Để hiểu rõ về thất bại lịch sử của Mỹ ở Afghanistan, cần quay về thời điểm năm 2001. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, Mỹ xác định đường lối đối ngoại cơ bản là chống khủng bố. Chủ trương này là phù hợp với tình hình lúc đó, và việc Mỹ tấn công đánh đuổi Taliban ở Afghanistan vào năm 2001 về cơ bản được nhiều nước ủng hộ, khi mà các nhóm khủng bố do Taliban hậu thuẫn đang phát triển mạnh đe doạ an ninh Mỹ và an ninh toàn cầu. Việc tấn công lật đổ chế độ Taliban để thiết lập một nhà nước dân chủ hơn trên vùng lãnh thổ này cũng là một sự phù hợp với xu hướng của thời đại lúc đó. Nước Mỹ đã thành công, chế độ Taliban theo các nguyên tắc Hồi giáo ngặt nghèo bị xoá bỏ, Bin Laden tháo chạy và chế độ mới được thiết lập. Kèm theo đó, Mỹ đứng chân được ở vùng này, từng bước tiêu diệt được lãnh đạo nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan, gây tổn thất nặng nề cho các nhóm này, đặc biệt tiêu diệt được Bin Laden vào tháng 5/2011.

Tổng thống Mỹ Bush phát biểu với binh lính ở Kentucky vào tháng 11 năm 2001, sau khi ông quyết định tấn công Afghanistan. Ảnh: Getty images.

Sau khi đánh đuổi Taliban, Mỹ áp dụng cách tiếp cận quen thuộc của mình, đổ tiền đổ của vào xây dựng một nhà nước theo mô hình chính trị do Mỹ dựng lên. Mỹ hi vọng rằng tình hình kinh tế xã hội của Afganistan sẽ sớm ổn định và phục hồi. Tuy vậy, trái với kỳ vọng này, quốc gia này vẫn phân mảnh, mất ổn định. Đồng thời, trong suốt hai thập kỷ ở đây, Mỹ cũng phải trả giá đắt với hàng nghìn binh lính Mỹ chết trận, tiêu tốn một ngàn tỉ đôla cho các nỗ lực quân sự và tái thiết. Với vị thế không còn hùng mạnh như trước, các đời tổng thống sau Bush đều thấy được sự mất mát này. Đặc biệt Tổng thống Trump với chính sách nước Mỹ trên hết đã thấy vấn đề này rõ hơn ai hết và quyết tâm rút khỏi Afghanistan. Chính quyền Mỹ vào tháng 5/2020 đã đàm phán với Taliban một lộ trình hoà bình để Mỹ rút quân. Khi Tổng thống Biden trúng cử, chủ trương này vẫn tiếp tục được thực hiện, đạt nhất trí trong lưỡng viện quốc hội chứ không chỉ là quyết định của Tổng thống. Mỹ tin rằng dù rút quân, nước này vẫn sẽ đứng chân được tại Afshanistan nhiều năm nữa và duy  trì được cơ sở tại đây. Nhưng những diễn biến nhanh chóng trên thực địa vừa qua đã chứng tỏ rằng Mỹ đã một lần nữa tính toán sai lầm. Đây là thất bại mang tính chất chiến lược của Mỹ. Sự thất bại của Mỹ hội tụ bởi các nguyên do sau.

Thứ nhất, hướng giải quyết vấn đề bằng cách thiết lập chế độ dân chủ theo kiểu Mỹ ở vùng lãnh thổ khác vẫn không thực tế và không hiểu quả. Càng không hiệu quả khi chủ trương ấy không hỗ trợ cơ sở hạ tầng và củng cố nền tảng xã hội của Afganistan. Người dân ở đây vẫn là nạn nhân của bạo lực và nghèo đói. Mỹ chỉ đổ tiền làm giàu cho giới lãnh đạo thượng lưu, càng tạo ra ngăn cách giữa người dân và lãnh đạo. Nhân dân nhìn chung không ủng hộ và thiện cảm với Mỹ trong bối cảnh y tế, giáo dục và các dịch vụ an sinh xã hội khác không mấy cải thiện. Sự chống đối càng lớn ở khu vực nông thôn khi Mỹ chỉ tập trung vào thành phố lớn mà bỏ quên khu vực này, tạo ra chênh lệch lớn về giàu nghèo. Trong bối cảnh như vậy, Mỹ dồn bao nhiêu tỉ đô la để trang bị cho quân đội thì họ cũng không vì mục tiêu quốc gia, dễ dàng từ bỏ vũ khí hiện đại đổi lấy những thứ thiết thực hơn với đời sống của họ. Tiền bạc của Mỹ chỉ phân hoá thêm tầng lớp lãnh đạo và các phe phái ở Afghanistan. Mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền nước này ngày một lớn, rất nhiều quan chức chính phủ vẫn liên hệ và có quan hệ mật thiết với Taliban. Bên dưới sự hậu thuẫn của Mỹ là một chính quyền tham nhũng, xung đột và rất dễ tan rã khi Mỹ không còn hiện diện. Đây là thực tế đã diễn ra.

Thứ hai, Mỹ ít hiểu biết về địa hình, bản sắc, văn hoá chính trị của Afghanistan. Quốc gia này từ lịch sử tới hiện tại vẫn bị chi phối bởi những nhóm quyền lực cố kết với nhau theo kiểu thị tộc, bộ tộc, và chống lại mọi nỗ lực tập trung quyền lực vào tay trung ương, đặc biệt là quyền lực áp đặt từ nước ngoài. Chính vì sự thiếu hiểu biết này mà trong hai mươi năm, Mỹ không tiêu diệt được Taliban. Mỹ vẫn tiến hành hoạt động quân sự bằng sức mạnh vũ trang, máy bay không người lái, dùng không quân tiêu diệt các cơ sở từ trên cao, nhưng dưới mặt đất Mỹ không nắm được thực tế. Mỹ đã không đối phó được với đội quân du kích kiểu Taliban vốn thông thuộc địa hình, phân tán, và chiến đấu quyết liệt nhằm gây thương vong cho Mỹ. Việc vẫn để cho Taliban có các cơ sở kinh doanh nhờ thuốc phiện và thu thuế nhờ buôn bán hàng cấm là một thất bại khác của Mỹ, chứng minh rằng Mỹ không thực sự đủ hiểu để kiểm soát được tình hình tại quốc gia đang đứng chân.

Thứ ba, Mỹ đã không tham khảo các đồng minh trong mọi quyết định ở Afshanistan. Khác với giai đoạn đầu khi thực hiện chiến dịch chống khủng bố để lật đổ chế độ Taliban, Mỹ kêu gọi các quốc gia đứng chung với mình để hình thành liên minh. Lần này, Mỹ tuy có đồng minh nhưng mọi tác chiến từ giảm dần quân số tới rút quân đều không được đồng minh đồng tình. Nhiều nhà phân tích đã đặt câu hỏi nếu Mỹ đã thực hiện một số chiến lược  ngoại giao với đồng minh để cùng chia sẻ nguồn lực và quân số để án ngữ một phần ở Afshanistan thì có vấp phải thất bại cay đắng này không? Trong bối cảnh EU và nhiều nước thân phương Tây cũng không muốn mất Afghanistan vào tay các lực lượng khủng bố, nước Mỹ hoàn toàn có thể tiến hành các bước đi đa phương hơn. Nhưng Hoa Kỳ đã không làm vậy.

Thứ tư, Mỹ không thể kéo dài được ảnh hưởng ở Afghanistan còn bộc lộ rất nhiều thiếu sót trong nội bộ Mỹ, đặc biệt về tình báo. Mỹ đã đánh giá sai tình hình, cho rằng cầm cự được lâu sau khi rút quân chứng tỏ tình báo Mỹ kém hiệu quả. Thất bại này cũng bộc lộ quản trị chiến lược yếu kém của Mỹ. Tuyên bố rút quân nhưng thiếu lộ trình, không củng cố lực lượng trước khi rút, không tính tới phương án tiêu diệt và giảm lực lượng Taliban trước khi rút. Tất cả những bước đi mang tính chuẩn bị cho rút quân đều không được thực hiện, nên không ngạc nhiên khi Taliban âm thầm củng cố lực lượng, tấn công gấp rút và giành thắng lợi quá nhanh chóng trước sự ngỡ ngàng của Mỹ. Washington đã không lường được tình hình và giờ lại phải thương lượng để di tản người và của cải trước ngày 11 tháng 9. Đây là sự cay đắng của chính trị Hoa Kỳ.

Thứ năm, Mỹ sẽ đánh mất vai trò và ảnh hưởng ở Afghanistan. Những công sức tạo ra ảnh hưởng chiến lược ở vùng đất này trong hai thập kỷ qua bỗng đổ xuống sông xuống biển. Vùng đất này có sức nặng không ít do đây là cơ sở của nhiều nhóm khủng bố Hồi giáo. Mất đi sức ảnh hưởng tại đây đồng nghĩa với việc mất đi năng lực theo dõi và kiểm soát các nhóm này tấn công Mỹ cũng như phương Tây. Với khoảng trống mà Mỹ để lại, Nga, Trung  Quốc, Iran và nhiều nước khác sẽ thế chân. Đây là mất mát to lớn và tạo ra nguy cơ tiềm tàng về lâu dài với an ninh Hoa Kỳ.

Thứ sáu, hình ảnh của Mỹ trong mắt thế giới và đồng minh lại một lần nữa đi xuống sau sự kiện này. Đây là bài học thực tế cho các nước muốn dựa vào Mỹ. Mỹ rút quân đơn phương không báo trước và không tham vấn đồng minh. Từ cuộc chiến Việt Nam đến bây giờ, cách thức của Mỹ vẫn không đổi. Mỹ muốn bỏ rơi thì Mỹ sẽ bỏ vì quyền lợi Mỹ. Thực tế ở Afghanistan khiến các nước đang củng cố quan hệ với Hoa Kỳ suy nghĩ. Niềm tin vào Mỹ tiếp tục suy giảm.

Thứ bảy, sự kiện Afghanistan khiến cho nội bộ nước Mỹ thêm mâu thuẫn. Chính quyền Mỹ ngậm ngùi, cay đắng, người dân bất bình. Nội bộ chính giới Mỹ đổ tội cho nhau. Cựu Tổng thống Trump nhân cơ hội này chỉ trích Tổng thống Biden và tín nhiệm của Biden cũng vì thế hạ thấp. Nếu chính quyền Biden không giải cứu thành công để đưa được công dân Mỹ về an toàn thì mọi việc sẽ càng trầm trọng.

Sự kiện Afghanistan chưa dừng lại ở đây. Khoảng trống mà Mỹ để lại sẽ tạo điều kiện cho nhiều quốc gia khác xác lập sức ảnh hưởng. Nhiều nhóm khủng bố cực đoan coi đây là tin mừng ngàn năm có một và rục rịch củng cố cơ sở mới ở Afghanistan. Sự kiện này có thể châm ngòi cho nhiều diễn biến phức tạp khác trong tương lai.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC