Những tháng cuối trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Joe Biden đã có những bước đi đối ngoại táo bạo và nguy hiểm để đối phó với Nga. Trước hết cần nói, trong suốt nhiệm kỳ của mình, Biden đã thực hiện nhiều chính sách với mục tiêu chính là làm suy yếu, khiến nước Nga phải tan vỡ và sụp đổ. Khi nắm quyền nước Mỹ năm 2021, chính quyền Biden đã nỗ lực nắm lại NATO, sử dụng Ukraine làm đội quân uỷ nhiệm để thực hiện mục tiêu cao nhất này. Cho đến cuối nhiệm kỳ của mình, có thể khẳng định ý đồ này của Mỹ đã không thực hiện được. Trên chiến trường, Mỹ hiểu rằng không thể thắng được Nga và sự thất bại về mặt quân sự có thể thấy rõ.
Trong bối cảnh phức tạp như vậy, đặc biệt khi Đảng Dân chủ đã mất không chỉ ghế Tổng thống mà cả Thượng viện lẫn Hạ viện vào tay phe Cộng hoà, ông Biden đã chơi một canh bạc tất tay trước khi rời nhiệm sở.
Thứ nhất, Biden đã bật đèn xanh để Ukraine tấn công vào Kursk. Cụ thể, vào ngày 6 tháng 8, quân đội Ukraine đã bất ngờ tấn công vào khu vực Kursk của Nga sau nhiều tháng chuẩn bị bí mật. Mục đích của cuộc tấn công này là buộc Nga phải phân tán lực lượng, giải cứu vòng vây cho chiến trường phía Đông Ukraine đang hết sức khó khăn. Một mục đích khác là tạo lợi thế trong thương lượng hoà bình, gây sức ép buộc Nga rút quân đổi lấy việc Ukraine cũng rút khỏi Kursk. Tuy vậy, trong nhiều tháng sau khi đột kích vào Kursk, quân đội Ukraine dưới sự yểm trợ của Mỹ đã không đạt được mọi mục tiêu, đã bị Nga chiếm lại khoảng ½ lãnh thổ đã chiếm ở Kursk. Quân Ukraine hiện đang ở trong chảo lửa, bị bao vây và rất khó để giữ vùng lãnh thổ này trong tương lai gần. Ý đồ buộc Nga đàm phán và phân bổ lại lực lượng đã thất bại. Nga ngược lại còn tất công mạnh hơn ở các khu vực Donbass và Donesk, chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu chững lại nào.
Thứ hai, Mỹ tiếp tục tổ chức các hoạt động ngoại giao và truyền thông nhằm công kích Nga. Trước đó, Mỹ tạo dựng và thúc đẩy Tổng thống Ukraine Zelensky tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hoà bình mà không có sự tham gia của Nga. Vào tháng 9, Mỹ và các nước phương Tây đồng loạt tố cáo Nga tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mời Zelensky phát biểu với mục tiêu hạ thấp uy tín của Nga, cáo buộc Nga xâm lược và yêu cầu rút quân vô điều kiện. Những tính toán này cũng thất bại bởi mọi giải pháp hoà bình không tính tới quyền lợi của Nga đều không được thế giới và cường quốc này chấp nhận.
Thứ ba, nguy hiểm nhất là quyết định của Biden cho phép sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ tấn công vào lãnh thổ Nga. Lo ngại sa vào một cuộc chiến toàn diện với Nga, trong suốt quãng thời gian từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Mỹ đã có những động thái kiềm chế nhất định để trì hoãn việc cho phép tên lửa tầm xa bắn vào lãnh thổ Nga. Tuy vậy, cuối cùng, trong bối cảnh Đảng Dân chủ của Biden đã thất cử và vấn đề Ukraine vẫn dậm chân tại chỗ, Biden đã có một quyết định táo bạo là cung cấp các tên lửa có tầm bắn xa nhắm vào vào nội địa Nga. Ngay sau khi tuyên bố này, nhiều đợt tấn công đã nhắm vào các căn cứ quân sự của Nga. Mục đích thực sự là tạo phản ứng mạnh mẽ hơn buộc Nga phải đáp trả, đẩy cuộc chiến leo thang lên một tầm cao hơn nữa, thúc đẩy Anh, Pháp có quyết định tương tự là cho phép tên lửa của họ tấn công lãnh thổ Nga. Việc Mỹ khánh thành căn cứ quân sự Mỹ ở Ba Lan cũng nằm trong nỗ lực khiêu khích hơn nữa này. Tất cả những động thái này còn nhằm tạo ra thế khó cho Tổng thống kế nhiệm Trump khi cuộc xung đột bị đẩy tới những ngưỡng khó giải quyết hơn, đặt chính quyền mới vào thế đã rồi. Đó là những lý do để những quyết định đáng lý không được thực hiện, lại được chính quyền Biden ráo riết đẩy nhanh trong đoạn cuối nhiệm kỳ.
Thứ tư, Biden đã vận động để trình Quốc hội Mỹ gói viện trợ kỷ lục trị giá 24 tỷ USD dành cho Ukraine cho đến năm 2026. Cụ thể, ông Biden yêu cầu Quốc hội Mỹ phê chuẩn khoản tiền 8 tỷ USD dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự, huấn luyện binh sĩ Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội Ukraine trước các đợt tấn công dồn dập của Nga trên chiến trường. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu chi 16 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm bổ sung những loại vũ khí, trang thiết bị mà Lầu Năm Góc chuyển giao cho Ukraine cũng như chi phí sửa chữa, bảo dưỡng các loại vũ khí có sẵn trong kho của Bộ Quốc phòng. Khoản tiền nói trên còn được dùng để giải ngân cho các hoạt động huấn luyện quân sự mà Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp cho Chính phủ Ukraine và các quốc gia khác tham gia vào nỗ lực viện trợ cho Ukraine. Tuy vậy, gói viện trợ này đã bị Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson bác với lý do bất kỳ gói viện trợ mới dành cho Ukraine đều phải do Tổng thống đắc cử Donald Trump quyết định khi ông chính thức nhậm chức ngày 20/1 tới.
Tuy vậy, chính quyền Biden đã kịp cung cấp gói vũ khí trị giá 725 triệu USD cho Ukraine trong tháng 12 năm 2024. Gói viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine gồm các hệ thống chống UAV, đạn dược cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, đặc biệt gồm nhiều mìn chống bộ binh, bị quốc tế cấm nhưng Ukraine đang trông cậy để làm chậm lực lượng mặt đất của Nga tại khu vực Kursk. Đây là những động thái quan trọng nhằm tiếp tục kéo dài chiến tranh của chính quyền Biden trong bối cảnh thế giới đang chờ đợi một sáng kiến hoà bình từ chính quyền Trump.
Thứ năm, chính quyền Biden đã vận động các nước thành viên NATO khác cùng đưa ra hàng loạt những hoạt động leo thang tương tự. Sau Mỹ, Pháp và Anh “bật đèn xanh” cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công Nga. Tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG do Anh và Pháp hợp tác phát triển, có tốc độ tối đa 1.000 km/h, đủ sức đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 250-560 km tùy biến thể. Đây là tên lửa hành trình có tầm bắn xa nhất trong biên chế không quân Ukraine. Ngay sau tuyên bố cho phép này, Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine dùng các loại tên lửa tầm xa do Anh Pháp viện trợ tập kích vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Nguy hiểm không kém, Pháp và Anh đang thảo luận khả năng điều động quân đội đến tiền tuyến xung đột Nga – Ukraine nhằm giám sát thực thi lệnh ngừng bắn nếu đạt được thông qua đàm phán. Pháp vẫn cho biết không loại trừ lựa chọn gửi quân tới chiến trường Ukraine để tham chiến trực tiếp với lý do bảo vệ an ninh châu Âu khỏi mối đe doạ từ Nga. Các động thái của các nước NATO khác cộng hưởng với leo thang từ Mỹ vẫn cho thấy quyết tâm sẽ đánh Nga đến cùng thay vì kiến thiết các giải pháp hoà bình.
Thứ sáu, cùng với việc gia tăng chiến sự ở Ukraine, chính quyền Biden trong giai đoạn cuối đã ủng hộ nhóm phiến quân HTS phát động cuộc tấn công vào Aleppo – một trong những thành phố lớn nhất của Syria. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã lên án Mỹ và các đồng minh đang hỗ trợ cho những kẻ khủng bố tại Syria. Đội quân nổi dậy dưới sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Mỹ đã công khai tấn công nhằm cướp chính quyền ở Syria, địa bàn địa chính trị của Nga với những căn cứ quân sự của Nga đặt tại đây. Mục đích là phân tán lực lượng Nga, kéo dãn Nga ra khỏi vấn đề Ukraine. Cuộc chiến ở Syria còn là sự leo thang nhắm vào Nga, đã tấn công thẳng vào căn cứ quân sự của Nga và buộc Nga phải đáp trả mạnh mẽ.
Thứ bảy, nhóm ủng hộ gieo mầm dân chủ của Hoa Kỳ cũng đã kích động cuộc biểu tình ở Georgia sau khi Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze quyết định đóng băng các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong 4 năm tới. Đã xảy ra đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình, lan rộng ra nhiều thành phố và thị trấn khác trên khắp Georgia, nguy cơ trở thành cuộc Cách mạng màu tại đây. Nga đã chính thức cáo buộc phương Tây kích động cuộc Cách mạng lan rộng này với mục đích chống Nga, thậm chí dẫn tới đảo chính như đã từng ở Ukraine. Đội quân vũ trang của Georgia đang ở Ukraine có dấu hiệu đã trở về và có thể xẩy ra bạo lực vũ trang nghiêm trọng.
Tóm lại, tất cả những động thái nói trên ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Biden đều nhắm tới mục đích đẩy chiến tranh leo thang, kéo dài chiến tranh và tiếp tục làm suy yếu Nga. Đây là nỗ lực xuyên suốt mà chính quyền Biden chưa bao giờ ngừng lại. Song song với đó, mọi nỗ lực leo thang căng thẳng khắp nơi để chống Nga góp phần phá vỡ kế hoạch hoà bình của Trump. Biden cũng tính toán những leo thang này sẽ tạo thế mạnh hơn cho Mỹ nếu buộc phải tiến tới đàm phán. Gây nhiều thiệt hại cho Nga để ép Nga phải mặc cả nhiều thoả hiệp có lợi hơn cho Mỹ và Ukraine. Nga đã tỉnh táo phản ứng ở mức độ kiềm chế, chỉ phóng tên lửa siêu vượt âm tầm trung vào Ukraine nhưng không mang đầu đạn để cảnh cáo những bước đi quá đà của Mỹ và NATO.
Sự kiềm chế của Nga giúp chiến tranh không leo thang tới mức sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, cục diện của trật tự thế giới nói chung và cuộc chiến Ukraine nói riêng tới đâu còn tuỳ thuộc vào kế hoạch hoà đàm của chính quyền Trump sắp tới và sự chấp thuận của Nga. Tình hình thế giới vì thế dự báo sẽ còn nhiều biến đổi và bất ổn, tuỳ thuộc hoàn toàn vào những tính toán và mặc cả của các cường quốc.■