Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một sự kiện trọng đại. Chưa bao giờ, Tổng thống Mỹ tới thăm một quốc gia theo lời mời của Tổng Bí thư một Đảng Cộng sản, đó là một dấu mốc lịch sử. Dấu mốc đó càng có ý nghĩa hơn khi trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, mục tiêu chung là hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, xây dựng hiểu biết lẫn nhau, vạch ra con đường tương lai hướng tới cơ hội và giải quyết các thách thức trong một thế giới đang biến động nhanh chóng. Đối tác chiến lược toàn diện hai nước hướng tới hợp tác 8 vấn đề: 1) Đầu tư vào nền kinh tế đổi mới, hợp tác khoa học công nghệ; 2) Phát triển ngoại giao nhân dân, giáo dục và đào tạo; 3) Đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư kinh tế; 4) Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; 5) Tăng cường hợp tác về khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế; 6) Giải quyết hậu quả chiến tranh; 7) Tăng cường an ninh thông qua hợp tác; 8) Tăng cường quan hệ doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 11/9/2023. Ảnh: TTXVN

Để tiến đến đối tác chiến lược toàn diện ngày hôm nay, hai nước đã trải qua những chặng đường lịch sử đầy cam go, có những thời điểm đau thương và đổ máu. Cho dù ngay từ đầu lập nước năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ khi viết nhiều bức thư cho Tổng thống Mỹ Harry Truman để tìm cách xác lập mối quan hệ này. Rất tiếc, cách nhìn chưa đúng của chính quyền Mỹ thời điểm đó đã đẩy Việt Nam trở thành nước đối đầu với Hoa Kỳ. Việt Nam nằm ở tâm điểm trong chiến lược chống Cộng sản của Mỹ, vì thế, Hoa Kỳ đã ủng hộ thực dân Pháp rồi tiến tới can dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đối đầu trực diện với Việt Nam, thậm chí từng có thời điểm muốn xoá nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Nhưng cuối cùng, người Mỹ cũng nhìn ra chân lý: không thể chiến thắng dân tộc Việt Nam, không thể dùng sức mạnh quân sự để chiến thắng một dân tộc có hàng nghìn năm lịch sử chống ngoại xâm, không thể tiêu diệt được tinh thần yêu nước của người Việt Nam. Người Mỹ đã phải chấp nhận thua trận và rút khỏi Việt Nam, và khẳng định nước ta là dân tộc đặc biệt như lời Kissinger từng nói.

Dù đã chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam nhưng trong cuộc Chiến tranh lạnh, Mỹ tiếp tục coi Việt Nam thuộc phe Xã hội Chủ nghĩa do Liên Xô dẫn đầu. Hoa Kỳ cấu kết nước lớn tiếp tục tấn công Liên Xô, gắn Việt Nam vào mục tiêu chống phá kéo dài hai thập kỷ nữa, tiến hành bao vây cấm vận cô lập Việt Nam triệt để. Nhưng chân lý dân tộc độc lập của Việt Nam ngày càng vững mạnh dẫn đến sự thất bại của mọi quan điểm chống phá. Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chính sách của Việt Nam là làm bạn với các nước, mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế, xoá bỏ đối đầu, trong đó cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ là chính sách cơ bản của Việt Nam thời điểm này. Hai nước đã phối hợp giải quyết các vấn đề tồn tại trong đó có vấn đề dân chủ nhân quyền, vấn đề nhân đạo như tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Hai nước đã có nhiều cuộc tiếp xúc, bàn bạc và cùng thảo luận các vấn đề này. Quá trình này xen kẽ giữa đối đầu và đối thoại rất căng thẳng, có nhiều yếu tố và thời điểm tưởng rằng không vượt qua được, nhưng với thiện chí từ cả hai phía, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố bình thường hoá mối quan hệ với Việt Nam vào năm 1995.

Ngày 5/8/1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Ảnh: AP

Tuy đã bình thường hoá quan hệ nhưng Việt Nam vẫn chịu nhiều áp lực từ Mỹ và phương Tây. Mỹ tiếp tục tố cáo Việt Nam xâm phạm các giá trị dân chủ nhân quyền, gây áp lực để thay đổi quan điểm chính trị của Việt Nam. Phải mất hơn một thập kỷ sau bình thường hoá, trước sự trỗi dậy và cạnh tranh từ Trung Quốc, Mỹ ngày càng nhìn nhận rõ vị thế và đường lối độc lập của Việt Nam. Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ George Bush và Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải năm 2005, ông Bush đã tuyên bố công nhận độc lập chủ quyền và chế độ chính trị Việt Nam và mong muốn hợp tác với Việt Nam phát triển kinh tế thông qua hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ. Những hợp tác rộng hơn trong các lĩnh vực như giáo dục đào tạo và y tế cũng mở ra từ đó.

Tới nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, khi Trung Quốc trỗi dậy công bố bản đồ chủ quyền biển theo đường lưỡi bò và tăng cường lấn chiếm các đảo thuộc chủ quyền của các nước ASEAN, đe dọa con đường vận tải quốc tế, Mỹ xác định chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương là nhiệm vụ trọng tâm sống còn. Tổng thống Mỹ Obama đã có các cuộc gặp cấp cao với Đông Nam Á, trong đó có các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tình hình thế giới đã tới điểm phù hợp để Việt – Mỹ thúc đẩy quan hệ lên tầm cao mới, công bố quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Quan hệ này tiếp tục được khẳng định vào năm 2015 khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Mỹ Obama.

Mối quan hệ đối tác toàn diện đã được thúc đẩy nhanh chóng. Các Tổng thống Mỹ từ B. Obama, D. Trump tới J. Biden đều nhận thức vị trí quan trọng của Việt Nam, nhận thức Việt Nam là quốc gia độc lập tự chủ, kiên cường trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và ủng hộ hoà bình ở châu Á – Thái Bình Dương. Những điểm này cũng phù hợp với chính sách đối ngoại lấy châu Á làm trọng tâm của Mỹ. Vì thế, hai nước dần thúc đẩy mạnh mẽ hơn những hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Mỹ tiến hành nhiều hoạt động đa dạng, từ viện trợ, hỗ trợ nhân đạo tới đầu tư kinh tế. Mỹ đã là thị trường thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong một thập kỷ qua, hai nước đã đi một quãng dài trên con đường hợp tác. Việc nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện cũng là bước đi tất yếu khi hai quốc gia đã có đủ tin cậy và mức độ hợp tác sâu rộng.

Tuy vậy, cần có một số góc nhìn thực tế và khách quan để quan hệ Việt – Mỹ có thể triển khai thực hiện có hiệu quả thực chất trong tương lai.

Thứ nhất, chuyến thăm này thể hiện quan hệ hai nước đã lên tới mức cao nhất kể từ khi bình thường hoá tới nay, thể hiện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, an ninh quốc phòng. Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng là tạo thêm thế và lực để hai nước tiếp tục phát triển trong các lĩnh vực nói trên. Nhưng cần chú ý hiệp định nào cũng chỉ là văn bản trên giấy, là lời hứa hẹn cho tương lai nhưng để hiện thực hoá nó trong thực tiễn cần nỗ lực rất nhiều từ cả hai phía và cần hoàn cảnh khách quan phù hợp. Không có nỗ lực và điều kiện, sự thành công của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện không dễ đạt được. Vì thế, cùng nhau xác lập đối tác chiến lược toàn diện chỉ là điểm mở đầu, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước. Việc thay đổi nhận thức từ đối đầu tới làm bạn rồi trở thành đối tác toàn diện và giờ là đối tác chiến lược toàn diện của nhau là xu thế tất yếu, vì lợi ích của cả hai quốc gia. Nhưng cũng vì vậy, nếu chỉ xét quyền lợi quốc gia trên hết thì mối quan hệ có lâu dài được hay không?  Mối quan hệ giữa hai nước có thực sự lâu dài và chiến lược hay không còn là vấn đề, tuỳ thuộc bước đi của cả hai phía trong mối tương quan với trật tự quốc tế và khu vực. Mở rộng về hướng nào cũng là câu hỏi. Mỹ – Việt đang gắn kết ngày một sâu về kinh tế nhưng về mặt chính trị, an ninh quốc phòng có thể quan hệ tới mức độ nào cũng phụ thuộc vào sự sẵn sàng của cả hai bên và bối cảnh chính trị quốc tế.

Thứ hai, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden không đến Hội nghị ASEAN mà chọn tới Việt Nam để công bố đối tác chiến lược toàn diện cho thấy vị thế của Việt Nam nhưng cũng cho thấy Mỹ coi trọng lợi ích của mình trong mối quan hệ với Việt Nam. Hoa Kỳ là quốc gia có chính sách đối ngoại thực dụng, lợi ích của Mỹ đặt ở đâu thì chính sách sẽ triển khai mạnh ở nơi đó để đạt được các mục tiêu mong muốn. Trong nhiều năm, Việt Nam luôn là quốc gia đi đầu trong đấu tranh chủ quyền trên Biển Đông, không chịu khuất phục sự chi phối và lấn át của các nước lớn, phản đối mạnh mẽ việc dùng sức mạnh để xâm chiếm lãnh hải, lãnh thổ. Sự kiên định đường lối độc lập của Việt Nam và vị trí địa lý cửa ngõ ra biển của Đông Nam Á giúp nước ta trở thành đối tác không thể thiếu được trong tính toán của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương. Thay vì muốn Việt Nam về thời kỳ đồ đá như trước đây, Mỹ hiện nay muốn Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh để cùng xây dựng một khu vực châu Á cân bằng và ổn định. Mỹ hiểu rằng Việt Nam không chọn bên và không chống lại quốc gia láng giềng Trung Quốc, nhưng sự lớn mạnh của Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong cân bằng lực lượng trên bình diện khu vực.

Thứ ba, Việt Nam xác định không đi với bên này để chống bên khác, kiên quyết giữ vững độc lập tự chủ, nhưng Việt Nam cũng không thể đi một mình trong cuộc chiến giữ chủ quyền và tận dụng nguồn lực bên ngoài để tăng tiềm lực quốc gia. Quan hệ sâu rộng hơn với Hoa Kỳ vì thế đóng một vai trò lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong tư tưởng của mình, người Việt không coi quan hệ với Mỹ là chỗ dựa để chống nước này, nước khác mà coi đây là điều kiện để Việt Nam nâng cao tiềm lực về cả chính trị lẫn kinh tế, tạo cho mình sức mạnh nội lực để vươn lên. Những quan điểm cho rằng thế và lực của Việt Nam giờ đây đã quá mạnh để Mỹ phải ký đối tác chiến lược toàn diện với nước ta, hay Việt Nam phải ký để đối trọng với Trung Quốc đều là cách nhìn phiến diện. Một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện chỉ là phương tiện để Việt Nam xây dựng nguồn lực và triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, cân bằng, đa phương. Chính vị thế địa chính trị và đường lối đối ngoại đó mới khiến Mỹ và nhiều nước lớn mong muốn hợp tác sâu hơn với Việt Nam vì lợi ích của hai bên.

Thứ tư, Việt Nam phải đấu tranh nhiều thập kỷ mới giành được độc lập, mất thêm nhiều thập kỷ để xây dựng quan hệ đối tác với nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược với 18 nước, trong đó 5 nước là đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ). Điều này cho thấy trong bối cảnh thế giới phân mảng đối đầu, cạnh tranh nhau nhưng Việt Nam vẫn nhìn ra những điều tích cực trong các mối quan hệ đó, để đi đến thiết lập được đối tác chiến lược toàn diện với các nước; Đó là cơ hội hiếm có đối với Việt Nam. Vấn đề đặt ra là tận dụng thời cơ này như thế nào, tận dụng các mối quan hệ này như thế nào. Không cái gì có sẵn và không có gì cho không nên Việt Nam không ảo tưởng. Lịch sử là cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển, những bài học từ lịch sử cho thấy chỉ có mình đứng vững và tự mình lớn mạnh thì người khác mới tôn trọng mình. Lúc này, Việt Nam càng cần tận dụng triệt để các mối quan hệ toàn diện và chiến lược để nâng cao vị thế, vươn lên chớp lấy thời cơ, nhanh chóng trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã vạch ra.

Thứ năm, doanh nhân, doanh nghiệp và toàn thể người dân cần ý thức trong việc tận dụng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện để vừa tìm cơ hội cho chính mình, vừa giúp phát triển quốc gia. Thông báo chung vừa qua giữa hai nước mở ra các vấn đề hợp tác then chốt như công nghệ, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, hợp tác nhân đạo và đào tạo. Đây là vấn đề có tác động mạnh mẽ đến thể chế quốc gia, đòi hỏi nhà nước Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đổi mới thể chế và quản trị, quản lý nhà nước, với mục tiêu tạo cho người dân Việt Nam thực hiện khát vọng xây dựng và làm giàu cho đất nước và lợi ích của họ. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tư thế cũng như nguồn lực để làm ăn với phía Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần định hướng chiến lược phát triển và định hình mới về hệ thống quản trị cho mình để tránh rủi ro. Mỹ nói VinFast như một ví dụ tiêu biểu của một công ty Việt Nam đã đầu tư 4 tỉ USD vào Mỹ. Cần thêm nhiều công ty như vậy nữa để chúng ta có vị thế cân bằng với Hoa Kỳ. Để tiếp cận thị trường này, đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp cần nâng tầm quy mô sản xuất hơn nữa. Vấn đề quan trọng là chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề. Những người đi học tại Mỹ xác định đây là cơ hội cho cá nhân hướng nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Việt Nam cần có cơ chế thu hút vốn từ nguồn lực trong nước và các tổ chức tài chính quốc tế để có thể mở rộng đầu tư và xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.

Các doanh nghiệp và toàn thể người dân cần ý thức trong việc tận dụng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện để vừa tìm cơ hội cho chính mình, vừa giúp phát triển quốc gia. Ảnh minh họa: Lễ khởi công dự án nhà máy sản xuất xe điện của VinFast tại Bắc Carolina, Hoa Kỳ, tháng 7/2023. Ảnh: Vingroup

Thứ sáu, giữa Việt Nam và Mỹ có vấn đề lịch sử không dễ gì quên đi được. Xếp lại quá khứ sang một bên không có nghĩa là quên hết quá khứ. Vẫn tồn tại những vấn đề cần giải quyết, những món nợ Mỹ gây ra trong chiến tranh còn tồn tại, những khác biệt về quan điểm chính trị, dân chủ nhân quyền… Hai nước thống nhất tôn trọng sự khác biệt, coi trọng ý kiến của nhau và cùng xếp lại quá khứ, gác lại khác biệt để phát triển quốc gia. Đó là luận điểm then chốt cần chú trọng, tiếp tục xây dựng và củng cố lòng tin, tạo ra những thành quả thiết thực dựa trên quyền lợi của hai nước.

Thứ bảy, đối ngoại là vấn đề phức tạp. Khi Việt Nam mở rộng quan hệ với Mỹ thì không phải quốc gia nào cũng ủng hộ, đặc biệt là các nước đang cạnh tranh địa chính trị với Hoa Kỳ và kể cả các nước trong khu vực. Việt Nam cần có chính sách để bạn bè hiểu được, đó là xu hướng chứ không phải là chọn bên để làm ảnh hưởng quyền lợi nước khác, đồng thời khôn khéo hóa giải những chỉ trích mang tính tiêu cực cơ hội chủ nghĩa. Việt Nam kiên định con đường độc lập tự chủ, không chọn phe, Việt Nam là bạn của các nước. Việt Nam vẫn đặc biệt coi trọng hợp tác chiến lược với các quốc gia bạn bè truyền thống như Trung Quốc và Nga… như đã thực hiện từ nhiều thập kỷ nay. Đây cũng là vấn đề cốt yếu cần làm rõ với các đối tác.

Dù thế nào, có thể kết luận rằng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden tới Việt Nam và tuyên bố chung cho thấy đây là thời khắc mở ra một chương mới trong quan hệ song phương, cho thấy mức độ tin cậy ngày càng gia tăng giữa hai nước. Đồng thời, đây cũng là sự kiện phù hợp với xu thế thời đại và chính sách của nhà nước Việt Nam là tăng cường hội nhập quốc tế, làm bạn với tất cả các nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao hơn trong tương lai.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC