Năm 2024, Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Những thành tựu trên phản ánh nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam trong nỗ lực phát triển quốc gia, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới.
Điểm sáng nổi bật nhất trong lĩnh vực chính trị là nỗ lực chuyển mình của đất nước sang kỷ nguyên mới. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ý thức rõ thời đại và tuyên bố Việt Nam chuẩn bị bước vào “kỷ nguyên vươn mình”. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Có thể nói, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã đổi mới thành công và hiện tại đang có nền tảng đủ mạnh để vươn mình, hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế. Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng gấp gần 100 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài và là đối tác chiến lược toàn diện với tất cả cường quốc trên thế giới và khu vực. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc lãnh đạo đất nước xác định lúc này là điểm bắt đầu của kỷ nguyên vươn mình là cấp thiết và hợp lý, làm cơ sở để toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cùng phấn đấu.
Không chỉ tuyên bố kỷ nguyên vươn mình, Đảng đã xác định các bước thực thi cụ thể để thay đổi toàn diện, tháo gỡ các điểm nghẽn giúp quốc gia cất cánh. Trước hết, Đảng đã xác định phải cải tổ hệ thống chính trị khi mô hình hiện nay vẫn còn những bất cập, ranh giới giữa sự lãnh đạo Đảng và điều hành của Chính phủ còn chồng chéo.
Để khắc phục những tồn tại này, Tổng Bí thư đã yêu cầu cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư cho rằng, việc tinh gọn tổ chức bộ máy là yêu cầu cấp bách. Hiện tại, khoảng 70% ngân sách nhà nước dành để nuôi bộ máy, nhưng nhiều cơ quan vận hành không hiệu quả, cồng kềnh, thiếu phân định giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý. Một số bộ ngành vẫn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dễ tạo cơ chế xin – cho, nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Chính vì thế, bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng cần được tinh gọn để thực sự là hạt nhân trí tuệ. Đây là chủ trương chiến lược rất đáng hoan nghênh và cần được thực thi quyết liệt, nhưng thận trọng để đảm bảo hệ thống chính trị trở nên tinh gọn, thực sự hiệu suất, điều hành đất nước thành công tiến vào kỷ nguyên mới.
Điểm sáng thứ hai là dấu ấn đặc biệt xuất sắc của Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại. Chỉ trong vòng 10 tháng, lãnh đạo cả ba cường quốc trên thế giới đều đã tới Việt Nam để xác định nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện lên những tầm mức mới.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội theo lời mời của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối năm 2023 là một sự kiện trọng đại. Chưa bao giờ, Tổng thống Mỹ tới thăm một quốc gia theo lời mời của Tổng Bí thư một Đảng Cộng sản, đó là một dấu mốc lịch sử. Dấu mốc đó càng có ý nghĩa hơn khi trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai quốc gia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thăm chính thức Việt Nam vào cuối năm 2023 và thống nhất với lãnh đạo nước ta cùng nâng cao hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trên sáu phương hướng bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; Hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn; Hợp tác thực chất sâu sắc hơn; Nền tảng xã hội vững chắc hơn; Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn. Đặc biệt, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Có thể nói, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam lần này đã thể hiện đúng tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn lúc sinh thời, đó là quan hệ hai nước Việt – Trung “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.
Tháng 6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam. Đây cũng được coi là sự kiện mang tính biểu tượng trong bối cảnh biến chuyển phức tạp của cục diện địa chính trị thế giới. Tổng thống Nga không tới Việt Nam để tìm kiếm một đồng minh nhằm đối chọi lại với các nước khác, ngược lại coi đây như chuyến thăm một người bạn cũ, truyền thống và thân thiết. Việt Nam cũng đã đón ông Putin như đón một người bạn truyền thống. Hai quốc gia không xây dựng mối quan hệ để chống lại bất kỳ bên thứ ba nào khác, ngược lại, chỉ tập trung vào những lĩnh vực hai bên cùng có lợi. Chuyến thăm lần này cũng khiến Nga thấy rõ hơn quan điểm xuyên suốt của Việt Nam trong chính sách đối ngoại, là nỗ lực làm bạn, làm đối tác tin cậy của tất cả các nước, không đi với nước này chống nước khác, luôn có cách nhìn nhận khách quan về xung đột quốc tế. Quan trọng không kém, Việt Nam không bao giờ bỏ rơi bạn bè trong hoàn cảnh khó khăn.
Ở chiều ngược lại, tân lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta cũng đã có những hoạt động ngoại giao ghi dấu ấn đặc biệt trên trường quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc ngay sau khi đảm nhiệm cương vị mới, thể hiện quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là coi trọng quan hệ gắn bó bền vững với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã có gần 50 hoạt động song phương và đa phương trong chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79. Đây là chuyến công tác đối ngoại đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư trên cương vị mới – Chủ tịch nước. Tại Mỹ, ông cũng đã có những cuộc gặp chính thức với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Cộng đồng châu Âu và nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác. Thông qua các hoạt động này, Tổng Bí thư đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ ở cấp cao nhất về đường lối đối ngoại của Việt Nam, thể hiện khát vọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Có thể nói, 2024 là năm rực rỡ của ngoại giao Việt Nam, tạo tiền đề quốc tế rất vững chắc cho năm bản lề 2025 khi Việt Nam chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIV và chính thức bước vào kỷ nguyên mới.
Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong các chuyến thăm các nước và dự các hội nghị quốc tế APEC, G20 để thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam và sự chắp nối với các quốc gia và vùng lãnh thổ tạo được vị thế của Việt Nam trong chính trường quốc tế. Nhờ chính sách ngoại giao đa phương và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tranh thủ được sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã mở rộng được thị trường xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.
Thứ ba, kinh tế Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong bối cảnh toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát tràn lan. Việt Nam đã giữ đà tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 7%, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã nằm ở nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới là một thành tựu đáng tự hào. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quy mô nền kinh tế dự kiến đạt khoảng 500 tỷ USD năm 2025, Việt Nam sẽ xếp thứ 33 thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN.
Trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng lớn nhất với lượng vốn FDI chảy vào ở mức kỷ lục, khoảng 31 tỷ USD cho cả năm 2024. Trong bối cảnh kinh tế bên ngoài gặp không ít thách thức, FDI tăng mạnh cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam đối với thế giới. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là hàng điện tử, chẳng hạn như đầu tư vào chíp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Tập đoàn NVIDIA (Mỹ) đứng hàng đầu thế giới về sản xuất chip cao cấp, đã giúp kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 cán mốc kỷ lục mới 800 tỉ USD. Những con số ấn tượng này cho thấy Việt Nam tương lai sẽ là một trung tâm công nghệ cao hàng đầu khu vực và thế giới.
Thứ tư, chuyển đổi số cũng là một điểm sáng rực rỡ khác của Việt Nam trong năm 2024. Như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chuyển đổi số không chỉ là việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động kinh tế – xã hội, mà còn là quá trình thiết lập một phương thức sản xuất mới, hiện đại và tiên tiến, “phương thức sản xuất số”.
Đặc biệt, hai lĩnh vực thanh toán điện tử và thương mại điện tử của Việt Nam tiến bộ vượt bậc. Năm 2024, ngành thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng 18%, chạm mốc 22 tỷ USD, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Việt Nam, thuộc vào nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất khu vực. Thanh toán không dùng tiền mặt cũng phát triển rộng với tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025. Hiện nay, thương mại điện tử không chỉ phát triển ở đô thị mà còn mở rộng đến vùng sâu, vùng xa nhờ hệ thống giao hàng phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam cũng đang đi nhanh vào trí tuệ nhân tạo. Cuộc cách mạng chuyển đổi số quốc gia đang được thực hiện với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển, tranh thủ tối đa thời cơ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, đưa đất nước đi tắt đón đầu phát triển. Trong những năm tới, việc thu hút nhân tài cùng với nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này để đáp ứng các yêu cầu của cuộc Cách mạng trí tuệ nhân tạo là rất cấp thiết.
Thứ năm, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là một dấu mốc lớn trong năm 2024 của Việt Nam. Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam sau nhiều năm bị dừng lại đã được thúc đẩy quyết liệt. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cần “đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược” với mục tiêu hoàn thành 1.541 km đường sắt tốc độ cao qua 20 tỉnh, thành phố trong 10 năm. Trước đó, Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2045 mới hoàn thành toàn bộ dự án. Rút ngắn thời gian hoàn thành theo nguyện vọng của nhân dân để người dân sớm được hưởng thành quả này đã tạo dư luận phấn khởi trong đông đảo nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát động 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc. Hưởng ứng lời kêu gọi này, chỉ trong 3 năm trở lại đây, ngành giao thông và các địa phương đã hoàn thành và đưa vào khai thác 858km, bằng hơn 2/3 tổng số kilomet cao tốc đã triển khai trong gần 20 năm trước. Nhiều cao tốc đã được khai trương và tiếp tục về đích trong năm 2024.
Việt Nam có được nhiều thành tựu vượt bậc trước hết là nhờ sự ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, là nền tảng giúp cho các đối tác nước ngoài tin tưởng, yên tâm khi hợp tác với Việt Nam.
Có thể nói, năm 2024, Việt Nam đã có một năm bản lề vô cùng quan trọng với nhiều phấn chấn trước viễn cảnh về một kỷ nguyên mới của dân tộc đang định hình.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra với đất nước như tâm trạng của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự dám bứt phá, tâm lý xã hội còn nhiều trăn trở, trật tự xã hội ở nhiều nơi chưa thực sự tốt, vấn đề giáo dục còn gây ra không ít bức xúc, thiên tai bão lũ vẫn cần khắc phục. Tuy vậy, với tư duy mới và sự quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới của toàn dân tộc, tin tưởng đất nước sẽ vượt qua mọi trở ngại, thách thức, để chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2025, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, tạo nền tảng bước vào một kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.■