Nền kinh tế nước ta đã mở theo hướng thị trường. Các doanh nghiệp hoạt động tự do nên trong Covid nhiều doanh nghiệp tư nhân dừng kinh doanh, đóng cửa, hàng vạn công nhân viên mất việc làm. Khi mọi hoạt động bình thường trở lại sau Covid, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp để đi vào sản xuất ngay. Nhưng do tác động từ suy thoái kinh tế thế giới bởi chiến tranh tại Ukraine, nhà nước đã lo ngại lạm phát nên tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, vô hình chung tác động làm cho doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, sản xuất cầm chừng, tiếp tục đóng cửa không phục hồi được và tiếp tục phá sản.

Thứ hai, thị trường cổ phiếu và thị trường bất động sản đều khó khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán là chính sách đúng đắn được thực hiện trong những năm qua nhưng việc quản trị chưa chặt chẽ đã gây ra không ít những gian lận, lừa đảo gây thiệt hại cho người tham gia thị trường. Việc xử lý những tiêu cực trên thị trường này là đúng đắn nhưng xử lý giật cục có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường. Việc lãnh đạo các công ty bất động sản điển hình như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát hoạt động phi pháp bị xử lý có tác động lớn đến việc huy động vốn cho doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán, đồng thời cũng ảnh hưởng lớn tới thị trường bất động sản. Hiện các doanh nghiệp bất động sản phải vay tiền để chi trả lãi ngân hàng, vay nợ để trả lương nhân viên. Nhiều dự án bất động sản bị đóng băng, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phá sản trên diện rộng, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của nền kinh tế và sự ổn định của nhà đầu tư là người dân.

Thị trường bất động sản vẫn khó khăn trong nửa đầu năm 2023. Ảnh minh họa.

Thứ ba, chủ trương giải quyết tiêu cực là đúng, nhưng song song với đó cũng cần các chính sách đồng bộ để ổn định tâm lý doanh nghiệp, mở đường kiến tạo cho doanh nghiệp. Nhà nước đã tập trung tháo gỡ khó khăn bằng cải cách hành chính, cải cách chính sách đất đai, giảm lãi suất, nhưng cần làm đồng bộ và tổng thể. Hiện doanh nghiệp vẫn cho biết để sản xuất kinh doanh phải qua nhiều cửa khác nhau, mắc mớ ở nhiều thủ tục khác từ môi trường, giải phóng mặt bằng… khiến doanh nghiệp rất khó thực hiện dự án. Cùng với đó là hàng trăm dự án bị treo ở đó do doanh nghiệp nằm trong kiềm toả, thanh tra, kiểm tra hay liên quan tới vụ án chưa giải quyết xong nên vẫn để đó. Thanh kiểm tra cùng với tác động từ các vụ án hình sự tạo tâm lý lo sợ, không dám làm và thậm chí xuất hiện tư tưởng bỏ cuộc. Nhiều doanh nghiệp có quan điểm chờ thời, án binh bất động. Tâm lý này tác động không nhỏ tới sự phục hồi kinh tế, ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành nghề nhất là vấn đề bất động sản, y tế.

Chính phủ đang nỗ lực để vực dậy nền kinh tế bằng những biện pháp chủ yếu như giảm lãi suất và tăng đầu tư công. Những giải pháp này có thể giúp thúc đẩy kinh tế trong thời gian trước mắt nhưng về dài hạn, vẫn cần những giải pháp đồng bộ hơn. Điều quan trọng là làm sao thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phục hồi được, chỉ có khu vực tư phục hồi mới giải quyết cơ bản bài toán phát triển. Muốn vậy phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách và quản trị của chính phủ, phải có những chính sách đặc thù, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, để nhà nước là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, dịch vụ… thì mới sớm khắc phục tình trạng suy giảm đang diễn ra.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC