Mặc dù những diễn biến phức tạp của Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam trong năm 2021, đất nước vẫn chứng kiến những điểm sáng đặc biệt, mở ra con đường phát triển bền vững trong tương lai.

Thứ nhất, trong Covid-19, kinh tế số đang ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Kinh tế số đang tăng ở tốc độ nhanh nhất châu Á và lĩnh vực số hiện đóng góp tới 30% tăng trưởng cho Việt Nam trong năm vừa qua. Công nghệ và dịch vụ số đã chứng minh lợi thế về tính linh hoạt, sáng tạo, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn với đại dịch. Công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Khi thế giới phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi số sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ với chuyển đổi số và coi đây một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia được kết nối Internet và có tỉ lệ sử dụng thiết bị di động tốt nhất trên thế giới. Các công cụ và nền tảng công nghệ thông tin được hầu khắp doanh nghiệp sử dụng triệt để và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đều coi Việt Nam là một điểm đầu tư hấp dẫn. Không còn nghi ngờ gì nữa, kinh tế số sẽ là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập kỷ tới, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.

Thứ hai, chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc của Việt Nam được coi là một trong những sự kiện ấn tượng nhất năm 2021. Mặc dù bị coi là một trong những quốc gia đã khởi động chiến dịch tiêm chủng khá muộn, nhưng đợt sóng Covid-19 thứ tư đã đẩy Việt Nam vào một tình thế khẩn cấp và khiến toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc chạy đua với tiêm chủng. Việt Nam đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử tại hơn 12.000 điểm tiêm ở tất cả các tỉnh, thành phố, bao gồm cả điểm tiêm cố định và lưu động. Việt Nam đã là nước có tốc độ tiêm chủng nhanh trên thế giới. Theo Bộ Y tế, tốc độ tiêm vaccine Covid-19 có nhiều ngày vượt trên 1 triệu liều/ngày. Tính đến đầu tháng 11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều. Việt Nam cũng là 1 trong 20 nước trên thế giới có số lượng liều tiêm nhiều nhất, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và là 1 trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất.

Thứ ba, mặt trận ngoại giao  vaccine cũng là một kỳ tích của Việt Nam trong năm 2021. Ngoại giao không chỉ góp phần mang một số lượng khổng lồ  vaccine về Việt Nam mà còn chứng tỏ vị thế của đất nước, khẳng định tình cảm của bạn bè quốc tế đối với chúng ta.

Đây là kết quả sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Khoa học – Công nghệ. Trong thời gian rất ngắn, ngoại giao đã mang về cho đất nước khoảng 50 triệu liều  vaccine và nhiều trang thiết bị y tế, thuốc men từ các đối tác song phương, đa phương. Trong bối cảnh nguồn vắc xin trên thế giới còn rất khan hiếm, Việt Nam chưa sản xuất và tự chủ được  vaccine, ngoại giao là mặt trận quan trọng nhất, mang tính quyết định, đưa  vaccine về Việt Nam nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất có thể. Không quá lời khi nói, ngoại giao là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vaccine cho Việt Nam. Ngoại giao  vaccine thành công cũng minh chứng cho tính đúng đắn của đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước của Việt Nam.

Chiến dịch tiêm chủng  vaccine Covid-19 thần tốc của Việt Nam được coi là một trong những sự kiện ấn tượng nhất năm 2021.

Thứ tư, ngành công nghiệp xe điện của Việt Nam đã ra mắt và trở thành một dấu mốc rực rỡ không chỉ đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn đối với ngành công nghiệp ô tô thế giới. Chiếc xe điện đầu tiên VinFast VF e34 đã ra mắt giữa tháng 10 và chính thức mở bán đầu tháng 11. Mẫu xe ô tô điện có thiết kế dành cho người Việt và là sản phẩm kết nối tâm huyết, trí tuệ của hàng ngàn kỹ sư, công nhân Vingroup với các chuyên gia công nghệ hàng đầu trên thế giới.

VinFast đã công bố giải pháp mới về pin và giải pháp trạm sạc pin cho xe điện với hơn 40.000 cổng sạc đang được lắp đặt trên 62/63 tỉnh thành, đa dạng địa điểm như trạm nghỉ trên đường cao tốc, khu chung cư, trung tâm thương mại. Điều này tạo ra một hệ sinh thái di chuyển xanh cho Việt Nam. Việc ra mắt chiếc xe điện đầu tiên và hệ thống trạm sạc sẽ mở ra một ngành công nghiệp mới mà Việt Nam có thể ghi dấu ấn tiên phong đối với thế giới.

Chiếc xe ô tô điện đầu tiên của Việt Nam VinFast VF e34 đã ra mắt vào giữa tháng 10/2021

Thứ năm, ngành nông nghiệp vẫn giữ được vai trò là trụ đỡ quan trọng cho nên kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, với tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Dù gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng Covid-19 thứ tư, nhiều chỉ tiêu của ngành nông nghiệp đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho nhân dân, giữ vững được cả mục tiêu xuất khẩu. Các mặt hàng nông lâm thủy sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020. Không chỉ thế, đây là một ngành kinh tế bao trùm, đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không chỉ một nhóm người. Trong Covid-19, nông nghiệp càng trở thành hậu phương giúp người dân trong bất kỳ thời điểm nào cũng có thể trở về, đảm bảo được an ninh lương thực và có điểm tựa vững chắc về tinh thần.

Thứ sáu, Việt Nam đã không để xảy ra tình trạng thiếu năng lượng và đã có bước chuyển ấn tượng sang năng lượng tái tạo trong năm 2021. Trong bối cảnh nhiều nước xung quanh thiếu điện, Việt Nam vẫn đảm bảo đủ nguồn cung. Hơn thế, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy Việt Nam đang trở thành hình mẫu về phát triển điện mặt trời và điện gió cho các nước ASEAN và thế giới.

Từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió. Báo chí quốc tế thậm chí dự báo Việt Nam có thể trở thành cường quốc năng lượng xanh. Thống kê của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), cho thấy tính đến cuối năm 2020, Việt Nam lọt tốp 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới. Về các dự án điện gió, Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á, với tiềm năng ước tính là 311 GW. Xét đến tiềm năng điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo, có khả năng vượt qua các quốc gia mạnh nhất như Australia và Italy trong lĩnh vực này.

Thứ bảy, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng dương và đầu tư nước ngoài không hề suy giảm. Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021, kinh tế Việt Nam dự kiến ​​đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. Đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, nhưng không hạn chế được sức tăng trưởng của Việt Nam. Các khó khăn chỉ là ngắn hạn và hầu hết các tổ chức kinh tế quốc tế vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của Việt Nam nhờ các hoạt động sản xuất để xuất khẩu do các hiệp định thương mại mang lại. Đặc sắc nhất là FDI vào Việt Nam vẫn không hề suy giảm trong Covid-19. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng của Việt Nam vẫn tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 22,15 tỷ USD. Các nhà đầu tư đang làm ăn ở Việt Nam dù gặp không ít khó khăn do Covid-19 vẫn cam kết đẩy mạnh đầu tư và rót thêm vốn vào các dự án. Điều này thể hiện sự tin tưởng của họ đối với môi trường đầu tư hấp dẫn với nhiều tiềm năng nổi trội của Việt Nam.

Có thể thấy, khó khăn do dịch Covid-19 gây ra chỉ mang tính thời điểm. Việt Nam vẫn là một điểm sáng của châu Á và thế giới với nhiều thành tựu ấn tượng trong năm 2021. Những xu hướng này nếu tiếp tục được lan toả trong năm 2022 và nhiều năm tới sẽ trở thành nền tảng giúp Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 như kỳ vọng trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC