Hơn một thập kỉ qua, thế giới đã chứng kiến nhiều thảm họa về thiên tai. Hàng trăm cơn bão lớn, sóng thần xảy ra ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Trong khi đó, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu thì ít mưa, hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, vận tải đường thủy. Đặc biệt, vùng California (Mỹ), Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và vùng Châu Phi cũng hạn hán kéo dài. Các ủy ban môi trường quốc tế cảnh báo nhiệt độ Trái Đất đã tăng lên 1,5 độ so với thế kỉ trước đó.

Lâu nay, nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu đều được các nước phương Tây quy cho hoạt động của con người, đặc biệt là việc phát triển sản xuất trong hàng thế kỉ, tập trung vào đầu thế kỉ XXI, khi ngành công nghiệp bùng nổ mạnh mẽ ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Hầu hết các nhà máy đều sử dụng nguyên liệu dầu mỏ, khí đốt, từ đó xả ra một lượng CO2 rất lớn. Việc khai thác quá mức các mỏ quặng cũng khiến cho metan tồn đọng nhiều trong không gian. Các nhà máy, động cơ ô tô, các loại tàu, khí đốt, nhiệt điện… xả một lượng chất thải lớn ra môi trường. Các tòa nhà chọc trời được xây dựng từ vật liệu gây hiệu ứng nhà kính ở nhiều quốc gia phát triển tại châu Âu, Mỹ… Hoạt động sản xuất dựa vào nguồn năng lượng hóa thạch cũng được các nhà hoạt động môi trường phương Tây cho là đã dẫn đến ô nhiễm môi trường.

1. Những đề xuất về phát triển năng lượng xanh của phương Tây tại các Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP)

Các chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu cho rằng, nếu tình hình trên kéo dài, Trái Đất sẽ tiếp tục nóng lên và môi trường sống sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Do đó, nhiều tổ chức về môi trường đã đi đến kết luận rằng việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế cần phải được bàn bạc, hạn chế. Môi trường đã trở thành một vấn đề có tính toàn cầu, song song với đói kém và chiến tranh. Để tăng cường nhận thức về vấn đề này, hơn một thập kỉ nay, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã tổ chức nhiều hội nghị chống biến đổi khí hậu. Từ Nghị định thư Tokyo, Nhật Bản (COP3, 1997) đến các Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu tại Đức, Pháp, Anh Mỹ… (COP5, COP21/CMP11…) và gần đây nhất là tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (COP28, 2023), tất cả đều đi sâu vào những vấn đề cần giải quyết để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tại những hội nghị trên, các bên đã đặt vấn đề và đi đến thống nhất về việc giảm khí thải, đặc biệt là các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, châu Âu; Đây là những nước chiếm lượng khí thải carbon lớn trên thế giới (Trung Quốc – trung bình mỗi năm khoảng 10.065 triệu tấn; Hoa Kỳ 5.416 triệu tấn; Ấn Độ 2.654 triệu tấn; Nhật Bản 1.162 triệu tấn; Nga 1.711 triệu tấn…). Cho đến COP28 diễn ra ở Dubai, các nước đã tương đối đồng thuận và đặt mục tiêu vào năm 2050 sẽ đưa lượng khí thải carbon về bằng 0. Hội nghị cũng xác định đến 2030, thế giới sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng năng lượng hóa thạch và tiến tới sử dụng 30% năng lượng tái tạo, tức là dùng năng lượng mặt trời, năng lượng gió…

Cũng tại Hội nghị COP28 vừa qua, Liên hợp quốc đã đưa ra một công ước khung về biến đổi khí hậu. Xoay quanh công ước khung này có nhiều tranh luận, các bên tham gia Hội nghị đã có những ý kiến bất đồng trong văn bản cuối cùng. Mặc dù vậy, đây là lần đầu tiên thế giới thống nhất trong loại bỏ dần năng lượng hóa thạch và tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo vào năm 2030. Kết luận Hội nghị cũng xác định rõ, trong vòng 2 năm tới các quốc gia phải trình lên Liên hợp quốc một kế hoạch hành động của mình để nhằm thực hiện mục tiêu của Hội nghị.

Có thể thấy, cam kết và kêu gọi sử dụng năng lượng xanh chủ yếu đến từ các nhà hoạt động môi trường phương Tây. Họ đã đưa ra lập luận rằng, chính hoạt động của con người khiến Trái Đất trở nên tồi tệ hơn. Do đó, việc giảm dần năng lượng hóa thạch là điều cần thiết để giảm thiểu khí metan và CO2 có hại cho tầng khí quyển. Muốn làm được điều đó, thế giới cần hướng tới các công nghệ sản xuất và nguồn năng lượng thân thiện với môi trường cũng như các nhu cầu khác của con người.

2. Các bằng chứng khoa học đặt ra nghi vấn về tác dụng thực sự của năng lượng xanh

Tất cả những chủ trương của Liên hợp quốc về bảo vệ môi trường, giảm khí thải CO2 bằng giải pháp giảm năng lượng hóa thạch… đều có tính đúng đắn. Điều này không chỉ góp phần gìn giữ màu xanh của Trái Đất mà còn phục vụ tốt cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, những nỗ lực đề xuất nói trên đều đến từ các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường và năng lượng phương Tây. Do đó, liệu những mục tiêu này có thực sự hướng đến việc phục vụ con người không hay còn những mục tiêu chính trị đứng sau nó?

Đây là câu hỏi mà nhiều nhà khoa học thế giới, đặc biệt là các nhà khoa học Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Đông Nam Á… đặt ra trong sự phân vân, nghi ngại. Chính yếu tố này đã tạo ra những điểm không đồng thuận trong Hội nghị COP28 vừa qua. Đặc biệt, những nước có nền công nghiệp phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ đã từ chối tham gia cam kết về giảm lượng khí thải carbon và phát triển năng lượng tái tạo, mặc dù những nước này đủ tiềm năng để thực hiện cam kết ấy. Điều này khiến chúng ta phải xem xét kĩ lưỡng hơn về việc phát triển năng lượng xanh của phương Tây từ góc độ chính trị.

Việc thúc đẩy phát triển năng lượng xanh hầu hết bắt nguồn từ các nước phương Tây. Hình ảnh Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị COP26 tại Anh, tháng 11/2021. Ảnh: VP Thủ tướng Anh

Trên thực tế, các nhà khoa học đã nêu lên một ý kiến khác với các nhóm hoạt động môi trường phương Tây. Họ không hoàn toàn công nhận công nghệ xanh, cho rằng chúng không hẳn thân thiện với môi trường. Họ cũng nêu ra những ví dụ rất thực tế như việc sản xuất xe điện có thành phần pin chứa lithium và việc sản xuất, khai thác chất này đã gây ra những tác hại nhất định cho môi trường. Một ví dụ khác được đưa ra là tình hình khai thác coban rất cần cho sản xuất lithium và ion cũng tác động có hại tới môi trường. Các nhà khoa học cũng công bố các bằng chứng về tác hại của tấm pin năng lượng gió và đến nay cũng chưa chứng minh được phương pháp tái chế chúng như thế nào. Bên cạnh đó, các cối xay gió cũng phải bảo trì một cách thường xuyên để tránh hỏng hóc do ma sát của các bộ phận, và điều này cũng gây ô nhiễm môi trường. Điều tương tự cũng xảy ra với tấm pin năng lượng mặt trời.

Nhìn chung, nếu tuyệt đối tôn trọng tất cả những yêu cầu về môi trường và các khuôn khổ giảm lượng khí thải thì chi phí sẽ rất tốn kém, không phải quốc gia nào cũng đáp ứng được. Điều đó có nghĩa là, năng lượng xanh luôn có mặt trái của nó và tới thời điểm hiện nay, hầu như chưa có một phương án nào giúp khắc phục triệt để vấn đề này, nếu có thì chi phí cũng rất lớn.

3. Vì sao phương Tây vẫn thúc đẩy phát triển năng lượng xanh toàn cầu, bất chấp những tác hại của nó?

Rõ ràng, năng lượng xanh vẫn được các nhà khoa học xem là lợi ít hại nhiều. Vậy động lực nào đã khiến các nhà môi trường phương Tây thúc đẩy tăng gấp 3 lần nguồn năng lượng này ở Liên hợp quốc, trong khi mặt trái của nó lại chưa có phương án xử lí? Điều này cần được giải thích ra sao? Đến nay vẫn chưa có một cơ quan nào đứng ra để lí giải vấn đề này.

Nếu nhìn trực diện, có lẽ châu Âu hiện nay không còn lựa chọn nào khác ngoài chuyển đổi năng lượng xanh thay thế cho năng lượng hóa thạch. Còn Ấn Độ, Trung Quốc lại có đầy đủ điều kiện để sử dụng năng lượng hóa thạch, và có cả giải pháp để làm sạch môi trường.

Như đã biết, năng lượng xanh (năng lượng tái tạo) dựa trên ánh sáng mặt trời và gió, nhưng nó không bền vững và không phổ biến trên toàn cầu. Nó chỉ phù hợp với những quốc gia có nhiều nắng, gió, hay nói cách khác là xoay quanh đường Xích đạo. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này vẫn phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, mà thời tiết thì thay đổi thất thường, biến đổi theo mùa. Cho nên, điều này có thể gây ra sự đứt quãng nguồn cung. Hiện nay, châu Phi là khu vực giàu tiềm năng, có cường độ ánh sáng cao, thuận lợi cho việc triển khai các dự án vận chuyển điện tái tạo.

Châu Phi là khu vực giàu tiềm năng để phát triển năng lượng xanh, nhưng từ đó cũng tiềm ẩn nguy cơ phải gánh chịu những tác động về cảnh quan, môi trường… Ảnh minh họa

Vừa qua, các nhà phát triển năng lượng mặt trời từ châu Âu đã tới châu Phi để phát triển năng lượng xanh từ pin mặt trời và họ đã xây dựng được các đường cáp điện dưới biển để chuyển năng lượng về châu Âu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các nguy cơ rủi ro về biến đổi thời tiết. Mặt khác, đường dây cáp điện cũng có thể bị phá hủy do động đất hoặc con người, khi tàu thuyền neo đậu trên các đường vận tải.

Ủy ban châu Âu cũng đã chuẩn bị một báo cáo hết sức chi tiết về năng lượng hạt nhân. Hầu hết các khía cạnh thuộc loại năng lượng này đều được chấp nhận ở độ an toàn, nhất là an toàn không chỉ cho môi trường mà còn cho con người. Việc khai thác, xử lí uranium và sử dụng trực tiếp chất này trong các nhà máy điện hạt nhân tác động rất ít đến cảnh quan và môi trường sống của thực vật, động vật, so với năng lượng gió, mặt trời. Bởi lẽ, đây là nguồn năng lượng ít carbon, có ưu điểm vượt xa so với tất cả các loại nhà máy nhiệt điện khác.

Tuy nhiên, châu Âu đã không nhắc tới một điều quan trọng, là việc khai thác Uranium không diễn ra ở châu lục này. Trở lại những thập kỉ trước đây, các nhà nghiên cứu châu Âu đã đưa khí tự nhiên (khí hóa thạch) vào danh sách năng lượng có lượng carbon thấp. Về cơ bản, năng lượng khí tự nhiên lúc đó được liệt vào loại năng lượng khá xanh, mặc dù nó là năng lượng hóa thạch.

Từ những điều trên đây, chúng ta có thể nhận thấy châu Âu đang muốn hướng thế giới vào các mặt tốt của việc sử dụng các loại năng lượng xanh. Còn các mặt xấu như phá hủy cảnh quan, môi trường thì họ không tính đến. Đặc biệt, châu Âu không phải là nơi trực tiếp hứng chịu những tác hại này, mà là các quốc gia châu Phi. Bởi lẽ, nguyên liệu để khai thác, sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo được lấy từ bên ngoài châu Âu chứ không ảnh hưởng đến môi trường tại châu lục này. Một điều rõ ràng mà các quốc gia đều nhận thấy là các nước châu Âu nỗ lực dẫn dắt thế giới vào công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh như họ, là vì hiện nay châu Âu đã cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, khí đốt. Đầu năm 2022, nguồn cung năng lượng hóa thạch của châu Âu đã bị Nga cắt đứt kể từ sau cuộc chiến với Ukraine.

Trở lại những cam kết ở Hội nghị COP28 (Dubai) được đưa ra song không mang tính chất ràng buộc, cốt lõi cam kết mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế nêu lên là các biện pháp và mục tiêu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu so với thời kì tiền công nghiệp thế kỉ trước. Các nhà môi trường đã trích dẫn những thảm họa thiên nhiên khác nhau trên thế giới, là hậu quả của hiện tượng Trái Đất nóng lên. Tuy nhiên, không có mối tương quan khách quan nào được chứng minh giữa các sự kiện này. Gần đây, các nhà khoa học cũng đã phân tích điều kiện thời tiết dựa vào tài liệu khảo cổ từ các thời đại trước như mẫu băng ở Nam Cực, và cho thấy rằng trong lịch sử, đã có những thời điểm Nam Cực nguội đi, nhưng cũng có thời kỳ ấm lên. Điều đó chứng tỏ, rất có thể các hoạt động của con người không liên quan đến hiện tượng Trái Đất nóng lên.

Bàn về năng lượng hóa thạch, đây là loại năng lượng rất quan trọng, quyết định nền sản xuất công nghiệp, sự phát triển kinh tế cũng như đời sống của các quốc gia trên thế giới. Có thể khẳng định rằng, năng lượng hóa thạch trước đây và hiện nay có khả năng quyết định nền công nghiệp của nhiều quốc gia châu Âu, mà châu Âu chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp năng lượng hóa thạch từ Nga. Việc châu Âu giảm nguồn năng lượng từ Nga đã khiến Nga phải định hướng lại thị trường bán khí đốt của mình, và các dòng chảy nhiên liệu này sẽ đến các nước có nền công nghiệp khổng lồ ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này có thể giải thích được vì sao châu Âu phấn khích phát triển công nghệ xanh, bởi rõ ràng họ không còn lựa chọn nào khác.

Về vấn đề khí phát thải metan, vốn được các nhà hoạt động môi trường coi là nguyên nhân chính (chiếm đến 45%) khiến hành tinh chúng ta nóng lên trong thập kỉ này. Nhưng thực tế, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khí metan sẽ tan nhanh và không tồn tại trong khí quyển lâu như CO2.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đã công bố hoàn thành quy tắc giảm thiểu lượng khí thải metan từ ngành dầu khí. Theo số liệu, họ công bố sẽ giảm 80% lượng khí thải từ khai thác dầu khí trong 10 năm tới. Ngoài ra, Mỹ cũng tuyên bố sẽ cung cấp hơn một tỷ đô la viện trợ cho các quốc gia nhỏ để giải quyết, hạn chế khí metan. Điều này cho thấy Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy công nghệ nhằm xử lí các khí dư khi khai thác dầu mỏ, để chúng không bay vào tầng khí quyển cũng như không phải trải qua quá trình đốt cháy như hiện nay.

Một nguồn cung cấp năng lượng hóa thạch quan trọng cho châu Âu từ Nga đã bị cắt đứt do cuộc chiến tranh ở Ukraine. Hình ảnh xe xếp hàng chờ đổ xăng tại Paris, Pháp, tháng 10/2022. Ảnh: Christophe Ena/AP

Được biết, cách đây một thời gian, EU cũng đã thông qua một đạo luật, trong đó quy định các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về rò rỉ khí metan. Từ công bố của Mỹ với các tiêu chuẩn ngặt nghèo về khí metan, các nhà quan sát đặt câu hỏi, liệu có phải Mỹ và EU đang muốn áp đặt các tiêu chuẩn này lên các quốc gia khác hay không? Vấn đề thu lại khí thừa từ việc khai thác dầu ở các giàn khoan có phải mục tiêu lớn nhất của họ về môi trường hay không? Có lẽ, câu trả lời thực tế hơn là để thu lại lượng khí thải kia và xử lí chúng bằng một công nghệ mới. Và như thế, nỗ lực của phương Tây tiếp tục bắt nguồn từ lợi ích của các nhà sản xuất những thiết bị đặc biệt này.

4. Lựa chọn không phát triển năng lượng xanh từ các quốc gia khác

Về phía Ấn Độ, Trung Quốc, các nước này không tham gia cam kết liên quan tới năng lượng xanh, nhưng cũng đồng ý, khuyến khích các nỗ lực để thực hiện mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới. Bởi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có khả năng gia tăng nguồn năng lượng tái tạo ở mức độ cao. Các số liệu cho thấy, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về sản xuất pin mặt trời và cũng đang sản xuất ô tô điện. Đây cũng là quốc gia sản xuất tuabin gió và các loại pin. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển nguồn năng lượng gió ngoài khơi và đang nắm độc quyền về lĩnh vực mà EU chỉ xếp sau. Còn Ấn Độ đang là quốc gia có nguồn tái tạo đứng thứ 3 thế giới vào năm 2021.

Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là quốc gia đứng đầu về rác thải nhà kính, song ta vẫn có thể hiểu được, họ có dân số khổng lồ bậc nhất thế giới (khoảng 1,4 tỉ người mỗi nước, trong khi dân số Hoa Kỳ chỉ khoảng 340 triệu người). Không những thế, đây cũng là hai quốc gia có nền công nghiệp đang phát triển. Những tiềm lực mà họ đang sở hữu có khả năng tăng gấp 3 lần nguồn năng lượng xanh trong tương lai. Và trên thực tế, việc phát triển năng lượng xanh ở một số khu vực tại hai nước này còn có chi phí rẻ hơn những khu vực khác trên thế giới. Rõ ràng, Trung Quốc, Ấn Độ có nhiều nguồn lực để phát triển năng lượng xanh hơn so với châu Âu, nhưng họ không lựa chọn tham gia cam kết phát triển nguồn năng lượng này.

Một số khía cạnh khác của năng lượng xanh có liên quan tới các nguyên liệu như đồng, như nhôm, thép, silicon… Giá thành của những nguyên liệu này có thể sẽ tăng thêm do khan hiếm nguồn cung, chi phí vận chuyển đắt đỏ và thiếu hụt lao động có tay nghề. Không phải quốc gia nào cũng có lực lượng lao động được đào tạo chuyên sâu, do họ không có các trường nghề chuyên nghiệp, đặc biệt là tay nghề cho lĩnh vực sản xuất và xây dựng mới. Cho nên, tại các Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo về chống biến đổi khí hậu, các quốc gia có thể kí kết và không kí kết tuân thủ các cam kết về năng lượng xanh, tùy theo nhu cầu của mỗi quốc gia.

Trong khi đó, các nước có nhiều công nghệ tiên tiến sẽ có xu hướng áp đặt lên các quốc gia khác thông qua thỏa thuận về khí hậu để buộc các nước khác phải tuân theo chương trình nghị sự của mình.

5. Phát triển năng lượng xanh cần phù hợp với điều kiện của từng quốc gia

Từ góc độ chính trị, những diễn biến về chuyển đổi năng lượng xanh giữa các nước phương Tây với các nước còn lại đã cho thấy, mọi nỗ lực của phương Tây đều hướng tới lợi ích của họ, chứ không phải vì mục tiêu làm trái đất xanh như họ đã tuyên truyền. Những lập luận từ phương Tây dựa trên rất nhiều báo cáo cụ thể khoa học và cũng rất dễ thuyết phục. Tuy nhiên, trong thực tế, cũng có những báo cáo trái ngược nhưng ít nổi bật hơn. Vì thế, những tác động đối với Trái Đất mà phương Tây đưa ra làm căn cứ chuyển đổi năng lượng xanh chưa phải đã có sức thuyết phục cao.

Do đó, chúng ta không nên có cái nhìn phiến diện, coi việc bảo vệ môi trường sẽ hoàn toàn có lợi cho hành tinh xanh. Bởi thực tế, cho đến nay vẫn chưa có một chứng minh thuyết phục rằng những điều chúng ta đang làm là có hại hay có lợi cho trái đất. Thực sự, việc nóng lên toàn cầu hiện tại là do con người gây ra hay chỉ đơn thuần là chu kì của Trái Đất trong suốt hàng triệu năm qua?

Rõ ràng, lịch sử loài người ít hơn lịch sử trái đất rất nhiều. Chúng ta chỉ sinh ra trong một giai đoạn cụ thể, nên việc thay đổi môi trường không chắc sẽ gây ảnh hưởng hoàn toàn xấu cho nhân loại. Và thực tế, ở các nước nghèo, mối quan tâm về vấn đề môi trường chỉ là thứ yếu, xếp sau việc người dân có thể sinh sống, phát triển ra sao.

Hiện nay, các nước giàu đã trải qua thời kì phát triển bùng nổ của chủ nghĩa tư bản, sở hữu nhiều đặc quyền và tư liệu sản xuất, nên họ có thể vẽ ra vô số ý tưởng, mà rất nhiều trong số đó chưa chắc đã đúng đắn và phù hợp với thực trạng chung của thế giới. Trái lại, các nước nghèo và đang có nhu cầu phát triển cần quan tâm trước hết tới sinh kế của người dân, ưu tiên phát triển đất nước trước khi nghĩ tới các vấn đề khác.

Có rất nhiều quan điểm trái chiều, song việc phát triển năng lượng xanh cũng cần đi đôi với phát triển đất nước. Nếu sử dụng năng lượng xanh mà đẩy đất nước vào tình trạng nghèo đói, kém phát triển, người dân khốn đốn, thì cũng cần phải cân nhắc lại và sử dụng một chính sách, một công nghệ cân bằng hơn giữa sinh thái và sinh kế của con người.

Từ góc độ chính trị, có 3 lí do chính mà các nước phương Tây muốn phát triển các dự luật có liên quan đến năng lượng xanh để áp đặt lên phần còn lại của thế giới:

Thứ nhất, châu Âu đến nay còn quá ít sự lựa chọn năng lượng truyền thống, bao gồm năng lượng hóa thạch vốn đã bị khai thác cạn trong hàng trăm năm trước đây, và nguồn cung cấp năng lượng hóa thạch từ Nga đã bị cắt giảm do lệnh trừng phạt trong cuộc chiến tranh Ukraine.

Thứ hai, châu Âu chủ yếu được thụ hưởng những lợi ích từ năng lượng xanh, còn mặt trái của nó thì không tồn tại ở châu Âu mà xảy ra các nơi khác. Điều này được chứng minh rất rõ, khi họ khai thác năng lượng gió, mặt trời từ châu Phi và đem về châu Âu. Châu Phi chịu tác động thay đổi cảnh quan, môi trường, còn châu Âu thì được hưởng nguồn điện.

Thứ ba, sau khi áp đặt các biện pháp liên quan đối với những tác nhân được cho là gây hại đối với môi trường, phương Tây bắt đầu phát triển các công nghệ mới. Họ là những người nắm giữ công nghệ này và bán cho các quốc gia khác để xử lí những vấn đề do phương Tây gây ra trên chính đất nước mình. Như đã đã phân tích ở trên, Mỹ đã có công nghệ xử lí khí thải từ các giàn khoan dầu. Điều này cho thấy, họ sẽ sở hữu độc quyền và sẵn sàng bán các công nghệ này cho những nước khác để thu lợi.

Mỗi quốc gia cần dựa vào điều kiện cụ thể ở nước mình để cân nhắc lộ trình phát triển nguồn năng lượng xanh. Hình ảnh tuabin điện gió ở bang Karnataka, Ấn Độ. Ảnh: Dhiraj Singh/Bloomberg

Không thể phủ nhận những mặt tốt của công nghệ xanh, song chúng ta cũng cần nhìn nhận mặt trái của nó. Châu Âu có thể phải tự chịu trách nghiệm, tự xử lí vấn đề khí thải, hoặc hợp tác với các quốc gia khác vì lợi ích chung. Về cơ bản, họ không cần phải áp đặt lên những nước không có nhu cầu và biến nó trở thành vấn đề toàn cầu. Nhất là khi chính họ chỉ muốn được hưởng lợi ích của việc chuyển đổi năng lượng xanh, còn phần độc hại thì thải ra ngoài châu lục.

Chúng ta hoàn toàn có những ví dụ khác như Trung Quốc, một nước đã tự sản xuất đầu vào và xử lí đầu ra của khí thải. Họ vẫn cho rằng, năng lượng xanh chỉ nên phát triển theo nhu cầu riêng ở từng quốc gia. Do đó, Trung Quốc từ chối kí các cam kết và cũng không tham gia các hiệp định toàn cầu về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc đặt ra.

Tóm lại, năng lượng xanh cũng là một mục tiêu cần hướng tới, nhưng ta cũng cần thấy được cả những mặt trái của nó. Đây cũng không phải là một vấn đề bức xúc của toàn cầu. Mỗi quốc gia đều có những nhu cầu và ưu tiên khác nhau. Do đó, cần dựa vào điều kiện cụ thể ở nước mình để cân nhắc xem có phát triển nguồn năng lượng xanh hay không. Việc chuyển đổi năng lượng xanh là cần thiết, song cũng không nên đặt nặng, khiến cho nền kinh tế khó phát triển. Cần hướng tới sự cân bằng giữa năng lượng xanh và năng lượng truyền thống.

Đặc biệt, các quốc gia đang phát triển nên hết sức tránh áp lực từ những nghị quyết, hiệp ước quốc tế vốn không mang tính chất ràng buộc. Trên thực tế, chúng ta cũng thấy có nhiều quốc gia đi theo xu hướng này, điển hình là Nga, Ấn Độ, Trung Quốc… Các nước này vừa có điều kiện sử dụng năng lượng truyền thống, vừa có điều kiện phát triển năng lượng tái tạo, song họ vẫn căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình để quyết định không tham gia các cam kết về năng lượng xanh do phương Tây đặt ra. Điều này không những cho thấy các tham vọng của phương Tây không thể bao trùm lên toàn bộ phần còn lại của thế giới, mà còn thể hiện tinh thần tự chủ của các nước trong việc kiểm soát và làm chủ các vấn đề của nước mình.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC