Cho tới nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch Covid-19. Trong ba đợt đầu tiên, hệ thống chính trị và người dân về cơ bản đã đồng tâm hợp lực đẩy lùi thành công dịch bệnh. Bằng những biện pháp quyết liệt như cách ly, khoanh vùng, truy vết, điều trị và kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh, Việt Nam được coi là một hình mẫu chống dịch được thế giới công nhận.

Tuy vậy, đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện tại Việt Nam cuối tháng 4 đầu tháng 5/2021 đang đe dọa mọi thành quả và nỗ lực của cả hệ thống trong cuộc chiến chống Covid-19. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 dự báo tình hình dịch bệnh đợt thứ tư này sẽ còn tiếp tục phức tạp, lâu dài và chưa thể có hồi kết.

Đông đúc ở biển Vũng Tàu dịp nghỉ lễ 30/04/2021

Sở dĩ đợt dịch này phức tạp hơn trên nhiều khía cạnh. Đã xuất hiện nhiều nguồn lây khác nhau và nhiều nơi chưa xác định được F0, chưa khu trú được ca bệnh. Nguồn lây Covid-19 lần này lại đến nhiều những tụ điểm tập trung đông người, mức độ di chuyển rất nhiều do rơi vào đúng dịp nghỉ lễ dài ngày. Chính vì thế, dịch đã xuất hiện ở hàng loạt tỉnh, thành phố, các ca cộng đồng tăng liên tục. Đợt dịch lần này có hiện tượng lây mạnh hơn còn do một số ca bệnh đã được xác định mang biến thể Ấn Độ và biến thể Anh, có tốc độ lây lan nhanh hơn so với thông thường.

Tuy vậy, ngoài những lý do khách quan, phải thấy rằng có những khiếm khuyết trong hệ thống quản lý của chúng ta khiến dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ trở lại và ở vào tình trạng hết sức khó kiểm soát.

Thứ nhất, đó là việc mở cửa đón người nhập cảnh quá nhiều. Nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề trong bối cảnh Covid-19 trên thế giới bùng lên dữ dội như vậy, việc mở cửa đón chuyên gia và người nhập cảnh có quá sớm không, và chúng ta có quá nóng vội trong vấn đề này không?

Bộ Công an cho biết những con số giật mình, trong bốn tháng đầu năm 2021 đến nay có khoảng 150 nghìn người nhập cảnh. Trong đó, nhập cảnh qua đường bộ khoảng 110 nghìn, nhập cảnh qua đường hàng không khoảng 40 nghìn người. Số lượng người nhập cảnh vào Việt Nam rất đông, bao gồm các chuyên gia và người Việt Nam trở về. Làm sao với một con số khổng lồ như vậy, chúng ta đảm bảo được rằng có thể quản lý, cách ly đầy đủ và chặt chẽ để ngăn chặn nguồn bệnh? Theo thống kê, có tới gần 20.000 chuyên gia và lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam những tháng đầu năm 2021, được cách ly tại các khách sạn trên cả nước. Việc cho phép đón quá nhiều người như vậy dẫn quốc gia tới tình trạng vô cùng khó khăn trong việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Thứ hai, việc quản lý cách ly người nhập cảnh từ nước ngoài có rất nhiều sơ hở nghiêm trọng. Điển hình là một số trường hợp hết thời gian cách ly tập trung vẫn ghi nhận dương tính nCoV, làm lây lan dịch trong cộng đồng. Có tình trạng quản lý cách ly chưa nghiêm, khách sạn quản lý người cách ly không lắp camera giám sát, nhân viên những nơi này không đeo khẩu trang…

Việc bàn giao người hoàn thành cách ly về với địa phương cũng rất lơi lỏng. Những trường hợp này về lý thuyết vẫn nằm trong diện theo dõi và phải giám sát sức khỏe tại nhà nhưng trên thực tế họ vẫn đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Tâm lý chung là cách ly xong 14 ngày là gần như buông hết. Trong thời gian giám sát này, thậm chí trong cả thời gian đang cách ly, nhiều người còn đi liên hoan, hát karaoke.

Ví dụ điển hình là BN 2899 nhập cảnh từ Nhật Bản hoàn thành cách ly 14 ngày với 3 lần xét nghiệm âm tính. Sau đó bệnh nhân từ Đà Nẵng trở về Hà Nam. Hà Nam không có lực lượng y tế giám sát, để bệnh nhân đi uống bia, đi đám cưới, ăn uống, tụ tập đông người cho tới khi phát hiện dương tính với Covid-19.

Bộ trưởng Y tế cũng đã thừa nhận rằng có rất nhiều bài học kinh nghiệm cần rút ra trong việc quản lý lây nhiễm trong môi trường cách ly, nên đã quyết định nâng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày từ ngày 5/5/2021, cũng như siết lại khâu bàn giao giữa cơ sở cách ly với các địa phương nơi cư trú.

Thứ ba, vấn đề chất lượng xét nghiệm cũng  phải được đặt lại. Nhiều trường hợp xét nghiệm âm tính nhiều lần rồi lại dương tính khiến dư luận xã hội bất an, đặt vấn đề có phải khả năng giám định, trình độ cán bộ kỹ thuật hay chất lượng máy móc thiết bị cần được nâng cao hơn nữa để cho kết quả chính xác hơn? Công tác xét nghiệm trong thời gian cách ly có thể còn bỏ lọt các mẫu dương tính. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế cũng mới yêu cầu nâng tần suất xét nghiệm trong thời gian cách ly từ 2-3 lần lên 4-5 lần, để đảm bảo an toàn tối đa và phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

Thứ tư, công tác phòng chống Covid-19 ngay tại các bệnh viện lại đang chứng tỏ có nhiều lỗ hổng. Lần này, ngay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vốn được coi là “thành trì” của chống dịch ở khu vực phía Bắc, đã xuất hiện các chùm ca bệnh lây chéo và từ đây lây lan ra khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nghiêm trọng hơn, dịch bệnh đã xuất hiện ở một cơ sở của Viện K nơi có rất nhiều bệnh nhân nặng. Chúng ta đã có bài học ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Đà Nẵng nhưng cách quản lý các bệnh viện và chấp hành quy định chống dịch trong môi trường nhiều nguy cơ như bệnh viện vẫn không tốt.

Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương bị phong toả và phun khử khuẩn.

Bộ y  tế mới siết lại yêu cầu tất cả bệnh viện phải sàng lọc kỹ lưỡng và liên tục đối với nhân viên y tế cũng như nhóm bệnh nhân nguy cơ cao. Các biện pháp phòng chống dịch phải được triển khai chặt chẽ nhất chính trong các cơ sở y tế để đảm bảo nơi cứu chữa bệnh nhân này không thể là ổ dịch thêm nữa.

Thứ năm, nguy cơ xuất hiện lây nhiễm cộng đồng từ người nhập cảnh trái phép vẫn hiện hữu. Ca mắc Covid-19 vừa rồi ở tỉnh Vĩnh Long là ví dụ. Ca này nhập cảnh trái phép về Vĩnh Long và đã khiến dịch bệnh bị lây lan tại đây. Theo Bộ Công An, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm có 199 vụ, với 1.343 người tại 39 trên 63 tỉnh thành. Lực lượng công an đã xử lý, khởi tố 49 vụ với 141 đối tượng. Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng cũng đã phát hiện, xử lý gần 14.000 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn khiến chúng ta cần phải làm mạnh hơn nữa. Cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã thị sát biên giới Tây Nam để kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống dịch Covid-19 và động viên lực lượng bộ đội biên phòng đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép từ Campuchia, quốc gia đang có diễn biên dịch rất phức tạp. Đây là những việc làm hết sức kịp thời để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng và lợi ích quốc gia.

Thứ sáu, vấn đề tiêm chủng triển khai vẫn chậm, vì thế, không có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Chính phủ cũng thừa nhận tiến độ tiêm chủng thời gian qua cho thấy rất chậm vì các tỉnh thành đều triển khai tiêm thận trọng. Cho dù yêu cầu đặt ra là “tiêm đến đâu an toàn đến đó” và việc chuyển vắc xin đã đặt mua của Việt Nam cũng chậm hơn so với kế hoạch, việc triển khai tiêm chậm như vậy vẫn ảnh hưởng tới tiến độ đặt ra của Chính phủ, thậm chí làm hỏng số lượng vắc xin đã nhập.

Bộ y tế đã phải yêu cầu các tỉnh hoàn thành tiêm chủng vắc xin Covid-19 của COVAX trước ngày 05/5. Nếu địa phương nào không tổ chức tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi. Bộ Y tế đã phân bổ 811.200 liều vắc xin của COVAX về các địa phương và các địa phương đã lập danh sách đối tượng tiêm nhưng cần tổ chức tiêm nhanh chóng hơn thì mới đạt yêu cầu. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương “không được phép để bất cứ liều vắc xin nào phải huỷ do không tổ chức tiêm được”. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công”, có nghĩa là phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đặc biệt tập trung cho những đối tượng dễ bị tổn thương. Có làm như vậy, công tác chống dịch ở Việt Nam mới chuyển biến về chất.

Thứ bảy, ý thức của người dân trong thời gian qua cũng xuống thấp khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn. Đã xuất hiện tư tưởng lơ là, chủ quan, coi thường, thiếu ý thức trong nhân dân.

Ví dụ điển hình là việc khai báo y tế được triển khai rất hình thức. Nhiều người dân không chủ động khai báo hoặc có tâm lý khai “chiếu lệ’. Việc giám sát khai báo của các cơ quan chức năng cũng chưa thực sự nghiêm túc. Dư luận đặt câu hỏi chuyến bay nào cũng phải khai báo y tế nhưng tại sao khi phát hiện có ca lây nhiễm, cơ quan chức năng vẫn phải phát đi thông báo khẩn tìm người trên các chuyến bay?

Chúng ta cần tiếp tục củng cố ý thức chống dịch trong nhân dân và chính quyền địa phương, đồng thời rà soát lại toàn bộ các khâu chống dịch từ quản lý xuất nhập cảnh, quản lý môi trường cách ly, nâng cao năng lực xét nghiệm, kiểm soát chặt nhập cảnh trái phép, siết chặt kỷ luật bệnh viện, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Làm tốt những điều này mới có thể kiềm chế dịch bệnh và giúp Việt Nam một lần nữa chiến thắng đại dịch.

Đồng thời, chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm sâu sắc bài học từ Ấn Độ. Phải tính toán sớm, sẵn sàng kế hoạch xây dựng các  bệnh viện dã chiến, chuẩn bị tốt máy thở, bình ôxy và các thiết bị can thiệp khác trong tình huống dịch bệnh bùng phát. Đây là cuộc chiến toàn dân và một sự chủ quan lơ là cũng có thể khiến toàn xã hội phải trả giá đắt.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC