Từ sau khi thực hiện chính sách đổi mới và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã mở rộng quan hệ với hầu hết các quốc gia trên thế giới với chủ trương rõ ràng là thực thi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Với chính sách như vậy, ngoại giao đã có những thành tựu vượt bậc trong suốt bốn thập kỷ hậu Đổi mới và Hội nhập.

Về mặt song phương, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia,  trong đó có quan hệ đối tác chiến lược/đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn cũng như các nước thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Về mặt đa phương, Việt Nam trở thành thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế quan trọng nhất như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Châu Á. Đặc biệt, việc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là sự kiện quan trọng mở ra một giai đoạn mới: nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam cũng tham gia và đóng vai trò tích cực trong hầu hết các diễn đàn đa phương then chốt như APEC, ASEM. Việt Nam gia nhập các tổ chức khu vực, quan trọng nhất là ASEAN, và đã có vai trò dẫn dắt tổ chức này hướng tới mục tiêu thịnh vượng và an ninh khu vực.

Về mặt kinh tế, Việt Nam đã và đang trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập toàn diện nhất thế giới ở tất cả các cấp độ (song phương, đa phương, khu vực) và theo tất cả các hình thức, khuôn khổ khác nhau, từ các hiệp định đa phương như WTO, RCEP, CPTPP, tới song phương với từng đối tác chiến lược then chốt. Theo thống kê, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế lớn trên toàn cầu. Việt Nam không còn nghi ngờ gì nữa là quốc gia mở cửa toàn diện, quốc gia hội nhập sâu và là điểm đến của các nhà đầu tư toàn cầu. Thậm chí, các nhà phân tích đang kỳ vọng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thứ hai của thế giới chỉ sau Trung Quốc.

Việt Nam đã không chỉ tham gia sâu rộng vào các mối quan hệ đối tác toàn cầu mà còn được các nước tin tưởng như một quốc gia dẫn dắt. Việt Nam đã đảm nhận các trọng trách quốc tế quan trọng là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA-41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu. Điều này cho thấy sự tín nhiệm và tình cảm đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Việt Nam cũng đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cử hàng chục lượt sĩ quan tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của tổ chức này.

Ngoại giao Việt Nam không chỉ vì mục đích kết bạn thông thường mà đã có công rất lớn mở đường cho kinh tế phát triển. Thị trường xuất khẩu của đất nước được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa của ngoại giao. Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoa Kỳ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là Trung Quốc, các nước EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây đều là các đối tác chiến lược, toàn diện của Việt Nam.

Quá trình hội nhập kinh tế đã thay đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam, đóng góp lớn cho tăng trưởng, đặc biệt là mở rộng đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Việt Nam được thế giới đánh giá là nước phát triển đầy tiềm năng, có nền chính trị ổn định, có thị trường với gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, lực lượng lao động dồi dào, chất lượng cao, có không gian phát triển rộng mở với 16 FTA đã ký kết. Năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 730 tỉ USD. Không ai ngạc nhiên khi Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2022, tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỉ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỉ lục 22,4 tỉ USD. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 – 2022). Một thông tin đáng mừng gần đây là thương hiệu quốc gia của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022, năm 2022 đạt 431 tỉ USD…

Ngoại giao Việt Nam đã có công lớn mở đường cho kinh tế phát triển. Ảnh minh họa

Sau gần 4 thập kỷ mở cửa và hội nhập, ngoại giao Việt Nam đã làm được những điều thần kỳ. Đây là thành quả nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành ngoại giao, các doanh nghiệp và đông đảo nhân dân. Tuy vậy, cần nhìn sâu vào những giá trị thực sự của đất nước và con người Việt Nam đã tạo ra sức mạnh “mềm” cho ngoại giao đi lên, là bệ phóng vững chắc cho ngoại giao cất cánh.

Giá trị đó chính là yêu chuộng hoà bình, độc lập, không ngả bên này theo bên khác, không thay đổi bạn, tôn trọng lợi ích và chủ quyền các nước, mong cầu đoàn kết, luôn thuỷ chung trong quan hệ với bạn bè, đối tác. Những giá trị này không tự nhiên mà có mà đã được hình thành và hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử đất nước, qua những cuộc chiến tranh bảo vệ và giải phóng dân tộc. Trải qua biết bao lần bị xâm lược và phải đứng lên chống ngoại xâm, người Việt luôn giữ vững lòng yêu nước đồng thời khao khát hoà bình, tìm mọi cách dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề thay vì quân sự, luôn đặt tinh thần hoà hiếu lên trước để không xảy ra tranh chấp, nỗ lực xây dựng niềm tin với các nước láng giềng để gỡ bỏ mọi xích mích.

Quan trọng không kém, sau khi kết thúc chiến tranh, người Việt Nam luôn luôn gác lại quá khứ, xoá bỏ hận thù, mở lòng để cùng nhau xây dựng lại mối quan hệ từ đầu. Những giá trị hun đúc từ lịch sử này được đánh giá rất cao, bởi chính các cường quốc từng thất bại ở Việt Nam. Vì vậy, chính cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Kissinger cũng từng nói với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai: “Họ là dân tộc anh hùng, dân tộc vĩ đại”. Thủ tướng Chu Ân Lai đồng tình đáp lại: “Họ là một dân tộc vĩ đại, anh hùng, và đáng ngưỡng mộ”.

Những giá trị đã đề cập chính là “sức mạnh mềm” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế hiện nay. Về lý thuyết, “sức mạnh mềm” là “khả năng có được thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc, xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị của một quốc gia”. Các giá trị trên giúp Việt Nam có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nước theo bất kỳ hệ thống chính trị nào. Các quốc gia đều hướng tới xây dựng quan hệ bền chắc hơn với Việt Nam bởi quý trọng tinh thần yêu chuộng hoà bình, hoà hiếu, nhường nhịn, đoàn kết, thuỷ chung của Việt Nam.

Giá trị này được thể hiện ngay trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, muốn là “bạn tốt”, “đối tác tin cậy” với tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt thể hiện trong chính sách “4 không”, gồm không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Những chủ trương này của Việt Nam là hiện thực hoá những giá trị sẵn có được cộng đồng quốc tế công nhận và là tạo ra sức hấp dẫn “đặc biệt” cho Việt Nam được các nhà lãnh đạo thế giới thừa nhận.

Ngoại giao Việt Nam có những thành tựu vượt trội nhờ sức mạnh tổng hợp hội tụ bởi nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt quan trọng là vị trí địa lý ở cửa ngõ châu Á với đường bở biển dài. Vị trí này đã tạo ra vị thế địa chính trị đặc biệt của đất nước. Người Việt Nam đã tận dụng rất tốt vị thế này, ngoại giao nỗ lực làm cho các nước hiểu đúng vị trí của Việt Nam trong khu vực. Các tiềm năng sẵn có khác của Việt Nam đều được giới thiệu và biết đến rộng rãi trong cộng đồng quốc tế như chính trị ổn định, nhân lực chất lượng cao giá rẻ, nguồn tài nguyên phong phú, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, tầng lớp trung lưu ngày một mở rộng. Đây đều là các yếu tố phụ trội thu hết thế giới đến với Việt Nam. Tuy vậy, có thể nói giá trị nền tảng làm nên sức mạnh mềm cho ngoại giao Việt Nam vẫn xuất phát từ văn hoá và con người như đã nói ở trên.

Tinh thần yêu chuộng hòa bình là một trong những giá trị tạo nên “sức mạnh mềm” của ngoại giao Việt Nam. Hình ảnh quân nhân Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Ảnh: VOV

Từ chiến tranh đến hoà bình, có thể nói, các giá trị truyền thống của Việt Nam được nối tiếp và trường tồn. Văn hoá Việt Nam chính là điểm giao thoa của nhiều tư tưởng phương Đông bao gồm cả đạo Phật, đạo Nho và đạo Lão. Đặc biệt tinh thần của Nho Giáo thấm đẫm trong văn hoá Việt Nam, thể hiện ở triết lý lấy dĩ hoà vi quý, lấy sự hoà hợp làm gốc, coi trọng tôn ti trật tự trên dưới, nhìn đại cục để bỏ qua những tiểu tiết nhỏ nhặt.

Tất cả những tinh hoa tư tưởng này đều tích hợp vào văn hoá và con người Việt Nam, tạo ra sức ảnh hưởng cho đất nước. Các nước bạn luôn tin tưởng, muốn tăng cường hợp tác và sát cánh với Việt Nam, cảm thấy an toàn khi đi chung với Việt Nam, hiểu rõ Việt Nam không vì lợi ích của mình hay bất kỳ bên nào để gây hại cho bên khác, không đi với nước này chống nước khác, luôn mở vòng tay giúp đỡ bất kỳ nước nào gặp khó khăn, thể hiện tình hữu nghị với hầu khắp các quốc gia trên trường quốc tế.

Những giá trị này khiến Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ và Thủ tướng Trung Quốc từng thừa nhận Việt Nam là nước đặc biệt và vĩ đại. Những giá trị này sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh trong giai đoạn tới, đưa đất nước tiếp tục hội nhập sâu hơn và góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển của Việt Nam trong tương lai.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC